Thursday, September 20, 2012

Co giãn như vàng


Co giãn như vàng
Cách đây một năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố: nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế 400.000 đồng/lượng trở lên là có dấu hiệu của hiện tượng đầu cơ, làm giá. Nói cách khác, định hướng của NHNN là làm sao để giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế không chênh lệch nhau quá 400.000/lượng.
Một năm sau, độ chênh lệch này bị kéo giãn ra, có lúc lên đến gần 3 triệu đồng/lượng!
Điều đáng nói là chênh như thế chỉ xảy ra với vàng thương hiệu SJC chứ vàng các thương hiệu khác hiện đang có giá gần bằng giá vàng thế giới quy đổi. Nhãn hiệu SJC hiện do NHNN độc quyền quản lý nên khó lòng nói NHNN đang đầu cơ làm giá được! Có chăng là sự thất bại trong quản lý giá vàng cũng như những quyết định liên quan đến thương hiệu vàng miếng SJC.
Câu hỏi đặt ra là chính sách đối với vàng nên như thế nào, có nên đặt vấn đề bình ổn giá vàng như NHNN từng chủ trương không?
Rõ ràng ở các nước khác, vàng không hề là yếu tố đáng quan tâm trong chính sách tiền tệ của nước họ. Tuy nhiên ở nước ta, phải thừa nhận vàng là một “kẻ khó ưa” vì có những tác động khó lường lên thị trường tiền tệ, ví dụ mỗi khi lãi suất xuống thấp trong tương quan với lạm phát, người dân có thể chuyển từ tiền đồng sang vàng hay mỗi khi tỷ giá biến động giá vàng biến động theo vì nó là công cụ tháo gỡ rào cản kiểm soát dòng vốn. Nói cách khác, vì dân ta dễ dàng tiếp cận với vàng miếng nên vàng trở thành vật khuếch đại những biến động trên thị trường tiền tệ làm cho việc điều hành khó khăn, chật vật và tốn kém hơn nhiều.
Dễ thấy trong bối cảnh đó, NHNN sẽ muốn có những chính sách hạn chế sự lưu thông của vàng miếng, muốn người dân ít xài vàng như phương tiện cất trữ hay thanh toán, ít ra là cũng như các nước khác. Nhưng cho đến nay có thể nói NHNN đã chọn sai biện pháp để thực hiện ước muốn này: đó là chọn SJC như một thương hiệu mà Nhà nước độc quyền bởi quyết định này dễ tạo ra những khe hở tạo điều kiện cho đầu cơ hay làm giá. NHNN cũng chọn sai mục tiêu: đó là cố gắng kiểm soát giá hay bình ổn giá trong khi lẽ ra phải là hạn chế việc sử dụng vàng miếng trong thanh toán hay lưu giữ tài sản. Lúc NHNN đi đúng hướng như không để các ngân hàng vay hay cho vay bằng vàng thì lại thiếu cương quyết, cứ du di về thời hạn hay điều chỉnh chính sách nhiều lần (xem thêm bài “Không dễ quản lý thị trường vàng” – TBKTSG số ra ngày 6-9-2012).
Tỷ giá giữa tiền đồng và đô-la Mỹ vẫn ổn định trong thời gian qua chứng tỏ sự quan ngại chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ gây áp lực lên tỷ giá là không có. Nếu loại dần các ảnh hưởng cứ tưởng giá vàng sẽ gây ra trên thị trường tiền tệ trong khi thực tế là không có, NHNN sẽ dần tiến đến chỗ có quan niệm đúng đắn về vàng: bỏ nó qua một bên trong cân nhắc về chính sách. Còn người dân dùng vàng như một tấm lưới bảo hộ cho họ lúc gian khó là điều hay chứ không phải là điều đáng lo.

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...