Hai lý do vì sao Bộ Y tế nên
soạn lại dự thảo rượu bia
Các quan chức thường hay dùng cụm từ “nước ngoài họ cũng làm
như thế” mà không có những số liệu hay bằng chứng đi kèm nên cách so sánh này
không thuyết phục cho lắm khi muốn đưa ra một quy định hay một lệnh cấm nào đó.
Thậm chí dư luận thường nhắc câu nói “tôi đi nước ngoài
nhiều cũng thấy...” để chê trách cách so sánh khá chủ quan này.
Vì thế lần này khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo Luật phòng chống
tác hại của lạm dụng rượu bia trong đó có quy định cấm bán rượu bia từ 22 giờ
đến 6 giờ sáng hôm sau, dư luận phản đối và tỏ ra không tin khi một quan chức
thuộc Vụ Pháp chế của Bộ này nói các nước khác như Thái Lan hay Singapore cũng
có lệnh cấm như thế.
Tuy nhiên lần này có vẻ dư luận không chính xác.
Nói chung việc bán rượu ở các nước chịu nhiều hạn chế, nếu
chịu khó tìm quy định từng nước (ở nhiều nước phải tìm quy định từng bang, từng
vùng) thì cũng ra các quy định cụ thể. Ở đây chỉ xin lấy ví dụ ở bang New South
Wales của Úc.
Quy định mới nhất của bang này vào đầu năm nay là: 1/cấm bán
rượu sau 10 giờ đêm (tức mua rượu rồi mang đi nơi khác để uống); 2/các quán
rượu không được bán thêm rượu cho khách sau 3 giờ sáng (tức mua rượu để uống
tại chỗ); 3/ngưng cấp phép mở tiệm bán rượu trong hai năm tới.
Ở nhiều nước, việc uống rượu ở chốn công cộng bị cấm và chỉ
cần đang cầm chai rượu mở nắp đi ngoài đường cũng đủ là bằng chứng bị phạt vì
vi phạm lệnh cấm này.
Vì thế một đạo luật nghiêm khắc để hạn chế việc tiêu thụ
rượu bia quá đáng ở nước ta là đều đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên để một đạo luật như thế đi vào cuộc sống và có tác
dụng thật sự, cần chú ý đến hai điểm quan trọng.
Một là phân biệt mục đích cấm lạm dụng rượu bia trước hết là
nhằm bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ người dân trước những tác động xấu của người
uống rượu bia có thể gây ra cho người khác. Mục đích này quan trọng hơn mục
đích bảo vệ sức khỏe người uống rượu bia. Vì thế lệnh cấm cần cụ thể, dựa trên
kinh nghiệm của các nước. Ví dụ, có thể cấm bán rượu đem đi nơi khác sau 10 giờ
đêm nhưng các tiệm ăn, khách sạn, quán bar có thể đến 12 giờ hay 1 giờ sáng mới
bắt đầu cấm bán rượu cho khách dùng tại chỗ.
Cách phân biệt như thế sẽ giải tỏa gần hết những lập luận
đang phản đối dự thảo vì sợ có mâu thuẫn giữa cho phép hàng quán mở cửa đến 12
giờ đêm mà không cho bán rượu hay sợ ảnh hưởng đến khách du lịch...
Thứ hai là thay đổi biện pháp chế tài để người bán rượu cân
nhắc thiệt hơn giữa nỗi sợ bị phạt rất nặng và lòng tham lợi nhuận có thể làm
họ cố tình vi phạm luật.
Lấy ví dụ ở nhiều nước có lệnh cấm bán rượu cho người dưới
18 tuổi bất kể giờ giấc. Người ta có thể tự hỏi làm sao một lệnh cấm như thế
mang tính khả thi khi trên đất nước họ có cả trăm ngàn điểm bán rượu, kiếm đâu
ra người để thanh tra, kiểm tra lệnh cấm. Thế nhưng cứ thử vào tiệm rượu, bảo
trẻ 15, 16 mua rượu cho mà xem, sẽ không có ai dám bán rượu cho chúng mặc cho
chúng thuyết phục mua về cho bố mẹ. Đó là bởi văn hóa tôn trọng pháp luật của nước
họ và văn hóa tôn trọng pháp luật ấy dựa vào thực tế mức phạt nghiêm khắc cho
những ai vi phạm.
Cả trăm tiệm bán rượu, chỉ cần bắt quả tang một tiệm vi phạm
lệnh cấm bán rượu cho thanh niên dưới 18 tuổi sau đó phạt nặng, tịch thu giấy
phép kinh doanh thì 99 tiệm còn lại sẽ nghiêm túc chấp hành.
Còn trăm tiệm bán rượu, bắt được 10 vụ bán cho trẻ vị thành
niên mà cả 10 “chạy” cửa sau chỉ chịu mức phạt nhẹ hều thì cả 100 tiệm sẽ sẵn
sàng tiếp tục vi phạm, sẵn sàng chịu phạt cửa sau.
Như vậy, vấn đề không phải là chìu theo dư luận phản đối hay
đồng tình; vấn đề là có luật rồi, phải có cơ chế thực thi nghiêm, trong đó chú
ý đến yếu tố con người, kể cả khuyến khích đời sống văn hóa tinh thần lành
mạnh, thì mới giải quyết được gốc rễ của tệ nạn lạm dụng rượu bia.