Thursday, October 30, 2008

Khong the khu tru

Không thể khu trú để tránh bão

Nguyễn Vạn Phú

Hiện nay tình hình kinh tế thế giới đang chuyển biến từng ngày, từng giờ. Không chỉ là tin tức lên xuống thất thường của các chỉ số chứng khoán mà còn là giá cả hàng hóa biến động, tỷ giá thay đổi, sức mua tăng giảm…

Hơn ai hết doanh nghiệp là nơi tiếp nhận, xử lý thông tin và liên tục tìm cách ứng phó. Giả định một nhà nhập khẩu nếu chọn nhập hàng từ Nhật Bản sẽ phải mua hàng với giá cao hơn trước nhiều vì đồng yên đang lên giá; còn nếu quay sang nhập từ Hàn Quốc, khả năng mua được hàng với giá rẻ do đồng won đang tụt dốc không phanh, chắc hẳn họ phải cân nhắc, suy tính và liên tục dọ hỏi, tìm nguồn hàng mới. Một nhà xuất khẩu khác, nhìn thấy dấu hiệu thắt lưng buộc bụng ở người tiêu dùng các nước đang bị khủng hoảng, bèn thay đổi dòng hàng, chọn loại hàng mà sức cầu ít chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế nhất, loại ra các dòng hàng thuộc loại xa xỉ… Ban điều hành các doanh nghiệp lớn đang cật lực tìm lời giải tối ưu để đối phó với giai đoạn khó khăn này.

Thế nhưng, những định hướng lớn như thế từ các bộ, ngành ở cấp quốc gia hầu như đang thiếu vắng. Thay vào đó là những thông tin mang tính trấn an dễ dẫn đến sự chủ quan rất nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay. Thay vì khẳng định tỷ giá tiền đồng sẽ ổn định ở một mức nào đó, tại sao không nhìn rộng ra các nước trong khu vực để thấy hầu như đồng tiền của nước nào cũng đang sụt giá so với đô-la Mỹ. Dù xu hướng này là ngắn hạn hay dài hạn, cũng phải có những chiến lược phòng tránh rủi ro: làm sao hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể cạnh tranh nổi khi hàng của nước khác giảm giá đến 20%-30%; nên định hướng như thế nào để hạn chế nhập khẩu nhằm tiết kiệm ngoại tệ đang rất cần để ổn định kinh tế; hỗ trợ các nhà xuất khẩu như thế nào khi các kênh thanh toán quốc tế đang biến động, người mua vẫn có nhưng hàng không bán được vì ngân hàng bên mua không thể mở tín dụng thư…

Ở góc độ đầu tư, chẳng hạn, cũng có vô số thông tin mới cần xử lý và thông báo cho các địa phương hay đối tác trong nước để chủ động ứng xử. Đầu tư vào địa ốc với những dự án hàng tỷ đô-la chắc chắn sẽ không thể triển khai như đăng ký vì hiện nay cả thế giới đang thiếu vốn lưu động, nhất là những nước như Hàn Quốc. Các địa phương phải vạch ra nhiều phương án để tránh cảnh dồn sức giải tỏa dân rồi phải nhìn dự án đóng băng như những năm cuối thập niên 1990. Chúng ta thường nói phải sản xuất cái gì thế giới cần chứ không phải cái gì chúng ta đang có. Thế nhưng nhu cầu của thế giới đang thay đổi – liệu chúng ta đã biết rõ, đã nghiên cứu kỹ nhu cầu ngắn hạn và trung hạn của thế giới hay chưa. Có rất nhiều lãnh vực cần nghiên cứu như thế, từ du lịch đến nông sản, từ lương thực, thực phẩm đến quản lý dòng vốn tài chính… Ngay cả những động thái mới như Singapore vừa ký Hiệp định Thương mại Tự do với Trung Quốc cũng cần được phân tích để thấy cơ hội hay thách thức mới, trực tiếp hay gián tiếp, từ hiệp định này.

Mỉa mai thay, trong bối cảnh đó có bộ lại lao vào những chuyện không đâu vào đâu như Bộ Y tế với các quy định thiếu căn cứ khoa học về chuyện tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng, vòng ngực… trong cấp phép lái xe. Theo dõi nhưng có biện pháp ứng phó chưa cũng là một yêu cầu cấp bách chưa được đáp ứng như quản lý giá xăng dầu, giá thuốc, xuất khẩu khoáng sản…

Wednesday, October 15, 2008

Khong the lam suy yeu bao chi

Không thể làm suy yếu báo chí

Một trong những mục tiêu được xác định rõ của Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là công cụ để đạt được những mục tiêu khác. Để có một xã hội công bằng, chính quyền sẽ phải thiết kế các chính sách sao cho đem lại cơ hội công bằng cho mọi người. Nhưng người lãnh đạo chính quyền không thể bao quát hết toàn bộ bộ máy của mình để bảo đảm họ đang làm đúng các chính sách đó. Vì thế, báo chí, ở bất kỳ nước nào, bên cạnh nhiều chức năng khác, cũng được xem là “công cụ” giúp Nhà nước hiểu được chuyện gì đang xảy ra trên đất nước mình, công chức của mình đang làm tốt chức trách được giao hay không, người dân có thật sự hưởng lợi từ chính sách không, chính sách có thật sự được thiết kế tốt chưa…

Chỉ nói riêng góc cạnh gián tiếp giúp chính quyền giám sát bộ máy thừa hành, báo chí là phương tiện không thể thiếu vì báo chí là tai mắt và là miệng của người dân, rất cần cho nhà lãnh đạo muốn lắng nghe những diễn biến xã hội đang sôi động và biến chuyển từng ngày. Không ai làm yếu đi một công cụ quan trọng như thế. Và chính chức năng này buộc những viên chức làm sai phải nhìn trước ngó sau, buộc các quan tham chùn tay, buộc các cường hào bớt đi sự nhũng nhiễu.

Trong năm nay, làng báo Việt Nam gặp nhiều sự cố, như vụ xét xử hai nhà báo trong tuần này. Nhưng bản thân từng vụ việc, xét trên bình diện chung, không quan trọng bằng chuyện làng báo Việt Nam liệu có bị nhụt đi, không làm được chức năng nói trên. Và dĩ nhiên, khi làng báo thụt lùi, các con sâu trong bộ máy hành chính, kể cả các con sâu ở bên ngoài dựa vào thế lực của bộ máy hành chính, sẽ lấn tới. Chuyện hành hung, nhục mạ nhà báo, chuyện đòi can thiệp đăng hay không đăng tin này, tin kia của một số địa phương, ngành hay tổng công ty là hậu quả hiển nhiên.

Đến đây, một câu hỏi không thể không đặt ra là lấy gì bảo đảm báo chí làm đúng chức năng của mình, từng nhà báo tự nguyện làm người quan sát vô tư cho xã hội hay chính họ cũng tham gia vào việc làm nhiễu quá trình giám sát của xã hội.

Thực tế cho thấy đây là mối quan tâm xác đáng, nhưng thực tế cũng cho thấy nhiều biện pháp giải quyết rất hữu hiệu để phòng ngừa sự lạm dụng như thế. Đó là hệ thống pháp luật dân sự buộc người viết báo phải chịu trách nhiệm cho những thông tin mình đưa ra. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các báo để cuối cùng thông tin trung thực, khách quan nhất sẽ vượt thắng. Đó là sự giám sát giữa các báo với nhau bởi đạo đức nghề nghiệp, những biện pháp kiểm chứng nguồn tin...

Nhà báo cũng là công dân như bất kỳ người nào khác nhưng khi xét đoán hành vi của họ, cần tách bạch vai trò họ gánh vác khi hành nghề, là đại diện cho tai mắt miệng của người dân, là đại diện cho mong muốn giám sát bộ máy của lãnh đạo chính quyền. Nếu hành xử cách nào đó, để xã hội hiểu sai hay giới quan chức hư hỏng hiểu sai sẽ làm suy yếu làng báo, một điều nguy hại cho xã hội mà không ai muốn xảy ra. Lúc đó quá trình xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam sẽ bị thụt lùi khó lòng vực lại.

Nguyễn

Monday, October 13, 2008

Giai Nobel Kinh te 2008

Giải Nobel Kinh tế 2008: Quay về thế giới thật

Nguyễn Vạn Phú

Tin Paul Krugman, giáo sư kinh tế đại học Princeton nhưng được biết đến nhiều hơn trong vai trò là cây bút bình luận kinh tế sắc sảo của tờ New York Times, được chọn trao giải Nobel Kinh tế năm nay có lẽ vừa gây ngạc nhiên vừa là một chọn lựa hoàn toàn hợp lý. Ngạc nhiên là vì trước đó, trong hàng loạt nhân vật có khả năng đoạt giải năm nay, thấy không ai, hay đúng hơn là ít ai nhắc đến tên Krugman. Còn hợp lý chính là do bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Trước hết xin nhắc lại hai trường phái kinh tế đối chọi nhau: Trường phái Keynes, xuất hiện sau cuộc đại suy thoái vào thập niên 1930, cho rằng “không thể trông đợi vào thị trường tự do để cung cấp đầy đủ việc làm, từ đó tạo ra cơ sở mới cho sự can thiệp sâu rộng hơn của chính phủ vào nền kinh tế”*. Trước đó lý thuyết kinh tế học cổ điển cứ khăng khăng “tuyên bố rằng lời giải cho hầu hết các vấn đề là cứ để mặc mọi việc dưới các tác động của cung cầu”*. Ngược lại, trường phái trọng tiền mà người cổ xúy mạnh mẽ nhất là Milton Friedman chủ trương để mặc thị trường tự lo liệu, nhà nước càng ít can thiệp càng tốt.

Trong bài viết dài giới thiệu Milton Friedman (các câu trong ngoặc ở trên là được trích từ bài này), mặc dù Paul Krugman đánh giá rất cao những đóng góp của Friedman, ông đã thẳng thắn phê phán chủ nghĩa độc tôn thị trường tự do. Ông viết: “Rất khó khăn để tìm ra những trường hợp mà Friedman thừa nhận khả năng thị trường có thể sai lầm, hay sự can thiệp của chính phủ có thể phục vụ mục đích có ích”. Ngay ở bài này Krugman, một nhà kinh tế được cho là theo trường phái Tân-Keynes đã viết: “Các nước đang phát triển đua nhau mở cửa thị trường vốn, bất chấp cảnh báo rằng điều này có thể đặt họ vào tình trạng khủng hoảng tài chính; rồi khi khủng hoảng nổ ra, nhiều nhà quan sát đổ lỗi cho chính phủ của các nước này, chứ không phải cho sự thiếu ổn định của dòng vốn quốc tế.”

Câu kết của bài viết nói trên nhận định: “Khi Friedman bắt đầu sự nghiệp của mình như một trí thức công, thời gian đã chín muốn cho một cuộc cải cách ngược chống lại chủ nghĩa Keynes và tất cả những gì đi cùng nó. Nhưng, tôi cho rằng điều thế giới đang cần là một cuộc cải cách chống lại cuộc cải cách ngược ấy.” Có lẽ Krugman không ngờ điều ông viết đã diễn ra nhanh hơn – rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đang trông chờ một lý thuyết kinh tế mới và có lẽ những người như Krugman đã và đang khởi xướng cho một công cuộc tìm kiếm như thế.

Trở lại với giải Nobel Kinh tế năm nay (trị giá 1,4 triệu đô-la), chính thức mà nói Paul Krugman được giải là do các công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa kinh tế. Trước ông, người ta thường lý giải vì sao nước này nhập khẩu hàng này và nhập khẩu hàng khác theo các lý thuyết đã định hình từ lâu như lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo nhưng thực tế cho thấy chúng bất lực trong nhiều trường hợp. Năm 1979, Paul Krugman đề xuất một mô hình mới giải thích tốt hơn các xu hướng thương mại và các công trình sau đó của ông ứng dụng mô hình này để giải thích các vấn đề liên quan đến địa kinh tế - hay nói đơn giản nhất – là để trả lời câu hỏi hàng hóa gì được sản xuất ở đâu.

Ví dụ dùng lý thuyết lợi thế so sánh, người ta không thể giải thích vì sao Thụy Điển vừa xuất khẩu xe hơi vừa nhập khẩu xe hơi. Với một bài dài chỉ 10 trang, Krugman khái quát hóa mô hình thương mại nội ngành với giả định quy mô sản xuất lớn sẽ làm giảm giá thành đơn vị hàng hóa được sản xuất. Ngày nay chúng ta không thấy lạ gì chuyện Việt Nam xuất khẩu máy in (của Cannon) và nhập khẩu máy in (của các hãng khác, như HP chẳng hạn) nhưng vào lúc đó, từ những manh nha ban đầu để xây dựng một lý thuyết chặt chẽ là một thành tựu đáng kể. Lý thuyết của Krugman còn dựa vào giả định rằng người tiêu dùng thích sự đa dạng, cho nên người Việt Nam cũng có thể nhập gạo Thái Lan hay cũng chuyện kem đánh răng mà có đến hàng chục nhãn hiệu là chuyện bình thường. Như vậy thương mại giữa hai nước không chỉ nhắm đến các sản phẩm khác nhau mà còn bao gồm các sản phẩm giống nhau về chức năng nữa. Sau này Krugman phát triển lý thuyết của ông thêm một bước nữa để bao quát mối quan hệ giữa quy mô kinh tế và chi phí vận tải tác động như thế nào đến quá trình tập trung hay phân tán các cộng đồng dân cư. Ông đã xuất bản 20 cuốn sách, hơn 200 công trình nghiên cứu. Năm 1991 ông được Hội Kinh tế Hoa Kỳ tặng huy chương John Bates Clark cho nhà kinh tế dưới 40 tuổi có đóng góp lớn cho kiến thức kinh tế.

Nhưng nói gì thì nói, nhắc đến Paul Krugman, nhiều người sẽ nhớ đến các bài bình luận ngắn gọn, dễ hiểu và sắc bén mà ông viết cho tờ New York Times từ năm 1999. Trong những bài gần đây, ông phê phán gay gắt chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ hiện thời cũng như những nỗ lực giải cứu thị trường đầy lúng túng ban đầu. Những bài viết này hoàn toàn không dùng các khái niệm kinh tế đao to búa lớn mà lại rất thời sự, đi sát bình luận, nhận định những diễn biến ngay trước đó nên rất hữu ích cho những ai muốn có cái nhìn tỉnh táo về tình hình kinh tế hiện nay. Có lẽ chúng ta sẽ còn nghe nhắc nhiều đến tên tuổi của Paul Krugman trong thời gian tới.

Saturday, October 11, 2008

Thuc va Ao

Thực và ảo

Nguyễn Vạn Phú

Thử hình dung hai thế giới, một bên là những công nhân kiên trì cho ra đời các sản phẩm như xe hơi, máy điện thoại di động, là thợ xây dựng nhẫn nại xây nhà, các cô đổ mồ hôi may quần áo – toàn là những sản phẩm cụ thể, có thể sờ mó được. Thế giới bên kia gồm những nhà buôn bán cũng đủ loại sản phẩm nhưng không có mặt mũi, được đặt những cái tên rất kêu nhưng rất xa lạ - những sản phẩm “phái sinh”! Xây nhà thì phải có tiền mới xây được, nên mới có chuyện vay tiền. Từ cái hợp đồng vay ấy, người ta cho sinh ra đủ loại giấy tờ, gán cho chúng một giá trị dựa trên cái nhà trong thế giới thật, chỉ có điều trong thế giới ảo, trị giá của các loại giấy tờ được bơm phồng nhiều lần, được mua qua bán lại như chong chóng, thậm chí được bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm ấy lại được mua bán tiếp. Nay cái thế giới ảo ấy đang gặp vấn đề - đầu tiên là ở Mỹ và có khả năng lan rộng ra các nước khác.

Nhiều người lập luận, sao không thể tách bạch hai thế giới ấy ra, sản phẩm vật chất đủ để nuôi sống nhân loại; còn chuyện tài chính, chứng khoán phức tạp, cứ để cho chúng tự xoay xở với nhau. Sự đời không đơn giản vì chính cái thế giới ảo đang cung ứng tiền cho thế giới thật hoạt động, nó vừa là chủ nợ vừa là khách hàng kích thích sản xuất kinh doanh. Một anh chàng làm ở một tập đoàn tài chính, giỏi “đánh bạc”, biết liều lĩnh nên thắng đậm trong một thương vụ mua bán chứng khoán cho công ty và được thưởng một khoản tiền hậu hĩnh. Anh này có tiền mới mua được xe, mua nhà, đổi điện thoại di động và sắm quần áo. Sản phẩm vật chất tăng lên, giá trị các chứng khoán dựa trên nó cũng được mua bán sôi động, tiền lại đổ vào các dự án mở rộng sản xuất… cứ thế hai thế giới đan chéo vào nhau, không dễ dàng gì tách bạch chúng ra.

Vì thế, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện nay chắc chắn sẽ là tiền đề cho một cuộc cải tổ tận gốc rễ vai trò của hệ thống tài chính trong nền kinh tế, không thể để cho các nhà tài phiệt tiếp tục “đánh bạc” trên hoạt động của nền sản xuất kinh doanh một cách vô căn cứ như thời gian qua. Những điều chúng ta đọc được trên báo chí mấy tuần qua là sự rạn nứt (có nơi, có lúc là sự sụp đổ) của hệ thống ấy và những dấu hiệu ban đầu về một trật tự mới. Không còn loại ngân hàng đầu tư thuần túy, tức là chỉ hoạt động bên thế giới ảo; tạm thời không còn bán khống chứng khoán (ảo đến hai lần). Giữa năm nay chúng ta từng chứng kiến giá gạo thế giới tăng vọt chưa từng thấy, ấy là vì bên thế giới ảo thò tay qua định “đánh cược” nhau dựa trên giá gạo của thế giới thật. Bị phản đối kịch liệt, giới đầu cơ bên thế giới kia rụt tay lui và giá gạo trở về bình thường. Giá vàng, giá dầu hiện nay cũng vậy thôi.

Chưa thể nào hình dung quan hệ tài chính mới sẽ như thế nào nhưng có thể thấy nhiệm vụ điều hành nền kinh tế nước ta trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Không những chỉ phải hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, Việt Nam còn phải lường trước mô hình quản lý hoạt động tài chính để có những ứng xử cho thích hợp.

Dễ thấy nhất là nên khuyến khích hết cỡ cho những hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính “thật” như một dự án sản xuất linh kiện cho một sản phẩm được phân phối toàn cầu và hạn chế triệt để các loại hình “dịch vụ” của thế giới ảo đang trải qua những biến động chưa ai lường hết hậu quả. Nhưng cũng như đã nói ở trên, hai thế giới này đang quyện chặt vào nhau nên thật khó tách bạch – một dự án địa ốc khổng lồ vừa được cấp phép biết đâu là sản phẩm nền cho những canh bạc của thế giới ảo tận đâu đâu. Biết đâu, canh bạc đã tàn nên giờ đây dự án sẽ chết theo, mãi mãi không triển khai được. Với lại, cái hấp lực của thế giới ảo nó lớn lắm, gặp hên, tiền đẻ ra tiền như trong truyện cổ tích; tiền bôi trơn cũng nhiều hơn và các con số cũng ấn tượng hơn. Cái thế giới thật còn bị nhiều vấn nạn như ô nhiễm môi trường, như đình công, như tắc nghẽn hạ tầng…

Dù sao các đợt sóng xô đẩy con tàu kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm là một loại tập dượt đem lại những trải nghiệm quý báu để chúng ta tìm con đường đúng đắn nhất trong thế giới nhiều biến động hiện nay.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...