Lý do thật
+ Những lập luận ủng hộ và phản
bác việc phá giá tiền đồng đều có tính thuyết phục như nhau, nghe bên nào nói
cũng hay cả. Tuy nhiên một điều mà cả hai bên đều thấy là tỷ giá cứ để nguyên
như vậy trong khi lạm phát nhiều năm qua lại cao như thế là không ổn. Ví dụ,
GDP năm 2012 tính theo giá so sánh chỉ tăng 5,03% nhưng tính theo giá thực tế
tăng đến 16,3%. Nói cách khác, thu nhập đầu người nước ta khi đã khử lạm phát
thì không tăng bao nhiêu cả - đúng với thực tế một năm làm ăn nhiều khó khăn
cho tất cả; thế nhưng tính theo đô-la Mỹ thì tăng vọt từ 1.386 đô-la/người lên
đến 1.609 đô-la/người!
Cái khoản tăng thêm ấn tượng ấy
rơi vào tay ai chưa biết nhưng rõ ràng không rơi vào tay người dân bình thường –
nói cách khác tỷ giá giữ cố định như hiện nay đang mang tính bao cấp và một số
người hưởng lợi, đa phần dân số thì không.
Lô-gích bình thường là NHNN
không nên điều chỉnh tỷ giá đột ngột một lần năm ba phần trăm gây biến động,
nhất là về mặt tâm lý mà nên điều chỉnh từ từ, để cả năm tỷ giá sẽ được điều
chỉnh trong khoảng 3%.
Tại sao chuyện này không diễn
ra? E rằng do việc điều chỉnh dần dần như thế đòi hỏi sự chủ động của một bộ
máy điều hành cấp vụ - một sự chủ động hiện nay đang thiếu vắng.
* * *
+ Cái đề xuất đánh thuế lên tiền
gởi tiết kiệm nhằm chuyển hướng dòng tiền của dân thay vì chảy vào ngân hàng
nay chảy vào sản xuất, kinh doanh là đề xuất phi lý đến nỗi không cần đưa ra
nhiều lập luận để phản bác làm gì. Chỉ cần nhớ nguồn vốn cung cấp cho hoạt động
sản xuất kinh doanh của nền kinh tế chủ yếu đến từ ngân hàng, dân không gởi
tiền vào thì ngân hàng lấy gì cho vay – lúc đó ngành nghề nào cũng đổ vỡ chứ
không riêng gì bất động sản. Chuyện đó thôi không nói nữa.
Vấn đề là vì sao giới bất động
sản đưa ra một kiến nghị như thế?
Giám đốc một công ty địa ốc cho
biết giới kinh doanh bất động sản hiểu rất rõ, Luật Đất đai sắp được sửa đổi ít
nhất cũng làm cho việc giải tỏa đất đai của người dân sẽ khó hơn bội phần. Dù
Luật có thể chưa công nhận quyền sở hữu đất đai nhưng đất của dân sẽ khó lấy
hơn trước vì ai cũng biết đấy là đầu mối của những căng thẳng kiến kiện khắp
nơi. Khó hơn có nghĩa quỹ đất sẽ cạn kiệt, giá đất sẽ tăng chứ không thể nào
giảm. Vấn đề là bắt đầu tăng vào thời điểm nào mà thôi.
Giới bất động sản hiểu rõ điều
đó nên đang tìm mọi cách trụ lại thị trường. Một trong những cách đó là liên
tục kiến nghị để nhà nước giải cứu, mong cầm cự thêm ít lâu, chờ giá đất phục
hồi như họ kỳ vọng. Đánh thuế kiểu như kiến nghị cũng là một cách giải cứu.