Wednesday, July 3, 2013

Từ chuyện gạo của Thái Lan

Từ chuyện gạo của Thái Lan

Từ một sự kiện người ta có thể có nhiều góc nhìn phân tích, bình luận rất khác nhau.

Ví dụ sự kiện chỉ là: Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom bị Thủ tướng Yingluck Shinawatra cách chức vì chương trình trợ cấp giá gạo gây thua lỗ nặng nề cho ngân sách và làm Thái Lan mất đi vị trí nước xuất khẩu gạo số một thế giới.

Nhưng bình luận có thể diễn ra ở nhiều tầng nấc.

Tầng thứ nhất: Chính phủ họ làm việc nghiêm túc, ai làm sai là bị kỷ luật liền!

Tầng thứ hai: Chủ trương trợ giá gạo cho nông dân là của chính bà Yingluck, là yếu tố tranh cử của bà nên khi đắc cử bà phải thực thi thôi chứ đâu phải là quyết định riêng của bộ trưởng bị cách chức. Ông này chỉ là tấm bình phong để hướng sự giận dữ của nông dân vào một địa chỉ mà đã bị sa thải.

Tầng thứ ba: Sau khi thừa nhận thiệt hại từ chính sách mua gạo giá cao cho nông dân (lên đến 4,4 tỷ đô-la trong niên vụ 2011-2012, Chính phủ Thái Lan buộc phải cắt giảm giá mua gạo cho nông dân đến 20% vì càng để lâu càng thiệt hại nặng nề. Tưởng rằng sa thải Bộ trưởng Thương mại là xoa dịu được nông dân nhưng sự phản đối vẫn lan rộng (ai nấy đang tính toán thu nhập dựa trên mức giá bán cao nay tự nhiên bị mất 20% thu nhập, làm sao nông dân không phản ứng?). Cuối cùng Chính phủ Thái Lan phải tiếp tục nâng giá mua gạo lên mức cũ. Bế tắc vẫn hoàn bế tắc.

Tầng thứ tư: Tính toán của Thái Lan khi nâng giá mua gạo cho nông dân là có cơ sở. Bởi lúc đó Thái Lan là nước xuất khẩu gạo số một thế giới. Một khi họ cắt cung trong lúc cầu không giảm, chắc chắn (theo tính toán của họ) giá thế giới sẽ lên. Vậy là họ làm được một công đôi việc: giúp nâng cao mức sống cho nông dân, thực hiện cam kết khi tranh cử vừa có lợi khi giá thế giới tăng như năm 2008. Ai dè Ấn Độ tăng cường sản xuất và mọi toan tính sụp đổ khi cung không giảm mà thậm chí còn tăng. Như vậy bản chất của vấn đề là Thái Lan xui, không gặp thời mà thôi.

Tầng thứ năm: Sai lầm của Chính phủ Thái Lan đã dẫn đến sự sụp đổ một ngành xuất khẩu quan trọng của nước này (năm ngoái xuất khẩu gạo giảm 37%, hiện gạo tồn kho lên đến 17 triệu tấn), làm nông dân bị “hư” theo nghĩa sẽ quen với trợ giá, không chịu bán giá rẻ. Thiệt hại cho ngân sách có thể lên đến hàng chục tỷ đô-la trong khi ngân sách đang thâm hụt và đây là yếu tố có thể dẫn đến sự ra đi của bà Yingluck. Rồi ra câu chuyện dân chủ hay mị dân trên chính trường Thái Lan vẫn sẽ tiếp diễn như thời Thaksin.
  
Tầng thứ sáu: Thế còn các nước giàu như Nhật, Mỹ hay các nước châu Âu thì sao? Bản chất họ cũng đang trợ giá cho nông sản nước họ chẳng khác gì Thái Lan đang cố gắng làm. Vì sao một bên thì khen là biết lo cho người dân nghèo; một bên lại chê trách chính sách mị dân?

….


Có thể đưa ra hàng loạt góc nhìn khác nữa (như kinh tế thị trường không có chỗ cho việc thao túng giá, làm gì có chuyện yêu nước trong kinh doanh vì thương nhân Thái Lan đang đổ xô đi mua gạo của Campuchia, Việt Nam, Miến Điện, rẻ hơn mua trong nước …). Cho nên đứng trước một vấn đề, thu lượm thông tin đầy đủ là quan trọng hơn cả chứ nghe và tin theo bất kỳ một phân tích hay bình luận nào thật dễ bị hố. 

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...