Rối rắm chuyện
đạt chuẩn
Có thể tóm tắt theo kiểu đơn
giản hóa câu chuyện đang rối như đống bùi nhùi liên quan đến dạy và học ngoại
ngữ ở Việt Nam
như sau:
+ Đầu tiên nhà nước thấy việc
dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam
không có hiệu quả bèn soạn đề án để cải tiến với cột mốc 2020, kinh phí lên đến
nửa tỷ đô-la Mỹ.
+ Một trong những bước triển
khai đầu tiên là khảo sát năng lực giáo viên theo chuẩn châu Âu (CEFR), giáo
viên cấp 1 phải đạt cấp độ B1, giáo viên cấp 2 – cấp độ B2, giáo viên cấp 3 – cấp độ C1. Từ đó, mọi việc rối lên vì tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn rất thấp, ví dụ
ở TPHCM, 1.100 giáo viên đi thi thì đến 929 vị không đạt. Trên bình diện toàn
quốc, chỉ có 2%-3% giáo viên đạt chuẩn.
·
Chuẩn hóa giáo viên là bước đi đúng đắn vì không
thể nào hy vọng học sinh giỏi lên theo đề án nếu giáo viên vẫn còn yếu kém.
Những lập luận theo kiểu ăn lương Việt Nam mà đòi chuẩn châu Âu thiệt phi
lý là lập luận không xác đáng.
·
Tuy nhiên, điều mỉa mai ở đây là chính Bộ Giáo
dục & Đào tạo đã phủ nhận toàn bộ
bằng cấp đã cấp cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ngoại
ngữ trong hàng chục năm qua. Thừa nhận quá trình đào tạo là sai thì bây giờ
song song với việc kiểm tra năng lực giáo viên, phải nhanh chóng ưu tiên cải
cách chương trình giảng dạy đào tạo giáo viên ngoại ngữ ở các trường đại học đi
chứ. Cứ đào tạo theo kiểu cũ rồi sẽ sản sinh một lớp giáo viên không đạt chuẩn
mới.
·
Song song với việc yêu cầu giáo viên đạt chuẩn
châu Âu (tức phải có cả bốn kỹ năng nghe nói đọc viết) thì chương trình học từ
cấp 1 đến cấp 3 phải thay đổi, phải dạy cho học sinh cả bốn kỹ năng lúc đó tự
nhiên sẽ nảy sinh yêu cầu giáo viên rành bốn kỹ năng. Việc thi cũng vậy.
+ Các trường đại học là nơi đào
tạo giáo viên không đạt chuẩn nay lại được giao nhiệm vụ đào tạo lại chính
những giáo viên đó rồi được phép tổ chức thi sao cho giáo viên đạt chuẩn. Đó là
điều không tưởng. Vì vậy mới có chuyện biến tướng có hai loại khảo sát: khảo
sát theo kiểu nước ngoài (tức nhờ Cambridge
khảo sát) và khảo sát theo kiểu nội bộ (rồi sẽ xuất hiện các kiểu chạy giấy
chứng nhận). Các trường đại học còn xem đây là dịp “cải thiện” thu nhập cho
giảng viên, tổ chức dạy, tổ chức thi đủ kiểu.
+ Chuẩn mực là cái cần hướng tới
nhưng chuẩn châu Âu như quy định là khá cao: C1 tương đương với IELTS 7.0 đến
8.0, hay bằng TOEFT-iBT đến 110-120 điểm. Đã nhiều năm thi cử cứ hướng đến
chuyện đọc hiểu rồi ngữ pháp, làm sao giáo viên không mai một các kỹ năng khác.
Nên có một giai đoạn chuyển tiếp để giáo viên tự điều chỉnh lại bốn kỹ năng của
mình, nhất là hiện nay đối với đa số học sinh, kỹ năng đọc hiểu vẫn là kỹ năng
hữu dụng nhất khi đi thi, kể cả thi tuyển sinh đại học, khi vào đại học hay khi
ra đời làm việc. Cũng có người nói, nếu cứ kiểm tra theo kiểu này thì dẹp quách
các trường đại học sư phạm ngoại ngữ đi, chỉ cần tổ chức thi tuyển, ai đạt B1,
B2 hay C1 thì cho dạy ở các cấp tương ứng!!!
+ Quan trọng hơn cả chuẩn châu
Âu (vào Google gõ CEFR sẽ thấy chi tiết) là để dành cho người học, sao lại áp
dụng cho người dạy. Nói theo kiểu người dạy phải cao hơn người học hai cấp độ
là không chuẩn. Người dạy đòi hỏi một bộ kỹ năng hoàn toàn khác, trong đó kỹ
năng sư phạm là rất quan trọng.
+ Vấn đề cũng còn nằm ở chỗ
chuẩn châu Âu như thế nhưng không hề có những bài kiểm tra để coi thử người thi
có đạt hay không mà phải dùng các hệ thống kiểm tra đang tồn tại để kiểm tra
rồi công nhận theo cách so sánh tương đương, ví dụ hệ thống kiểm tra TOEFL hay IELTS.
Cái này phải nói cho rõ không thôi cứ lẫn lộn đủ thứ, tức là không hề có bằng
(hay chứng chỉ hay chứng nhận) B1, B2, C1, C2…
+ Nhận xét cuối cùng, các trung
tâm giảng dạy tiếng Anh tự nhiên có thêm một loại khách hàng mới: giáo viên
tiếng Anh đi học lại – kể cũng là chuyện hy hữu.
Cập nhật: Có khá nhiều phản hồi về đề tài này. Tôi sẽ tổng hợp và viết tiếp bài khác, về việc đi tìm một giải pháp khả dĩ cho vấn đề này trong một hai ngày tới.