Thị trường và định hướng
Nói đến kinh tế thị trường có lẽ người nói và người nghe đều
hiểu như nhau vì dựa vào những nguyên tắc phổ biến như quy luật cung cầu. Thế
nhưng khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa thì không được rõ ràng như thế. Ngay
chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi được hỏi thế nào
là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn nói: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi
có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Có thể ý ông nói đã từng có
mô hình đó trước đây đâu – đừng đi tìm nữa mà cứ bắt tay vào làm. Có người hiểu
đó là nỗ lực bằng bàn tay hữu hình của nhà nước để hạn chế những thiếu sót của
kinh tế thị trường; có người hiểu đó là định hướng nhằm tìm kiếm sự bình đẳng
tương đối trong một mô hình mà bản chất là bất bình đẳng.
Nói gì thì nói, điều quan trọng nhất mà có lẽ ai cũng dễ
đồng tình là hai vế của khái niệm này không được triệt tiêu lẫn nhau, không được
mâu thuẫn nhau bằng không mọi nỗ lực sẽ bị hao phí.
Điều đáng tiếc, nhiều cơ quan quản lý không thấy được điểm
này nên vẫn cho ra đời những chính sách triệt tiêu động lực của kinh tế thị
trường trong khi không giúp được gì cho bình đẳng xã hội.
Lấy ví dụ chuyện áp trần giá sữa: mới nhìn qua tưởng đâu sẽ
giúp các bà mẹ chi khoản tiền ít hơn khi mua sữa cho con bằng cách ép doanh
nghiệp giảm bớt lợi nhuận.
Nhưng kinh tế thị trường hoạt động dựa trên quy luật cung
cầu cho nên một khi nhà nước ấn định mức giá tối đa doanh nghiệp có thể bán một
sản phẩm của họ thì chọn lựa hợp lý nhất đối với họ là giảm cung. Bởi trong một
thị trường có tính cạnh tranh nếu đã giảm giá được để bán được nhiều sản phẩm
hơn thì họ đã giảm rồi.
Cung đột ngột giảm trong khi cầu từ các bà mẹ nuôi con vẫn
như cũ, chắc chắn giá sẽ tăng chứ không thể nào giảm được. Giá tăng đụng đến
mức trần đã bị ấn định thì sản phẩm sẽ chuyển vào thị trường xám, thị trường
chợ đen nơi bàn tay quản lý nhà nước không với tới được.
Có thể thấy ngay chính sách áp giá trần trong khi vẫn mong
muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường là một mâu thuẫn không thể vượt qua và
chắc chắn chính sách sẽ không đi vào cuộc sống như mong muốn.
Ngược lại, nếu thật sự muốn dùng nguyên tắc cạnh tranh để
giải quyết vấn đề giá sữa, chúng ta có những chọn lựa hoàn toàn khác; chẳng hạn
khuyến khích nhập khẩu song song, khuyến khích thị trường xám, cung cấp thông
tin cho người tiêu dùng để hạn chế tình trạng bất đối xứng về thông tin về giá
trị dinh dưỡng thật sự của sữa formula....
Một ví dụ khác, Bộ Xây dựng đề xuất không cấp giấy phép dự
án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trong năm 2014 còn Bộ trưởng
Trịnh Đình Dũng thì than bất động sản khó khăn “do quá tôn trọng thị trường”. Mâu
thuẫn giữa hai vế “kinh tế thị trường” và “định hướng” ở đây lên đến mức phải
đề xuất tạm thời không áp dụng “kinh tế thị trường nữa”.
Vấn đề ở chỗ liệu đề xuất của Bộ Xây dựng có giúp ích gì cho
những người thu nhập thấp, là đối tượng nhà nước phải hướng tới nhằm hỗ trợ để tạo
ra sự bình đẳng trong xã hội? Không hề. Không cấp thêm giấy phép thì mừng nhất
là những dự án đã có phép, thay vì giảm giá để bán cho được sản phẩm nay cứ yên
tâm giữ giá vì không có thêm đối thủ cạnh tranh. Như vậy Bộ đứng đằng sau để
ủng hộ cho doanh nghiệp mà là doanh nghiệp đặc quyền chứ đâu phải vì người mua
hay vì thị trường nói chung?
Bởi thế, đứng trước câu hỏi “kinh tế thị trường” nhưng làm
thế nào để đúng “định hướng”, trước tiên có lẽ phải xác định “định hướng” phải
luôn là vì người dân, vì sự công bằng xã hội, vì sự phát triển bình đẳng cho
mọi người. Chỉ khi xác định được như thế, cụm từ “định hướng” mới không bị lợi
dụng làm bình phong cho lợi ích nhóm hay các hình thức tư bản thân hữu trá hình,
làm cản trở các quy luật thị trường thật sự.