Cứ để theo lẽ
tự nhiên
Nếu nhìn lại quá trình đổi mới
với cột mốc 1986, nổi lên có những cụm từ như cởi trói, tháo gỡ, phá rào, tháo khoán, tức điểm nổi bật của lần
đổi mới nền kinh tế đó là thay đổi tư duy bao cấp, tránh tư tưởng can thiệp, để
cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Từ chỗ nhà nước lo hết mọi
việc trong một nền kinh tế kế hoạch hóa, từ cây kim, sợi chỉ đến chai nước mắm,
chiếc lốp xe… nay nhà nước chỉ việc đứng sang một bên để mọi người tự tổ chức
làm ăn với nhau, nông dân được cấy cày trên mảnh ruộng của mình thì bỗng chốc nền
kinh tế khởi sắc trở lại. Bước đột phá lúc đó là khoán 10 cho phép nông dân chủ
động canh tác, chủ động bán sản phẩm theo giá thị trường và mở cửa nền kinh tế
cho đầu tư nước ngoài vào đầu thập niên 1990.
Nay thiết nghĩ tái cơ cấu nền
kinh tế cũng không cần những đề án gì to tát, chỉ cần rà soát lại, coi còn
những gì là rào cản thị trường không để cho nó vận hành đúng quy luật, cái gì
là sự can thiệp làm méo mó thị trường. Phát hiện và bãi bỏ những rào cản can
thiệp đó chính là đem đến một sức sống mới cho nền kinh tế, tương tự như một
cuộc đổi mới lần thứ hai.
Theo lẽ đó, trao cho người dân,
đặc biệt là nông dân, quyền sở hữu đất đai là điều quan trọng nhất, tác động
đến nhiều người dân nhất, sẽ là bước đột phá, mở ra những hướng đi mới cho nền
kinh tế. Một thị trường to lớn, liên quan đến 70% dân số sẽ được khai thông,
vận hành đúng quy luật. Thử hình dung, người dân được làm chủ chính thức mảnh
đất của họ thì trong một thời gian, bộ mặt nông thôn sẽ thay đổi, cơ sở hạ tầng
sẽ được cải thiện, nông dân làm ăn với tư cách chủ ruộng sẽ có tầm nhìn dài
hơn, bao quát hơn và hiệu quả hơn.
Điều thứ nhì là thay đổi tư duy
đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đừng gán cho khu vực này cái vai trò nó
làm không nổi là giữ vững đặc trưng xã hội chủ nghĩa. Có nhiều cách khác để duy
trì đặc trưng đó ít tốn kém hơn mà lại hiệu quả hơn nhiều. Chỉ cần chấm dứt
dùng ngân sách như bầu sữa nuôi các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, kém hiệu
quả, nhiều lỗ hổng gây thất thoát là đã nâng hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế
lên một mức cao hơn trước nhiều.
Kế đó là sự dứt khoát, đoạn
tuyệt với tư duy ưa can thiệp vào sự vận hành của nền kinh tế. Chính phủ đã có
kinh nghiệm trong việc can thiệp vào thị trường chứng khoán – với bài học là
không thể nào can thiệp được. Ở những lần can thiệp được như lần bơm vốn kích
cầu vào mấy năm trước thì sự can thiệp ấy để lại hậu quả cho đến ngày nay với
một thị trường địa ốc sớm bùng phát và cũng sớm lụi tàn. Nay cũng vậy, nếu vẫn
còn những loại chính sách như kiểu giải cứu thị trường địa ốc thì quy luật vận
hành thị trường sẽ bị méo mó ngay, nợ xấu sẽ khó lòng giải quyết vì không ai có
động lực tự mình một khi còn le lói khả năng được Chính phủ giải cứu.
Dĩ nhiên, đi kèm với các thay
đổi chính sách này là chấn chỉnh hệ thống luật lệ theo hướng siết lại những lỗ
hổng từng bị lợi dụng như tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng, dùng tiền ký
gởi của dân để đầu tư vào doanh nghiệp khác, tình trạng vẽ ra dự án ma để chiếm
đất của người dân, là khai thác tài nguyên bừa bãi, gây ô nhiễm…
Đó chính là con đường “tái cơ
cấu” hiệu quả, mở đầu cho một quá trình đổi mới lần thứ hai.