Wednesday, August 29, 2018

Nhìn nơi khác khi tìm cách thu


Nhìn nơi khác khi tìm cách thu

Dai dẳng một địa chỉ nhiều nơi cứ chăm chăm nhắm đến mỗi khi nghĩ cách thu tiền, nhất là tiền thuế: tài khoản ngân hàng. Khi đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đưa vào dự thảo nội dung luật sẽ giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn các ngân hàng thương mại trước khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân trong nước cho các bên cung cấp dịch vụ nước ngoài phải khấu trừ số thuế mà bên cung cấp dịch vụ nước ngoài phải nộp vào ngân sách.

Hiện nay những doanh nghiệp chạy chiến dịch quảng cáo trên Facebook, Google, YouTube đều phải tự khấu trừ thuế nhà thầu (gồm 5% thuế thu nhập doanh nghiệp và 5% thuế giá trị gia tăng) trước khi chi trả cho Facebook hay Google. Động lực ở đâu để họ khấu trừ? Đó là bởi nếu làm đúng quy định, khoản chi này sẽ được xem là chi phí hợp lệ và được trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hiện đang nhờ các trang mạng như Booking.com, Agoda, Expedia… bán phòng giùm cũng phải nộp thuế nhà thầu thay cho các nơi này.

Nay theo tinh thần của dự thảo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp trong nước được miễn trách nhiệm khấu trừ này mà chuyển sang cho các ngân hàng thương mại nơi có tài khoản thanh toán của các dịch vụ liên quan!

Thật không hiểu nổi vì sao Bộ Tài chính lại muốn làm phức tạp hóa một vấn đề tưởng đâu đã rõ. Trước hết tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp hay cá nhân là một nơi bất khả xâm phạm; không ai ngoài chủ tài khoản được quyền yêu cầu ngân hàng thương mại nhón tay lấy bất kỳ khoản tiền nào trong tài khoản được, trừ phi đó là lệnh của tòa án, thi hành một phán quyết nào đó. Trên cơ sở nào cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng thương mại khấu trừ thuế từ tài khoản? Ngay cả tòa án trước tiên cũng thường ra lệnh phong tỏa tài khoản, tức đóng băng tài khoản chứ không phải đụng chạm, xử lý các khoản tiền cụ thể trong tài khoản.

Ngược lại, thuế nhà thầu mà doanh nghiệp hiện đang nộp thay cho các nơi cung cấp dịch vụ nước ngoài là theo đúng thông lệ quốc tế, tên gọi loại thuế này (withholding tax) cũng cho thấy bản chất “giữ tiền lại giùm cho nhà nước”. Nếu cần sửa đổi, bổ sung là sửa đổi bổ sung các quy định để doanh nghiệp dễ dàng hợp thức hóa khoản chi trả này chứ không phải chuyển trách nhiệm khấu trừ cho nơi khác.

Tương tự như thế Bộ Giao thông, trong dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ cũng đề xuất chủ ô tô phải có tài khoản ngân hàng để dễ trích tiền xử phạt vi phạm giao thông, nhất là các khoản phạt nguội. Giả thử chủ ô tô có tài khoản ngân hàng và bị phạt vượt đèn đỏ, liệu ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản có mạnh dạn chuyển khoản tiền phạt cho kho bạc nhà nước khi chưa có lệnh của chủ tài khoản?

Trong khi đó không thiếu gì cách để buộc chủ ô tô phải nộp phạt đầy đủ trước khi được sử dụng xe, như nhờ bên đăng kiểm làm một chốt chặn, xe chưa nộp phạt chưa được đăng kiểm hay mở rộng ra, xe chưa nộp phạt chưa được nộp phí sử dụng đường bộ. Để xử lý nghiêm những ai chây lười có thể áp dụng mức phạt cao cho những khoản phạt nộp trễ hạn, mục đích làm sao cho người chủ xe phải nhanh chóng đi nộp phạt hơn là nghĩ đến con đường trừ thẳng từ tài khoản ngân hàng.

Thu thuế hay thu tiền nộp phạt là mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và tổ chức hay cá nhân. Tài khoản ngân hàng là mối quan hệ giữa tổ chức hay cá nhân với ngân hàng thương mại. Hai mối quan hệ này tách biệt nhau, không thể nối chúng lại với nhau bằng mệnh lệnh hành chính.



Monday, August 27, 2018

Điều kiện kinh doanh – cần một cách tiếp cận khác


Điều kiện kinh doanh – cần một cách tiếp cận khác

Nguyễn Vạn Phú

Nếu chỉ đọc các bài báo liên quan đến chủ đề “điều kiện kinh doanh”, một người bình thường cũng cảm được sự nóng lòng của cả xã hội lẫn Chính phủ mong muốn làm sao việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh được triệt để hơn, nhanh chóng hơn. Thế nhưng Chính phủ chính là nơi đẻ ra điều kiện kinh doanh, tại sao không khiển được các bộ ngành bên dưới đừng trình thêm điều kiện kinh doanh nữa?

Xã hội vẫn cần điều kiện kinh doanh

Nhìn những chiếc ô tô có dán biển “tập lái”, người đi đường dù sao cũng yên tâm vì họ biết bên ghế ngồi của thầy dạy có hệ thống phanh phụ, trò có chạy ẩu thì thầy vẫn điều kiển dừng được xe. Đó là do kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô phải đáp ứng nhiều điều kiện trong đó có chuyện chiếc phanh phụ. Có ai dại dột đề nghị bỏ điều kiện kinh doanh này không? Chắc chắn là không.

Điều kiện kinh doanh được sinh ra trước hết là nhằm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi bán hàng hay cung ứng dịch vụ cho xã hội. Các điều kiện kinh doanh thuộc dạng nhằm để bảo vệ sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng là hoàn toàn cần thiết, không thể nào bỏ đi. Một số ngành nghề như y tế, giáo dục, còn có tình trạng mất đối xứng trong tiếp cận thông tin nên Nhà nước phải đặt ra một số điều kiện kinh doanh nhằm giảm bớt sự bất đối xứng này.

Chẳng hạn, trường đại học A có liên kết với một đối tác nước ngoài để đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Theo quy định đối tác nước ngoài phải thỏa mãn khá nhiều điều kiện kinh doanh như giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của chương trình đem vào Việt Nam, giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của các bên liên kết… Nếu không có những điều kiện này, làm sao người học yên tâm đây không phải là chương trình liên kết “ma” như đã từng xảy ra.

Làm sao bỏ được những điều kiện như người sản xuất thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ; bác sĩ phải được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; lái xe chở khách đường dài chỉ được chạy liên tục tối đa 4 tiếng; nhân viên kinh doanh xăng dầu phải được huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy…

Ngay cả những phê phán điều kiện kinh doanh “vô lý”, “không cần thiết” như xe taxi phải có đồng hồ tính tiền cước theo cây số lăn bánh hay thời gian chờ… thật ra vẫn hợp lý. Nếu cứ để như một ý kiến gợi ý là cách tính cước như thế nào do doanh nghiệp tự quyết định, vậy xử lý như thế nào nếu taxi dù, không có đồng hồ tính cước trên trời với du khách nước ngoài lần đầu đến Việt Nam? Căn cứ nào để xử lý tình huống mà ai cũng đồng ý là làm xấu đi môi trường du lịch của nước ta?

Chỉ sợ điều kiện kinh doanh biến tướng thành vũ khí

Một trong những đặc điểm của môi trường kinh doanh ở Việt Nam là luật lệ thì nhiều nhưng thực thi chẳng bao nhiêu. Điều kiện kinh doanh chằng chịt nhưng dựa vào điều kiện kinh doanh để hậu kiểm, chấn chỉnh các sai phạm trong kinh doanh hầu như không thấy. Ngược lại, dùng điều kiện kinh doanh để gây khó dễ cho doanh nghiệp thì ngày nào đọc báo cũng thấy có chủ doanh nghiệp than vãn.

Một trong những điều kiện kinh doanh karaoke là “Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên” nhưng trong thực tế vẫn thấy rất nhiều nơi có phòng karaoke loại nhỏ, dành cho hai người, đâu ai bắt bẻ. Thế nhưng khi cần, điều kiện kinh doanh này sẽ được nêu ra để phạt vạ “dưới gầm bàn” hay thậm chí để bắt chấp nhận bảo kê. Hay về kinh doanh rượu thì hiện đã cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet nhưng cứ vào Internet chúng ta thấy nhan nhản lời rao bán rượu mạnh khắp nơi. Kinh doanh vận tải ô tô bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình cho xe chở khách, phải hoạt động liên tục, có kết nối và gởi dữ liệu về máy chủ của Tổng cục Đường bộ. Điều này có nghĩa tài xế nào lái xe liên tục quá 4 tiếng sẽ bị phát hiện ngay nhưng đã có trường hợp nào bị phạt vì điều này?

Trong nhiều trường hợp điều kiện kinh doanh trở thành vũ khí cạnh tranh theo nghĩa giới quản lý sẽ dễ dãi với doanh nghiệp thân hữu, doanh nghiệp sân sau và sẽ nghiêm khắc với doanh nghiệp đối thủ hay doanh nghiệp không biết điều theo kiểu “hành cho ra nước”.

Điều kiện kinh doanh không cần thiết nhưng có lợi cho công tác quản lý nhà nước cũng là một quán tính mà các nơi muốn duy trì. Nhiều nơi chần chừ do quyền lợi ràng buộc, do áp lực từ cấp dưới và do từ xưa đến nay đã quen với tư duy Nhà nước phải bao quát lo hết mọi nhẽ cho doanh nghiệp. Chính vì thế cuộc chiến đấu một bên là yêu cầu cắt bỏ điều kiện kinh doanh, một bên trì hoãn, không muốn cắt vẫn sẽ diễn ra. Thông tin mới nhất từ cuộc họp thường kỳ của Chính phủ cho thấy mới có bốn  bộ cắt giảm được 900 trong tổng số hơn 5.900 điều kiện kinh doanh.

Nên tiếp cận như thế nào?

Lâu nay cách làm là dư luận báo chí cùng các hiệp hội doanh nghiệp tìm cách để bỏ càng nhiều điều kiện kinh doanh càng tốt. Lãnh đạo Chính phủ cũng đặt ra những yêu cầu mang tính định lượng như bộ này phải cắt bỏ bao nhiêu, bộ kia phải cắt bỏ bao nhiêu điều kiện kinh doanh. Nhưng như đã nói ở trên, có nhiều điều kiện kinh doanh không thể bỏ được. Các bộ, ngành vì để thuận lợi cho việc quản lý hay để duy trì quyền lực đối với doanh nghiệp, rất muốn duy trì điều kiện kinh doanh; nếu buộc phải sửa thì sẽ sửa câu chữ, còn ràng buộc vẫn y nguyên. Ví dụ, các trường quốc tế trước đây không được nhận học sinh Việt Nam quá 10% đến 20% tổng số; nay sửa lại nâng lên không quá 50% thì đây vẫn là điều kiện kinh doanh gây vướng mắc. Buộc các nơi cắt giảm điều kiện kinh doanh theo số lượng sẽ dẫn đến dồn hai ba điều kiện vào thành một nhưng nội dung yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ thì không thay đổi.

Cách tiếp cận khác là buộc nơi đề ra điều kiện kinh doanh giải trình rõ điều kiện kinh doanh đó nhằm mục đích gì, bảo vệ người tiêu dùng như thế nào, bảo đảm an toàn xã hội ra sao. Nếu không giải trình được, Chính phủ sẽ không phê duyệt cho điều kiện kinh doanh đó xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đi kèm với lý giải về sự cần thiết của điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành cần đơn giản hóa quá trình tuân thủ điều kiện kinh doanh cần thiết bằng những thủ tục minh bạch, rõ ràng.

Ví dụ, Nghị định 25/2018 được ban hành nhằm bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 60/2014 về hoạt động in nhưng vẫn giữ nguyên không sửa những điều kiện kinh doanh không cần thiết như đòi hỏi chủ cơ sở in có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in… Xét theo tiêu chí điều kiện kinh doanh có bảo vệ người tiêu dùng không, có đáp ứng yêu cầu an ninh xã hội không thì rõ ràng yêu cầu về bằng cấp của chủ cơ sở in không mang ý nghĩa gì cả. Chủ cơ sở in vẫn có thể là người học quản trị kinh doanh rồi thuê thợ in có tay nghề, có chuyên môn để vận hành máy móc, chứ chủ cơ sở in đâu nhất thiết phải có trình độ từ cao đẳng trở lên? Để làm gì?

Hay một nghị định khác, Nghị định 49/2018 mới được ban hành về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, có nêu những điều kiện thật khó lý giải sự cần thiết như “có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8 m2/người”, “có ít nhất 10 kiểm định viên”, “có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định”… Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp chủ yếu diễn ra ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tại sao phải yêu cầu tổ chức đi kiểm định phải đáp ứng diện tích tối thiểu cho kiểm định viên ngồi làm gì và nếu tổ chức này chỉ mới có 9 kiểm định viên là không đạt, vì sao? Lẽ ra Chính phủ trước khi ký ban hành các nghị định nói trên, yêu cầu nơi soạn thảo giải trình lý do đưa ra các điều kiện kinh doanh này thì đã không để lọt những điều kiện kinh doanh không cần thiết như thế.

Quán tính soạn thảo văn bản theo các khuôn mẫu có sẵn, cứ thêm điều kiện vào để có vẻ nghiêm khắc, chặt chẽ, bao quát là hiện tượng có thật. Chỉ cần bắt người soạn viết thêm giải thích vì sao soạn như thế cũng sẽ giúp giảm nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý trong khi vẫn duy trì các điều kiện kinh doanh không thể thiếu vì sự an toàn của người tiêu dùng và xã hội.


Thursday, August 23, 2018

Tôi là ai – ai là tôi?


Tôi là ai – ai là tôi?

Nguyễn Vạn Phú

Nếu đã xem phim hình sự, có lẽ ai cũng từng thấy cảnh sát cho nạn nhân xem một tập dày hình ảnh của các tay tội phạm từng lãnh án để nhận diện thủ phạm, một quy trình kéo dài vài tiếng đến vài ngày mà chưa chắc đã có kết quả. Nay công nghệ nhận diện gương mặt đã được tự động hóa, có khả năng tìm ra một gương mặt giống đến 99% trong cơ sở dữ liệu vài triệu tấm hình nhưng chính giới công nghệ đang ân hận, không muốn chuyển giao kỹ thuật này cho bên cảnh sát. Vì sao?

Không phải là cảnh trong phim viễn tưởng

Đường phố đông nghẹt người. Cảnh sát đang mở chiến dịch truy tìm một tội phạm vừa gây ra vụ thảm sát hàng loạt. Đã có hình thủ phạm. Trung tâm giám sát công dân quét hình vào hệ thống. Ngay lập tức hàng trăm ngàn camera đang hoạt động khắp nơi nhận lệnh phải phát hiện tay thủ ác càng sớm càng tốt. Camera ở một đường phố chớp lóe cảnh báo – tìm ra rồi, 95% chính xác. Các trinh sát hình sự ập đến, còng tay tên tội phạm trong nháy mắt.

Đoạn miêu tả ở trên nghe như kể lại một đoạn phim khoa học giả tưởng nhưng công nghệ nhận diện đúng gương mặt người cần tìm kiếm trong đám đông là đã có thật và đang được sử dụng. Chỉ có điều, khác với phim, bắt đúng ngay người cần bắt, trong thực tế khi trinh sát dẫn kẻ tình nghi về đồn, hóa ra họ bắt nhầm một thầy giáo dạy nhạc vô hại.

Đó là kịch bản để nhiều người phản đối việc sử dụng phần mềm nhận diện trong hoạt động của cảnh sát với lý do công nghệ này vẫn còn non trẻ, vẫn còn sai sót và dễ dẫn tới bắt nhầm gây oan sai. Thật ra lập luận này khó đứng vững vì người khác có thể bẻ lại: giả thử bên điều tra chỉ dùng công nghệ nhận diện như một ứng dụng hỗ trợ, sau khi xác định được kẻ tình nghi, họ sẽ còn phải tiến hành các bước xác minh khác như cách làm lâu nay thì đâu có vấn đề gì. Nói cách khác, ngày xưa nhận diện bằng con người mất thời gian rất lâu, nay máy giúp nhận diện trong chớp mắt – đó là tiến bộ, sao lại phản đối?

Tuy nhiên cứ tưởng tượng cảnh sẽ có hàng triệu camera có khả năng nhận ra bạn là ai, đi theo bạn suốt ngày suốt đêm, cả khi vào xem phim hay ngồi nhậu với bạn bè, có lẽ ai nấy đều cảm thấy lạnh xương sống. Vì sao có cảm giác đó, xin nói thêm ở phần sau.

Ở đây phải tỉnh táo mà dự đoán, công nghệ nhận diện gương mặt người rồi sẽ thâm nhập mọi ngóc ngách cuộc sống, dù chúng ta có muốn hay không. Hiện nay hệ thống camera an ninh và giám sát đã đầy khắp, việc kết nối chúng với một trung tâm có khả năng sử dụng kỹ thuật “máy học” kết hợp với trí tuệ thông minh nhân tạo để tạo ra một hệ thống có thể biết một con người cụ thể nào đó đang ở đâu, làm gì, nói chuyện với ai là điều sớm muộn gì cũng xảy ra.

Về danh nghĩa, một hệ thống như thế sẽ giúp truy tìm tội phạm, tìm người thất lạc, phát hiện bọn khủng bố một cách nhanh chóng. Một hệ thống nhỏ hơn, khép kín có thể giúp kiểm soát vé tại một trận cầu, biết ai là khách mời ở một sự kiện mà khỏi cần xét vé… Trong thực tế, công nghệ nhận diện đã khá phổ biến như gợi ý gắn tên với khuôn mặt trên Facebook, mở khóa iPhone X, tự động chỉnh độ nét khi chụp ảnh bằng điện thoại thông minh.    

Đâu là giới hạn?

Vậy với công nghệ nhận diện, đâu là giới hạn công nghệ phải dừng chân để bảo vệ quyền riêng tư của con người. Như đã nói ở trên, phản ứng đầu tiên của nhiều người là sợ phần mềm có sai sót, gì thì gì, cứ nghĩ một hôm mình bị tóm cổ trên đường phố chỉ vì phần mềm báo động giả mình có tên trong danh sách cảnh sát đang truy nã toàn quốc, ai mà không phản đối. Phản đối nhiều nhất là nỗi sợ máy móc bị lạm dụng để tô đậm thiên kiến đối với dân da màu, người nhập cư hay người từng bị cảnh sát vào sổ đen.

Cảnh sát ở Cardiff, Wales lần đầu tiên dùng phần mềm nhận diện tại một trận bóng vào tháng 6/2017 đã phát hiện máy nhận diện sai hàng ngàn gương mặt, tỷ lệ nhận diện sai lên đến 92%. Còn hệ thống nhận diện của FBI, đưa vào sử dụng đã lâu, đã hoàn thiện, vẫn cho kết quả sai đến 14%.  

Amazon có một phần mềm nhận diện khuôn mặt, đặt tên là Rekognition hiện được một số cơ quan cảnh sát ở Mỹ sử dụng. Một hôm, tổ chức Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) lấy phần mềm này ra thử nghiệm, so sánh hình ảnh của các Hạ nghị sĩ lẫn Thượng nghị sĩ Mỹ với cơ sở dữ liệu chứa 25.000 ảnh chân dung các tên tội phạm. Kết quả 28 vị dân biểu Quốc hội Mỹ bị nhận diện sai thành tội phạm! Năm vị này tức quá, bèn viết một lá thư cho ông chủ Amazon là tỷ phú Jeff Bezos yêu cầu gặp ngay để hỏi cho ra lẽ vì sao phần mềm nhận diện lung tung thế.

Như thế, kết luận đầu tiên có thể rút ra ngay là công nghệ nhận diện, dù đang tiến rất nhanh, vẫn còn chưa hoàn chỉnh ở mức có thể tin cậy đưa vào sử dụng đại trà. Mọi lời chào của các hãng công nghệ, dù lời lẽ hoa mỹ đến đâu vẫn phải được tiếp nhận với sự hoàn nghi cao độ.

Nhưng giả thử công nghệ sẽ tiến nhanh, trí tuệ thông minh nhân tạo tự học, sẽ hoàn thiện khả năng để sai sót tiến về chỗ không đáng kể. Lúc đó có nên trao số phận của chúng ta cho máy móc chưa?

Ứng dụng công nghệ nhận diện vào cuộc sống nhiều nhất chính là Trung Quốc, nơi người ta kết hợp công nghệ theo dõi với hệ thống chấm điểm công dân để có thể dùng cách bêu tên kẻ bộ hành băng qua đường sai luật hay hút thuốc ở nơi cấm hút thuốc. Thay vì bị phạt, người đi bộ sai luật sẽ bị bêu tên và hình ảnh kèm số chứng minh đã bị làm mờ lên màn hình ngay cạnh nơi xảy ra vi phạm.  

Ở Việt Nam, câu chuyện thời sự là hình ảnh nhạy cảm của một cặp đôi vào rạp xem phim nhưng lại “thân mật” thái quá bị tung lên mạng. Báo chí tường thuật những hình ảnh này chụp lại từ hệ thống camera giám sát của cụm rạp với nhiều tư thế và rất rõ mặt. Bên cạnh việc lên án cặp đôi này, nhiều người mới giật mình, té ra vào rạp xem phim cũng bị quây camera và hình ảnh của bạn có thể bị phát tán lên mạng lúc nào không hay.

Kết luận thứ nhì ở đây là hình phạt phải tương xứng với vi phạm; hút thuốc nơi bị cấm có thể chịu phạt một khoản tiền lớn hay thậm chí nhiều ngày lao động công ích nhưng không thể bêu tên và hình ảnh người hút lên chốn công cộng. Âu yếm trong rạp chiếu phim có thể bị lên án là bất lịch sự, làm quá thì bị kết tội “công xúc tu sĩ” nhưng không thể bêu xấu họ lên mạng xã hội được, hình ảnh của họ không được bị rò rỉ phát tán lên không gian công cộng được.

Có lẽ cho dù sau này trí tuệ nhân tạo thông minh xuất sắc nhận diện ai là trúng phóc, con người cũng không thể giao phó cho máy móc làm công việc phán xử con người. Hãy cứ hình dung một kịch bản, phần mềm nhận diện thế hệ mới nhận diện bạn vừa mới vượt đèn đỏ ở một ngã tư, gởi hình ảnh vi phạm này về trung tâm. Phần mềm xử lý trung tâm dùng thuật toán có sẵn ra lệnh cho các camera ở đường phố kế tiếp theo dõi bạn, đến một đoạn đường có xây rào chắn đóng mở tự động, máy ra lệnh các cọc bê tông nổi lên để chặn xe bạn lại. Tai nạn xảy ra vì hai người bạn ngồi băng sau không thắt dây an toàn nên bị hất văng ra xa. Kịch bản là giả định nhưng nỗi lo là có thật.

Loại phim khoa học viễn tưởng trong đó cảnh sát người máy tuần tra, kiểm soát và xử phạt đám đông có khá nhiều, lúc nào cái kết cũng là sự nổi dậy của con người chống lại, đôi lúc có sự hỗ trợ của một người máy “phản tỉnh” có tính người. Một chủ đề khác cũng khá phổ biến trong thể loại phim viễn tưởng là người máy thống trị nhân loại, chúng ta thường coi để giải trí, ít ai nghĩ máy móc có đủ trí khôn để cai trị con người. Có lẽ sự thống trị mà phim ảnh nhắc đến chỉ là một ẩn dụ - khi chúng ta phụ thuộc vào máy móc như kiểu phần mềm nhận diện – tức chúng ta đã nhường quyền kiểm soát, nhường sự phán xét cho máy móc và chịu phận nô lệ từ đây.




Sunday, August 19, 2018

Giáo dục có vốn nước ngoài


Thở phào… nhưng chưa nhẹ nhõm

Nguyễn Vạn Phú

Giáo dục là một trong những lãnh vực nhận nhiều lời ta thán mỗi khi có hội nghị góp ý cho đầu tư nước ngoài. Một quy định mới vừa ra đời, có hiệu lực từ ngày 1-8-2018, giải quyết được bao nhiêu phần trăm những than phiền này?

Nhà đầu tư thường than gì?

Nhưng có lẽ trước hết cần điểm lại những vấn đề gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài trong lãnh vực giáo dục, trước đây được điều chỉnh bởi Nghị định 73/2012. Một trong những điểm được nhắc nhiều nhất là quy định cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép tuyển học sinh Việt Nam nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường. Học sinh Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.

Quy định này còn có thể hợp lý ở thời kỳ các trường quốc tế mở ra chủ yếu cho con em nhà đầu tư hay nhà ngoại giao nước ngoài. Sau này có những nhà đầu tư FDI muốn mở các trường quốc tế nhắm đến học sinh Việt Nam nhưng xem như bó tay vì hạn mức này. Ở các trường quốc tế nổi tiếng thường học sinh người Việt phải xếp hàng đợi hạn ngạch; đến nỗi có trường bày phụ huynh cho con em tạm lấy quốc tịch Campuchia để vào học cho nhanh!

Thế nhưng với nhà đầu tư, điều gây bức xúc cho họ nhất là thủ tục nhiêu khê khi thành lập một cơ sở giáo dục, bất kể đó chỉ là chi nhánh một trung tâm ngoại ngữ hay một trường đại học bề thế. Nhà đầu tư phải xin cho được ba loại giấy phép (giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động), với những hồ sơ và thủ tục trùng lắp nhau. Mỗi loại giấy phép phải đi qua nhiều cửa thẩm định, mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy, đọc tin tức thời sự, có lúc chúng ta nghe trường đại học Fulbright được cấp giấy phép đầu tư, một thời gian sau lại nghe Fulbright được trao giấy phép thành lập và thêm một thời gian nữa trường này mới có giấy phép hoạt động.

Ở đây vấn đề con gà có trước hay quả trứng có trước cũng là nỗi đau đầu của nhà đầu tư: họ phải đáp ứng nhiều điều kiện mới được cấp phép nhưng chưa có giấy phép mà tuyển giáo viên, thuê hay xây cơ sở dạy học về để đó rất lãng phí, tốn kém. Tuyển giảng viên có ít nhất 5 năm kinh nghiệm đã khó, phải trả lương đầy đủ cho họ khi chưa có giấy phép hoạt động, tức chưa có doanh thu càng khó hơn.

Nghị định 73 cũ cũng có những yêu cầu cao về vốn đầu tư, về chương trình giảng dạy và đội ngũ giáo viên. Các yêu cầu này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của người học nhưng đôi lúc không mang tính thực tế. Điều 31 quy định: “Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất phải có 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy”. Với giảng viên đại học, yêu cầu có 5 năm kinh nghiệm nghe còn tương đối chấp nhận được nhưng với một trung tâm ngoại ngữ, nhiều lúc phải tuyển người bản ngữ làm thêm để kiếm thêm thu nhập thì lấy đâu ra từng ấy năm kinh nghiệm.

Thật ra yêu cầu này đã được sửa đổi vào cuối năm 2014 (bằng Nghị định 124), bỏ điều kiện phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trường mầm non, trường phổ thông.

Giải quyết đến đâu?

Nghị định 86/2018, có hiệu lực từ đầu tháng này, được kỳ vọng giải quyết hết mọi nỗi băn khoăn của nhà đầu tư, nhất là sau các góp ý của nhiều tổ chức và lời hứa hẹn của các quan chức giáo dục. Thế nhưng có thể thấy cách giải quyết là chưa triệt để, chẳng hạn, quy định hạn chế số lượng học sinh Việt Nam tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài (từ mầm non đến trung học phổ thông) được nâng lên, từ 10% hay 20% lên thành không quá 50% chứ không phải gỡ bỏ hoàn toàn.

Hay thủ tục thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được đơn giản hóa nhưng chỉ cho cơ sở đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn (chỉ còn hai bước: cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp phép hoạt động giáo dục). Các trường khác, từ mầm non đến đại học vẫn phải áp dụng quy trình ba bước: xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, xin cấp quyết định thành lập và xin cấp phép hoạt động giáo dục.

Thật ra khi xin thành lập một trường đại học, đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trên cơ sở tờ trình của các Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Giáo dục-Đào tạo và các cơ quan liên quan. Bước này là quan trọng nhất vì phải đi qua các cửa quan trọng; không biết vì sao sau đó phải làm lại các thủ tục tương tự để thực hiện quy trình ba bước nói trên.

Cũng như quy định cũ, Nghị định 86 cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông có nhận học sinh Việt Nam phải dạy những nội dung bắt buộc (từ các môn Lịch sử, Địa lý, tiếng Việt). Tuy nhiên, cái mới là nghị định sử dụng cụm từ “nội dung bắt buộc” thay vì “môn học bắt buộc” giúp các trường có thể linh hoạt lồng ghép nội dung các môn thay vì có giờ dạy riêng các môn bằng tiếng Việt.

Có một số nội dung Nghị định 86 nâng cao yêu cầu so với trước. Chẳng hạn trước đây quy định tỉ lệ tiến sĩ trên giảng viên của các trường đại học có vốn nước ngoài chỉ là 35% thì nay tăng lên 50%. Vốn của các trường đại học trước đây chỉ cần 300 tỷ đồng thì nay được nâng lên thành 1.000 tỷ đồng (không bao gồm chi phí sử dụng đất) cho tương xứng với yêu cầu về vốn đối với các trường đại học trong nước. 

Nặng nhất là quy định “Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng”. Trong khi diện tích đất tối thiểu của các trường đại học tư trong nước phải đạt 5 hecta thì trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài không chịu ràng buộc này, chỉ trừ quy định: “Diện tích đất để xây dựng trường đạt bình quân ít nhất 25 m2/sinh viên tại thời điểm có quy mô đào tạo cao nhất”.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, một vấn đề quan trọng mà cả Nghị định 73 cũ và Nghị định 86 mới chưa chú ý là nội hàm của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Nghị định 73 không đề cập còn Nghị định 86 định nghĩa “Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là cơ sở giáo dục do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư”. 

Định nghĩa như thế là còn bỏ sót các cơ sở giáo dục, mặc dù vốn là của người trong nước, nhưng sau đó lại thuê các tổ chức nước ngoài điều hành, giảng dạy y như một trường có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi các trường như thế đang giảng dạy theo chương trình nước ngoài, sử dụng tiếng Anh hay một ngoại ngữ khác làm ngôn ngữ giảng dạy và có thể cấp bằng nước ngoài. 

Loại hình trường “quốc tế” như thế hiện có nhiều và gây hiểu nhầm ở phụ huynh học sinh. Cần xác định những trường như thế có bị chi phối bởi những ràng buộc về chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên như trường có vốn đầu tư nước ngoài hay không.



Thursday, August 9, 2018

Ảo tưởng blockchain

Blockchain chỉ là ảo tưởng

(Bài này đăng trên tờ Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Tuổi Trẻ Online bị đình bản 3 tháng; TTCT không có chỗ để đưa lên. Vậy nên bài được đưa lên blog sớm hơn thường lệ, thay vì chờ vài ba tuần ưu tiên cho bên báo).

Nguyễn Vạn Phú

Xã hội truyền thống xây dựng dựa trên niềm tin vào con người và các định chế do con người dựng nên – blockchain được phát triển dựa trên giả định không thể tin ai. Thử nghĩ xem xu hướng nào sẽ thắng thế và nên cổ vũ cho xu hướng nào?

Các bài viết về blockchain thường dành ra cỡ một phần ba để giải thích blockchain là gì. Người đọc ít khi vượt qua một phần ba này nên cái đọng lại trong nhiều người là blockchain lắm phức tạp nhưng cũng lắm tiềm năng. Nói theo cách đơn giản hóa nhất, blockchain là một cơ sở dữ liệu an toàn bậc nhất vì không ai có thể can thiệp sửa chữa thông tin bên trong.

Vì là cơ sở dữ liệu nên blockchain có thể áp dụng trong nhiều trường hợp như ghi nhận mọi biến động trong thị trường địa ốc một nước mà không cần nhờ tới một bên thứ ba như công chứng viên hay cơ quan địa chính nhà nước chứng thực. Nói cách khác những giao dịch giữa hai bên mà trước đây cần một bên trung gian xác nhận đều có thể tiến hành bằng công nghệ blockchain và loại bỏ bên trung gian. Đó có thể là mua bán chứng khoán, chi trả trong thương mại quốc tế, đăng ký sở hữu tài sản như nhà cửa, xe cộ… Nói đến đây, ắt ai nấy đều thèm thuồng cái sức mạnh vượt trội của blockchain, tưởng đâu một sớm một chiều nó sẽ thay đổi cách tổ chức xã hội của cả nhân loại.

Lòng tin con người là yếu tố quyết định

Thế nhưng bất kể biết bao hội thảo, biết bao bài thuyết trình, biết bao bài viết ca ngợi ưu thế blockchain, thử hỏi đã có ai thấy một ứng dụng phổ biến trong đời sống thực dùng nền tảng blockchain, ngoài các đồng tiền mã hóa?

Trong ngành hàng không dân dụng, cơ chế máy bay tự lái đã hoàn chỉnh đến độ các máy bay đời mới đã có thể tự cất cánh, hạ cánh. Nhưng cứ thử hỏi liệu khách đi máy bay có chịu lên một chiếc máy bay không có phi công, có lẽ không ai dám liều cả. Blockchain cũng vậy, cho dù nó tạo một cơ chế ghi nhận quyền sở hữu nhà đất hoàn chỉnh, không ai có thể giả mạo, chỉnh sửa giấy tờ, liệu đã có dân chúng nước nào giao phó hồ sơ nhà đất của họ cho blockchain? Đây là yếu tố chưa thấy bài viết nào về blockchain đề cập và giải quyết.

Một trong những ứng dụng tiềm năng được ca ngợi nhất của blockchain là “hợp đồng thông minh”, tức hợp đồng kỹ thuật số có nhúng những đoạn mã “nếu… thì….” để sau đó hợp đồng có thể tự động thực thi khi các điều kiện đặt ra được đáp ứng. Trước đây hợp đồng truyền thống dựa vào lòng tin của con người, cộng với áp lực thực thi của xã hội, của luật pháp – tức dựa trên cả hàng ngàn năm điều chỉnh, gây dựng lòng tin vào con người, lòng tin vào công lý. Nay chuyển nó sang cho các đoạn mã làm nền tảng thực thi thì liệu có quá lạc quan khi cho rằng con người sẽ chấp nhận “hợp đồng thông minh” hơn là hợp đồng được cả một hệ thống luật dân sự bảo chứng? Liệu một công nghệ dựa trên giả định không thể tin ai có thể thay thế các định chế dựa trên lòng tin vào con người?

Để dễ hình dung, hãy nhìn vào một ứng dụng cụ thể: blockchain trong phát hành nhạc. Phát hành nhạc hiện đang trải qua những thay đổi tận gốc rễ - thay vì bán đĩa ghi âm, ca sĩ có thể đưa bài hát của mình lên một nơi phát hành trực tuyến như Apple Music hay Spotify nhưng cũ cũng như mới, ca sĩ đều phải dựa vào bên trung gian để đưa sản phẩm đến người nghe và chịu mất hoa hồng. Blockchain được kỳ vọng thay đổi điều đó bằng cách tạo ra một cơ sở dữ liệu chính xác ai sở hữu gì; cộng với một dạng hợp đồng thông minh, kiểu nếu A chi trả 5 đồng thì được nghe bài B ba lần – người ta cứ nghĩ sau này thính giả cứ trả tiền trực tiếp cho ca sĩ, khỏi qua trung gian nữa. Vấn đề là lúc nào cũng có một lượng thính giả đông đảo muốn nghe nhạc mà không mất tiền, họ sẽ ngó lơ hẳn blockchain như hiện nay họ đâu thèm dùng Spotify hay Apple Music.

Ý tưởng loại bỏ trung gian

Trở lại ứng dụng blockchain được triển khai duy nhất trong thực tế - đồng tiền mã hóa mà khét tiếng nhất là bitcoin, ưu điểm lớn nhất của nó là loại bỏ các trung gian như ngân hàng trung ương phát hành tiền, ngân hàng thương mại ghi nhận các giao dịch hay các tổ chức thanh toán như Visa hay MasterCard. Cái giá phải trả là sự biến động giá trị không ai chịu nổi, mỗi giao dịch phải mất một thời gian lâu mới được xác nhận (mỗi giây Visa xử lý 60.000 giao dịch còn bitcoin tối đa chỉ được bảy giao dịch), nguồn năng lượng khổng lồ cần có để tiến hành ghi nhận giao dịch… Trong khi đó chi phí cho các bên trung gian là không đáng kể và quan trọng hơn, bên trung gian cũng là những tế bào làm nên xã hội hiện đại, gạt bỏ chúng đi, cuối cùng chúng ta còn lại gì?

Thử nhìn lại các bên trung gian mà nền kinh tế số muốn loại bỏ: Airbnb muốn loại bỏ các khách sạn để người thuê nhà liên lạc trực tiếp với người có nhà cho thuê; Uber hay Grab loại bỏ các hãng taxi; các website thương mại điện tử loại bỏ cửa hàng tạp hóa; robot loại bỏ công nhân; các trang đặt chỗ như Booking.com loại bỏ đại lý… Cạnh tranh bằng cách đẩy một bên vào chỗ phải diệt vong chưa chắc đã là phương thức bền vững. Blockchain chính là ứng dụng kinh tế số hứa hẹn loại bỏ nhiều trung gian nhất, từ ngân hàng đến nhà môi giới, thậm chí cả cơ quan nhà nước và chính phủ.

Sai sót do con người

Chúng ta đã từng nghe các vụ hacker đột nhập đánh cắp bitcoin rồi đánh sập các sàn giao dịch bitcoin như thế nào. Kể cũng lạ, người ta từng khẳng định blockchain là không thể sửa đổi vậy hacker làm sao để đánh cắp nếu không ghi nhận sự chuyển dịch sở hữu đồng bitcoin đánh cắp sang cho mình? Blockchain do con người thiết kế, nhập dữ liệu đầu vào nên chắc chắn sai sót sẽ xảy ra.

Một trong những hợp đồng thông minh lớn nhất là một công cụ đầu tư viết tắt là DAO, cho phép thành viên đầu tư trực tiếp bằng cách dùng chìa khóa mã hóa riêng để bỏ phiếu nên đầu tư vào đâu. Như thế đây là quỹ đầu tư không cần ban điều hành, không cần luật sư, không cần họp hội đồng quản trị. Thế mà do một lỗi phần mềm DAO bỏ phiếu đầu tư 50 triệu đô-la, tức một phần ba tổng quỹ vào một dự án sau đó được phát hiện là do các nhà lập trình dựng lên như một dự án ma. Dù tranh cãi đây là do lỗi phần mềm hay do con người lợi dụng công nghệ để tư lợi, sau cùng mọi người phải ngồi lại bỏ phiếu bằng cách truyền thống để trả lại nguyên trạng, tiền ai về nhà nấy. Dân chuyên về blockchain cuối cùng phải dùng lý trí để thực thi hợp đồng chứ không dựa vào sự “thông minh” của máy móc nữa.

Sai sót tiềm ẩn lớn nhất là phóng đại những gì blockchain có thể làm được, hay gán cho blockchain những ưu điểm thật ra của nơi khác. Ví dụ người ta thường quảng bá, chi trả bảo hiểm y tế bằng blockchain là nhanh như chớp trong khi bình thường phải mất 90 ngày để hãng bảo hiểm xử lý một yêu cầu. Cái này là nhờ ứng dụng công nghệ vào quản lý chi trả bảo hiểm chứ không phải nhờ blockchain. Nếu có tranh chấp hay có gian lận bảo hiểm thì blockchain cũng đành chịu, không thể đẩy nhanh quy trình thanh toán. Tương tự hiện nay không hiếm các lời rao chào hàng blockchain cho mọi ngành, mọi lãnh vực, kể cả nông nghiệp như truy xuất nguồn gốc nông sản. Đây cũng chỉ là ứng dụng cơ sở dữ liệu kết nối với mã QR dán trên sản phẩm chứ có liên quan gì đến blockchain?

Cuộc sống có những chọn lựa riêng của nó. Có thời cả thế giới lao vào tranh cãi sẽ dùng định dạng gì, BluRay hay HD-DVD cuối cùng cả hai đều bị bỏ xó. Thiết nghĩ những ồn ào chung quanh blockchain cũng thế, cuối cùng thế giới sẽ chọn giải pháp riêng như kiểu chi trả qua điện thoại di động, chẳng cần gì đến blockchain hay bitcoin. Cũng có thể bỗng xuất hiện một ứng dụng cất cánh cho blockchain, tức một ứng dụng thành công bất ngờ, giúp phổ biến blockchain nhanh chóng. Chưa ai biết được tương lai nhưng nên có thái độ hoài nghi để khỏi bị lừa hay bị cuốn vào những lời chào hàng đắt đỏ.


Box

Giả định bạn muốn mua sách qua mạng. Giả định có một tác giả dùng công nghệ blockchain, soạn hợp đồng thông minh để bán sách. Như vậy khác với lối mua bán truyền thống, quẹt thẻ xong chờ họ gởi sách về nhà, nay bạn không tin ai và người bán sách không tin bạn nên hai bên cậy nhờ hợp đồng thông minh. Làm sao bạn đủ sức để rà soát cái hợp đồng thông minh này để xem có bị ông tác giả kia lừa hết tiền trong thẻ? Vậy là cuối cùng, dù sử dụng hợp đồng thông minh, bạn vẫn phải dựa vào những giả định: ông tác giả phải làm ăn đàng hoàng để giữ uy tín, bạn bè đã mua sách như thế và trôi chảy, ông tác giả là người bạn đã nghe danh và sách giá không bao nhiêu, chắc không ai nỡ lừa nhau. Đó là quyết định dựa trên niềm tin chứ đâu phải dựa vào blockchain.


Monday, August 6, 2018

Khi người giàu không muốn khóc


Khi người giàu không muốn khóc

Giáo sư Douglas Rushkoff là lý thuyết gia truyền thông nổi tiếng. Một hôm ông được mời đến nói chuyện tại một khu nghỉ dưỡng cực kỳ sang trọng với một khoản thù lao bằng cỡ nửa năm lương giáo sư. Ông cứ nghĩ sẽ hé lộ một số trực giác của ông về “tương lai công nghệ” cho khoảng một trăm giới chủ ngân hàng đầu tư nên nhận lời.

Trước đây những lần nói chuyện như thế đều kết thúc bằng phần hỏi đáp, trong đó khán giả thích nghe về các từ công nghệ đang thời thượng như blockchain, in 3D, công nghệ sinh học… nhưng không phải để hiểu chúng một cách cặn kẽ - họ chỉ muốn biết có nên đầu tư vào các xu hướng đang nổi lên đó không!

Lần này ông rất ngạc nhiên khi, thay vì đeo micro bước lên sân khấu, ông được dẫn vào một chiếc bàn tròn đơn sơ có sẵn năm tay đàn ông, toàn là kẻ giàu sụ – là tầng lớn trên trong thế giới của các quỹ đầu cơ. Sau màn chào hỏi ban đầu, ông biết ngay họ không một chút quan tâm đến đề tài ông chuẩn bị sẵn về tương lai công nghệ - họ đến, trong đầu có sẵn những câu hỏi của riêng họ.

Thoạt tiên là các câu vô hại: Máy tính lượng tử có thật không? Tiền ảo nào sẽ thắng? Nhưng dần dần các câu hỏi để lộ ra mối lo canh cánh ngày đêm của họ: Vùng nào sẽ ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu, New Zealand hay Alaska? Có phải Google đang thật sự xây dựng một máy tính để tải nhận thức của nhà khoa học nổi tiếng Ray Kurzweil lên không? Dịch chuyển như thế thì ý thức của ông ta còn tồn tại hay không? Cuối cùng CEO của một tập đoàn chuyên môi giới chứng khoán hỏi câu then chốt, ông ta đã xây gần xong hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất, “Làm sao để tôi vẫn kiểm soát được lực lượng bảo vệ sau khi xảy ra biến cố?”

Người ta thường bảo người giàu cũng khóc là hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Nếu xảy ra biến cố, tức một từ chung cho cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra trong tương lai, có thể là thảm họa môi trường, bất ổn xã hội, nổ bom hạt nhân, virus hủy diệt hay robot nổi loạn tiêu diệt mọi thứ thì tiền bạc và quyền lực cũng không giúp được gì nhiều. Nhưng người giàu không muốn khóc, họ đang tìm cách để đối phó.

Họ hình dung xây được hệ thống ngầm vững chải, có hàng rào bảo vệ ngăn chận đám đông điên cuồng bên ngoài nhưng làm sao dùng tiền để mua bảo vệ vì tiền lúc đó là mớ giấy loại. Đâu có gì ngăn cản bảo vệ tự bầu lãnh đạo rồi chiếm lấy hệ thống? Bắt bảo vệ mang đai kỹ luật chìa khóa do họ cất giữ? Hay chế tạo robot làm bảo vệ?

Đến đây thì Douglas Rushkoff bừng tỉnh. Đối với 5 tay đàn ông này, điều họ đang bàn chính là tương lai công nghệ như kiểu Elon Musk đòi lên sao Hỏa sinh sống, Peter Thiel đòi trường sinh bất tử hay Sam Altman và Ray Kurzweil tải nhận thức lên siêu máy tính để trường tồn. Với họ tương lai công nghệ xoay quanh một từ: thoát thân.

Vì sao ra nông nổi này? Còn đâu thế giới tươi đẹp đầu thập niên 1990 khi tương lai kỹ thuật số mở ra những chân trời mới để cải thiện cuộc sống của nhân loại. Lúc đó những người đi tiên phong nhìn thấy một tương lai bao dung hơn, công bằng hơn, ai cũng như ai trước công nghệ. Đáng tiếc những nhóm lợi ích trong kinh doanh lại thấy cơ hội làm tiền, các thương vụ phát hành cổ phiếu để bán cái tương lai đó cho công chúng. Cả thế giới lên cơn sốt khởi nghiệp làm giàu, ai cũng thế nên không còn ai băn khoăn áy náy về mâu thuẫn đạo đức và tiền bạc. Ai đi ngược lại trào lưu công nghệ đều bị gán nhãn bảo thủ.

Douglas Rushkoff bừng tỉnh nhưng thật ra thế giới đã biết từ lâu con đường khai thác công nghệ một cách sai lạc mà chúng ta đang theo đuổi. Thị trường tập trung không chút khoan dung, đầy dẫy tính bóc lột tổ chức theo kiểu hệ thống siêu thị Walmart khi được bổ sung sức mạnh kỹ thuật số thì biến thành một thứ còn ghê gớm hơn, mất tính người hơn: Amazon. Công ăn việc làm, không còn chút sáng tạo, lại được chẻ nhỏ ra để tự động hóa, cho máy dần thay người. Cả xã hội lao vào các nghề mang tiếng là lao động tự do nhưng thực chất bị sức ép công nghệ bóc lột ngày càng nhiều hơn như lái xe cho Uber, giao hàng cho các trang thương mại điện tử. Văn hóa mua sắm ở các tiệm chạp phô địa phương bị xóa sổ không thương tiếc.

Thế nhưng con người không chịu bỏ thời gian suy nghĩ về cách điều chỉnh để công nghệ chung sống với mình, họ lại biến thành các triết gia, lẩn thẩn tự hỏi: Sau này có nên cho trẻ em cấy não để biết thêm ngoại ngữ? Nhân viên giao dịch chứng khoán cho uống thuốc thông minh thì có sòng phẳng không? Xe tự lái nên ưu tiên cho mạng sống người ngồi trong xe hay khách bộ hành? Các thuộc địa trên sao Hỏa có nên được cai trị theo thể chế dân chủ không? Thay đổi DNA có làm hư bản sắc của tôi không? Robot có quyền như người không? Thật là các câu hỏi sang trọng.

Tệ hại hơn, tiến bộ công nghệ được tô đậm nhờ vắt kiệt môi trường và người nghèo. Hàng triệu triệu máy tính và điện thoại thông minh được sản xuất nhờ sức lao động giá rẻ; nhờ kim loại, đất hiếm khai thác lên thì phá hủy môi trường sống của nhiều cộng đồng. Khi thải loại chúng, nước nghèo trở thành bãi thải chứa rác độc hại nơi trẻ em quần quật phân loại, lựa rác để bán lại các thứ tận thu cho nhà sản xuất, lại thuê người biến chúng thành các món đồ công nghệ thời thượng đắt tiền.

Suy nghĩ theo hướng nhắm mắt làm ngơ các vấn đề xã hội bức bối để cao đạo luận bàn các vấn đề triết lý, riết rồi chúng ta sẽ nhìn không gian chúng ta đang sống theo kiểu: con người là thủ phạm mọi vấn nạn còn công nghệ sẽ là lời giải (nhân vật người máy Smith trong phim Matrix từng bảo con người là dịch bệnh, là ung thư của trái đất này và ta là thuốc chữa). Từ đó mới có những suy nghĩ tải nhận thức lên siêu máy tính, đẻ ra một loại người lai máy để nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới, lột bỏ lớp vỏ đầy tội lỗi và phiền muộn chỉ để lại ý thức không bao giờ hư hỏng lên một lớp vỏ mới do công nghệ tạo ra.


*                           *                           *

Trở lại buổi nói chuyện với 5 tay chủ ngân hàng đầu tư giàu có, đang lo cho tương lai có biến không kiểm soát được, Douglas Rushkoff khuyên họ, cách điều khiển lực lượng bảo vệ hiệu quả nhất là đối xử thật tốt với họ, ngay từ bây giờ. Phải xem bảo vệ như người thân trong gia đình. Và họ càng mở rộng cách ứng xử như thế từ bảo vệ ra các nhân viên khác, đến đối tác, chuỗi cung ứng và toàn xã hội thì lúc đó đâu còn lo xã hội có biến.

Rushkoff viết: “Họ mỉm cười khi thấy tôi lạc quan nhưng họ không bị lời tôi thuyết phục. Họ chẳng quan tâm đến cách phòng tránh tai họa vì họ tin chúng ta đã đi quá xa. Bất kể tiền bạc và quyền lực họ đang có, không ai tin họ có thể tác động lên tương lai nữa. Họ chỉ đơn thuần chấp nhận kịch bản xấu nhất và rồi đem hết tiền bạc và công nghệ mà họ có thể huy động để bảo vệ chính họ - đặc biệt khi họ không thể kiếm một chỗ trên con tàu phóng lên sao Hỏa”.

Dù sao với người bình thường như chúng ta, ít ra không có đủ nguồn lực để lo giành chiếc vé lên sao Hỏa hay đủ tiền thuê mướn bảo vệ ngay từ đầu, còn khá nhiều chọn lựa cho tương lai. Rushkoff nói chúng ta có thể phó mặc để trở thành một đơn vị tiêu dùng như những kẻ đứng sau công nghệ mong muốn hay chúng ta có thể tin rằng có một lối sống hài hòa với công nghệ đợi chúng ta tìm ra. Bản chất con người không phải là mạnh được yếu thua, có tiền thì khỏi khóc, có tiền là có lối thoát. Bản chất của con người là sống chết cùng nhau. Nên tương lai của loài người có ra sao thì tất cả đều phải cùng chia sẻ cái tương lai ấy.



Thursday, August 2, 2018

Tranh cãi thương mại: Ai đúng, ai sai?


Tranh cãi thương mại: Ai đúng, ai sai?


Chiến tranh thương mại đã dẫn tới những tranh cãi không ngớt về những khái niệm cơ bản trong ngoại thương. Nguyên do là bởi những chính sách liên quan hiện nay của chính quyền ông Donald Trump đều ít nhiều xuất phát từ cách hiểu những khái niệm này.

Thâm hụt thương mại – xấu hay bình thường?

Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump rất ghét thâm hụt mậu dịch. Ông tuyên bố, mỗi năm Mỹ “mất” 800 tỷ đô-la, “không phải nửa triệu hay 12 cent, mỗi năm chúng ta thiệt mất 800 tỷ đô-la trong thương mại”. Phần “mất” lớn nhất là rót cho Trung Quốc, mỗi năm, theo ông, chừng 500 tỷ đô-la mặc dù con số chính thức thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá 375 đô-la/năm. 

Từ lâu quan điểm của ông Trump về thâm hụt thương mại cho đây là điều xấu, gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế; giảm thâm hụt sẽ tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ và thuế là công cụ tốt nhất để san bằng thâm hụt.

Hầu hết các nhà kinh tế trên thế giới đều không cho khoản thâm hụt thương mại là “mất”, không ai nghĩ thâm hụt thương mại là thiệt hại. Sự khác biệt giữa xuất và nhập chỉ là thước đo lượng hàng hóa và dịch vụ dịch chuyển qua biên giới, nó có thể phản ánh nhiều yếu tố vĩ mô như xu hướng đầu tư nước ngoài, tỷ giá, và mức độ tăng trưởng GDP khác nhau.

Lấy ví dụ Việt Nam, trong một thời gian dài, chịu thâm hụt thương mại khá lớn; ngoại tệ ở đâu ra để chúng ta đi mua hàng hóa của nước ngoài nhiều hơn hàng hóa xuất đi? Cán cân thanh toán của một nước chủ yếu gồm tài khoản vãng lai (chủ yếu là mua bán với nước ngoài) và tài khoản vốn (chủ yếu là đầu tư nước ngoài, vốn vay…) Thâm hụt thương mại làm tài khoản vãng lai bị hụt nhưng sẽ được bù đắp nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài rót vào tài khoản vốn.

Có thể lý giải: những năm thâm hụt là do các dự án đầu tư nước ngoài phải nhập đủ loại máy móc, thiết bị, nguyên liệu để triển khai. Đến nay thương mại có lúc thặng dư là bởi các dự án FDI đã đi vào hoạt động, đã có hàng bán ra nước ngoài. Vậy thâm hụt thương mại trong trường hợp này có gì là xấu và nay thặng dư cũng không có gì là mừng vì có thể xem đây là dấu hiệu đầu tư đã bão hòa!

Với Mỹ, do đồng tiền trong ngoại thương là đô-la Mỹ nên càng có nhiều thuận lợi hơn nước khác trong việc bù đắp thâm hụt. Với Việt Nam hay các nước khác, để bù đắp cho thâm hụt phải trông cậy vào dòng vốn FDI nhưng Mỹ thì không cần. Thiếu tiền trong tài khoản vãng lai, họ chỉ việc bán trái phiếu để vay vốn giá rẻ khắp thế giới bù vào – tất cả đều tính bằng đô-la Mỹ. Với các nước khác thâm hụt thương mại lâu dài có thể gây sức ép lên tỷ giá nhưng với Mỹ thì không, đâu có vấn đề tỷ giá đâu mà lo.

Thế nhưng đây cũng chính là lý do một số nhà kinh tế nói, với Mỹ, thâm hụt thương mại là dấu hiệu xấu: Mỹ đang vay của tương lai để mua của thế giới về ăn tiêu chứ không chịu đầu tư vào sản xuất. Với nước khác thâm hụt thương mại là sức ép để điều chỉnh nhằm tìm sự cân bằng còn Mỹ do không chịu sức ép nào nên cứ thoải mái nhập hàng từ khắp nơi chứ không chịu nâng mức tiết kiệm.

Thuế - vũ khí đắt giá?

Để giải quyết thâm hụt thương mại, chính quyền ông Trump cho rằng thuế là vũ khí hiệu quả nhất bởi nâng thuế nhập khẩu sẽ làm nản chí hàng nhập khẩu, khuyến khích dân chúng mua hàng nội địa. Các nhà kinh tế Mỹ lại cho rằng tỷ giá mới là yếu tố quan trọng nên trước đó Mỹ tìm cách ép Trung Quốc phải nâng giá đồng tiền họ lên, chứ không phải phá giá. Giá đồng tiền mạnh lên, người dân sẽ thấy mua hàng nhập khẩu có lợi hơn thì tự khắc vấn đề thâm hụt thương mại được giải quyết.

Thực tế cho thấy thuế và các hàng rào khác không có tác dụng gì lên thâm hụt hay thặng dư trong ngoại thương. Những nước có hàng rào thuế thấp nhất như Singapore hay Thụy Sĩ lại có thặng dư thương mại lớn trong khi những nước áp thuế cao như Brazil hay Ấn Độ lại bị thâm hụt mậu dịch.

Với một nước cụ thể, áp thuế lên 100 mặt hàng này thì nhập khẩu của 100 mặt hàng đó có thể giảm nhưng dân chúng lại chuyển qua nhập 100 mặt hàng khác, không có thuế nên cuối cùng về tổng thể, thuế sẽ không tạo ra sự thay đổi gì nhiều. Thuế nhắm vào một nước xuất khẩu nào đó có thể giảm kim ngạch mua bán với nước đó nhưng kim ngạch mua bán với nước khác sẽ tăng lên để bù vào. Còn áp thuế lên hết mọi mặt hàng, với mọi nước sẽ làm giảm cả nhập khẩu lẫn xuất khẩu, tác động xấu lên năng suất và làm tăng lạm phát.

Mỹ nhập nhiều hơn Trung Quốc nên đủ “bài” để “tố”

Một lập luận cũng thường gặp nữa, lần này không xuất phát từ kinh tế gia của hai phe chống và ủng hộ Trump mà từ những người quan sát. Có người cho rằng do Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc nhập từ Mỹ (năm 2016, Mỹ bán qua Trung Quốc 115,6 tỷ đô-la và mua từ Trung Quốc 462,6 tỷ đô-la hàng hóa) nên Mỹ có thể đánh thuế lên 34 tỷ đô-la hàng nhập rồi dọa đánh thêm 200 tỷ đô-la nữa chứ Trung Quốc có trả đũa thì đánh đến 115,6 tỷ là hết. Với cán cân thương mại như thế Mỹ có thể dọa thuế lên đến 462,6 tỷ đô-la trị giá hàng hóa chứ không phải đùa.

Lập luận này nghe qua rất hợp lý và chính xác nhưng đã bỏ qua yếu tố thuế gây hại chính bản thân nước áp dụng như thế nào. Giả thử Mỹ đánh thuế trừng phạt lên mọi mặt hàng nhập từ Trung Quốc thì đúng là họ có lượng hàng nhiều hơn phía Trung Quốc đến 4 lần để dọa nhưng vì thế cũng sẽ chịu thiệt hại gián tiếp gấp 4 lần.

Trong đợt áp thuế đầu tiên, đến 95% hàng hóa nhập từ Trung Quốc là đầu vào của các ngành sản xuất khác ở Mỹ nên thuế tăng, tức giá thành đầu vào tăng sẽ gây khó khăn cho những nhà sản xuất này. Còn tính chung toàn bộ hàng nhập khẩu thì có đến 60% là hàng trung gian cho nên thuế sẽ tác động trực tiếp lên hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, từ đó tác động xấu lên công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, áp thuế lên hàng hóa của nhau thì người tiêu dùng cả hai đều bị thiệt thòi nhưng tiêu dùng Mỹ thiệt thòi gấn 4 lần tiêu dùng Trung Quốc. Nhìn từ phía xuất khẩu, đúng là nhà xuất khẩu Trung Quốc chịu nhiều sức ép hơn nhưng chỉ cần Trung Quốc phá giá đồng tiền của nước họ để tìm lại sức cạnh tranh cho hàng hóa thì coi như hóa giải vũ khí thuế của Mỹ.

Một yếu tố khác, quan trọng hơn là trong tổng số 462,6 tỷ đô-la hàng hóa mà Mỹ mua của Trung Quốc vào năm 2016 chỉ có một tỷ trọng nhỏ là hàng thuần Trung Quốc, còn lại là hàng của các nước khác đang sản xuất tại Trung Quốc để bán đi khắp thế giới như điện thoại iPhone của chính nước Mỹ. Áp thuế như vậy khác nào bắn vào chân mình.

Với cuộc tranh cãi về các khái niệm cơ bản trong ngoại thương, rất khó phân định ai đúng ai sai. Mới nhìn qua thì hầu như mọi kinh tế gia có tiếng đều chê bai chính sách của ông Trump nhưng cũng có người nói, lập luận theo cách hiểu truyền thống đã kéo dài hàng chục năm nay, kéo theo hàng triệu công nhân Mỹ mất việc. Nay Trump có thể nói sai lý thuyết nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang xuống mức thấp nhất, tăng trưởng GDP lại cao nhất thì lý giải như thế nào?

Thực tế cho thấy sau khi Mỹ dọa đánh thuế lên thêm 200 tỷ đô-la hàng hóa nữa thì phía Trung Quốc giữ thái độ im lặng, dè chừng chứ không tuyên bố trả đũa ngay nữa. Có thể họ đang tìm cách hạn chế thiệt hại, đã hiển hiện trên thị trường chứng khoán, tỷ giá và xu hướng dòng vốn chuyển đi nơi khác.

Có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới biết rốt cuộc ai đúng ai sai hay đúng ra, ai có thần kinh thép cứng hơn đối thủ trong cuộc đối đầu này.


Wednesday, August 1, 2018

Kẻ địch đang ở trong nhà


Kẻ địch đang ở trong nhà

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson, đang đọc diễn văn trước Quốc hội Anh về tình hình tại Syria, vừa mới nhắc đến từ Syria, ông này bị ngắt lời và một giọng đều đều vang lên: “Tôi tìm thấy trên web một số thông tin về Lực lượng Dân chủ Syria”!

Williamson luống cuống thò tay vào túi tắt chiếc điện thoại iPhone – hóa ra giọng nói đó là người thư ký ảo Siri trên iPhone đang lắng nghe mọi âm thanh chung quanh, khi nghe Syria, máy tưởng nhầm là kêu Siri dậy nên tự động kích hoạt. Các nghị sĩ được một phen cười thư giãn còn ông Bộ trưởng phải gắng gượng nói đùa: “Tôi thành thực xin lỗi. Bị chính điện thoại di động của mình truy bài là cũng là chuyện xưa nay hiếm”.

Thế nhưng báo chí Anh lại không cười. Họ cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng mà mang trong túi một thiết bị luôn luôn có một micro để mở như thế là nguy hiểm, nhỡ bọn tin tặc tìm cách chiếm quyền kiểm soát chiếc iPhone của ông này và lắng nghe được mọi cuộc họp thì sao?

Trước đó một gia đình ở Oregon, Mỹ hoảng hồn khi chiếc loa thông minh Echo trong nhà họ bỗng ghi âm cuộc trò chuyện của hai vợ chồng rồi gởi đoạn băng này cho một người bạn có tên trong danh mục điện thoại. Họ chỉ phát hiện ra khi người bạn này gọi điện báo cho họ biết và kể lại nội dung y chang như thể người này có mặt trong phòng ngủ của hai vợ chồng.

Mặc dù Amazon, nơi làm ra chiếc loa thông minh Echo cam kết đây là sự cố hy hữu, hai vợ chồng này thề từ nay sẽ không cắm điện cho chiếc loa này nữa. Cách đó vài tháng, nhiều người dùng báo cho Amazon biết chiếc Echo ở nhà họ bỗng nửa đêm thức giấc và cười thành tiếng một cách đáng sợ.

Hiện nay các trợ lý ảo đã hiện diện khắp nơi; ai dùng điện thoại di động ắt đều biết Siri trên hệ điều hành iOS và Google Now trên Android. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều nhà xài loa thông minh, Amazon thì có Echo, Google có Google Home, còn Apple có HomePod… Mỗi loại máy có một từ kích hoạt, như Echo thì gọi Alexa. Giả thử bạn gọi nhầm kiểu Syria với Siri như trường hợp của ông Bộ trưởng Quốc phòng Anh, máy vẫn tỉnh bơ trò chuyện với bạn như thể được kêu thức dậy một cách bình thường. Từ đó mới có chuyện Burger King, nơi bán bánh mì kẹp thịt, dùng một quảng cáo trên truyền hình để kích hoạt Google Home ở nhiều nhà tình cờ đang nghe quảng cáo. Một quảng cáo trên chiếc TV mà có thể kích hoạt một chiếc máy khác đặt trong phòng khách! Thử tưởng tượng các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra khi chiếc máy này kết nối với hệ thống cửa khóa, camera an ninh hay dùng để tắt mở hệ thống báo động.

Sau các vụ như thế, thiên hạ sáng tác ra các mẩu chuyện cười, có lẽ cách đây vài ba năm không ai hiểu nổi: - OK, Google, hãy hỏi Alexa xem Siri có đang lắng nghe chúng tớ trò chuyện không?/-Cortana chen vào: Nếu bạn không làm gì sai trái thì đâu có gì phải lo.

Ở trên là tình huống máy móc ngẫu nhiên lắng nghe con người; còn ở Trung Quốc thì ngược lại, ngày càng có nhiều nơi dùng máy móc để cố tình theo dõi con người mọi lúc mọi nơi. Điển hình là kế hoạch dùng máy bay không người lái (drone) hình dáng như chim bồ câu để giám sát người dân. Theo tờ South China Morning Post, có ít nhất 30 cơ quan nhà nước tại 5 tỉnh đang sử dụng drone để thí điểm việc giám sát tình hình an ninh trật tự.  

Phổ biến hơn là việc dùng camera để biết trạng thái tinh thần của học sinh nhờ phần mềm thông minh nhân tạo. Danh chính ngôn thuận mà nói, hệ thống camera được cho là để ghi nhận vắng trễ của học sinh rồi xem học sinh đang làm gì trong lớp.

Nhưng phần mềm còn có thể cho biết dựa vào biểu cảm của học sinh là các em đang vui hay buồn, đang sợ hay chán, đang ngạc nhiên hay giận dữ… Nhờ thế nhà trường có thể xếp loại học sinh, biết ngay em nào trong giờ học không tập trung theo dõi để chấn chỉnh, theo lời hiệu phó một ngôi trường. Chi tiết về hệ thống theo dõi trạng thái tinh thần của học sinh, được thí điểm ở Hàng Châu đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc. Có cha mẹ quyên góp tiền bạc để trường con em họ cũng có hệ thống “tối tân” này nhưng cũng có cha mẹ phản đối, cho rằng theo dõi như thế là vi phạm quyền riêng tư của học sinh. Cứ tưởng tượng học sinh ngồi trong lớp miệng cứ cười tươi cho camera thu hình thì chẳng khác hình ảnh các chú ro-bot trong phim viễn tưởng là bao.



Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...