Không dễ welcome!
Nói gì thì nói, bàn về tiếng Anh lúc nào cũng là chuyện thú
vị, có lẽ do nó gợi nhớ mấy chục năm hành nghề bằng tiếng Anh. Tuy nhiên phải
nói trước, ở đây tôi không dám chê trách tiếng Anh của ai cả, chỉ là những nhận
xét khi tình cờ sáng nay thấy một loạt khẩu hiệu bằng tiếng Anh ở trung tâm
Saigon.
Đó là câu “Welcome to
the 40th anniversary of diplomatic relations between the Socialist
Republic of Vietnam and the United Kingdom”, với câu tiếng Việt tương đương
“Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Anh”.
Welcome to là cụm
từ thường thấy khi đi vào một địa phận nào đó mang nghĩa đón chào. Ví dụ với
bảng tiếng Việt “Hội An chào đón quý khách” thì tiếng Anh tương đương sẽ là “Welcome to Hoi An”. Cũng có đón chào khách
đến dự một sự kiện nào đó, ví dụ, “Welcome
to the greatest rock concert in the world”.
Welcome to the 40th
anniversary là không chính xác. Hoặc là phải nói “Welcome to the 40th anniversary celebration…” thì có
nghĩa chào đón quý khách đến dự buổi lễ kỷ niệm 40 năm… tức chỉ treo ở địa điểm
diễn ra buổi lễ; hoặc nếu muốn dịch câu Nhiệt liệt… ra tiếng Anh thì phải dùng
từ khác thay cho welcome. Lúc đó phải
mạnh dạn viết lại thành “Celebrating the
40th anniversary…” chẳng hạn.
Sẽ nói tiếp về chữ welcome
ở dưới bởi đây là từ dễ dùng sai trong nhiều trường hợp.
Nói vậy chứ giả dụ có ai nhờ dịch câu tiếng Việt ra tiếng
Anh, tôi cũng sẽ rất lúng túng. Bởi dịch thành câu đơn giản “Celebrating 40 years of diplomatic ties
between Vietnam and the UK” chắc sẽ không được chấp nhận vì sẽ bị chê là
dịch thiếu tùm lum! Còn dịch cho ra chữ “Nhiệt liệt” thì bó tay. Văn khẩu hiệu
trong tiếng Việt phần lớn là như vậy. Có những từ tiếng Việt, dùng nhiều nghe thành
quen, không thắc mắc. Chỉ khi dịch sang tiếng Anh mới sực nhớ nó là cái quái
quỷ gì nhỉ. Ví dụ, Chương trình phòng, chống tai nạn đối với trẻ em: Phòng thì
dịch bằng prevention, còn chống là
sao, làm sao dịch? Nhưng nên nhớ dịch là nhằm cho người Anh họ đọc, vì sao không
mạnh dạn viết sao cho họ hiểu là đạt yêu cầu rồi, câu nệ dịch cho sát làm gì
nhỉ?
Quay lại chữ welcome,
vì nó được dùng đủ cách, khi thì tính từ, khi thì danh từ, khi là động từ nên phải
chú ý kẻo nhầm. Ví dụ, You’re welcome to
use my car (anh cứ xài xe của tôi tự nhiên) thì welcome là tính từ; còn He’s
welcomed with open arms thì welcome
là động từ, dùng ở thể bị động. Welcome
còn dùng như danh từ, ví dụ, I don’t want
to wear out my welcome (Tôi không muốn ở lâu, sợ phiền).
Khi chúc mừng người mới vào cơ quan hay công ty, thường dùng
Welcome aboard; còn You’re welcome (không có chi) có thể
nhấn mạnh thành You’re more than welcome
(còn có nghĩa, anh cứ tự nhiên). Cuối cùng kiểm tra lại thử, The audience is welcome to ask questions at
the end of the speech, đã đúng chưa? Có cần sửa thành welcomed không? Cái này không phải đón chào, mà mang nghĩa sau khi diễn giả nói xong cứ hỏi
tự nhiên (tính từ) nên viết vậy là đúng rồi. Còn trong câu này, welcome phải dùng ở dạng welcomed: The audience is welcomed to a relaxed environment where they get to know each other... Phức tạp vậy nên mới có cái tít,
Không dễ welcome!