Ai lợi, ai
thiệt
Rốt cuộc chủ trương của Ngân
hàng Nhà nước (NHNN) đối với vàng là gì?
Sở dĩ có thắc mắc này là bởi
tháng 11-2012, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn
Bình đã khẳng định không có chuyện liên thông với giá vàng thế giới. Nay các
hoạt động gần đây của NHNN lại nhắm đến mục tiêu kéo giá vàng trong nước về sát
giá vàng thế giới như cho phép tạm xuất, tái nhập vàng, thử nghiệm đấu thầu
vàng miếng… Sự mâu thuẫn trong tuyên bố và trong chính sách như thế buộc người
dân đặt câu hỏi, trong thực tế, những chính sách như thế có lợi cho ai?
Thử nghĩ cho tạm xuất vàng bốn
số chín phi SJC rồi nhập lại vàng nguyên liệu cũng bốn số chín về để dập thành
vàng SJC, người có lợi đầu tiên là các hãng nước ngoài nhận mua rồi nhận bán,
dùng uy tín của họ để lấy tiền của dân Việt Nam. Quy trình này rõ ràng gây ra
một sự lãng phí không đáng có (9 tấn trong tháng 3 không phải là con số nhỏ).
Người hưởng lợi lớn hơn là các ngân hàng được cấp giấy phép tạm xuất, tái nhập
vì chênh lệch giữa hai loại vàng (chất lượng tương đương, chỉ khác nhau cái mác
SJC) dù sau này có kéo xuống vẫn là món lãi cao. Người chịu thiệt hại rõ ràng
là người dân trước đó đã lỡ mua vàng phi SJC. Và quan trọng nhất, gây ra những
phiền phức, lãng phí không đáng có này là chủ trương chọn SJC làm thương hiệu
vàng quốc gia – một khái niệm do NHNN đặt ra trong khi các văn bản của Chính
phủ không có văn bản nào yêu cầu chuyện này cả. Ngay cả quyết định mới nhất của
Thủ tướng Chính phủ ký hôm thứ Hai, 4-3, cho phép NHNN mua bán vàng miếng, cũng
không có chữ nào về SJC hay thương hiệu vàng quốc gia. Nói cách khác, NHNN được
phép mua bán vàng miếng bất kể thương hiệu, vì sao NHNN lại tự hạn chế mình vào
thương hiệu SJC để nền kinh tế chịu thua thiệt, phải nhờ nước ngoài “đóng dấu
bảo chứng lên vàng” giùm?
Trong buổi lễ ký kết hợp đồng
nguyên tắc gia công vàng miếng giữa NHNN và SJC, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch SJC
tuyên bố: “Tôi đảm bảo chỉ trong vòng một tuần sau cuộc ký kết này, giá vàng
trong nước sẽ sát với giá vàng thế giới”. Ở các thị trường khác, một tuyên bố
như thế là cơ sở vững chãi để giới đầu cơ “đánh xuống” (short position) hưởng lợi đến 4, 5 triệu đồng/lượng vàng. Ở nước ta
hiện nay người dân bình thường không có đủ điều kiện để “đánh xuống”, chỉ có
ngân hàng mới làm được mà thôi. Ngân hàng, kể cả NHNN không những chỉ hưởng lợi
từ khả năng “làm giá ngược” này mà còn hưởng lợi khi đánh xuống giá vàng để khi
phải tất toán vàng vào cuối tháng 6-2013 được mua vàng giá rẻ. Thị trường có
chịu để người ta “đánh xuống” như thế hay không lại là chuyện khác.
Câu trả lời cho câu hỏi, có lợi
cho ai, thiết nghĩ đã rõ.
Với chủ trương đấu thầu vàng
cũng vậy – mục đích của nó là gì? Tại sao trước đây NHNN nói không việc gì phải
bình ổn giá vàng (một quan niệm đúng vì giá vàng thế giới khi lên khi xuống làm
sao chúng ta bình ổn được), nay lại cho đó (đấu thầu vàng) là cơ sở pháp lý cho
việc can thiệp bình ổn thị trường vàng. Trước nay mục tiêu của NHNN là làm sao
cho người dân không còn mặn mà với việc cất giữ tài sản ở dạng vàng nữa để đưa vào
sản xuất, kinh doanh nay bán vàng từ quỹ dự trữ quốc gia chẳng phải là đi ngược
chủ trương đó hay sao? Không lẽ vừa loay hoay tìm cách huy động vàng của dân
lại vừa tìm cách bán vàng ra cho dân nắm giữ? Tại sao lại kỳ vọng khi giá vàng
trong nước bám sát giá vàng thế giới thì người dân sẽ bán vàng ra?
Một khi mục đích chưa rõ ràng,
chưa nhất quán, việc quản lý sẽ lúng túng, dễ bị lợi dụng. Chính sách quản lý
vàng hiện đang rơi vào tình trạng như thế.