Thế nào là ít, bao nhiêu là nhiều?
Hai sự kiện
mới nhìn tưởng chừng trái ngược nhau: một bên (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) khăng khăng kinh phí tổ chức ASIAD
18 chỉ có 150 triệu đô-la, một bên (Bộ
Giáo dục - Đào tạo) bung ra kinh phí đổi mới chương trình và biên soạn sách
giáo khoa lên đến trên 34.000 tỉ đồng. Cả hai đều bị dư luận phản đối.
Rõ ràng vấn
đề không phải là con số kinh phí nhiều hay ít; vấn đề là các cơ quan nhà nước
dường như không ý thức được ý nghĩa của các con số, cứ tung ra cho dư luận mà
không lường hết tác dụng của chúng.
150 triệu
đô-la để tổ chức ASIAD 18 là quá ít vì cơ quan tung con số này ra đã cố ý không
tính đến phần kinh phí mà các địa phương phải chi cho sự kiện thể thao này cũng
như bỏ lơ phần kinh phí xã hội hóa lớn hơn nhiều lần (lên đến 12.000 tỉ đồng).
Chính vì thế
trong thông báo quyết định không đăng cai ASIAD 18, Văn phòng Chính phủ đã
thông báo phân tích rất chính xác của lãnh đạo Chính phủ: “...việc đầu tư xây dựng mới các hạng mục công
trình phải có để phục vụ cho ASIAD 18 theo hình thức xã hội hóa như: sân đua xe
đạp lòng chảo, làng vận động viên, khu thi đấu đua ngựa và 5 môn phối hợp… cũng
như dự kiến nguồn thu từ ASIAD để bổ sung cho kinh phí tổ chức là chưa có cơ sở
chắc chắc và rất khó đảm bảo”.
Ngược lại,
trên 34.000 tỉ đồng phục vụ việc thay sách giáo khoa là quá nhiều vì cơ quan
tung ra con số này đã đưa vào đây những phần việc không liên quan trực tiếp đến
nội dung chính.
Trong giải
trình mới nhất, kinh phí biên soạn sách giáo khoa chỉ còn lại 105 tỉ đồng; các
khoản lớn nhất, chiếm gần hết kinh phí như trên 20.000 tỉ đồng là để mua sắm
trang thiết bị dạy học, 5.000 tỉ đồng là chi cho ứng dụng công nghệ thông tin
và xây dựng kênh truyền thông giáo dục...
Bộ Giáo dục -
Đào tạo, khi đưa ra các con số kinh phí này cũng không nói rõ đường đi nước
bước của dòng tiền dành cho ngành giáo dục hàng năm nên gây hiểu nhầm, ngân
sách lấy đâu ra khoản tiền lớn như thế trong bối cảnh bội chi, giảm thu?
Thật ra, ngân
sách trung ương và ngân sách địa phương dành cho giáo dục đã định hình hàng năm,
các khoản chi để bồi dưỡng giáo viên theo chương trình và sách giáo khoa mới
hay để mua sắm trang thiết bị là lấy từ nguồn ngân sách này. Vấn đề chỉ là ưu
tiên chuyện này thì giảm chuyện khác; đó là sự chọn lựa của ngành giáo dục mà
thôi.
Nếu nhìn như
thế thì con số 105 tỉ để biên soạn chương trình, biên soạn sách giáo khoa là
quá ít. Cho dù tốn nhiều hơn chừng đó mà Việt Nam có một chương trình giáo dục
phổ thông hoàn chỉnh để từ đó đổi mới giáo dục làm cho ngành giáo dục đào tạo
được những con người sẵn sàng cho bậc học cao hơn hay tham gia được ngay vào
nền kinh tế là điều đáng mừng.
Lấy ví dụ,
trong ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2013 do Bộ Tài chính công bố, chi cho
giáo dục - đào tạo, dạy nghề lên đến 167.992 tỉ đồng, chiếm 18% tổng chi ngân
sách. Đề án xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa kéo dài trong nhiều
năm tài chính, tức kinh phí biên soạn sẽ được phân bổ đều trong một vài năm. Vậy
tổng kinh phí 105 tỉ đồng đâu có là bao nhiêu so với 167.992 tỉ đồng hay gấp
hai gấp ba lần con số này?
Vấn đề là kế
hoạch xây dựng chương trình có thật sự đổi mới chưa, có giải quyết được những
vấn đề xã hội đặt ra lâu nay chưa, có thật sự tạo ra sự chuyển biến cho ngành
giáo dục chưa? Nếu có thì ngân sách gấp vài lần cũng hoàn toàn xứng đáng; nếu
chưa thì chỉ một phần kinh phí này cũng đã là lãng phí.
Cho đến bao
giờ các quan chức nhà nước sử dụng các nguyên tắc tài chính, kinh tế vào quản
lý hay ít ra vào việc truyền đạt chính sách hay đề án đến với công luận để dư
luận không bị hút vào những tranh luận chưa cần có mà bỏ quên những tranh luận
cần thiết hơn nhiều.