Mơ hồ như chuyện thất nghiệp
Giả thử có một cuộc điều tra lao động việc làm đang diễn ra.
Nhà nọ có bốn người con trong độ tuổi lao động (tức từ 15-59 tuổi đối với nam
và 15-54 tuổi đối với nữ) đã lập gia đình, bố mẹ đã già yếu.
Hai cô con dâu sau khi sinh con bận rộn chuyện nhà chăm sóc
con cái. Do không “mong muốn có việc làm” nên cả hai không xếp vào dạng thất
nghiệp.
Hai cậu con rể do thất nghiệp dài ngày, nay không còn “đi
tìm việc làm” nữa (chẳng phải do năng lực bản thân mà do thị trường việc làm
quá khó khăn), nên cũng không xếp vào dạng thất nghiệp.
Bốn người con không ai có việc làm thường xuyên, chẳng hạn
trong tuần trước đó, anh thì đi sửa đường ống nước cho nhà hàng xóm trong hai
tiếng; anh thì phụ đào cái giếng được một buổi và hai anh còn lại mỗi anh làm
thêm có thu nhập được đúng một giờ trong cả tuần. Cán bộ điều tra cũng sẽ ghi
nhận cả bốn anh không ai thất nghiệp cả!
Gia đình 10 nhân khẩu này không ai nằm trong diện thất
nghiệp theo cách điều tra hiện nay của Việt Nam!
Không dễ trở thành
thất nghiệp
Chẳng lạ gì số liệu về tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thuộc
dạng thấp nhất trên thế giới (xem bảng). Ở các nước, tỷ lệ thất nghiệp chừng
trên dưới 4% là lý tưởng quá rồi, thế mà ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp
năm ngoái chỉ là 2,2% ai cũng biết tình trạng thất nghiệp là gay gắt.
Năm ngoái, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức
lần đầu tiên đưa ra định nghĩa về thất nghiệp: khái niệm thất nghiệp ở Việt Nam
được hiểu là những người hoàn toàn không làm việc trong 7 ngày, nếu làm việc
một giờ cũng không thuộc dạng thất nghiệp. Bởi vậy ông Thức mới nói: “Thử hỏi
như vậy, có ai trong 1 tuần không làm việc một giờ hay không, do đó, tỷ lệ thất
nghiệp của Việt Nam thấp là hoàn toàn đúng”.
Đúng hay không chưa cần biết nhưng một chỉ tiêu mà không làm
trúng được vai trò phản ánh chính xác thực tế thì cần phải sửa theo thông lệ
quốc tế chứ vì sao vẫn duy trì? Mỹ định nghĩa thất nghiệp là tình trạng của
những người không có việc làm, đã tích cực tìm việc trong bốn tuần qua và hiện
đang sẵn sàng làm việc. Anh cũng định nghĩa gần giống như vậy: không có việc
làm, đang tìm kiếm việc làm trong bốn tuần qua và trong vòng hai tuần nữa thì
sẵn sàng đi làm được. Cái làm cho định nghĩa thất nghiệp của Việt Nam không
giống các nước là thời gian tham chiếu chỉ là 1 tuần thay vì 4 tuần; và chỉ cần
làm 1 giờ trong tuần tham chiếu thì người đó cũng không phải là thất nghiệp.
Chính vì cột mốc 1 giờ/tuần này mà trong thống kê, Việt Nam
rất coi trọng khái niệm “thiếu việc làm” – được xem là “đã làm việc dưới 35 giờ
trong tuần tham chiếu”. Tuy nhiên nhìn vào bảng bên dưới, chúng ta cũng thấy
tình trạng thiếu việc làm cũng không có gì là gay gắt (năm 2013 chỉ là 2,77%).
Đó là bởi để được xem là “thiếu việc làm” thì ngoài yếu tố
mỗi tuần làm dưới 35 giờ như trên thì người được khảo sát phải mong muốn làm
việc thêm giờ và sẵn sàng làm việc thêm giờ.
Phải thay đổi cách đo
và cách đánh giá
Nhìn một cách khách quan thì tình trạng thất nghiệp và thiếu
việc làm của nước ta lẽ ra đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng gay gắt. Rõ
ràng khi tăng trưởng GDP mấy năm gần đây sụt giảm mạnh so với các năm trước đó,
chắc chắn công ăn việc làm sẽ bị sụt giảm. Số liệu các doanh nghiệp phải ngưng
hoạt động tăng mạnh trong mấy năm nay càng củng cố điều đó. Để tạo ra một việc
làm mới, phải có đầu tư. Trong khi đó đầu tư toàn xã hội đang sút giảm thì làm
sao khẳng định số liệu giải quyết công ăn việc làm ngày càng tăng cho được.
Về phía cung lao động, số lượng thanh niên tham gia lực
lượng lao động vẫn đang cao, năm 2013 tăng thêm 864,3 nghìn người. Ngoài ra các
yếu tố khác cũng đang tác động làm tăng nguồn cung lao động như sắp xếp lại
doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp diện tích đất đai nông nghiệp có thể canh tác, thanh
niên nông thôn có xu hướng lên thành thị kiếm việc làm, số lượng doanh nghiệp
tư nhân mới thành lập đang chững lại...
Trong khi đó, tại hội nghị tổng kết hàng năm, năm nào Bộ Lao
động-Thương binh-Xã hội cũng đưa ra con số giải quyết việc làm rất đáng phấn
khởi. Ví dụ bộ này nói đã giải quyết được việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động
trong năm 2013 hay 1,3 triệu lao động trong năm 2012... Con số này cao hơn
nhiều so với cung lao động nên nếu chỉ dựa vào báo cáo hàng năm kiểu như thế,
tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam hầu như đã biến mất từ lâu!
Bởi những yếu tố nói trên, từ tính chính xác của khảo sát
đến tính chính xác của số liệu nên chỉ tiêu lao động việc làm không được chú
trọng như ở các nước khác.
Ngày trước mỗi khi nhà đầu tư nước ngoài giới thiệu một dự
án mới tại Việt Nam họ đề nhấn mạnh đến con số việc làm tạo ra từ dự án đó
nhưng cho đến gần đây thói quen này cũng mai một.
Thiết nghĩ đã đến lúc phải chấn chỉnh lại tình trạng khảo
sát tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta, có con số chính xác thì từ đó mới hoạch định
chính sách đúng đắn được. Lấy ví dụ chuyện UBND tỉnh Trà Vinh thoạt tiên đã
đồng ý cho một doanh nghiệp Trung Quốc được tuyển dụng trên 2.100 lao động
người Trung Quốc tại công trình nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3. Nếu có số liệu
chính xác về lao động địa phương và các tỉnh lân cận kể cả tay nghề, kinh
nghiệm; nếu có cơ sở dữ liệu cũng như hệ thống thông tin việc làm rộng rãi, các
cấp có thẩm quyền đã không phải lúng túng như vừa qua.
Cũng đã đến lúc nhấn mạnh chỉ tiêu tạo việc làm mới khi xét
duyệt các dự án đầu tư hay cấp ưu đãi đầu tư. Thay vì tô đậm tốc độ tăng trưởng
GDP hàng năm, nên yêu cầu các báo cáo về tình hình kinh tế xã hội nêu rõ số
việc làm mới tạo ra trong kỳ báo cáo, so sánh tỷ lệ thất nghiệp trước và sau kỳ
báo cáo. Đó cũng chính là tít lớn của các báo nước ngoài mỗi khi họ đưa tin về tình
hình kinh tế nước họ chứ không phải con số GDP khô khan.
Tỷ lệ thất nghiệp và
thiếu việc làm (%)
Năm
|
Thất nghiệp
|
Thiếu việc làm
|
||||
Chung
|
Thành thị
|
Nông thôn
|
Chung
|
Thành thị
|
Nông thôn
|
|
2013
|
2,2
|
3,54
|
1,58
|
2,77
|
1,48
|
3,35
|
2012
|
1,99
|
3,25
|
1,42
|
2,80
|
1,58
|
3,35
|
2011
|
2,27
|
3,60
|
1,71
|
3,34
|
1,82
|
3,96
|
2010
|
2,88
|
4,43
|
2,27
|
4,50
|
2,04
|
5,47
|
2009
|
2,90
|
4,64
|
2,25
|
5,61
|
3,33
|
5,51
|
(Nguồn: Tổng hợp từ
báo cáo hàng năm của Tổng cục Thống kê)