Giải pháp nào
cho chuyện đạt chuẩn?
Như tôi đã nói trong entry trước, chuẩn hóa giáo viên là bước
đi đúng đắn vì không thể nào hy vọng học sinh giỏi lên theo đề án nếu giáo viên
vẫn còn yếu kém. Chuyện giáo viên không nói được tiếng Anh với người nước ngoài
hay thầy cô giáo phát âm sai, dạy sai là không thể chấp nhận. Chỉ có 2% đến 3%
thi đạt chuẩn là chuyện lớn, có khả năng làm thất bại một đề án. Vấn đề còn lại
là tiến hành việc chuẩn hóa như thế nào.
Trước tiên, cần khẳng định không
hề có cái giấy nào chứng nhận người học tiếng Anh đạt các cấp độ trong chuẩn
châu Âu CEFR như B1, B2, C1. Cho nên một trường đại học nào đó tổ chức thi rồi
tuyên bố bao nhiêu người thi đạt chuẩn là chuyện tầm phào. Cái này đang bị lợi
dụng để làm tiền mà tôi sẽ nói ở phía dưới.
Chỉ có thể công nhận đạt chuẩn
B1, B2, C1… bằng cách sử dụng các hệ thống kiểm tra hiện có rồi phiên ngang xem
thử đạt mức nào thì đến cấp độ nào. Ví dụ nếu dùng cách kiểm tra IELTS thông
dụng thì 4.0 đến dưới 5.0 tương đương B1; 5.0 đến 6.5 tương đương B2; 7.0 đến
dưới 8.0 tương đương C1; 8.0 đến 9.0 tương đương C2 (thông tin trên trang web của Cambridge English).
Vì vậy trước tiên Bộ Giáo dục
& Đào tạo phải ra thông tư nói rõ có thể dùng các hệ thống kiểm tra này để
công nhận đạt chuẩn. Có thể lấy các chương trình thông dụng hiện nay như IELTS,
TOEFL, Cambridge Exam, thậm chí TOEIC để thi. Thông tư nói rõ với từng loại thì
yêu cầu như thế nào.
Sau đó thông báo rộng rãi cho
giáo viên rằng tôi cho anh chị 3 tháng hay 6 tháng ôn tập, xong rồi tự chọn một
trong các hệ thống kiểm tra nói trên để thi, trong thời gian ôn tập, có thể
phát phiếu học miễn phí cho giáo viên, giáo viên lấy phiếu để học ở bất kỳ
trung tâm ngoại ngữ hay trường đại học nào mình chọn với điều kiện nơi này
không được tổ chức thi.
Để tránh chuyện cạnh tranh không
lành mạnh, Bộ phải yêu cầu các nơi muốn dạy giáo viên để lấy phiếu (tức nhận
tiền từ Bộ) phải tổ chức đấu thầu theo các tiêu chí do Bộ đề ra, nơi nào đạt
mới được dạy. Còn cho phép các trường đại học và một số trung tâm soạn ra chuẩn
của họ, đề thi của họ và tuyên bố thế này thế kia là đạt chuẩn là một sai lầm.
Hiện nay cả nước chỉ có khoảng 8 trường đại học được Bộ
công nhận cho phép đào tạo và cấp chứng chỉ. Vì vừa được tổ chức dạy vừa tổ
chức thi nên học phí rất lung tung. Ví dụ một nơi lấy 3,5 triệu/học viên, dạy trong
3 tháng, 150 giờ. Nhưng một nơi khác lại lấy đến 8,5 triệu/học viên, cũng gọi
là dạy chừng ấy giờ nhưng thực chất chỉ 3 tuần học 6 tối rồi các giảng viên bay
vào ôn và cho thi, hầu như ai cũng đạt! Ở miền Trung thì các trường đại học
ngoại ngữ cứ soạn đề không theo chuẩn mực nào cả, lấy đề thi IELTS một chút,
TOEFL một chút, First Certificate một chút rồi kiểm tra. Làm vậy là sai phương
pháp rồi.
Chuyện thi phải nghiêm túc và vì
các hệ thống kiểm tra đa phần là của nước ngoài nên cứ để nước ngoài tổ chức,
không để tình trạng vừa dạy vừa kiểm tra. Đã làm thì phải cương quyết, chứ cứ
cho các trường đại học dạy bồi dưỡng rồi tổ chức thi và công nhận đạt chuẩn thì
chẳng mấy chốc, tỷ lệ đạt chuẩn sẽ cao, mọi chuyện đâu vào đó nhưng thực chất
chất lượng giáo viên không thay đổi được gì.
Ngược lại cũng đừng thần tượng
hóa bất kỳ hệ thống kiểm tra nào, chẳng hạn cứ đòi Cambridge mới được. TOEIC coi bộ gần gũi với
người Việt Nam
hơn.
Để nước ngoài kiểm tra cũng hạn
chế chuyện tiết lộ kết quả thi. Hiện nay kết quả được giữ kín nhưng ở Việt Nam
cái gì cũng lộ ra. Tâm lý giáo viên bị ảnh hưởng là vì thế.
Và cuối cùng cũng phải nhấn
mạnh, chuẩn này chỉ mới là kỹ năng ngôn ngữ; để làm người thầy dạy học sinh, cần
phải có nhiều kỹ năng khác, nhất là kỹ năng sư phạm.
Chắc chắn không thể nào một sớm
một chiều nâng số giáo viên đạt chuẩn từ 2%-3% lên 50% chứ chưa cần nói 80-90%.
Vậy ai thi đạt chuẩn thì tốt rồi; ai chưa đạt cho phép học thêm một thời gian
nữa để thi lại nhưng lần này chỉ cấp phiếu miễn phí 50% - 50% còn lại họ phải
chịu nhưng ít nhất cũng đạt chuẩn thấp hơn một cấp. Tôi tin các thầy, cô có
lòng tự trọng ắt sẽ tự mình đối chiếu năng lực với chuẩn rồi tự ôn luyện để thi
cho đạt chứ không cần ai thúc đẩy. Cái họ đang cần là sự minh bạch và lộ trình
kèm với cách làm rõ ràng.
Cập nhật: Hai entries này được viết lại thành bài "Khi nhà giáo ôm cặp đi thi", đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần.
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/539351/khi-nha-giao-om-cap-di-thi.html