Saturday, August 30, 2014

Một hay hai kỳ thi không phải là điều quan trọng

Một hay hai kỳ thi không phải là điều quan trọng

Nếu xét về mặt lô-gich bình thường, có lẽ đa số sẽ đồng ý nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và bỏ bớt kỳ thi tuyển sinh đại học.

Lý do cũng đã khá rõ: Duy trì kỳ thi đầu tiên vì tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là quyền của học sinh, được nhà nước bằng một hình thức nào đó công nhận đã hoàn thành 12 năm học.

Còn bỏ kỳ thi thứ nhì vì tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường đại học, nhà nước không nên đứng ra làm thay, nhất là khi muốn trao quyền tự chủ cho nhà trường.

Thế nhưng qua tranh luận mới thấy ở Việt Nam, lô-gich bình thường không phải lúc nào cũng đúng. Vấn đề là làm sao để mọi chuyện trở lại bình thường để các giá trị phổ quát ở nước khác cũng áp dụng ở Việt Nam.

Trước hết, nói về kỳ thi tuyển sinh đại học, nhiều người không muốn bỏ vì nhiều lý do, trong đó rõ nhất là đây vẫn là kỳ thi nghiêm túc hơn, nhờ đó sàng lọc được chất lượng cho các trường đại học. Nhiều người sợ nếu bỏ kỳ thi này, các trường đại học chạy theo số lượng tuyển sinh sẽ càng dễ dãi đầu vào, bất kể chất lượng miễn sao tuyển sinh được nhiều, thu được nhiều tiền.

Giả thử có chuyện này xảy ra thì sao? Giai đoạn đầu các trường sẽ cạnh tranh để tuyển sinh bằng mọi giá, trong đó có thể chất lượng đầu vào họ không quan tâm. Thế nhưng chỉ cần một thời gian ngắn sau đó, nếu đầu ra của họ không được xã hội thừa nhận thì ai sẽ thèm vào học các trường này.

Những trường hàng đầu của Mỹ hoàn toàn có thể chỉ tuyển đủ số học sinh trả 100% học phí và vẫn duy trì được một chất lượng đầu vào khá cao. Nhưng không, họ vẫn dành ra một tỷ lệ học bổng nhất định để thu hút học sinh giỏi vào học trường họ. Chính những học sinh giỏi, phải chi học bổng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo ra môi trường cạnh tranh trong học thuật, làm nên danh tiếng của trường họ.

Thế nên vấn đề là cứ để các trường tự chủ thật sự, ở đây là tự chủ trong việc tuyển sinh bằng cách bỏ kỳ thi tuyển sinh chung, giao nhiệm vụ này về cho các trường đại học. Trường nào lơ là việc duy trì sự sàng lọc đầu vào hay cá nhân nào lợi dụng chuyện ra đề thi để trục lợi bằng dạy thêm hay chạy cửa sau sẽ bị thải loại dần.

Lý do phổ biến thứ hai của những người không muốn bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học là vì làm như hiện nay các trường quá khỏe, không tốn kém gì nhiều cho công tác tuyển sinh so với khối lượng đồ sộ công việc phải làm nếu tự tổ chức tuyển sinh. Lãnh đạo các trường cũng không cần phải đau đầu lo lắng chuyện bị gởi gắm, chuyện phải chủ động đi tìm thí sinh giỏi mời dự tuyển vào trường, chuyện quản lý cấp dưới để công tác tuyển sinh thật sự là công khai, minh bạch và không có tiêu cực.

Nhưng cũng từ lý do này, quy luật thị trường cũng dần dần buộc các trường thấy tự mỗi trường mà tổ chức tuyển sinh sẽ rất nhiêu khê, tốn kém, khó kiểm soát... Họ sẽ dần hình thành nhu cầu có một bên thứ ba đứng ra làm công tác tổ chức một kỳ thi nào đó (như SAT ở Mỹ) nhằm đánh giá đúng thực chất thí sinh giùm cho họ. Họ chỉ việc dựa vào kết quả kỳ thi này và một số tiêu chí khác để tuyển sinh. Đó chính là con đường mà các nước đã trải qua và đang thực hiện.

Quay trở về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều người muốn bỏ vì nó không thực chất, chỉ mang tính hình thức, tỷ lệ đỗ rất cao, lại rất tốn kém cho xã hội.

Đó là thực tế. Nhưng tại sao không cải tiến kỳ thi thay vì bỏ nó đi. Cải tiến theo hướng tỷ lệ đỗ thấp đi cho đúng thực chất thì khó lòng được chấp nhận – áp lực lên xã hội cũng sẽ rất lớn nếu có sự đột biến theo hướng này.

Tại sao không dung hòa bằng cách xếp loại tốt nghiệp đúng thực chất, trong đó dù tỷ lệ đỗ vẫn có thể cao như hiện nay nhưng đa số sẽ đỗ ở mức bình thường. Chỉ có một tỷ lệ nhất định đỗ ở mức khá, mức giỏi và mức xuất sắc. Lúc đó tấm bằng tốt nghiệp lại mang tính phân loại và sàng lọc cao để một số em yên tâm đi vào con đường học nghề, một số em chọn các trường cao đẳng, trung cấp ngay từ đầu và một số em khác chọn đi tiếp vào đại học.


Đây là con đường lấy lại giá trị cho tấm bằng từng có lúc được gọi là bằng tú tài. Và lúc đó sự chọn lựa của chúng ta cũng hòa chung với sự chọn lựa của nhiều nước khác trên thế giới. 

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...