Tham gia TPP, GDP sẽ tăng
bao nhiêu?
Mặc dù đang bận một kế hoạch làm sách nhưng không thể không nói cho rõ một con số có nguy cơ gây hiểu nhầm.
Đó là hiện nay một khi nói đến Hiệp định đối tác kinh tế
chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) người ta thường nói tham gia TPP thì
Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn như GDP sẽ tăng khoảng 11%, xuất khẩu sẽ tăng khoảng
28%.
Nói như thế là không có nghĩa gì cả nếu không muốn nói là dễ
làm hiểu sai lệch. GDP tăng 11% rồi xuất khẩu tăng 28% là so với năm nào? Hay
cứ việc tham gia TPP là GDP cứ thế tăng mỗi năm 11%, xuất khẩu mỗi năm tăng
28%?!!!
Thật ra đây là các con số người ta đưa ra để so sánh hai
kịch bản. Lấy cột mốc là năm 2025, nếu không tham gia TPP thì GDP sẽ bằng chừng
ấy, xuất khẩu sẽ bằng chừng ấy; còn nếu tham gia TPP thì GDP sẽ lên chừng này,
xuất khẩu cũng lên chừng này. Tức là nếu tham gia thì GDP sẽ cao hơn không tham
gia 11% và xuất khẩu cũng vậy, cao hơn 28%.
Cụ thể hơn, theo tính toán của GS Peter Petri (đại học
Brandeis) thì năm 2025, xuất khẩu Việt Nam ước chừng 239 tỷ đô-la Mỹ nếu không
tham gia TPP; còn tham gia TPP (có Nhật Bản) thì ước tính sẽ tăng lên 307 tỷ
đô-la Mỹ, tức tăng 67,9 tỷ đô-la hay tăng thêm 28,4%.
Con số 11% ở đâu ra không biết, còn tính toán của GS Petri
về GDP là như vầy: GDP 2025 không có TPP: 340 tỷ đô-la. Có TPP mà thêm Nhật
tham gia nữa thì GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ tăng thêm 35,7 tỷ đô-la Mỹ (tăng
10,5%) lên mức 375,7 tỷ đô-la.
Ở đây xin lưu ý, tài liệu của Amcham khi nói đến đây thì
nhầm GDP tăng 35,7% cũng là một lỗi sai bị lập đi lập lại nhiều nơi, nhiều lần.
Bản thân GS Petri cũng thay đổi số liệu ước tính nhiều lần
với rất nhiều con số khác nhau, các con số trên là năm 2013 còn mấy tài liệu
năm 2012 và 2011 thì ổng ước tính khác nữa. Và cuối cùng nếu tham gia TPP vào
năm 2013 hay 2014 thì cũng đến năm 2020 mới bắt đầu thấy tác dụng lên tăng
trưởng GDP hay xuất khẩu.
Bổ sung: Cái ở
trên là do thấy nhiều nơi, mỗi khi nói về TPP, đều dùng câu đó cả. Mới nhất là trong
bài viết “Bao giờ nền kinh tế Việt sẽ phục hồi?” của ông Alan Phan cũng nói: “Theo dự tính, nếu Việt Nam gia nhập TPP sau
khi quốc hội Mỹ thông qua, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng 11% trong khi
xuất khẩu gia tăng 26% mỗi năm”rất là mơ hồ.
Còn ông giáo sư đó tính toán như thế có đúng hay không thì
làm sao mình biết được.
Anh Lê Hồng Giang, một chuyên gia tài chính, có ý kiến như sau:
Peter Petri sử dụng mô hình CGE (GTAP) để dự báo cho một số kịch
bản khác nhau. Hầu như tất cả các dự báo
chính sách liên quan đến tự do hóa thương mại đều sử dụng CGE, kết quả bao giờ
cũng rất lạc quan vì CGE xây dựng trên cơ sở kinh tế học tân cổ điển trong đó
thuế luôn luôn có tác động tiêu cực nên giảm bớt những thứ đó bao giờ cũng giúp
kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.
Những con số tăng trưởng GDP và xuất khẩu do Petri tính toán
đều là tương đối so với kịch bản base case, thường được giả định là kịch bản có
tăng trưởng ổn định và nền kinh tế (Việt Nam và thế giới) không có các thay
đổi về cấu trúc và các cú sốc bất ngờ. Bởi vậy nếu có một cuộc khủng hoảng tài
chính khác nổ ra hay Việt Nam
có những structural change đáng kể thì những con số nói trên không còn mấy ý
nghĩa. Cứ lấy những đánh giá CGE về lợi ích của việc gia nhập WTO trước đây ra
xem lại thì biết.
Tuy Việt Nam vẫn nên gia nhập TPP vì nhiều lý do nhưng không
nên có quá nhiều kỳ vọng vào những con số tăng trưởng được quảng cáo dù về mặt
định tính có lẽ đúng.