Ghi
chép - 3
(chuyện tăng trưởng
tín dụng)
Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng tìm mọi cách để các ngân
hàng cho vay nhiều thêm, mức thêm cố gắng chừng 12% so với năm ngoái, bởi phải
tăng dự nợ tín dụng tối thiểu ở mức này thì GDP mới tăng như dự tính. Nhưng
thay vì thúc giục các ngân hàng thương mại, tại sao không thử hỏi các doanh
nghiệp, là nơi đi vay tiền, vì sao họ không thèm vay thêm nữa.
Khác với suy nghĩ bình thường, lãi suất cao nhưng đi kèm lạm
phát cao thì không làm doanh nghiệp lo ngại. Đầu năm họ vay một khoản tiền mua
nguyên vật liệu về để sản xuất, giá chừng đó; giữa năm bán hàng (giá đã lên)
thu tiền về. Vì tình hình lạm phát, hàng bán ra sẽ có giá cao hơn dự tính, dư
sức chịu lãi suất cao mà vẫn còn có lãi.
Cái thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp là giai đoạn
chuyển đổi, từ lạm phát cao sang chững lại và giảm xuống. Lúc đó lãi suất cao
mới là gánh nặng vì đội giá thành trong khi giá bán không tăng được nữa. Đó
chính là giai đoạn hiện nay nên doanh nghiệp không vay, không mở rộng sản xuất
kinh doanh.
Ngoài ra những doanh nghiệp còn làm ăn được, cũng đang tìm
những nguồn vốn khác chứ không chịu vay ngân hàng nữa. Làm ăn được hiện nay chỉ
có những ngành liên quan đến xuất khẩu và nông nghiệp. Cả hai đều đang tận dụng
khả năng chiếm dụng vốn (hoặc của nông dân, hoặc của khách hàng bằng nguyên vật
liệu) nên cũng không đụng tới tín dụng ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp chọn con đường bán bớt cổ phần cho nước
ngoài, tiền cũng rót vào kinh doanh, không qua tín dụng ngân hàng. Kiều hối
những năm trước chảy vào địa ốc, nay địa ốc đóng băng, tiền sẽ chảy vào sản
xuất, kinh doanh – chảy trực tiếp, không qua tín dụng ngân hàng.
Chính vì vậy trong năm 2012, tổng phương tiện thanh toán
tăng 22,38% mà tín dụng chỉ tăng 8,91%; Đến cuối tháng 5/2013, tổng phương tiện
thanh toán tăng 5,46% mà tín dụng chỉ tăng 2,98%. Nói tóm lại, vẫn có tiền để
duy trì mức tăng GDP như dự kiến, chỉ có điều một phần tiền này nó không chảy
qua kênh tín dụng của ngân hàng (nền kinh tế phi chính thức của Việt Nam chiếm đến
30%).
Về phía ngân hàng, tín dụng không tăng nhiều khi là điều
hay. Mấy năm trước có lúc huy động được 100 đồng, họ lại cho vay lên đến 116
đồng! Nay tỷ lệ này giảm còn 95% nhưng phải xuống nữa, chừng 80% mới phù hợp và
70% mới an toàn. Chứ cứ như mấy ngân hàng làm liều, vay tiền ngân hàng khác để
cho vay thì sẽ sớm sụp tiệm.
* * *
Trước đó, các báo chạy tít “Mỗi tháng bơm thêm 40.000 tỷ
đồng”; hay “Bơm 40.000 tỷ đồng tín dụng vào nền kinh tế mỗi tháng”… là sai rồi.
Viết như thế nhiều người sẽ hiểu nhầm Chính phủ sẽ bơm một lượng tiền khổng lồ,
40.000 tỷ đồng/tháng, vào nền kinh tế. Tiền ở đâu mà “bơm” như thế?
Thật ra, tại Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc (Phó Thủ tướng)
nói “…tất cả các tháng còn lại mỗi tháng chúng ta phải giải ngân được 40 nghìn
tỷ/ tháng” để tín dụng cả năm tăng 12%. Chữ chúng ta ở đây phải hiểu là hệ
thống ngân hàng.
Tín dụng tăng hay không là do ngân hàng (người cho vay),
doanh nghiệp (người đi vay); còn chính phủ chỉ đóng vai trò thúc đẩy.
Những năm trước tín dụng tăng kỷ lục, có năm tăng trên 50%,
chủ yếu đổ vào bất động sản và những ngành nghề liên quan. Nay bất động sản
không hút tiền vì đang đóng băng thì tín dụng làm sao tăng được.
Giả thử năm ngoái bạn cho vay 100 đồng, muốn tăng 12% tức
năm nay phải cho vay 112 đồng. Nhưng nay người vay cũ trả nợ và không vay nữa,
tức duy trì 100 đồng đã khó, làm sao nghĩ đến chuyện cho vay 112 đồng. Ngân
hàng cũng vậy, nợ cũ tăng nhanh, nay xẹp cũng nhanh, có cái thành nợ xấu, có
cái người nào giỏi trả được nợ thì đâu dám vay nữa nên duy trì tín dụng ở mức
bằng năm ngoái là đã giỏi lắm (chỉ sợ nó co hẹp lại, tăng trưởng âm nữa kìa)
nói gì đến tăng trưởng. Cho nên trông chờ ngân hàng giải ngân mỗi tháng 40.000
tỷ đồng là chuyện khó, hầu như không thể thực hiện được.
Các nước cũng rơi vào tình trạng như thế nên cũng có chuyện
bơm tiền ra. Và bơm hiểu theo nghĩa ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính
phủ (hay các tài sản tài chính) mà ngân hàng thương mại đang nắm giữ, đưa tiền
cho ngân hàng để tiền chảy vào nền kinh tế. Thế mà ở Việt Nam đang làm
ngược lại, ngân hàng thương mại bỏ tiền ra mua trái phiếu chính phủ! Và để cho
khỏe Ngân hàng Nhà nước bèn tính khoản mua trái phiếu chính phủ đó cũng là tăng
trưởng tín dụng!