Dõi theo nợ
xấu
Từ khi Chủ nhiệm Văn phòng Chính
phủ Vũ Đức Đam cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ vào cuối tháng 2 rằng Ngân
hàng Nhà nước báo cáo nợ xấu đã giảm từ 8,6% xuống còn 6%, Thời báo Kinh tế Sài Gòn liên tục có những bài viết nhằm làm sáng
tỏ vấn đề này.
Đầu tiên là bài “Nợ
xấu đã giảm 80.000 tỷ đồng, liệu có đúng?” của Hồ Bá Tình trên số báo
ra ngày 7-3. Tác giả đã cất công đọc báo cáo tài chính của bảy ngân hàng đang
niêm yết trên thị trường chứng khoán, thêm BIDV sắp niêm yết nữa là tám để kết
luận nợ xấu của các ngân hàng này,
chiếm hơn 50% tổng dư nợ của nền kinh tế, đang
tăng chứ không giảm.
Sau đó, trên số báo ra ngày
14-3, Hồ Bá Tình tiếp tục có bài “Tăng trích lập dự phòng đột biết, vì sao?”
cho biết vốn tự có của hệ thống ngân hàng giảm 3,79%, tương đương với giảm
15.487 tỷ đồng. Vốn tự nhiên giảm như thế chỉ có thể lý giải vì ngân hàng tăng
trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu (trích hết lãi thì phải ăn vào vốn). Tính toán
của bài báo cho thấy nợ xấu tháng 1 có
thể tăng đến 33.000 tỷ đồng.
Cũng trên số báo này có bài “Tin
mừng: sáng mở mắt thấy nợ xấu giảm?” của Vũ Quang Việt. Tác giả lập
luận việc giảm nợ xấu là khó lòng xảy ra
vì tình hình thực tế không cho thấy doanh nghiệp làm ăn khá lên nên trả được nợ
xấu, Nhà nước cũng chưa mua lại nợ xấu hay ngân hàng tự xóa nợ xấu cho doanh
nghiệp.
Quan trọng hơn anh Vũ Quang Việt
nhấn mạnh dự phòng rủi ro (là con số âm) chính là sự phản ánh mức độ nợ xấu –
cho nên dự phòng rủi ro tăng thì nợ xấu
tăng chứ không phải giảm. Bài báo đặt vấn đề, có chăng chuyện giảm nợ xấu là do đảo nợ - một thủ thuật
kế toán không được chấp nhận ở nhiều nước?
Đến số báo ra ngày 21-3, Huỳnh
Thế Du có bài “Bung xung nợ xấu” dùng tài liệu của chính NHNN để khẳng định nợ xấu dù có được xử lý bằng dự phòng
rủi ro và đưa ra ngoại bảng vẫn là nợ xấu.
Từ đó tác giả yêu cầu NHNN giải thích rõ ràng hơn về chuyện nợ xấu giảm.
…
Và tuần này TBKTSG có bài “Sự
thật nợ xấu giảm” của Hải Lý, cho biết nợ xấu giảm là do… cơ cấu lại nợ. Bài báo viết: “Nợ được phân thành
năm nhóm và từ nhóm ba đến nhóm năm mới bị coi là nợ xấu. Nhờ tái cơ cấu, thí
dụ nợ nhóm ba được đẩy lên nhóm một, nhóm bốn đẩy lên nhóm hai… nên nợ xấu giảm
rõ rệt”. Con số nợ được “cơ cấu lại” theo kiểu này, mà thực chất là đảo nợ, lên
đến 260.000 tỷ đồng!
Từ đó có thể suy ra con số nợ xấu thật của Việt Nam . “Đã cơ cấu
rồi mà nó vẫn còn 6%. Lấy tổng dư nợ của toàn hệ thống cuối năm ngoái là 2,984
triệu tỉ đồng, thì 6% còn lại tương đương 179.000 tỉ đồng. Cộng với 260.000 tỉ
đồng, trong trường hợp không cơ cấu lại, nợ xấu nhảy vọt 439.000 tỉ đồng, xấp
xỉ 14,7% dư nợ. Đây mới là sự thật của nợ xấu!”
Con số 439.000 tỷ đồng nợ xấu có
vẻ gần với con số 400.000 mà Thủ tướng nói ra tại một cuộc họp tại TPHCM vào
cuối năm ngoái.
Mời mọi người đón đọc bài này và
nhiều bài hấp dẫn khác trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn phát hành
sáng thứ Năm, 28-3. Loại bài này không đưa lên mạng nên phải mua báo in thôi.