Trung Quốc sắp chịu khủng
hoảng tài chính?
Bài “Say Hello to
China's Brewing Financial Crisis” của tờ Foreign Policy có dùng những cấu trúc tiếng Anh và thành ngữ đáng
chú ý. Có lẽ tác giả muốn dùng cách hành văn bay bướm để bù vào sự khô khan của
đề tài?
Câu mở đầu là một ví dụ điển hình: “In the global economy these days, there are known unknowns, unknown
unknowns, and then there's the Chinese credit market”.
Hãy bắt đầu bằng một câu có cấu trúc đơn giản hơn: “There are friends and then there are friends”.
Ý nói ai cũng có bạn nhưng chỉ có một số ít là bạn thật sự. Một câu khác: “There's football and then there's football”
có hàm ý trận đấu đang được nhắc đến là tuyệt vời, là số một từ trước tới nay. Như
vậy cấu trúc “There’s A and then there’s
A” muốn nhấn mạnh cái A cụ thể ở vế sau là vượt trội, là hơn hẳn cái A
thường thấy.
Câu trong bài báo vừa dùng cấu trúc đó, lại vừa chơi chữ, ý
nói, trong thời buổi kinh tế toàn cầu [khó khăn] này, có nhiều cái chưa rõ mà
ai cũng biết, có nhiều cái chưa rõ chưa ai biết (tức nhấn mạnh đến yếu tố ẩn
số, bí ẩn, mơ hồ) nhưng thị trường tín dụng Trung Quốc mới thật là bí ẩn hơn cả.
Phần sau, tác giả thích dùng các phrasal verbs rất thông dụng, dễ bỏ sót.
Ví dụ, sau khi nhắc đến hiện tượng lãi suất liên ngân hàng Thượng
Hải tăng vọt, tác giả nói: “its
surprising rise on Thursday has reinvigorated fears that the Chinese banking
system is far more rickety than Beijing would like to let on”. Cụm từ “let on”
là “muốn tiết lộ”.
Hay, tình hình xập xệ của hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng
do nợ xấu mà ra, nhưng “The problem is
that very little is known about just how much debt Chinese banks have taken on amid that country's
infrastructure-fueled growth”. “Take on” ở đây là “nhận lãnh”.
Câu tiếp thì có cụm từ “make
good”: “a slight slowdown in the
country's economy could prevent debtors from making good on their loans”. “Make good” là lo xoay xở trả được
[nợ].
Trong câu này tác giả không dùng thành ngữ mà dùng điển cố:
“Charlene Chu, a senior China analyst at
Fitch, has emerged as a leading
Cassandra on the Chinese economy”. Cassandra là một vị nữ thần có tài
tiên đoán sự việc nhưng không ai tin cả. Tuy nhiên, câu này ý nói Charlene Chu
là chuyên gia từng đưa nhiều dự báo bi quan về nền kinh tế Trung Quốc nhất, chứ
không phải lời dự đoán của bà không ai nghe.
Về nội dung, bài báo cho rằng việc Mỹ tuyên bố sẽ dần chấm
dứt chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ làm cho nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng.
Một khi tiền không còn dồi dào, nhà đầu tư sẽ rút vốn ở các thị trường đang
phát triển để quay về các thị trường phương Tây. Trong khi đó bong bóng tín
dụng ở Trung Quốc có thể vỡ tung, bắt đầu bằng chuyện các ngân hàng không chịu
cho nhau vay nữa, đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao, nợ xấu bộc lộ, giá bất
động sản sụt giảm, kinh tế chựng lại và các ngân hàng Trung Quốc sẽ là nạn nhân
đầu tiên của cuộc khủng hoảng đang dần lộ diện này. Hãy chờ xem bài báo này có
phải là một Cassandra hay không.