Thursday, November 24, 2011

Luật để cho ai?

Luật để cho ai?

Nếu như nỗ lực đưa ra dự thảo Luật Nhà văn dẫn đến câu hỏi “Luật để làm gì?” thì những cố gắng loại bỏ dự thảo Luật Biểu tình của một đại biểu Quốc hội vào tuần trước đưa chúng ta đến với câu hỏi “Luật để cho ai?”

Nếu thường xem phim hình sự Mỹ, chắc người xem sẽ nhớ ngay đến chuyện lúc nào trước khi bắt ai, cảnh sát đều đọc như máy: “Anh có quyền giữ im lặng. [Nhưng nếu anh từ bỏ quyền này] Bất kỳ điều gì anh nói hay làm có thể sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa…”. Có lẽ ai cũng từng có lúc thắc mắc vì sao cảnh sát nói thế làm gì cho thêm rắc rối, không lẽ họ không muốn kẻ tình nghi nhanh chóng khai hết mọi sự? Vì sao lại tự trói buộc mình vào một tình huống gây khó cho chính họ?

Đó là bởi luật lệ nước Mỹ (và luật của nhiều nước khác) quy định như thế, cảnh sát phải làm theo. Còn vì sao phải quy định như thế là bởi một trong nhũng tu chính án của Hiến pháp Hoa Kỳ không cho phép ép buộc một người tự khai để chống lại mình. Ép buộc thì không được (để tránh trường hợp bức cung, tra tấn buộc tù nhân nhận tội) nhưng tự thú thì đương nhiên là chuyện bình thường.

Đến đây, chắc mọi người cũng thấy rõ luật, đặc biệt là bộ luật gốc, tức Hiến pháp, không phải dành cho chính quyền – luật nhằm bảo vệ công lý, tạo ra sự công bằng xã hội và luật là công cụ để người dân bảo vệ các quyền hiến định của họ. Một số ít người vẫn nhầm tưởng luật nhằm kiểm soát xã hội.

Vì vậy, trước khi trả lời câu hỏi, Luật Biểu tình có cần thiết không trong ý nghĩa bảo vệ công lý, chúng ta nên đặt câu hỏi vì sao các bản Hiến pháp nước ta - cho đến bản Hiến pháp mới nhất đều ghi rõ công dân có quyền biểu tình (Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật – Điều 69, Hiến pháp 1992)?

Có thể trả lời câu hỏi này bằng nhiều cách. Đơn giản nhất thì cho rằng đó là các quyền cơ bản của con người trong một xã hội văn minh. Ở một mức cao hơn thì giải thích biểu tình đâu phải đơn thuần là chống lại Chính phủ như một số ít người hiểu nhầm, biểu tình là để người dân bày tỏ thái độ và thái độ đó có thể là phản đối, có thể là ủng hộ, có thể là nhắm đến Chính quyền nhưng cũng có thể nhắm tới hàng loạt đối tượng khác.

Nhưng thực chất vấn đề không nằm ở đó, không dừng lại ở những khái niệm nhất thời. Hiến pháp được xem là một khế ước cao nhất của tất cả mọi người trong một đất nước, cùng thỏa thuận cách thức sống chung với nhau như một xã hội thống nhất nên Hiến pháp cũng là công cụ để giúp kiểm soát, ngăn chận sự lạm quyền trong mọi thời điểm tương lai.

Người dân trao cho những người cầm quyền nhiều quyền lực để thực thi nhiệm vụ nhưng đồng thời họ cũng giữ cho mình những công cụ để tước đi quyền lực ấy nếu người cầm quyền lạm dụng quyền lực để làm điều xấu có hại cho người dân. Những công cụ ấy rất đa dạng, ở góc độ cá nhân là những luật lệ chặt chẽ mà ý nghĩa là nhằm bảo vệ công lý cho từng cá nhân như nói ở trên, ở góc độ xã hội là sự phân công quyền lực để dùng quyền lực giám sát quyền lực. Và ở góc độ tập thể chính là quyền biểu tình như quy định trong Hiến pháp.

Nếu nhìn từ góc độ người lãnh đạo, với một bộ máy nhà nước khổng lồ, nhu cầu có những cơ chế, những thủ tục, những quy trình để kiểm soát cấp dưới khỏi làm bậy, khỏi lạm quyền, khỏi đi chệnh những đường lối chính sách mà mình vạch ra là rất lớn. Trao cho xã hội những công cụ như luật lệ, trong đó có Luật Biểu tình, là nhằm mục đích đó. Giả định một tình huống, lãnh đạo một địa phương nào đó lạm dụng quyền lực chiếm đất của người dân trái phép, lại có đủ thủ đoạn để chặn đứng những nỗ lực đương đầu của người dân như khiếu nại, tố cáo, kiện ra tòa… Lúc đó, biểu tình là cách tốt nhất để người dân ở nơi đó gởi thông điệp của họ đến thẳng chính quyền cấp cao hơn để biết và giải quyết triệt để.

Thật ra, để trả lời cho vị đại biểu tuần trước ra trước Quốc hội phát biểu bác bỏ nhu cầu cần có dự luật biểu tình thì đơn giản hơn nhiều. Biểu tình là một trong những quyền của công dân ghi trong Hiến pháp. Chừng nào Hiến pháp còn ghi điều đó thì nhiệm vụ của các đại biểu lập pháp như ông là phải cụ thể hóa quyền đó thành một đạo luật cụ thể. Nói chờ dân trí cao hơn mới có thể ban hành Luật Biểu tình là một cách nói vi hiến không thể chấp nhận ở một đại biểu Quốc hội.

Thursday, November 17, 2011

Tỷ giá nhìn từ lương

Tỷ giá nhìn từ lương

Trước hết xin nói qua về chuyện tưởng chừng không liên quan đến đề tài tỷ giá.

Đó là câu “thu nhập thực tế của dân cư vào năm 2015 gấp 2- 2,5 lần năm 2010” như một trong những chỉ tiêu trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 mà Quốc hội vừa mới thông qua ngày 8-11. Đối chiếu với chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6,5 - 7%, nhiều người cho rằng tăng gấp đôi thu nhập người dân là chuyện không khả thi, bởi lúc đó tăng trưởng GDP phải lên đến 15-20%, chưa kể đến mức tăng dân số hàng năm.

Thật ra, thu nhập của người dân tính theo GDP danh nghĩa nên nếu mức tăng GDP danh nghĩa cao như mấy năm qua (vì lạm phát) thì chuyện “thu nhập thực tế của dân cư vào năm 2015 gấp 2- 2,5 lần năm 2010” cũng có khả năng xảy ra. Chẳng hạn nếu GDP hàng năm tăng chừng 7%, cộng thêm lạm phát hàng năm chừng 7% thì GDP danh nghĩa đến năm 2015 sẽ tăng chừng gấp đôi, còn nếu tính cả yếu tố tăng dân số thì thu nhập của người dân cũng tăng khoảng 1,85 lần.

Nhưng để đạt mức tăng 2,5 lần, lạm phát hàng năm phải đâu khoảng chừng 13-14% hay cao hơn trong mấy năm đầu. Lạ một điều là các văn bản khác đều nói ưu tiên kiềm chế lạm phát, thậm chí Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 xác định “chỉ số tiêu dùng tăng dưới 10%” và Nghị quyết trích dẫn đầu bài nói “chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5- 7% vào năm 2015”.

Dù sao cứ tạm thời tin rằng trong năm năm tới thu nhập của mỗi một chúng ta sẽ tăng gấp 2 đến 2,5 lần, để chuyển qua nói chuyện chính là tỷ giá.

Giả thử mức lương sống được của người công nhân may mặc ở TPHCM hiện nay là 6 triệu đồng/tháng (kể cả mọi thứ bảo hiểm, tiền thưởng tết… một con số trích dẫn theo ông Lê Quốc Ân, trưởng ban cố vấn Hiệp hội dệt may). Với tỷ giá hiện nay, mức lương đó tương đương 285 đô-la. Giả thử tiếp đến năm 2015 mức lương này tăng 2 lần lên 12 triệu đồng/tháng hay 2,5 lần lên 15 triệu đồng/tháng theo chỉ tiêu ghi trong Nghị quyết của Quốc hội. Chuyện này có thể xảy ra lắm chứ nếu lạm phát cứ cao như năm 2008 hay năm nay thì lương phải cao đủ để công nhân xoay xở sống được.

Vấn đề ở chỗ tỷ giá đang được giữ theo mức ổn định, như cam kết của Ngân hàng Nhà nước cụ thể cho năm nay là tăng không quá 1%. Giả thử tỷ giá neo lại, thay đổi không đáng kể, lúc đó, vào năm 2015, lương công nhân may mặc ở TPHCM sẽ vào khoảng gần 550 đô-la đến gần 700 đô-la. Thử tưởng tượng coi làm sao ngành may mặc TPHCM cạnh tranh nổi với nơi khác khi lương công nhân may mặc lên đến 700 đô-la. Thử nghĩ mà coi có nước nào tiền lương danh nghĩa tăng nhanh đến như thế (tính theo đô-la Mỹ, nơi lạm phát không đáng kể, chứ tính theo tiền đồng thì lạm phát ăn lạm vào hết rồi). Nói cách khác, nếu tính theo tiền đồng, có thể mặt bằng giá cả sẽ cùng tăng lên một mức mới và mọi người dần làm quen với chúng (cách đây vài năm, có ai nghĩ mỗi lần gởi xe tốn gấp 2 đến 2,5 lần – tức từ 2.000 giờ lên đến 4.000-5.000 đồng) nhưng với tiền đô-la khi làm ăn, cạnh tranh với nước ngoài thì đâu có chuyện mặt bằng giá mới như thế.

Thử hình dung tiếp, lúc đó, mặt bằng giá cả trong nước tăng nhưng nếu tỷ giá thay đổi không bao nhiêu thì hàng ngoại nhập sẽ ngày càng rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Lương công nhân tính bằng tiền đồng sẽ gần như trước nhưng tính theo đô-la sẽ có giá trị cao hơn và giá trị đó sẽ thể hiện qua hàng nhập khẩu. Chắc chắn nhà sản xuất trong nước sẽ điêu đứng vì làm sao cạnh tranh nổi khi giá hàng của mình mỗi năm phải tăng chừng 15-20% còn hàng ngoại tăng không đáng kể?

Đến đây chúng ta đã thấy lẽ ra tỷ giá phải thay đổi phụ thuộc vào lạm phát, lãi suất giữa đồng tiền của hai nước chứ ai lại cứng nhắc theo kiểu “tăng không quá 1%”. Nếu điều hành tỷ giá theo kiểu cứng nhắc như thế, chẳng bao lâu, lợi thế cạnh tranh về giá công nhân sẽ biến mất mà người dân cũng thật sự chẳng hưởng được lợi lộc gì.


Bổ sung: TBKTSG tuần này có hai bài liên quan đến Vinashin:

- Bài "Món nợ Vinashin"

- Bài "Những chọn lựa khó khăn"


Thursday, November 10, 2011

Luật để làm gì?

Luật để làm gì?

Tuần qua, dư luận chê cười một đề xuất xây dựng Luật Nhà văn với hầu như tất cả ý kiến cho rằng một dự luật như thế là không cần thiết trong bối cảnh có rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần luật hóa hơn nhiều. Thật ra, đằng sau một đề xuất như thế còn nổi lên một vấn đề quan trọng khác: chúng ta xây dựng luật là để điều chỉnh các mối lợi ích để tiến đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh hay luật nhằm mục đích phục vụ lợi ích nhóm?

Để dễ hình dung, chúng ta hãy lấy vấn đề xã hội hóa các dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế để minh họa. TBKTSG số ra tuần rồi (ngày 3-11-2011) có hai bài về đề tài này, trong đó bài “Người nghèo ít được hưởng lợi từ bảo hiểm y tế” cung cấp nhiều con số cho thấy đã có sự chênh lệch rất lớn giữa việc thụ hưởng quyền lợi từ bảo hiểm y tế giữa người nghèo và người giàu, giữa nông thôn và thành thị. Người dân vùng khó khăn chỉ được đi khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở và được chi trả khoảng vài trăm ngàn đồng cho những lần khám chữa bệnh. Trong khi đó, tại các thành phố, số tiền chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế có thể lên tới vài trăm triệu đồng, chẳng khác nào “nhà nghèo đóng tiền khám bệnh cho nhà giàu”.

Bài “Mất quyền kiểm soát dịch vụ y tế” còn cho thấy một bức tranh đáng ngại hơn khi cho thấy chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế (kêu gọi đầu tư tư nhân vào trang thiết bị y tế tại bệnh viện) đến nay đã bộc lộ những mặt trái: lạm dụng kỹ thuật, bắt chẹt bệnh nhân. Ví dụ, tại bệnh viện Đa khoa Bình Định, 100% bệnh nhân vào khám bệnh đều bị buộc phải chụp cộng hưởng bất kể khám bệnh gì.

Đó là một thực tế. Nếu một đại biểu Quốc hội nào đó thấy không thể kéo dài tình trạng trên bèn suy nghĩ phải xây dựng một đạo luật mới hay chỉnh sửa đạo luật cũ sao cho việc thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế được công bằng hơn, bệnh nhân không bị bắt buộc làm các xét nghiệm không cần thiết. Các chuyên gia luật pháp sẽ giúp soạn thảo đề án luật thể hiện được tinh thần này – một việc không dễ dàng gì. Dự luật được đưa ra thảo luận, các đại biểu gần gũi với quyền lợi của nơi đã bỏ tiền ra đầu tư trang thiết bị máy móc vẫn còn cần thu hồi vốn ắt sẽ phản đối nhưng đa số đại biểu vì quyền lợi của cử tri sẽ thông qua dự luật. Một vấn đề xã hội được giải quyết. Xã hội tiến gần hơn mục tiêu công bằng thêm một chút nữa.

Tinh thần làm luật là như vậy chứ luật không phải được làm ra để tạo điều kiện cho bất kỳ một ai hưởng được những ưu đãi, những đặc quyền hay một nhóm người nào đó sự thuận tiện so với nhóm người khác. Nếu luật nhằm tạo sự thuận tiện cho chính quyền trong việc quản lý cũng không đúng với tinh thần luật là nhằm ngăn ngừa sự bất công.

Trong bối cảnh đó, dự án Luật Nhà văn nên bị bác bỏ khỏi chương trình làm luật của Quốc hội vì lý do gì (tức là nói làm cho cho người đề xuất cũng thấy bị thuyết phục, chứ không đơn giản chê cười họ)? Nếu luật được dùng để điều chỉnh lợi ích của nhà văn thì đã có những sắc luật khác chi phối như Luật Sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, các quy định về hợp đồng… Ngược lại, nếu nó được dùng để chi phối hoạt động sáng tác của nhà văn thì đúng là nó phục vụ cho lợi ích của Hội Nhà văn trong công việc của họ nên đáng bị phê phán, châm biếm. Nếu chỉ vì muốn kiểm soát việc nhà văn viết hồi ký, tránh chuyện gây tranh cãi nhà văn này bóp méo sự thật, nhà văn kia bịa chuyện, xuyên tạc mà cất công trình dự án luật thì đúng là chuyện tầm phào.

Nhìn rộng hơn một chút, chúng ta sẽ thấy những sáng kiến đề xuất xây dựng luật theo kiểu đó ngày càng xuất hiện nhiều. Chúng sẽ không dễ bị phản bác như Luật Nhà văn đâu – bởi chúng cũng sẽ xuất phát từ lợi ích nhưng lợi ích của nhóm đông hơn, tiếng nói mạnh hơn. Từ chuyện sát sườn như hạn chế ô tô hay hạn chế xe máy đến chuyện khó thấy hơn như ưu tiên cho thủy điện hay ưu tiên cho bảo vệ rừng. Người đại biểu sẽ bị đặt vào những tình huống khó xử hơn khi phải cân nhắc hài hòa lợi ích của các nhóm dân cư. Nhưng sự phân vân của họ sẽ chấm dứt khi họ quyết định dựa trên nền tảng: luật pháp là nhằm phục vụ cho sự công bằng của xã hội khi loại trừ được sự bất công và lạm quyền.

Wednesday, November 9, 2011

Cơ hội xuyên biên giới

Cơ hội xuyên biên giới

Hôm qua, sau khi viết xong entry “Thu hồi được không?”, tôi chợt nghĩ, việc phát hành sách qua Amazon là một cơ hội làm ăn lớn, sao các nhà xuất bản trong nước không chộp lấy nhỉ.

Chỉ nói riêng về thị trường đọc sách tiếng Việt ở nước ngoài, số lượng độc giả tiềm năng cũng đã rất lớn. Nhiều người Việt ở nước ngoài khi về thăm quê đều mua một ít sách về cho mình hoặc làm quà tặng bạn bè. Nhiều người ở nước ngoài nhờ người trong nước mua sách gởi qua. Chi phí chuyên chở và sự nhiêu khê là một trở ngại lớn.

Nay thế giới in ấn xuất bản sách đang trải qua những thay đổi to lớn. Sách điện tử đang lấn lướt sách in, vào tháng 2 năm nay, số lượng sách điện tử bán ra ở Mỹ đã vượt sách in, cả bản bìa cứng cộng bản bìa mềm. Sách điện tử giúp dẹp bỏ rào cản địa lý, không còn mất công, mất tiền chuyên chở, chờ đợi. Bấm vài cái, sách chạy ngay vào máy của mình, ai mà không thích. Trước, đọc sách trên máy tính nhiều người chê mỏi mắt, ngồi đau lưng; nay đã có nhiều loại máy đọc sách chuyên dụng như Kindle, Nook, Sony Reader… đọc trên đó như đọc trên giấy in bình thường.

Giả thử nhà xuất bản hợp tác với Amazon, đưa sách của mình lên mạng; ấn bản điện tử bán với giá rẻ thôi, chừng 2 đô-la, chắc chắc trong hàng triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài cũng có vài ngàn người mua, còn cao hơn số lượng in thường thấy hiện nay đối với sách in trong nước.

Chuyện đó không khó gì cả bởi đã có người làm rồi.

Thị trường trong nước to lớn hơn nhiều nhưng ngược lại, không hy vọng được gì nhiều lắm. Không phải vì người trong nước không đọc sách trên máy. Theo chỗ tôi biết đã có hàng ngàn máy Kindle được bán ở Việt Nam. Nếu cộng cả các loại máy tính bảng như iPad mà đọc sách cũng là một trong những chức năng chính thì con số khách hàng tiềm năng cho loại sách điện tử ở Việt Nam khá lớn.

Nhưng thị trường này đã hỏng vì tệ ăn cắp bản quyền. Hàng chục ngàn cuốn sách đã được đưa lên mạng dưới dạng ebook. Bất kỳ cuốn sách nào hay, bán chạy, ra đời chưa bao lâu sẽ có ấn bản ebook “miễn phí” trên mạng. Cuốn Steve Jobs vừa mới ra mắt bên Mỹ được một ngày, hôm sau đã thấy cho tải về miễn phí trên một diễn đàn ở Việt Nam. Sách mua trên Amazon, thường chỉ đọc được trên tối đa 6 thiết bị mà người mua đã đăng ký nhưng người ta vẫn có đồ nghề bẻ khóa và chia sẻ cho toàn thiên hạ. Tạm thời chưa thể trông chờ thị trường ebook có bản quyền ở Việt Nam cất cánh nhưng vẫn sẽ có người bỏ tiền mua sách điện tử có bản quyền, nhất là nếu sách có giá phải chăng, việc thanh toán thuận tiện.

Trở lại với thị trường nước ngoài, không những chỉ có sách mà cũng nên nghĩ đến chuyện phát hành báo, tạp chí qua mạng như Amazon. Họ đang cung ứng dịch vụ này cho những tờ báo nổi tiếng như New York Times (báo ngày) hay Time (tuần báo). Đăng ký mua kiểu này rẻ hơn, hàng sáng hay hàng tuần nội dung báo được gởi tự động vào máy đọc sách của người đăng ký. Chi phí phát hành xem như không đáng kể - tại sao không thử làm nhỉ?

Tuesday, November 8, 2011

Thu hồi được không?


Thu hồi được không?

Thời đại kỹ thuật số, nếu không thay đổi cách suy nghĩ và cách hành xử, người ta dễ bị hố.

Chuyện cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” bị thu hồi thì ai cũng biết nhưng có lẽ ít người biết sách đang được chào bán qua Amazon (đây là đường dẫn). Điều đó có nghĩa, bất kỳ ai có thẻ tín dụng đều có thể mua sách và tùy cách thức nhận sách, có thể lấy về máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy tính bảng iPad và đặc biệt là máy đọc sách Kindle trong nháy mắt.

Mà cũng lạ nhỉ, thu hồi sách là do Nhà xuất bản Mỹ thuật thế thì ai ký hợp đồng với Amazon để đưa sách lên bán? Không lẽ là Indochine, nơi quảng bá là đơn vị độc quyền phát hành cuốn sách này (chắc là ở nước ngoài)?

Với những nhà sách trực tuyến như Amazon, có lẽ sẽ đến ngày nhà xuất bản trung gian biến mất, tác giả làm việc thẳng với Amazon để đưa sách trực tiếp đến người đọc. Chuyện này đã xảy ra rồi và đang có chiều hướng bùng nổ. Trong khi đó chúng ta vẫn đang loay hoay nay thu hồi cuốn này, mai thu hồi cuốn khác. Amazon có phần phản hồi của độc giả rất phong phú. Hãy đợi vài hôm xem độc giả phê bình cuốn sách này như thế nào. Nếu ai cũng chê nó "nhảm nhí" và khuyên người khác đừng mua uổng tiền thì đâu cần lệnh thu hồi nào, tự nó cũng dần biến mất trên kệ sách.


Thursday, November 3, 2011

Nợ và trả nợ

Nợ có thể chưa lo nhưng trả nợ thì phải lo

Nhiều quan chức tuần trước đã trấn an nợ công Việt Nam không có gì đáng lo. Đi kèm là những con số dùng để chứng minh, có thể lời trấn an này đã làm nhiều người yên tâm.

Thế nhưng, cần phải biết hiện nay Việt Nam phải sử dụng khoảng 14-16% ngân sách để chi trả nợ. Điều đó có nghĩa số tiền bỏ ra trả nợ hàng năm bằng toàn bộ số tiền chi cho giáo dục và đào tạo; nó cũng gấp đôi số tiền chi cho y tế; bằng gần 20 lần chi cho khoa học công nghệ.

Nói trên con số cụ thể, theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, năm 2012, số tiền trả nợ tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Để hình dung con số này lớn bao nhiêu, chúng ta hãy so sánh nó với vài con số thu về cho ngân sách. Theo dự toán ngân sách năm 2011 do Bộ Tài chính công bố, toàn bộ thu thuế thu nhập cá nhân chỉ vào khoảng 29.000 tỷ đồng, có nghĩa phải tăng số tiền thu thuế thu nhập cá nhân lên hơn ba lần mới đủ trả nợ. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 154.000 tỷ đồng, chỉ đủ để trả nợ hằng năm cộng với chi cho y tế là gần hết.

Khoảng tiền trả nợ hằng năm, tính theo đô-la Mỹ là vào khoảng 4,8 tỷ đô-la. Cam kết cho vay theo hình thức ODA năm 2011 là 7,88 tỷ đô-la nhưng đó chỉ là con số cam kết; con số giải ngân thấp hơn rất nhiều. Tổng giải ngân ODA năm 2010 chỉ đạt 3,5 tỷ đô-la (trong khi con số cam kết cho vay là 7,9 tỷ đô-la). Như vậy tiền trả nợ còn cao hơn cả tiền vay mới theo dạng ODA (cho dù không phải tất cả các khoản trả nợ là để trả nợ ODA)!

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...