Đứa con bị hất hủi
Có lẽ ít ai dừng lại một chút và suy nghĩ thử bao nhiêu phần
trăm vật dụng và dịch vụ chúng ta sử dụng hàng ngày do doanh nghiệp tư nhân
trong nước sản xuất hay cung cấp.
Sáng sớm thức dậy, người ta dùng bàn chải đánh răng, kem
đánh răng, xà phòng, dầu gội đầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ
dùng điện thoại di động hay máy tính xách tay của nước ngoài sản xuất để đọc tin
tức, xem tin trên chiếc tivi cũng mang nhãn hiệu nước ngoài. Đa phần đi làm
bằng chiếc xe gắn máy cũng của doanh nghiệp FDI.
Người phụ nữ nội trợ ở nhà cũng giặt đồ bằng chiếc máy giặt ngoại,
áo quần mặc trên người tiếng là do doanh nghiệp trong nước may nhưng một tỷ lệ
lớn nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài.
Đến tối đi ăn ở ngoài, nay các cửa tiệm đông khách nhất là
cửa tiệm nhượng quyền từ một thương hiệu nước ngoài nào đó, đặc biệt là nhà
hàng Hàn Quốc hay Nhật Bản. Rồi thức ăn nhanh hay nước giải khát, rồi bia rượu
nhãn hiệu nước ngoài cũng chiếm ưu thế.
Trước cột mốc bắt đầu đổi mới 1986 thì không nói vì lúc đó nền
kinh tế kế hoạch hóa bao cấp nên hàng ngoại chỉ phổ biến nhất là bàn ủi Liên Xô
hay nồi hầm áp suất. Nhưng từ năm 1990 đã có thời sản xuất trong nước do khối
doanh nghiệp tư nhân đảm trách đã làm ra các sản phẩm tiêu dùng phổ biến, kể cả
hàng điện tử. Điều đáng buồn là do nhiều nguyên nhân, khối doanh nghiệp tư nhân
nội địa trong sản xuất ngày càng teo tóp, nhường lại trận địa cho hàng nhập
khẩu hoặc cho khối doanh nghiệp FDI.
Cũng có một số nỗ lực sản xuất hàng mang nhãn “made in
Vietnam” trong một số lãnh vực như điện thoại di động, máy tính bảng nhưng thực
chất chúng cũng chỉ là hàng Trung Quốc gia công cho một số doanh nghiệp Việt
Nam qua đặt hàng với một số lượng nào đó. Cũng có một số ngành nghề doanh
nghiệp trong nước chiếm lĩnh, đánh bật được hàng nhập khẩu như nhựa gia dụng
nhưng loại này vẫn còn ít, chưa nổi bật.
Số liệu để minh họa cho xu hướng này đã được trình bày trong
các bài viết khác trong chuyên đề này. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một
số nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của khu vực kinh tế tư nhân để từ đó tìm giải
pháp xoay chuyển tình thế.
Đầu tiên phải nói đến ham muốn làm giàu nhanh của đa phần
doanh nghiệp trong nước. Tỷ suất lợi nhuận quá cao một thời của các lãnh vực
địa ốc, tài chính làm nhiều doanh nghiệp từ bỏ hoạt động sản xuất chính của
mình để nhảy sang kinh doanh địa ốc. Doanh nghiệp FDI yên tâm với tỷ suất lợi
nhuận dù không cao bằng nhưng lại ổn định lâu dài của nhiều ngành sản xuất.
Thứ hai là tình trạng lạm phát kéo dài làm chi phí vay vốn của
doanh nghiệp cao quá sức chịu đựng của nhiều người. Trong khi đó doanh nghiệp
FDI không phải vay vốn bằng tiền đồng nên không chịu chi phí tài chính cao này.
Ngược lại, họ vay vốn giá rẻ ở nước ngoài, chuyển sang tiền đồng, vòng quay sản
xuất trong bối cảnh lạm phát làm họ thu được số tiền cao hơn dự tính và lại
được bảo đảm tỷ giá khá ổn định nên lại hưởng lợi cả hai đầu. Chỉ yếu tố này
không thôi cũng không doanh nghiệp tư nhân trong nước nào cạnh tranh nổi.
Thứ ba là hàng hóa nhập khẩu, do chính sách tỷ giá trong bối
cảnh lạm phát nên ngày càng rẻ tương đối khi so với hàng sản xuất trong nước. Doanh
nghiệp càng sản xuất càng bế tắc vì không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu giá
ngày càng rẻ, thuế nhập khẩu ngày càng giảm theo lộ trình cam kết.
Quan trọng hơn cả là trong khi chúng ta có chính sách ưu đãi
khá rõ nét cho doanh nghiệp FDI, thử hỏi đã có một chiến lược như thế chưa cho
doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Ngược lại, tệ nhũng nhiễu, tham nhũng càng làm tăng gánh
nặng chi phí cho doanh nghiệp và lại sản sinh loại doanh nghiệp biết bắt tay
với quyền lực để cạnh tranh một cách không lành mạnh, càng làm cho môi trường
kinh doanh thêm méo mó.
Để thay đổi tình hình, không còn cách nào khác hơn là làm
theo lời khuyên của Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông Jim Yong Kim trong một bài
viết riêng cho TBKTSG nhân chuyến
viếng thăm Việt Nam vào tuần trước. Ông viết: “Tôi tin rằng một trong những
chiến lược để khôi phục lại tốc độ tăng trưởng nhanh chính là tạo ra những điều
kiện cần thiết để đảm bảo rằng khu vực kinh tế tư nhân chính là động cơ của sự
đổi mới, từ đó thúc đẩy năng suất và nâng cao hiệu quả”.
Để khu vực kinh tế tư nhân trở thành động cơ của đổi mới,
phải có hẳn một chiến lược được soạn thảo công phu, nêu rõ lộ trình và các biện
pháp nhằm thực hiện lộ trình đó. Tâm lý của các ngành và nhất là các địa phương
vẫn coi trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài bất kể các ưu đãi phải dành cho họ.
Đối với họ doanh nghiệp FDI mới thật sự tạo ra giá trị cho nền kinh tế còn
doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ có tầm nhìn ngắn hạn, làm ăn nhất thời và
không minh bạch. Đối chiếu với thực tế hoạt động sản xuất như nói ở đầu bài, không
thể trách cái tâm lý này vì nó dựa vào các câu chuyện có thật.
Bởi vậy sự xoay chuyển, nếu muốn diễn ra thành công, phải
đến từ nhiều phía. Hỗ trợ từ các định chế nước ngoài như Ngân hàng Thế giới thì
đã có; vấn đề là việc phân bổ tối ưu vốn và các nguồn lực để đạt được hiệu quả
và năng suất cao nhất phải tính toán đến cả khu vực kinh tế tư nhân ngay từ bây
giờ. Quan chức và nhà hoạch định chính sách phải thay đổi góc nhìn về “phát huy
nội lực” để nền kinh tế không rơi vào chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI.
Cuối cùng lực lượng doanh nghiệp tư nhân, sau các bài học cay đắng khi thị
trường địa ốc suy sụp, đã rút ra được bài học cho mình: phát triển chậm nhưng
chắc mới là con đường tìm kiếm sự thịnh vượng bền vững.