Có nhiều hành vi, như đổ rác xuống kênh, mương, phải xử phạt hành chính
vì không thể đưa hết ra tòa phân xử. Nhưng một khi có hàng ngàn hành vi (như
chửi thề) được đưa vào nhiều dự thảo từ nhiều Bộ để xử phạt hành chính thì phải
tìm hiểu nguyên nhân do đâu, xử như thế có đúng không?
Cái gốc của
chuyện xử phạt hành chính
Trong một thời gian ngắn chúng
ta nghe đến nhiều dự thảo xử phạt hành chính được các bộ lần lượt đưa ra để
người dân góp ý. Quy trình này tạo ra hai hiệu ứng hay đúng hơn là hai cảm giác:
cảm giác rất nhiều văn bản bỗng tập trung vào quản lý hành vi con người, chăm
chăm chuyện xử phạt và cảm giác sự phản ứng của người dân vào nhiều điểm của
các bản dự thảo là có lý và lan rộng từ ngành giáo dục, lao động đến giao thông,
an ninh trật tự, tư pháp. Bất cứ văn bản dự thảo nào đưa ra dường như đều có
vấn đề.
Loại trừ chuyện hiểu sai như
chuyện phạt người không mặt quần áo lót, đa số các chi tiết được báo chí nêu
lên để phản đối là có cơ sở.
Lấy ví dụ chuyện xử phạt “quấy
rối tình dục” của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội. Quấy rối tình dục là một hiện
tượng khá phổ biến, đáng lên án và phải tìm cách giải quyết để phòng ngừa. Nhưng
phòng ngừa, ngăn chặn bằng xử phạt hành chính thì không ăn thua gì cả vì nhiều
lý do. Thay vào chuyện xử phạt hành chính, lẽ ra phải khuyến khích một hai
trường hợp bị quấy nhiễu tình dục kiện ra tòa, đối tượng bị kiện không chỉ là
người gây ra chuyện quấy rối tình dục mà còn là nơi để xảy ra tình trạng này. Mức
phạt thật nặng, mức yêu cầu bồi thường thật cao đối với đơn vị, tổ chức hay
doanh nghiệp để xảy ra tình trạng quấy rối tình dục sẽ làm họ phải đề ra nội
quy, thủ tục báo cáo, giám sát để không xảy ra chuyện quấy rối trong tương lai.
Chuyện xử phạt “ngoại tình” của
Bộ Tư pháp cũng tương tự; đây là mối quan hệ dân sự, phải được xử lý bằng tòa
án, giữa các bên liên quan chứ Nhà nước không có vai trò can thiệp ở đây.
Nhìn lại hàng loạt dự thảo nghị
định xử phạt hành chính ở nhiều lãnh vực, do nhiều bộ đưa ra mới thấy đó là do
Luật Xử phạt vi phạm hành chính ra đời vào năm 2013 và có hiệu lực từ 1-7-2013.
Để luật đi vào cuộc sống cần có nhiều nghị định cụ thể hóa mức phạt ở nhiều
lãnh vực và đây là đầu dây mối nhợ cho nhiều bài báo nhiều tranh cãi trong thời
gian gần đây liên quan đến cụm từ “xử phạt hành chính”. Đã có những bộ đưa ra
dự thảo riêng của ngành mình như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Lao
động – Thương binh – Xã hội… và gần đây nhất là Bộ Công an.
Nếu mọi người cứ mãi săm soi những
điều khoản cụ thể ở các nghị định này thì sẽ không bao giờ bàn hết được vì các
lãnh vực có thể áp dụng xử phạt hành chính rất rộng, không thể liệt kê hết ở
đây. Vấn đề đáng bàn hơn là liệu xử phạt hành chính tràn lan như thế là một sự
lẫn lộn giữa chức năng hành pháp của bộ máy hành chính với chức năng tư pháp và
lập pháp hay không? Bao nhiêu hành vi có thể phạt, bao nhiêu hành vi là nói
chơi cho vui vậy thôi?
Lấy ví dụ một hành vi bị phạt là
“Có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng” – làm sao có ai chứng
kiến để phạt, nghe một trong hai bên mà phạt thì liệu có chính xác, làm sao một
cơ quan hành chính lại đóng vai trò phân xử đúng sai.
Thiết nghĩ mọi văn bản pháp luật
điều chỉnh hành vi con người đều phải do Quốc hội ban hành, Chính phủ giám sát
việc thực thi và hệ thống tòa án sẽ phân xử đúng sai dựa theo luật. Không thể
có chuyện Luật Xử phạt vi phạm hành chính không quy định cụ thể hành vi mà giao
cho Chính phủ quy định hành vi vi phạm rồi đưa ra mức phạt. Trong một bài viết,
GS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Việc ủy quyền cho
Chính phủ quy định hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với hành vi đó là
chưa thực sự phù hợp với Hiến pháp, trong trường hợp này, các cơ quan hành pháp
đã thực thi chức năng lập pháp”.
Nay chỉ mới có các bộ đưa ra dự
thảo Nghị định mà dư luận đã xôn xao, hiểu nhầm và phản đối như thế, thử hỏi
nếu các địa phương cũng vào cuộc, đưa ra những quy định của riêng họ để xử phạt
vi phạm hành chính tràn lan thì luật pháp nước nhà sẽ đi về đâu. Cần phải hạn
chế việc các cơ quan hành chính xử phạt mà nên chuyển sang cho ngành tư pháp
phân xử tại tòa án.
Hiến pháp hiện hành quy định: “Không
ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa
án đã có hiệu lực pháp luật”. Phạt tiền cũng là một dạng hình phạt cho nên rất
có thể mọi quy định phạt tiền do vi phạm hành chính đều là trái với Hiến pháp.
Bổ sung: Nói đến chuyện xử phạt hành vi chửi tục nơi công cộng, tôi
bỗng nhớ đến phim Demolition Man, vai chính là Sylvester Stallone, một cảnh sát thời 1996 bị
đông cứng đến năm 2032 mới được rã băng để truy lùng tội phạm. Anh này chuyên
bị máy phạt vì quen miệng chửi thề như ngày xưa; đến thời điểm này dân chúng
không còn chửi thề nữa, ai chửi đều bị máy báo phạt. Lúc coi phim cứ nghĩ
chuyện khoa học viễn tưởng là phải vậy, ai dè chúng ta cũng có quy định phạt
chửi thề!!!
Chửi thề là một phản xạ tự vệ về
mặt tâm lý, một kiểu xả xú báp, bằng không tâm lý đè nén mãi sẽ đến chỗ bùng nổ
rất nguy hiểm. Phạt là vô lý.