1% sẽ ăn hết của 99%
Nếu trong giới kinh tế học mà cũng có ngôi sao như trong
giới điện ảnh, ca hát thì Thomas Piketty ắt sẽ là ngôi sao mới nổi, đang được
đón chào chẳng kém diễn viên Brad Pitt. Cuốn sách vừa xuất bản bằng tiếng Anh
của ông, “Capital in the Twenty-first Century – Tư bản trong thế kỷ 21” tuần
trước lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman cho
rằng cuốn sách của Piketty sẽ “thay đổi cả cách chúng ta suy nghĩ về xã hội và
cách chúng ta nghiên cứu kinh tế học”.
Chủ đề cuốn sách đang gây xôn xao dư luận này là bất bình
đẳng trong thu nhập, một chủ đề quen thuộc, từng được đề cập trong hàng ngàn
cuốn sách hay hàng ngàn bài viết trước đây. Thế nhưng vì sao sách của Thomas
Piketty lại trở thành hiện tượng?
Trước tiên phải nói ngay sự bất bình đẳng trong thu nhập mà
tác giả đề cập chủ yếu không xoay quanh chuyện lương các CEO cao gấp mấy trăm
lần lương công nhân (có nhưng không phải là điểm chính). Sự bất bình đẳng này
thể hiện giữa hai xu hướng: thu nhập từ tư bản, có tốc độ tăng cao hơn nhiều so
với thu nhập từ sức lao động, thường thấp hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh
tế.
Lương của Bill Gates nay có thể không là bao nhiêu cả khi
không còn làm cho Microsoft nhưng so với năm ngoái, tài sản của ông năm nay đã
tăng thêm 9 tỷ đô-la, lên 76 tỷ đô-la Mỹ. Mức tăng ấy đến từ lợi tức tư bản mà
dân gian chúng ta thường nói “tiền đẻ ra tiền”. Mức tăng này cao hơn nhiều so
với mức tăng GDP của nước Mỹ - điều đó có nghĩa, dù không muốn nhưng Bill Gates
sẽ tiếp tục ngày càng giàu, trong khi đại đa số dân Mỹ thấy thu nhập hầu như
không tăng. Vì vậy khoảng cách giàu nghèo giữa Bill Gates và những người có thu
nhập từ tư bản như ông và những người làm công ăn lương sẽ ngày càng dãn ra,
dãn dần ra đến một tỷ lệ không tưởng nổi.
Đó chính là lập luận chính của cuốn sách “Tư bản trong thế
kỷ 21”. Tư bản, theo định nghĩa của Piketty gồm tất cả những tài sản mà người
ta có thể sở hữu và mua bán trên thị trường, như bất động sản, vốn trong doanh
nghiệp, máy móc, nhà xưởng, kể cả tài sản sở hữu trí tuệ. Tư bản tạo ra thu
nhập và theo Piketty, hiện nay ở các nước phát triển, thu nhập từ tư bản vào
khoảng 4-5%/năm.
Trong khi đó tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân của các
nước này chỉ vào khoảng 1-2%/năm.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hai tốc độ chênh lệch nhau này cứ thế
tiếp diễn trong suốt thế kỷ 21 này? Chắc chắn sẽ đến lúc những người nắm tư bản
trong tay sẽ chiếm gần hết thu nhập của một nước trong khi những người còn lại,
tức chỉ biết dùng sức lao động để tạo ra thu nhập, sẽ phải chia miếng bánh ngày
càng nhỏ đi. Cuối cùng thế giới sẽ quay trở lại hình ảnh của châu Âu vào thế kỷ
19 khi giới thượng lưu không làm gì cả, chỉ biết hưởng lợi tức trên điền trang
như trong các cuốn tiểu thuyết cổ điển và giới lao động bình dân luôn sống
trong chật vật nghèo khó.
Lập luận này đi ngược lại những gì kinh tế học lâu nay
thường giả định, rằng kinh tế thị trường sẽ làm cho bất bình đẳng trong thu
nhập ngày càng nhỏ lại nhưng Piketty thuyết phục được nhiều người nhờ khối
lượng dữ liệu khổng lồ trải dài suốt mấy trăm năm mà ông từng thu thập, phân
tích để viết cuốn sách. Ví dụ ông cho rằng giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, sự bất
bình đẳng không rõ nét lắm là bởi tư bản hay sản nghiệp của nhiều người đã bị
hủy diệt qua hai cuộc đại thế chiến, qua những cơn khủng hoảng và chỉ mới tích
lũy lên lại mức xưa vào nửa cuối thế kỷ 20.
Điều gây ấn tượng trong lập luận của tác giả là: nền kinh tế
càng rơi vào trì trệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế càng giảm thì sự bất bình đẳng
trong thu nhập càng cao (vì chênh lệch giữa thu nhập từ tư bản và thu nhập từ
lao động càng cách biệt).
Thomas Piketty năm nay mới 42 tuổi, sinh trưởng ở Pháp. Năm
22 tuổi ông đã lấy xong bằng tiến sĩ kinh tế và được ba trường danh tiếng của
Mỹ gồm MIT, Harvard và Đại học Chicago mời sang dạy. Ông chọn MIT nhưng chỉ dạy
ở đây 2 năm rồi quay về Pháp và bỏ hết thời gian để nghiên cứu dữ liệu liên
quan đến bất bình đẳng trong thu nhập của hàng chục nước trên thế giới.
Đương nhiên khi vẽ nên bức tranh của kinh tế thế giới đang
đi vào chỗ bế tắc như thế, tác giả đưa ra những đề nghị táo bạo: đánh thuế lên
tư bản để giảm bất bình đẳng. Đây là điểm yếu của cuốn sách vì đa phần đều cho là
tác giả “ngây thơ về chính trị” – không ai dại gì đánh thuế lên tư bản vì nó sẽ
chạy sang nước khác; một sắc thuế toàn cầu lại càng bất khả thi hơn.
Hiện nay đa phần lời bình khi điểm cuốn này là sự khen ngợi.
Tuy nhiên, phải nói ngay cuốn sách được viết theo dạng nhắm đến độc giả không
chuyên về kinh tế nên khá dài dòng, lập đi lập lại một cách không cần thiết. Bức
tranh toàn cảnh mà tác giả đưa ra trải dài qua nhiều thế kỷ, qua nhiều nước nên
giúp độc giả có được cái nhìn rất toàn diện, tỉnh táo, không bị tác động bởi
các yếu tố chính trị, chiến tranh hay xung đột “nóng lạnh”. Nhưng cũng chính vì
phải phân tích những chuỗi dữ liệu lớn như thế nên sách đôi lúc mang tính kỹ
thuật, khá khô khan. Tác giả đã cố gắng cân bằng trở lại bằng cách dùng các
cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Jane Austen, Balzac hay Henry James làm dữ liệu
sống để minh họa cho số liệu thời đó.
Điều chắc chắn là cuốn sách của Thomas Piketty sẽ còn được
bàn tán nhiều trong năm nay; các nhà làm chính sách ắt sẽ đọc kỹ và rất có thể
những phân tích trong cuốn sách sẽ tác động đến một số chính sách trong tương
lai. Biết đâu một số nước phương Tây sẽ nới lỏng thêm chuyện nhập cư vì Piketty
cho rằng gia tăng dân số cũng là một trong những phương cách giảm bất bình đẳng
trong thu nhập.
Quote:
“Tôi tin vào sở hữu tư nhân. Nhưng chủ nghĩa tư bản và thị
trường phải là nô lệ cho nền dân chủ chứ không phải ngược lại” – Thomas
Piketty.
Box:
Trong cuốn “Tư bản trong thế kỷ 21”, Thomas Piketty đưa ra
hai “quy luật cơ bản của chủ nghĩa tư bản”. Thứ nhất, ở các nước phát triển
tổng giá trị tư bản của nền kinh tế so với tổng thu nhập quốc dân hàng năm
thường ở mức 5 đến 6 lần. Ví dụ ở các nước như Pháp, Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản,
thu nhập quốc dân đầu người chừng 30.000 đến 35.000 euro/năm, còn tổng sản
nghiệp đầu người (tức tư bản) chừng 150.000 đến 200.000 euro.
Từ đó, Piketty đưa ra quy luật đầu tiên, nếu tổng tư bản
bằng sáu năm tổng thu nhập quốc dân và nếu tỷ lệ thu nhập từ tư bản là 5% thì phần
chia cho tư bản từ thu nhập quốc dân là 30%.
Quy luật thứ hai, chỉ đúng trong dài hạn, cho rằng tỷ lệ
tiết kiệm càng cao và tốc độ tăng trưởng càng thấp thì tỷ lệ tư bản trên thu
nhập quốc dân càng cao. Nói cách khác giả thử một nước tiết kiệm 8% thu nhập và
GDP hàng năm tăng 2% thì về lâu về dài nước này sẽ tích lũy một khoản tư bản
bằng 4 năm tổng thu nhập quốc dân hàng năm. Nhưng nếu GDP chỉ tăng 1%/năm thì sau
một thời gian, tỷ lệ tư bản trên thu nhập quốc dân này sẽ là 8 lần chứ không
còn là 4 lần nữa.