Saturday, May 3, 2014

Cá nhân soạn sách giáo khoa?

Cá nhân soạn sách giáo khoa?

Nếu tạm thời gạt bỏ chuyện tiền bạc sang một bên thì nội dung quan trọng nhất của đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa” của Bộ Giáo dục - Đào tạo nằm ở chỗ “khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa hoặc các cuốn sách giáo khoa khác”. Tuy nhiên vấn đề là Bộ có thật sự muốn điều này và dùng chủ trương này để tạo ra sự đột phá trong biên soạn sách giáo khoa hay không.

Đề án, được dư luận quan tâm vì gắn với khoản tiền trên 34.000 tỷ đồng, thật ra bao quát một số phần việc chính gồm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; biên soạn bộ sách giáo khoa sau năm 2015; thử nghiệm, đánh giá chương trình, sách giáo khoa mới và cuối cùng là triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Như vậy mấu chốt của đề án phải là việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, tích hợp vào đây tất cả những mong muốn đổi mới, cải tiến, chọn lựa nội dung cần giảng dạy, kể cả thể hiện những khái niệm khá mơ hồ mà đề án đưa ra như “dạy học tích hợp” hay “dạy học phân hóa”. Đây rõ ràng là phần việc của Bộ và chiếm vị trí quan trọng nhất của đề án. Nó phải được xem như bản vẽ chi tiết của nhà kiến trúc sư muốn xây dựng nền giáo dục nước nhà đi theo hướng nào, đi theo con đường nào… Ở đây, mong muốn “dạy chữ” hay “dạy người” sẽ được thể hiện, làm sao dạy cho học sinh ứng xử với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng sẽ được đặt ra, làm sao để bắt kịp với tư duy của thời đại mới được nhấn mạnh…

Các phần việc sau, kể cả biên soạn sách giáo khoa dựa trên chương trình nói trên, nên giao cho xã hội; Bộ không nên can thiệp và tham gia làm gì. Bởi vì mặc dù đề án khẳng định “từ chương trình quốc gia có thể có nhiều bộ sách giáo khoa hoặc cuốn sách giáo khoa khác nhau để đáp ứng tính đa dạng vùng miền và đặc điểm nhận thức của các đối tượng khác nhau”, Bộ lại giành cho mình vai trò trung tâm: “Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn đủ một bộ sách giáo khoa”.

Thử hỏi một khi Bộ đã bỏ công biên soạn một bộ sách giáo khoa rồi thì cá nhân, tổ chức nào có thể cạnh tranh nổi với Bộ. Thử hỏi khi đặt ra yêu cầu như trong đề án (“Tất cả sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông”) thì làm sao duy trì được sự công bằng, khách quan trong thẩm định và phê duyệt.

Ở đa số các nước mà chúng ta quan sát được, cơ quan quản lý giáo dục chỉ đề ra chương trình khung hay mục tiêu giáo dục nói chung; việc biên soạn sách giáo khoa giao cho xã hội tự lo với nhau. Sự cạnh tranh để được thầy cô giáo và học sinh chọn để sử dụng buộc các nhà xuất bản phải cho ra đời các bộ sách giáo khoa ngày càng được cải thiện về chất lượng nội dung và hình thức.

Một khi đã có chương trình quốc gia rồi và một khi chương trình đã được sự đồng thuận của xã hội sau khi có sự “trưng cầu ý kiến” như đề án nói thì việc biên soạn sách giáo khoa chỉ là công đoạn “xây nhà dựa trên bản vẽ thiết kế đã có”. Nhất là khi Bộ đã “công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa” thì không việc gì lo ngại sách “chệch hướng”, sách không đạt chất lượng, sách biên soạn cẩu thả… Việc biên soạn sách lúc đó sẽ giúp Bộ giải quyết một số vấn đề vướng mắc lớn của ngành giáo dục hiện nay.

Lấy một ví dụ về chuyện học thêm. Học sinh hiện đi học thêm vì nhiều lý do mà một trong những lý do có thể là các em đánh mất khả năng tự học vì sách giáo khoa quá sơ sài, không thể tự học, tự mày mò như ngày xưa. Nay nếu có những bộ sách biên soạn như sách giáo khoa nước ngoài, có nghĩa là dày gấp đôi gấp ba lần sách hiện nay, trình bày đầy đủ, minh họa rõ ràng để tự học sinh nếu bỏ công sức ra cũng có thể tự học thì chuyện học thêm sẽ giảm đi nhanh chóng.

Việc để cho cá nhân tham gia viết sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa tốt, đầy đủ, dày dặn và các trường có quyền lựa chọn sách phù hợp cho học sinh, còn là một cách hạn chế sách tham khảo tràn lan, chất lượng bát nháo như hiện nay nữa.

Với thị trường to lớn của sách giáo khoa chắc chắn sẽ có những nơi sẵn sàng đầu tư để biên soạn sách một cách công phu vì khả năng thu hồi vốn đầu tư là cao. Nhưng nếu Bộ vẫn giành quyền biên soạn thì không ai dám liều lĩnh bỏ công sức biên soạn sách mà chưa biết có được sử dụng hay không.

Đề án được viết theo kiểu cũ, cứ ôm hết mọi phần việc cho Bộ lo nên số tiền cần có để triển khai đề án lên đến trên 34.000 tỷ đồng, kể cả những đầu việc mênh mang mà việc triển khai không có gì bảo đảm đúng hạn, đúng chất lượng. Có thể tính theo cách thức mà Bộ quen làm lâu nay, ví dụ tập huấn cho hàng trăm ngàn lượt người nhân cho số ngày nhân cho định mức được Bộ Tài chính duyệt thì sẽ ra những con số khổng lồ đó thật.

Nhưng nếu làm theo cách mới, vấn đề kinh phí không còn là chuyện lớn. Phần việc quan trọng nhất là xây dựng chương trình, cái đó thật sự cần kinh phí nhưng chỉ là một phần rất nhỏ so với 34.000 tỷ đồng. Các phần việc sau như biên soạn sách giáo khoa giao cho xã hội lo; chuyện đào tạo lại giáo viên để có thể dạy theo chương trình mới là công việc thường xuyên của nhà trường và cũng phải để giáo viên tự lo. Bộ chỉ là nơi đưa ra các tiêu chí và giám sát thực hiện tiêu chí. Nếu xem chương trình và sách giáo khoa là “dạy cái gì” thì phần triển khai “dạy như thế nào” thiết nghĩ nên trao quyền cho nhà trường và giáo viên để họ có thể thật sự tìm tòi sáng tạo và áp dụng những phương thức truyền đạt kiến thức tốt nhất, không còn những nổi lo phi lý như “cháy giáo án”.

Nếu nhìn theo góc độ đó thì đề án thật sự là sơ sài, phần quan trọng là xây dựng chương trình giáo dục quốc gia chưa hình thành rõ nét; phần biên soạn sách giáo khoa quá chú trọng các vấn đề hình thức như thử nghiệm, đánh giá, lộ trình; phần triển khai khá máy móc theo một lộ trình chủ quan. Thiết nghĩ yêu cầu của các đại biểu Quốc hội bắt Bộ Giáo dục – Đào tạo soạn lại đề án trước khi dựa vào đó ra Nghị quyết là yêu cầu xác đáng.

Box

Đề án này bỏ quên đề án ngoại ngữ quốc gia 2020

Một điều đáng ngạc nhiên là trong khi hiện nay Bộ GD-ĐT đang ráo riết triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 với những bước đi như giúp giáo viên đạt chuẩn châu Âu cũng như triển khai cách khảo sát trình độ học sinh theo các chuẩn quốc tế thì đề án này không có dòng nào về việc này.

Lẽ ra một khi đã xác định chương trình khung về ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông cũng như các chuẩn mà học sinh các cấp phải đạt được thì chương trình dành riêng cho bộ môn ngoại ngữ, kể cả sách giáo khoa đã được giải quyết xong. Điều này lẽ ra phải được thể hiện trong đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa” để tránh sự trùng lắp, lãng phí.


Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...