Friday, March 29, 2013

Đấu giá ngược


Đấu giá ngược

Phiên đấu thầu bán vàng miếng đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm qua bị các báo sáng nay phê phán dữ quá. Báo Tuổi Trẻ rút tít: “Ngân hàng Nhà nước đẩy giá vàng lên?” vì thực tế phiên đấu thầu chẳng những không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới mà còn góp phần kích giá vàng trong nước lên cao hơn; báo Thanh Niên thì than “Phiên đấu thầu vàng khó hiểu” và nói “Dư luận đang đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ về phiên đấu thầu vàng đầy bất thường vào hôm qua”.
Đó là bởi NHNN áp dụng cách đấu giá thông thường (đấu giá thông thường thì người tổ chức bán muốn giá càng cao càng tốt) trong khi lẽ ra phải áp dụng cách đấu giá đặc biệt (đẩy giá xuống).
Ở đây phải thú thiệt tôi không có thực tế về chuyện đấu giá này nhưng theo tôi, nếu áp dụng cách đấu thầu giá ngược có khi lại đáp ứng yêu cầu kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.
Trên thế giới có cách đấu giá gọi là Dutch auction, đầu tiên người bán ra giá cao xong rồi từ từ giảm dần, giảm dần cho đến khi có người đồng ý mua.
Ví dụ người bán muốn bán bức tượng bằng vàng, giá trần là 100, giá sàn là 50. Đầu tiên rao 100, rồi giảm dần còn 90, 80, 70… Đến 60 thì có người đồng ý mua. Vì đây là người dầu tiên ra giá nên trúng thầu, mua được bức tượng với giá 60.
Áp dụng trong việc đấu thầu vàng miếng, NHNN có thể ra giá cao, thậm chí cao hơn giá hôm qua và đồng thời cho giá sàn, tức giá vàng thế giới quy đổi. Xong rồi NHNN hạ thấp giá dần dần, các ngân hàng tham gia sẽ phải canh chừng đến lúc thấy giá đúng ngang tầm mình muốn mua thì ra dấu đòi mua. Bán từng lô như thế, chẳng mấy chốc, giá sẽ hạ dần, đồng thời tạo được sự cân bằng về cung cầu.
Cái quan trọng là cách làm này sẽ phát ra tín hiệu cho thị trường bên ngoài phải giảm giá theo nếu không muốn thiệt hại.
Có người sẽ thắc mắc tại sao ngay lúc đầu NHNN không ra giá thấp ngang bằng giá thế giới luôn cho khỏe? Làm vậy người ta sẽ tranh nhau mua và đẩy giá lên như cũ, hoặc nhà nước sẽ thiệt hại vì luôn phải tung vàng ra để bán rẻ, không ai dám cho giá rẻ như thế ngay từ đầu.
Vấn đề còn lại là làm sao ngăn ngừa việc các thành viên tham gia đấu thầu câu kết nhau để ép giá. Chuyện này thì áp dụng lý thuyết trò chơi để giải quyết.


Nói thêm: Ở trên chỉ là nói chuyện kỹ thuật, chứ trước sau tôi vẫn nghĩ không việc gì NHNN nhảy ra kinh doanh vàng miếng, không việc gì phải chọn SJC làm thương hiệu vàng độc quyền.
Hôm nay, báo Dân Trí đưa tin: “Tổng cục cảnh sát cho rằng, việc [NHNN] quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC, làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác”.
Khi có nhiều tiếng nói phản đối như thế này, trước sau gì NHNN cũng sẽ phải thay đổi quan điểm, lại thay đổi chính sách thêm một lần nữa.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...