Cách tiếp cận
mới
Chỉ cần trích hai điều
từ bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, sẽ thấy ngay có nhiều chuyện đáng bàn mà chưa
thấy ai bàn (về mối tương quan giữa hai điều này):
-
Chủ tịch nước có
những nhiệm vụ và quyền hạn [sau đây]:… Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân
dân… (trích điều 93).
-
Lực lượng vũ
trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc
và nhân dân… (trích điều 70).
Nhưng… bàn như thế là
rơi vào cách làm cũ; cần một cách tiếp cận mới để giải quyết rốt ráo mọi vấn đề
mà việc sửa đổi Hiến pháp đặt ra.
Mọi góp ý cho dự thảo sửa đổi
Hiến pháp, cho dù chỉ nhắm vào một chi tiết nào đó, cũng cần được trân trọng
như nhau. Tuy nhiên, nếu chỉ góp ý dựa vào câu chữ của bản dự thảo rồi thêm từ
này bớt từ kia; Hội Thanh niên thì đề nghị nói thêm về thanh niên, Hội Nông dân
đòi hỏi phải có điều khoản về nông dân thì hiệu quả góp ý sẽ không cao. Thực tế
các đợt góp ý vừa qua được tiến hành theo cách đó – tức đối chiếu bản dự thảo với
Hiến pháp hiện hành rồi nêu lên những điểm mà người góp ý cho là tốt hay chưa
tốt, đồng tình hay chưa đồng tình. Ví dụ cuối tuần trước nhiều ý kiến trong Đoàn
Luật sư TPHCM tỏ vẻ không đồng tình khi dự thảo bỏ điều 132 về luật sư.
Một cách tiếp cận khác, mang
tính khái quát hơn, là xuất phát từ những vấn đề lớn mà đất nước
phải đối diện để nêu lên giải pháp, đồng thời nói rõ giải pháp đó cần sửa đổi
những điều khoản trong Hiến pháp như thế nào để mang tính khả thi cao nhất và
thúc đẩy quá trình cải cách nhanh nhất.
Chẳng hạn, trước đây không lâu, rất
nhiều ý kiến đề nghị bỏ Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường để bộ máy
chính quyền địa phương được gọn nhẹ, tiến tới chỗ người dân trực tiếp bầu chủ
tịch phường hay chủ tịch xã để phát huy dân chủ cơ sở. Nhưng do Hiến pháp 1992
quy định “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu” (Điều 123) nên nếu bỏ Hội
đồng nhân dân thì ai lập ra Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, phường; để dân bầu
hay cấp trên cử thì e rằng vi hiến. Bởi vậy nên cuối cùng Quốc hội phải ra nghị
quyết cho làm thí điểm vào năm 2008 cho đến nay.
Nay lẽ ra nhân việc sửa đổi Hiến
pháp lần này, phải bàn rốt ráo: chúng ta muốn cải cách bộ máy hành chính ở địa
phương theo hướng nào, cần làm gì để có sự thông suốt giữa chính quyền trung
ương và chính quyền địa phương, làm sao để chính quyền cấp cơ sở do dân bầu ra nhưng
vẫn chịu sự điều hành của chính quyền cấp trên thì bộ máy mới chạy đều. Tất cả
những điều này đòi hỏi phải chỉnh sửa Hiến pháp một cách căn cơ với sự thiết kế
cho những mục đích cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở câu chữ (Dự thảo Hiến pháp
lần này đã bỏ câu “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu”, chỉ giữ lại ý “Ủy
ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà
nước ở địa phương”).
Những vấn đề như vậy có nhiều
lắm.
Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải
thường than “trên bảo dưới không nghe” – vậy Hiến pháp phải sửa thế nào để
“trên nói dưới nghe lời răm rắp”, tức tạo ra cơ chế bổ nhiệm và cách chức trực
tiếp. Có nên quy định Thủ tướng có quyền bổ nhiệm hay cách chức các bộ trưởng
không cần sự phê chuẩn của Quốc hội, chẳng hạn.
Cho đến nay hầu như ai cũng đồng
ý khu vực doanh nghiệp nhà nước, do cơ chế quản lý lỏng lẻo, đã gây ra không
biết bao nhiêu là thất thoát tài sản nhà nước, lãng phí tài nguyên, hoạt động
kém hiệu quả trong khi hút hết nguồn vốn của xã hội. Do vậy dự thảo lần này đã
không còn hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nữa, là một sự tiến bộ
đáng hoan nghênh. Thế mà vẫn có những ý kiến đòi phải ghi trở lại điều này
trong khi không nêu được lý do tại sao.
Tương tự, hầu như ai cũng thấy
sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” trong bộ máy chính quyền dẫn tới những
tệ nạn như tham nhũng, bè phái và nguy hiểm nhất là sự hình thành những nhóm
lợi ích tác động lên chính sách theo hướng có lợi cho một nhóm nhỏ nào đó mà
thôi đang là trở lực lớn cho sự phát triển của đất nước. Lẽ ra làm sao để ngăn
chận hiện tượng này phải là mối quan tâm lớn khi sửa đổi Hiến pháp, tức phải
xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực để không ai có thể lạm quyền, không ai
có điều kiện tham nhũng dễ dàng mà không sợ bị phát hiện, trong đó sự tham gia
của người dân và vai trò của báo chí phải được nhấn mạnh.
Mặc dù đã có bản so sánh giữa
Hiến pháp 1992 với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mặc dù cũng đã có tờ thuyết
minh về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, chưa thấy có bài viết nào từ các nguồn chính
thống – tức từ Ủy ban dự thảo hay Ban biên tập dự thảo nêu rõ những điểm chính
được sửa đổi là gì, vì sao phải sửa, ý nghĩa khi được sửa đổi là gì, tác động
như thế nào đến việc “đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị”. Việc đổi mới
chính trị được thể hiện như thế nào trong dự thảo để đồng bộ với đổi mới kinh
tế trong hơn 20 năm qua?
Thay vào đó cụm từ “tiếp tục
khẳng định”, tức nội dung dự thảo được giữ nguyên như cũ lại thấy xuất hiện
nhiều nhất trong tờ thuyết minh.
Thiết nghĩ, việc đầu tiên phải
làm trước khi mời người dân góp ý là phải nói rõ, dự thảo lần này sửa những
điểm gì là chính yếu, hướng thảo luận về những điểm này là như thế nào, những
lập luận tranh cãi chung quanh những điều đó ra sao, quan điểm của Ủy ban như
thế nào. Không làm được điều đó thì không loại trừ sẽ có rất nhiều góp ý chỉ
nêu chuyện dấu chấm, dấu phẩy mà thôi.