Tuesday, September 30, 2014

Hệ lụy từ một quy định

Hệ lụy từ một quy định

Có lẽ nhiều người ngoài ngành báo chí ít biết một quy định khá là khắc nghiệt đối với quảng cáo trên báo in. Đó là “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí” (Luật Quảng cáo 2012). Trước đó, mức diện tích này bị khống chế không vượt quá 10% (Pháp lệnh Quảng cáo 2001).

Thật ra quy định này có tính lịch sử của nó. Trước đây các tờ báo ngày chỉ có 4 hoặc 8 trang, lại là báo nhà nước bao cấp toàn bộ, giá bán báo cũng mang tính tượng trưng. Giả dụ không có quy định hạn chế, Nhà nước sợ họ dùng đến 50% số trang cho quảng cáo thì thiệt thòi cho bạn đọc, lãng phí ngân sách.

Nhưng thực tế báo chí đã tiến những bước rất xa so với thời đó – ngày nay hầu hết các tờ báo lớn đều tự chủ về tài chính, nguồn thu từ quảng cáo chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của các báo. Sự cạnh tranh giữa các báo in cũng rất khốc liệt, không báo nào dám coi thường người đọc vì làm thế độc giả bỏ đi thì quảng cáo cũng bỏ đi theo.

Thế nhưng luật vẫn là luật. Do quy định hạn chế 10-15% như trên, hầu hết các báo đều làm theo cách dồn hết quảng cáo vào một phụ trương quảng cáo (lúc đó thì không bị hạn chế tỷ lệ nữa) nhét cho nằm ở giữa tờ báo. Có những tờ, phần nội dung chỉ có 20 trang mà phần quảng cáo có thể lên đến vài chục trang.

Hệ lụy của cách làm đó là gì?

Đầu tiên, đa phần người đọc sẽ dứt phần quảng cáo ra, vất sang một bên và chỉ đọc phần nội dung mà thôi. Dĩ nhiên vẫn có người đọc kỹ, đọc say mê phần quảng cáo nhưng số này ít lắm. Với đa số bạn đọc, họ sẽ bỏ qua tập quảng cáo dày cộp này hay chỉ liếc nhanh rồi vất bỏ.

Như vậy hệ lụy đầu tiên là một sự lãng phí kinh khủng – tốn giấy, tốn mực mà hiệu quả lên người đọc không bao giờ đạt mức như báo chí nước ngoài.

Chỉ một thời gian ngắn, nhà quảng cáo nhận ra, các chiến dịch công phu từng thành công ở nước ngoài sẽ trở nên vô ích tại thị trường báo in Việt Nam. Các loại quảng cáo xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh, nâng nhận biết của người tiêu dùng xem như ngày càng ít đi. Thay vào đó là loại quảng cáo cung cấp thông tin, tức chữ ngày càng nhiều, hình ảnh ngày càng ít vì nhà quảng cáo hy vọng người ta sẽ “đọc” chứ không “xem” quảng cáo. Đến một lúc nào đó, nhà quảng cáo chuyển sang loại hình quảng cáo bằng bài viết (thường được gọi là bài PR) được viết y như một bài báo hòng thu hút người đọc.

Quan sát tập phụ trương quảng cáo của nhiều báo trong vòng chục năm trở lại đây sẽ thấy sự chuyển dịch của xu hướng này.

Từ đó nảy sinh thêm một hệ lụy nữa là loại bài thực chất là quảng cáo nhưng cố tình trình bày như bài viết ngày càng nhiều – nó có thể mang tiêu đề “thông tin doanh nghiệp”, “thông tin cần biết”... Sự sáng tạo trong quảng cáo báo in bị hạn chế, ngay cả những công ty quảng cáo chuyên nghiệp cũng phải chìu lòng khách hàng để chuyển sang loại quảng cáo chi chít là chữ mà họ biết rõ sẽ không ai thèm đọc cả.

Đến khi báo điện tử ra đời, dĩ nhiên không thể nào có chuyện hạn chế diện tích 10 - 15% như báo in – thế là xu hướng dịch chuyển quảng cáo từ báo giấy sang báo điện tử lại càng có động lực diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn bình thường.

Giả dụ không có quy định “Diện tích quảng cáo không được vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí” thì cứ thử hình dung điều gì sẽ xảy ra. Rất có thể lúc đó sẽ có những tờ báo ngày dày đến 100 trang, nửa trang trên là tin tức, nửa trang dưới là quảng cáo – y như báo in ở các nước khác. Bạn đọc sẽ đọc tin xong, trước khi lật sang trang khác sẽ nhìn lướt hay nhìn kỹ quảng cáo bên dưới (tùy vào tài nghệ của người thiết kế quảng cáo), doanh nghiệp có sản phẩm hay dịch vụ được quảng cáo đưa được thông điệp đến với người tiêu dùng... Sẽ không có ai chịu thiệt, ngược lại một sự cởi trói như thế biết đâu sẽ tiêm một luồng sinh khí mới vào làng báo in đang chịu nhiều biến động.

Hiện nay báo điện tử cạnh tranh thu hút người đọc bằng đủ cách, đủ chiêu trò vì số lượng người xem sẽ quyết định doanh thu quảng cáo của báo. Chẳng lạ gì xu hướng “lá cải hóa” đang diễn ra rất mạnh. Nếu báo in được tháo gỡ cái ràng buộc không đáng có này, biết đâu làng báo sẽ phát triển theo con đường lành mạnh hơn.

Cũng có lẽ ít người biết, ngày xưa Pháp lệnh Quảng cáo còn những ràng buộc phi lý hơn thế. Ví dụ đối với báo ngày mỗi đợt quảng cáo cho một sản phẩm không quá 5 ngày; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày. Nghĩa là lúc đó một doanh nghiệp vừa tung ra một sản phẩm mới, bèn thiết kế chương trình quảng cáo liên tục chừng 1 tháng trên báo -  không được. Một điều tưởng chừng hoàn toàn đơn giản cũng bị cấm theo luật. Lúc đó nhiều báo từng đau đầu vì phải từ chối các hợp đồng như thế và phải thuyết phục khách hàng, thôi cứ quảng cáo 5 số, nghỉ 5 số rồi làm tiếp!

Thiết nghĩ, quy định như thế đã bỏ được thì quy định hạn chế diện tích quảng cáo trên báo in cũng có thể bỏ được, biết đâu sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, bất ngờ. Dù sao, các quy định mang tính can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của báo chí trước sau gì cũng nên bỏ.




Liệu có cấm được không?

Đối với báo điện tử, Luật Quảng cáo có quy định “Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin”. Phần lớn các báo điện tử đều tuân thủ quy định này nên các ô quảng cáo đều đặt cho nằm trên, nằm dưới hay nằm một bên tin.

Vấn đề muốn nói là các quảng cáo này, bởi được thiết kế theo dạng dựa vào nội dung tin để hiển thị quảng cáo phù hợp nên dù muốn dù không nó cũng có mối quan hệ rất chặt chẽ với nội dung tin. Ví dụ tin đang viết về du học, bên hông tin sẽ xuất hiện quảng cáo của một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn du học; tin viết về hoạt động của ngân hàng, cả trên lẫn dưới tin sẽ xuất hiện quảng cáo của một ngân hàng nào đó.

Cái này là xu hướng không thể tránh được. Điều đáng nói là trong bối cảnh báo lá cải sinh sôi nảy nở, dùng nhiều từ “nhạy cảm” thì loại quảng cáo cho các sản phẩm nhạy cảm xuất hiện thường xuyên, khắp nơi là chuyện cũng không tránh đi đâu được cả. Cứ nhìn vào trang báo điện tử, thấy toàn quảng cáo cho các sản phẩm “khó nói” thì bộ mặt báo chí điện tử trông cũng khó coi thật.



Monday, September 29, 2014

Tự dưng buộc khó vào người

Tự dưng buộc khó vào người 

Có lẽ với người không ở trong ngành báo chí, chẳng ai bận tâm phân biệt “báo điện tử” và “trang thông tin điện tử tổng hợp” làm gì cho phức tạp. Họ chỉ cần biết một trang web cung cấp thông tin, nếu hữu ích, hấp dẫn, thời sự thì họ sẽ đọc ngấu nghiến, bất kể nó được gọi bằng cái tên như thế nào.

Thế nhưng hiện đang có những nghịch lý cần phải nói về hai loại hình này.

Thứ nhất “báo điện tử” phải hoạt động theo Luật Báo chí, tức là có những ràng buộc nhất định để bảo đảm tính trung thực, khách quan hay ít nhất là tính chịu trách nhiệm của thông tin. Trong khi đó “trang thông tin điện tử tổng hợp” không cần tuân thủ Luật Báo chí nên từ đó mới nảy sinh biết bao hệ lụy như đưa thông tin sai, thông tin chưa kiểm chứng, thông tin thô từ mạng xã hội, thông tin mang tính miệt thị người khác... Nói chung là với người ngoài thì chúng như nhau nhưng bên trong một bên chịu nhiều chế tài chặt chẽ, một bên hoạt động hoàn toàn thoải mái... nhiều lúc rất “ngây thơ”.

Bởi những hệ lụy này nên các văn bản luật pháp gần đây đều phải theo hướng siết lại, buộc các trang “thông tin điện tử thông tin” phải tuân thủ những luật chơi rất nghiêm ngặt. Mới đây nhất là Thông tư 09/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 19-8-2014 và sẽ có hiệu lực vào ngày 3-10 sắp tới. Thông tư nhắc lại nguyên tắc: Trang thông tin điện tử tổng hợp không được tự mình sản xuất ra thông tin mà chỉ được “cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức”.

Điều đó có nghĩa các trang khá quen thuộc với nhiều người như CafeF, Gafin, Vietstock... chỉ được đăng lại tin bài của báo chí hay cơ quan nhà nước Việt Nam. Thông tư 09/2014 còn nói “trang thông tin điện tử tổng hợp” “không đăng tải ý kiến, nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin, bài được trích dẫn”. Nếu chiếu theo quy định này, hàng ngàn trang thông tin điện tử tổng hợp đang vi phạm.

Nghịch lý thứ hai nảy sinh từ nghịch lý thứ nhất: Tại sao đã có loại hình báo chí điện tử, lại quy định loại hình “trang thông tin điện tử tổng hợp” làm gì khi chúng chỉ có nhiệm vụ đi đăng lại nguyên văn nội dung của báo chí chính thống. Nội dung đăng tải trên báo chí là công sức của cơ quan báo chí đó, tại sao lại cho ra đời một loại hình chỉ chăm chăm sử dụng công sức của người khác? Mặc dù luật pháp cũng quy định rõ sử dụng thông tin thì phải tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng việc sao chép, rồi tùy tiện chỉnh sửa tít tựa, thêm bớt nội dung là chuyện tràn lan ở các trang thông tin loại này. Hiện nay vấn đề ăn cắp bản quyền trong báo chí là vấn đề nhức nhối, bài hay đưa lên chỉ vài phút sau là bị sao chép tràn lan bởi các trang “thông tin tổng hợp” này.

Thông tư 09/2014 có quy định trang thông tin điện tử tổng hợp phải “có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn. Đó là bởi nhiều tin bài cơ quan báo chí chính thống đăng tải nhưng sau đó phải đính chính hay chỉnh sửa theo thông tin mới - thế nhưng các trang thông tin điện tử tổng hợp do sao chép xong thì coi như xong việc nên hầu như không bao giờ đính chính hay chỉnh sửa theo nội dung mới mà cơ quan báo chí đưa lên. Mặc dù Thông tư có quy định như thế, lấy gì bảo đảm các trang thông tin điện tử sẽ tuân thủ; một báo viết sai, hàng ngàn trang tin sai theo - sau đó chỉ một báo đính chính, hàng ngàn trang tin vẫn để cái sai tồn tại dai dẳng trên không gian mạng.

Vì thế, thay vì phải quy định nhiêu khê như “có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm...” tại sao không cấm hẳn trang thông tin điện tử tổng hợp không được đăng lại tin bài của báo khác mà chỉ được đăng một đoạn ngắn rồi dẫn link về tin bài gốc? Như thế một khi tin gốc có sửa chữa, chỉ nội dung đã sửa chữa được chia sẻ chứ không phải tin cũ, tin sai.

Nghịch lý thứ ba là do nhu cầu sản xuất thông tin cho riêng mình (nhưng luật thì cấm) nên một số trang thông tin điện tử tổng hợp bèn “hợp tác” với một nơi có giấy phép làm báo điện tử để nhân viên mình sản xuất tin, bài nhưng đưa cho nơi này đăng trước rồi trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại sau.

Cơ quan quản lý biết việc này không? Rõ ràng là có biết vì Thông tư 09/2014 bịt một số lỗ hổng cho phép sự “hợp tác” nhưng không biết có bịt được hết không. Thông tư quy định về tên miền thì tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí.

Ở đây có lẽ phải mở ngoặc nói thêm: đối với báo chí, cũng có hai loại hình báo chí điện tử: một là báo điện tử có giấy phép riêng và báo điện tử là trang thông tin điện tử tổng hợp. Theo nguyên tắc thì loại đầu được quyền sản xuất tin bài riêng cho ấn bản điện tử còn loại sau thì chỉ được đăng lại nội dung đã sản xuất cho báo giấy, báo hình hoặc báo nói. Quy định là thế nhưng có ai tuân thủ, có ai kiểm soát được hết đâu, chẳng biết quy định để làm gì.  

Nói tóm lại, trang thông tin điện tử tổng hợp lẽ ra có chức năng, nhiệm vụ rất rõ ràng. Ví dụ một trang của Trung tâm Sức khỏe và Môi trường thì cứ đăng mọi thông tin của trung tâm, nếu thấy tin bài của báo nào liên quan đến mình thì cứ giới thiệu vài đoạn và dẫn link về tin bài gốc. Trang của một cảng biển hay của một nhà hát ca nhạc nhẹ cũng vậy. Những nơi mang tính tổng hợp thuần túy như mô hình Báo Mới thì buộc tuân thủ quy định phải dẫn link về tin bài gốc tất cả mọi thông tin đăng tải. Nơi nào thật sự có nhu cầu sản xuất tin bài thì cứ xét điều kiện để cấp giấy phép ra báo điện tử.


Vấn đề của các trang thông tin điện tử tổng hợp là do quy định đẻ ra thì nay phải sửa từ quy định gốc - không nên loay hoay tìm cách quản lý một cái sai làm gì.

Saturday, September 27, 2014

Làm báo thời MS-DOS

Làm báo thời MS-DOS

(In Memory of Alex McKinnon)

Mới hôm rồi tình cờ thấy một bàn máy đánh chữ cũ kỹ nằm ở góc phòng khách nhà người quen, ký ức về những ngày làm báo cách đây hơn 20 năm lại quay về. Tháng 9-1991, tôi vào làm cho tờ Vietnam Investment Review (VIR) khi tờ báo này chuẩn bị ra mắt số đầu tiên. Đây là tờ tuần báo bằng tiếng Anh chuyên về kinh tế đầu tiên của Việt Nam do Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cùng một số nhà báo người Úc thực hiện. Còn chừng ba tuần nữa là đến ngày ra báo thế mà các tay nhà báo Úc nhởn nhơ như không. Nick Mountstephen rủ tôi ra Lê Lợi mua đồ nghề. Loay hoay một hồi chúng tôi chở về chừng bốn chiếc bàn máy chữ loại xài rồi.

Các bạn phóng viên trẻ giờ này chắc không hình dung nổi, đến thập niên 1990 rồi mà nhà báo vẫn phải viết tay là chủ yếu, ai dùng bàn máy chữ để viết tin là đã “tân tiến” lắm rồi. Mua máy chữ hôm trước, hôm sau chúng tôi lại phải ra nhà sách mua đủ loại bút xóa để “tẩy tẩy, xóa xóa” chứ không lẽ cứ gõ vài dòng là quẳng vào thùng rác, thay giấy khác.

Trong tòa soạn lúc ấy có anh Hoàng Ngọc Nguyên, là cây bút chủ lực của VIR trong những ngày đầu nhưng vẫn giữ vai trò người xuất bản tờ Saigon News Reader bán chạy trong giới đầu tư nước ngoài ở Sài Gòn dạo đó. Anh Nguyên là “phù thủy” trong sử dụng bàn máy chữ để “sản xuất” tờ báo này - một mình anh vừa làm phóng viên, biên dịch viên, người dàn trang, người gõ bài - tất cả thực hiện trên bàn máy chữ. Cái tài của ảnh là làm sao canh chừng để tin chấm dứt đúng cột, đúng khuôn khổ. Thậm chí vì tờ báo chỉ bằng khổ giấy A4 nhưng cũng chia thành hai cột, anh vừa gõ tin của cột này, vừa gõ tin của cột bên kia! Sản xuất xong tờ báo (thường là buổi sáng, dịch tổng hợp mọi tin kinh tế chính của báo trong nước), anh cho người photocopy thành mấy trăm bản và phân phối đến các văn phòng đại diện các công ty nước ngoài khắp thành phố. Bảo đảm giờ có đủ phương tiện trong tay, kể cả phần mềm dàn trang trên máy tính, khó lòng kiếm ra người có thể làm ra tờ báo trong vòng mấy tiếng đồng hồ như anh Nguyên.

VIR cũng là nơi đầu tiên mua tin các hãng thông tấn nước ngoài, tôi nhớ hình như mua tin của AFP trước tiên. Lúc đó vì chưa có máy tính, chỉ có máy fax, thế là tin từ AFP liên tục đổ về, chạy ra ào ào từng cuộn giấy. Lúc đầu tôi hăm hở đọc hết vì chưa bao giờ có dịp tiếp cận tin nhiều và nóng hổi như thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau là đầu hàng không kham nổi.

Chất liệu đầu vào là tin bài đánh máy hay nhận bằng fax nên khi đưa xuống nhà in, nhân viên phòng máy phải gõ vào một lần nữa. Nhiệm vụ của bọn tôi là ngồi bên cạnh để sửa lỗi vì nhân viên đâu rành tiếng Anh, gõ sai là chuyện thường. Nhưng cũng nhờ thế bọn tôi tiếp xúc rất sớm với máy tính, dù chỉ là gõ văn bản.

Cũng may là một thời gian ngắn sau, các tay nhà báo người Úc không biết kiếm đâu ra được mấy máy vi tính đời 286 và 386, màn hình đơn sắc, có cái không có ổ cứng. Muốn khởi động, trước tiên phải bỏ vào ổ đĩa mềm loại 5,25 inch đĩa chương trình MS-DOS để chạy. Máy chạy rồi mới lấy đĩa ra, bỏ đĩa chương trình Word Perfect vào. Lúc đó Microsoft Word chưa thịnh hành, ai nấy đều dùng Word Perfect 5.1. Cũng chẳng ai bày, tôi mày mò bấm F1 (chương trình giúp đỡ) và tự học các phím tắt để sử dụng phần mềm này viết bài. Các bạn trẻ ngày nay ắt cũng khó hình dung màn hình máy tính lúc đó không phải ở dạng “What you see is what you get” như hôm nay, nó chỉ là một màn hình đen hay xanh với con trỏ là dấu gạch ngang nhấp nháy. Phải học thuộc các lệnh để trình bày và xử lý văn bản. Tính toán thì có Lotus 1-2-3 chứ chưa có Excel, cơ sở dữ liệu thì dùng dBase chứ đâu đã có Access.

Trưa, lúc mọi người chợp mắt, tôi tò mò mở máy ra “vọc”, cứ thử hết file exe này đến file com khác. Nhiều lúc chỉ gõ lệnh cls để khoái trá thấy màn hình dọn sạch trơn. Thấy file command.com “không dùng làm gì cả”, bèn xóa (đây là file chủ chốt của hệ điều hành MS-DOS), tiện tay xóa luôn các file autoexec.bat và config.sys vì cứ nghĩ để chúng làm gì cho chật chội. Dại dột đến thế, may nhờ có các anh kỹ thuật viên dưới phòng máy nhà in lên phục hồi giùm.

Có nhiều chuyện cười ra nước mắt như thế - chẳng hạn một sếp VIR một hôm kêu ầm lên là máy hỏng, kỹ thuật phải vào sửa gấp. Hóa ra hôm trước ổng nhét ổ đĩa mềm vào, viết bài và cuối ngày tắt máy quên lấy đĩa ra. Khi mở máy trở lại vì ổ đĩa mềm chỉ chứa dữ liệu chứ không phải ổ đĩa khởi động nên máy đứng cứng ngắc, làm sao chạy được. Lúc đó máy tính là một cái gì đó người ta phải đối xử như “nâng trứng, hứng hoa”; ai cũng nghĩ phải xây phòng riêng, lắp máy lạnh máy mới chạy! Ngày nay khi ổ cứng máy tính chừng 500GB, RAM 4GB, tốc độ xử lý trên 2GHz là chuyện thường có lẽ ít ai ngờ có thời máy tính chỉ có ổ cứng 30MB, tốc độ xử lý chỉ có 6MHz, còn RAM bao nhiêu thì chẳng ai biết nữa.

Nhờ có máy tính, công đoạn nhờ nhân viên nhà in gõ lại coi như không cần thiết nữa nhưng tôi và Alex McKinnon, một nhà báo Úc rất trẻ, vẫn phải thường xuyên xuống nhà in để theo dõi nhân viên dàn trang. Lúc đó phần mềm dàn trang phổ biến là Ventura, chạy chậm như rùa. Báo chí Việt Nam đã chuyển từ sắp chữ chì sang dàn trang trên máy tính nhưng tít vẫn phải vẽ tay và co chữ, font chữ thì rất linh hoạt, bài dư một chút thì bung ra, thiếu một chút thì co lại, bất kể nguyên tắc trình bày báo. Tờ VIR với những nguyên tắc không thể du di phải cử người xuống phòng máy để hỗ trợ nhân viên dàn trang cắt tin bài hay chọn bài khác cho vừa chỗ chứ không co dãn cỡ chữ. Cũng nhờ vậy mà học sơ qua Ventura rồi sau này là PageMaker và QuarkXPress.

Những năm đó, công nghệ thông tin có những bước tiến nhảy vọt, máy tính lên đời 386, 486 và cuối cùng Windows 3.1 ra đời. Một điều lạ là máy mạnh lên nhưng phần mềm ngày càng nặng nề nên cứ phải nâng cấp phần cứng liên tục. Tôi nghĩ cả thế giới trong một thời gian dài làm ra bao nhiêu là đổ tiền cho Bill Gates và các hãng phần cứng, chẳng lạ gì anh chàng này trở thành tỉ phú trong một thời gian ngắn. Còn nhớ đó là thời gian vàng son của máy PC, cứ vài tháng là có con chip mới, cuộc đua tốc độ xử lý cứ mải miết chạy, đến mấy năm gần đây mới tạm dừng.

Có lẽ cũng vì lần đầu tiên tiếp xúc với công nghệ, giới làm báo lúc đó có sự tò mò, thích tìm tòi ứng dụng công nghệ vào công việc mà dường như thiếu vắng trong giới phóng viên trẻ ngày nay. Tôi nhớ lúc đó một chuyên viên kỹ thuật người Úc đang xây dựng cơ sở dữ liệu cho toàn bộ các số báo VIR vào một đĩa CD, truy xuất dễ dàng. Lúc rảnh rỗi anh này giúp bọn tôi viết các macro để tự động hóa các khâu biên tập. Các bạn biên tập viên đều biết bài nhận từ nhiều nguồn sẽ có nhiều cách viết khác nhau nên việc đầu tiên là chuyển hết về phong cách mà tờ báo đang áp dụng. Anh thu gom hết mọi biến thể, mọi sửa đổi mà các biên tập viên chỉnh sửa bài vào thành một macro (tập hợp các lệnh thực hiện tự động) chạy ngay trong MS Word. Biên tập viên nhận bài, chỉ cần bấm một nút, ngay lập tức máy sẽ tự động rà soát biên tập kỹ thuật cho mình - rất nhanh và rất tiện.

VIR in được hai số ở TPHCM thì phải chuyển ra in ngoài Hà Nội. Nick, Alex và tôi khăn gói ra thủ đô, hành lý lúc đó chỉ là cây thước để vẽ ma két báo. Mọi chuyện lặp lại với nhà in báo Hà Nội mới. Mấy tháng sau, bộ máy tạm ổn, tôi quay về TPHCM thì nảy sinh việc liên lạc bài vở giữa hai đầu đất nước. Một thời gian dài chúng tôi phải dùng fax, lại phải quay về cách nhờ nhân viên phòng máy gõ lại bài đã gõ trong Sài Gòn. Sau một thời gian mày mò, bọn tôi mua hai cái modem, nối với đường dây điện thoại. Cách làm thật thủ công, bây giờ ai nhìn vào ắt phải cười ngất. Sau khi thu gom chừng năm bài từ văn phòng TPHCM, tôi gọi điện cho Lê Quốc Vinh, phóng viên ngoài Hà Nội, hai bên cùng mở modem lên và quy ước, “một, hai, ba” cùng nhấn enter để đường dây thoại chuyển thành đường dây data, hai modem sau một hồi rè rè, rít rít đã bắt tay được với nhau và hai máy mới bắt đầu chuyển bài cho nhau. Thủ công là vậy nhưng “phát hiện” này giúp tiết kiệm cả đống thời giờ gõ lại bài cũng như tránh sai sót chính tả.

Tiếp theo đó là sự xuất hiện dịch vụ thư điện tử (e-mail). Thoạt tiên chỉ có Netnam (anh Trần Bá Thái) và Teltic (anh Nguyễn Anh Tuấn) cung cấp, mỗi ngày hai nơi này nối mạng với máy chủ ở Úc mấy lần để nhận thư và gửi thư. Tôi nhớ lúc đó anh Nguyễn Anh Tuấn, sau này làm Tổng biên tập tờ VietNamNet có vào Sài Gòn chơi và cho tôi một tài khoản e-mail. Từng cá nhân mỗi khi muốn nhận thư cũng phải truy cập một số điện thoại nào đó, modem cũng rít lên từng hồi trước khi kết nối vào được mạng máy chủ.

Tuy nhiên, e-mail là bước tiến làm thay đổi công nghệ làm báo mạnh mẽ (nên nhớ lúc đó chưa có Internet). Bọn tôi học được nhiều thủ thuật sử dụng e-mail mà nay hóa ra thừa thãi. Ví dụ mặc dù chưa có Internet, vẫn có thể lấy được tin bài từ một trang web bằng cách gửi e-mail đến một địa chỉ nào đó, trong tiêu đề ghi một dòng lệnh nào đó. Nhờ e-mail, nhà báo nay đã có thể gửi thư phỏng vấn người ở tuốt bên Mỹ hay bên Anh. Nhờ e-mail việc gửi bài thủ công theo kiểu “một, hai, ba” chúng ta cùng bấm enter đã biến mất.

Sau này cũng có nhiều công nghệ khác biến mất như thế. Chẳng hạn trong một thời gian dài, mặc dù đã dàn trang trên máy tính, vẫn phải in ra trên giấy can và nhân viên nhà in vẫn phải cắt dán thủ công toàn bộ tờ báo lên bảng súp-po. Sau này nhà in chuyển thẳng từ file nên nghề cắt dán (montage) này đã mai một. Nhớ khoảng năm 1989, tôi có dịp đưa một nhà báo nước ngoài đi chụp ảnh ở Huế. Lúc đó đám cưới chụp một hai cuốn phim màu là sang lắm rồi nên các bạn tưởng tượng tôi đã há hốc như thế nào khi anh chàng phóng viên ảnh này chơi một ngày hết 40 cuốn phim, loại 36 tấm mỗi cuộn. Nay máy kỹ thuật số chụp bao nhiêu không ai để ý và có lẽ mọi người cũng dần quên cuộn phim Kodak ngày xưa.

Năm 1997 lúc tôi chuyển về làm cho tờ Saigon Times Daily, công nghệ đã khá phổ biến. Chúng tôi mua tin của Reuters và truy cập tin bằng đường dây riêng. Lúc đó Reuters có gói dịch vụ Business Briefing thật tuyệt vì ngoài tin của Reuters người dùng có thể truy cập mấy ngàn tờ báo khắp thế giới, tin tức nóng hổi. Nay có Internet thì chuyện đọc báo khắp nơi là chuyện bình thường nhưng lúc đó, cứ tưởng tượng ngồi ở Sài Gòn mà có thể nhảy vào đọc tờ Time hay Washington Post mới phát hành là chuyện khó hình dung. Bọn tôi lúc đó cũng ăn gian, ví dụ đưa tin về hội nghị thượng đỉnh ASEAN ăn đứt báo bạn vì tiếp cận và tham khảo đủ loại tin bài mà phóng viên báo khác đưa lên mạng Business Briefing.

Cuối năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối Internet. Ngay năm sau đó chúng tôi tổ chức cuộc thi thiết kế trang web trên tờ Saigon Times Daily mặc dù không biết gì nhiều về thiết kế web. Giám khảo là những nhân vật tin học nổi tiếng lúc đó như anh Hoàng Minh Châu của FPT, chị Đồng Thị Bích Thủy (Đại học Khoa học Tự nhiên) và hãng IBM đồng ý tài trợ giải thưởng cuộc thi là máy tính xách tay IBM, lúc đó có giá chừng 3.000 đô la! IBM còn cho mượn máy mạnh để giám khảo sử dụng chấm bài cho nhanh nữa. Bên cạnh nhiều thí sinh dùng màu sắc lòe loẹt, chữ chớp chớp, uốn lượn... vẫn có những người thiết kế các trang web đơn giản mà lại đẹp và sang trọng. Có lẽ nhiều bạn thí sinh thời đó đã theo nghề thiết kế web cho đến nay. Chẳng bao lâu sau hàng ngàn trang web Việt Nam lần lượt xuất hiện.

Nhìn lại, hoàn toàn không có gì tiếc khi phải bỏ công sức học nhiều lệnh trong DOS mà nay có ai xài nữa đâu, cũng không có gì ganh tỵ khi ngày xưa phải chật vật với ổ đĩa 1,2MB thường xuyên bị hỏng hóc so với các thanh USB vài ba GB mà phóng viên nào ngày nay đều phải có. Lúc đó để cài Microsoft Word phiên bản mới nhiều lúc cần đến 8, 9 đĩa mềm, mà có lúc cài đến đĩa số 7 nó lại báo hư mới tức. Chặng đường làm quen với công nghệ là một phần của nghề báo thời mở cửa - không thể đổi cho bất kỳ món gì - dù đó là chiếc kính Google Glass hay nắm xôi của thằng Bờm.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...