Tuesday, May 20, 2014

Giàu và nghèo và thế giới phẳng

Giàu và nghèo và thế giới phẳng

Tranh cãi về toàn cầu hóa là cuộc tranh cãi xưa như trái đất mà cho đến nay vẫn chưa có hồi kết; lập luận hai bên ủng hộ và chống đối cũng đều đã rõ. Tuy nhiên, gặp người cổ xúy hết lời cho toàn cầu hóa như Thomas Friedman, tác giả của các cuốn sách bán chạy về toàn cầu hóa như Chiếc Lexus và cây Oliu hay Thế giới phẳng mà không khơi lại cuộc tranh luận này cũng phí đi một cơ hội.

Vậy là tại buổi tọa đàm với Friedman khi ông ghé thăm TPHCM do NXB Trẻ tổ chức vào cuối tuần trước, tôi bèn cố ý “gợi” chuyện: “Tôi đồng ý với ông về mọi điều, thế giới đang ngày càng phẳng hơn, mọi người kết nối với nhau nhiều hơn, ngôi làng toàn cầu đang dần bé lại… nhưng thế rồi sao nữa? Các vấn đề của thế giới như đói nghèo, ô nhiễm, bất bình đẳng vẫn còn đó. Chắc ông đã đọc cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 của Thomas Piketty – sách của nhà kinh tế này cho thấy toàn cầu hóa đâu có làm giảm bất bình đẳng trong thu nhập mà thậm chí ngày càng tăng đấy chứ?”

Không hổ danh là một nhà báo lão luyện, Friedman đáp bằng một câu có thể rút thành tít: “Tôi chưa đọc cuốn sách của Piketty nhưng giới cánh tả ở châu Âu và Mỹ dường như chỉ chú tâm làm sao để người giàu nghèo đi chứ không tìm cách sao cho người nghèo giàu lên [cho bình đẳng]”. Ông khẳng định: “Rõ ràng trong hai chục năm qua, hàng triệu triệu người ở các nước đang phát triển đã giàu hẳn lên nhờ vào quá trình toàn cầu hóa”.

“Tôi e rằng không đơn giản như thế”, tôi ngắt lời Friedman. “Đúng là mọi người có giàu lên nhưng mức độ cải thiện cuộc sống đâu có giống nhau. Người có nguồn lực như đất đai, tiền bạc, tài sản khác thì giàu lên nhanh hơn nhiều lần so với công nhân chỉ biết trông chờ vào đồng lương”.


Friedman cũng lịch sự đáp trả: “Thật sự phải nói tôi không đồng ý về điều đó”. Và ông bắt đầu kể về con đường phát triển kinh tế của Ấn Độ và Trung Quốc. Ông dùng lại hình ảnh các bức tường ngăn trở, và những đột phá công nghệ đã giúp phá vỡ những bức tường này như thế nào, đã giúp các nước này biến đổi ra sao, kể cả cạnh tranh với các nước phát triển... Ông cho rằng lập luận của Piketty chỉ tập trung vào các nước phát triển ở châu Âu hay Mỹ, rằng có thể dữ liệu của cuốn sách là đúng nhưng hầu như không thấy Piketty nói gì về vai trò của công nghệ, xem như công nghệ không tồn tại, không có vai trò gì trong việc giảm bất bình đẳng!

Friedman kể cánh tả Ấn Độ từng phê phán ông và cuốn sách Thế giới phẳng rằng Friedman chỉ đến gặp vài ba người giàu lên ở Ấn Độ nhờ công nghệ thông tin mà dám tuyên bố thế giới phẳng; họ bảo còn cả hàng triệu triệu người Ấn Độ nghèo khổ kia kìa, sao không nói đến. “Tôi mới bảo, ồ, thế à, cám ơn đã cho tôi biết điều đó!” – Friedman mỉa mai, với ý người nghèo thì đã tồn tại ở Ấn Độ hàng ngàn năm nay rồi, cái điểm mới mà ông muốn miêu tả là sự biến đổi nhờ công nghệ, nhờ toàn cầu hóa tác động lên một phần dân số Ấn Độ - đó là tin, đó là điểm mới mà ông muốn miêu tả trong cuốn sách của mình.

“Tôi phải thú thiệt tôi không phải là con người của số liệu, tôi chỉ là nhà báo. Tôi không biết hết mọi chuyện, tôi không phải là người lập thuyết. Tôi chỉ biết những gì mình tường thuật. Và điều tôi muốn tường thuật là những biến đổi xảy ra nhờ việc kết nối thế giới theo một cách hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có”, ông nói và nhắc lại lập luận cho rằng những người nói về bất bình đẳng chỉ muốn làm người giàu nghèo đi chứ không phải là giúp người nghèo giàu lên.

Tôi vẫn chưa chịu bỏ cuộc. “Một trong những nạn nhân rõ nhất của công nghệ kết nối như ông nói là báo in. Số lượng phát hành các báo giảm, báo mạng chưa tìm ra phương thức cân đối thu chi. Người ta cũng đánh mất thói quen đọc sâu, đa phần chỉ thích đọc lướt và chọn đọc tin giải trí rẻ tiền. Ông nghĩ sao về mặt trái này?”

Có lẽ với nhà báo khác, tình cảnh này đã rõ và sẽ nhận được sự đồng tình nhưng với Friedman thì hơi khác. “Báo tôi [New York Times] bắt người đọc trả tiền và có đến 800.000 người trả tiền để đọc báo mạng. Nếu ta có nội dung hay mà bạn đọc muốn thì họ sẽ trả tiền để đọc thôi. Năm năm nữa báo giấy sẽ như thế nào, tôi không biết. Nhưng giờ đây bạn có thể bắt độc giả trả nhiều tiền hơn để đọc báo giấy [với chất lượng cao hơn]”.

Friedman cũng khuyên dùng chiêu dĩ độc trị độc, cứ đăng tin “hở hang hấp dẫn” để thu hút người đọc rồi đăng cả tin nghiêm túc kèm bên, một sự kết hợp mà nhiều báo đang dùng.

Nói là nói vậy thôi, khó khăn của làng báo in là chuyện khó giải quyết bởi ngay chính ở New York Times, gia đình Ochs-Sulzberger đang sở hữu tờ báo này cũng phải dùng nhiều biện pháp để tồn tại như, theo lời Friedman kể, không nhận lương hay phải vay tiền của Carlos Slim, trùm viễn thông Mexico, từng là người giàu nhất thế giới.

Vì vậy,  cú “gợi” chuyện sau cùng của tôi là “sự tự nguyện – free will”: “Nói cho cùng, tôi đâu muốn phải đăng tin bikini hấp dẫn để người ta đọc kèm với tin nghiêm túc; anh nông dân đâu muốn phải cạnh tranh với một người trồng lúa đâu tận bên kia bán cầu; người dân đâu muốn đánh đổi một nhà máy dù hoành tráng bằng nạn ô nhiễm. Toàn cầu hóa không cho người ta sự chọn lựa!”.

“Đây là vấn đề quá lớn” – Thomas Friedman cười nói và kết thúc câu chuyện. Đã bảo tranh cãi về toàn cầu hóa là câu chuyện chưa có hồi kết!


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...