Khi “room” không phải là
“room”
Không biết từ đâu trong kho từ vựng tài chính – chứng khoán
của Việt Nam có thêm từ “room” được
dùng theo nghĩa “tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tối đa (đặc biệt của các công ty niêm
yết) [dành cho nhà đầu tư nước ngoài]”. Các câu như “Tháng tới sẽ đề xuất Chính
phủ nâng room cho khối ngoại”, “Nới room ngân hàng cho khối ngoại”… xuất hiện thường
xuyên trên báo chí chính thống, thậm chí trong phát biểu của các quan chức nữa.
Trong khi đó, thuật ngữ tài chính – chứng khoán nước ngoài không
có chữ “room” dùng theo nghĩa này. Các
hãng tin khi tường thuật cùng nội dung như báo trong nước họ dùng từ theo cách
bình thường như “foreign ownership limit”,
“ceiling ownership for foreign investors”…
Có lẽ ban đầu người ta dùng từ “room” theo kiểu tiếng Anh giao tiếp (chỗ, còn chỗ) (There is no more room for foreign investors
in that company), rồi quen miệng nói qua tiếng Việt luôn. Biết đâu lâu ngày
tiếng Anh lại chấp nhận từ này theo nghĩa mới!!! Chỉ có điều khi chuyện đó chưa
xảy ra, khi nói bằng tiếng Anh, đừng dùng từ “room” theo nghĩa nói trên kẻo người ta không hiểu gì hết.
* * *
Xin kể thêm một số từ tiếng Anh và tiếng Việt nhìn qua tưởng
tương đương trong khi thực tế trái nghĩa nhau rất dễ gây hiểu nhầm.
- Từ “xã hội hóa” mà dịch thành “socialization” nghe hay quá gì nữa? Nhưng thực tế hai từ này có
nghĩa khác nhau xa. “Xã hội hóa” trong tiếng Việt có nghĩa mở cửa những lãnh
vực trước đây chủ yếu của nhà nước lo, nay mời tư nhân hay tổ chức khác tham
gia. Chẳng hạn khi nói xã hội hóa các hoạt động y tế, có nghĩa cho phép mở
phòng khám tư, bệnh viện tư, cho tư nhân tham gia đầu tư mua sắm máy móc để
cùng kinh doanh… Xã hội hóa còn hàm nghĩa… thu tiền chứ không miễn phí như xưa!
“Socialization”
trong tiếng Anh lại có nghĩa một quá trình cá nhân tương tác với xã hội, tiếp
thu các chuẩn mực, giá trị của xã hội để sống với người khác như một thành viên
xã hội. Ngoài ra, còn có từ “socialized
medicine” lại có nghĩa chính phủ can thiệp điều hành hệ thống y tế để có
thể chăm sóc cho tất cả người dân bằng tiền thuế (cho nên hàm ý ngược lại nghĩa
của từ tiếng Việt).
- Từ “thương mại hóa” trong tiếng Việt thường hàm ý chê bai,
như “thương mại hóa” giáo dục, “thương mại hóa” báo chí. Ý muốn nói đây là
những lãnh vực lẽ ra là phi lợi nhuận, không nên dùng làm phương tiện để làm
giàu, kiếm lợi nhuận nhưng đã bị “thương mại hóa”. Trong khi đó, “commercialization” trong tiếng Anh chỉ
là quá trình đưa một sản phẩm hay một phương pháp sản xuất vào kinh doanh. Ví
dụ một người làm ra cái máy cắt cỏ nhỏ gọn, nay tìm đối tác có vốn để cùng nhau
“thương mại hóa” sản phẩm.
- Như một post trước tôi có nói sơ qua, hóa ra “criminalization” không phải là hình sự
hóa theo kiểu chúng ta thường hiểu; nó chỉ là quá trình định danh một tội phạm
vào luật hình sự đi kèm là mức phạt tù hay tiền… Ví dụ, trước đây Việt Nam chưa
có thị trường chứng khoán nên Bộ luật Hình sự 1999 đâu có các tội như giao dịch
nội gián, thao túng giá chứng khoán. Nay xuất phát từ thực tiễn, nhà làm luật
quy định (tức hình sự hóa) những hành vi như thế này liên quan đến thị trường
chứng khoán là phạm tội hình sự “sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng
khoán”, mức phạt như thế kia… (Sửa đổi, bổ sung năm 2009). Cho nên “hình sự
hóa” không mang ý nghĩa tiêu cực.
Trong tiếng Việt, cũng có hai cách hiểu nhưng cách hiểu
“hình sự hóa” theo nghĩa lạm dụng pháp luật hình sự để giải quyết các quan hệ
pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự phổ biến hơn. Khi dịch cũng cần chú ý đến
yếu tố này để khỏi dịch sai.
- Từ “propaganda”
trong tiếng Anh hàm ý xấu, theo kiểu dùng những thủ thuật như lập đi lập lại,
chọn lọc thông tin, để tác động lên dư
luận theo hướng mong muốn. Tuyên truyền dù sao cũng mang nghĩa trung tính. Nhưng
một điểm thú vị là “Học viện báo chí và tuyên truyền” khi tự dịch tên mình sang
tiếng Anh đã chọn “Academy of Journalism
& Communication” chứ không dùng từ propaganda.
Còn khá nhiều từ nữa, có ai biết thì chia sẻ.
Bổ sung: Bác
Giang Lê bổ sung cặp từ “budget deficit-bội chi ngân sách”.
Cái này phải nói lại từ đầu cho dễ theo dõi. Thu ngân sách
dự trù 100 đồng nay chỉ thu được 90 đồng thì người ta gọi là “thâm hụt ngân sách”.
Thu 100 đồng mà chi đến 110 đồng thì người ta gọi là “bội chi ngân sách”. Vì vậy hai từ “thâm
hụt ngân sách” và “bội chi ngân sách” là khác nhau. Ví dụ câu này: “Vì sao năm 2009 không thâm hụt ngân sách mà
bội chi vẫn ở mức cao: 6,9%?”.
Trong khi đó “budget
deficit” là chi nhiều hơn thu; “budget
surplus” là thu nhiều hơn chi.
Vì thế dịch “budget
deficit” là phải dùng cụm từ “bội chi
ngân sách” chứ không phải là “thâm
hụt ngân sách”.
Khổ nỗi những sách báo, tài liệu nào có dính một xíu
đến nước ngoài như các nghiên cứu của các tổ chức tài chính quốc tế hay các bài
dịch các tài liệu này hay các công trình có các tổ chức này tài trợ thì người
ta dùng “thâm hụt ngân sách” theo nghĩa “budget deficit”. Như câu: “Thâm hụt
ngân sách của Việt Nam cao nhất khu vực”… Thế mới gọi là mớ bòng bong từ ngữ
tài chính ở Việt Nam.