Friday, August 8, 2014

Ưu đãi cho ai, ưu đãi gì

Ưu đãi cho ai, ưu đãi gì

Trong tuần qua xuất hiện một số thông tin có thể giúp định hình một số chiến lược quan trọng trong thời gian tới.

Đầu tiên là khuyến cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) rằng các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam chỉ tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế, và gây tốn kém cho ngân sách.

Đây là câu trả lời gián tiếp cho những yêu cầu được hưởng những ưu đãi mới nhằm bù đắp vào sự suy giảm lòng tin của nhà đầu tư vào môi trường làm ăn ở Việt Nam như đề xuất của chủ dự án Formosa Hà Tĩnh đã bị Bộ Kế hoạch & Đầu tư bác bỏ. Cho đến nay vẫn có nhiều người lo ngại nếu chúng ta không ưu đãi mạnh tay, FDI sẽ bỏ đi. Hay nói cách khác, nếu buộc phải cấp cho các dự án FDI mới những ưu đãi vượt khung để thu hút nhà đầu tư nhằm quảng bá hình ảnh một Việt Nam vẫn thân thiện với FDI thì cũng nên ưu đãi mạnh.

Báo cáo của UNIDO khẳng định, về tổng thể, dường như không có nhiều khác biệt về hiệu quả hoạt động giữa các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi và các công ty nước ngoài không được nhận ưu đãi.

Điều thứ nhì là nỗi lo ngại một khi giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc bị gián đoạn, GDP sẽ bị ảnh hưởng. Thậm chí ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tuần trước còn đưa ra con số cụ thể, rằng GDP có thể giảm 10% nếu thương mại Việt - Trung ngưng trệ.

Điều này đúng sai thì thật khó nói vì nó phụ thuộc vào mô hình tính toán có hàng trăm yếu tố phức tạp, không dễ gì định lượng được một cách cụ thể như thế.

Vấn đề là, không nên lấy đó làm điều e ngại để rụt rè trong ứng xử với Trung Quốc. Với người dân bình thường, không biết tính toán phức tạp, họ phản ứng rất nhanh trước tin này bằng cách khẳng định, dù GDP có giảm một nửa, dù thu nhập của họ có giảm một nửa mà tránh phụ thuộc vào Trung Quốc để bị o ép chuyện chủ quyền thì họ cũng sẵn sàng hy sinh phần thu nhập đó.

Dĩ nhiên với nhà hoạch định chính sách, không thể suy nghĩ theo cách đó. Nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến chuyện sao cho vẫn duy trì giao thương mà không để nó ảnh hưởng lên chuyện chủ quyền. Nhà hoạch định chính sách phải nghĩ đến các mô hình thay thế nhằm tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào bất kỳ ai.

Ở đây cách tiếp cận không phải là tìm đối tác thay thế mà là làm sao để nội lực mạnh lên và đủ sức ứng phó.

Nhận xét sau khi đọc bài “Đi dưới bóng đè của gã khổng lồ” của David Dapice và Vũ Thành Tự Anh, đăng trên TBKTSG số ra tuần trước, một độc giả viết: “Phần lớn các nhà kinh tế đổ lỗi cho Trung Quốc mà ít phân tích tại sao Việt Nam lại lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc nhiều như vậy. Vấn đề là cách điều hành kinh tế, hệ thống thuế, tham nhũng, lợi ích nhóm... làm cho nên kinh tế Việt Nam thiếu sức cạnh tranh, xuất khẩu cũng chỉ tạo được lợi nhuận cực nhỏ. Trong bối cảnh ấy bắt buộc phải tìm nguồn nguyên liệu, phụ liệu giá rẻ để đảm bảo có lãi chút ít. Nếu chuyển sang nguồn nguyên liệu có giá đắt hơn mà giá xuất khẩu không tăng thì lợi nhuận biên "mỏng như dao cạo" sẽ biến mất!”

Như vậy câu trả lời cho cả vấn đề mà báo cáo UNIDO đặt ra cũng như lo ngại mà Tổng cục Thống kê nêu lên là làm sao để doanh nghiệp trong nước có đủ sức để cạnh tranh với bên ngoài mà không cần tận dụng lợi thế nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc.

Ưu đãi lúc đó không còn là chuyện miễn giảm thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất. Cái doanh nghiệp trong nước cần là giảm cho họ các chi phí không tên gom dưới cái tên nhũng nhiễu, tham nhũng, lợi ích cục bộ hay cho họ điều kiện cạnh tranh bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài. Đó cũng có thể là một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn để họ có thể cạnh tranh với bạn hàng nước ngoài, sự dễ dàng tiên liệu trước các thay đổi chính sách và một môi trường tư pháp mà bất kỳ ai cũng có thể kỳ vọng để tìm thấy công lý.

Chiến lược vì thế phải nhắm tới, không phải số lượng dự án hay tổng vốn cam kết, mà là công ăn việc làm, tiến dần lên bực thang cao hơn trong phân công sản xuất toàn cầu. Lúc đó không những  chúng ta không phải lo sự phụ thuộc vào bất kỳ một nền kinh tế duy nhất nào mà còn tạo ra sự thịnh vượng thật sự cho người dân.


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...