Lại chuyện khi nguồn tin nói
sai!
Có ít nhất hai tờ báo đưa tin về chuyện “Giáo dục Việt Nam thua cả Campuchia” làm tôi phải đọc lại toàn bộ
cái báo cáo 569 trang, Global Competitiveness Report 2013-2014 của Diễn đàn
Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) vừa mới công bố tuần trước.
Tìm mãi không thấy thông tin “Tính hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong số 8
nước ASEAN được xếp hạng”, cũng như thông tin “Về giáo dục, WEF ghi nhận Singapore, Malaysia và Brunei Darussalam lần
lượt đứng đầu trong khi Campuchia đứng thứ 6, Việt Nam thứ 7 và Thái Lan ở cuối
bảng. Lào và Myanmar không được WEF xếp hạng” ở đâu cả.
Chỉ thấy trong báo cáo có bảng đánh giá các nước ASEAN trên
cả 12 cột trụ xếp hạng, trong đó cột trụ thứ 4 là “Y tế và Giáo dục Phổ thông”
và cột trụ thứ 5 “Giáo dục và đào tạo đại học” thì kết quả cụ thể như sau
(trong ngoặc là xếp hạng):
Cột 4: Singapore (2); Malaysia (33); Brunei (23); Thái Lan
(81); Indonesia (72); Philippines (96); Việt Nam (67); Lào (80); Campuchia
(99); Myanmar (111).
Ở đây, Việt Nam xếp thứ 4, thua ai, trên ai, nhìn vào bảng
trên cũng đã rõ.
Cột 5: Singapore (2); Malaysia (46); Brunei (55); Thái Lan
(66); Indonesia (64); Philippines (67); Việt Nam (95); Lào (111); Campuchia
(116); Myanmar (139).
Về giáo dục đại học, Việt Nam bị đánh giá thua giáo dục phổ
thông, xếp hạng 7, chỉ còn hơn được Lào, Campuchia và Myanmar.
Giáo dục Việt Nam phải nói là còn nhiều yếu kém và tình hình
không thấy gì cải thiện nhưng kết quả bảng xếp hạng là như thế, chứ đâu có thấy
nói giáo dục Việt Nam thua giáo dục Campuchia lại hơn giáo dục Thái Lan? Xếp
hạng trên cũng trùng khớp với nhiều nhận định tôi được nghe, rằng giáo dục phổ
thông Việt Nam còn khá một chút; giáo dục đại học thì quá yếu kém.
Không trách hai tờ báo trong nước đưa tin như thế được vì họ
lấy nguồn từ tờ Bangkok Post. Nhưng tìm trên tờ này thì thấy mặc dù cũng mới
đưa tin tuần trước nhưng không hiểu sao họ lại dựa vào Báo cáo Tính cạnh tranh
toàn cầu năm ngoái (2012-2013) (trích: "We
feel stunned because our ranking is very low," said Phawit Thongrot,
assistant to the minister, after reading the WEF's Global Competitiveness
Report 2012-2013) (trích một tin khác: The
World Economic Forum's Global Competitiveness Report 2012-2013 released earlier
this week said Thailand's education quality ranked the worst among eight Asean
countries).
Có lẽ họ đọc nhầm báo cáo năm ngoái chăng? Báo cáo năm ngoái
cũng dài cỡ 500 trang, không đọc nổi.
* * *
Hóa ra, tờ Bangkok Post sau đó cho biết, tin này là do ông
Pavich Thongroj, cố vấn Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan đưa ra. Tờ báo nói mặc dù
ông này khẳng định ông lấy nguồn từ Diễn đàn Kinh tế thế giới, Bangkok Post
điều tra mới biết đây chỉ là một cuộc khảo sát hỏi ý kiến người Thái xem thử họ
đánh giá nền giáo dục Thái Lan đóng góp vào tính cạnh tranh của nền kinh tế như
thế nào.
Riêng tôi sau khi kiểm tra lại báo cáo năm ngoái thì thấy
trong trong Cột trụ thứ 5 (Giáo dục đại học & Đào tạo) có tám tiêu chỉ nhỏ
nữa gồm: tỷ lệ ghi danh phổ thông trung học, tỷ lệ ghi danh đại học, chất lượng
hệ thống giáo dục, chất lượng giáo dục (môn toán và khoa học), chất lượng
trường đào tạo quản lý, mức độ truy cập Internet tại trường, tính có sẵn các
dịch vụ nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành, mức độ huấn luyện đội ngũ. Với tiêu
chí “chất lượng hệ thống giáo dục” thì năm ngoái đúng là Campuchia xếp hạng 58,
Việt Nam hạng 72, Thái Lan hạng 78.
Có lẽ ông này lấy chuyện cũ ra nói hay nói quá lên như thế
để kích thích sự nôn nóng phải cải tổ nền giáo dục Thái Lan. Mà báo chí Thái
Lan cũng hay, chỉ nói qua chuyện ông này đưa thông tin không chính xác (To put the record straight, it's not true
that Thai education is the worst in Asean) sau đó lại tập trung vào phân
tích những yếu kém của nền giáo dục nước họ (What's true is that our education system is in an appalling state,
which has been confirmed repeatedly by both domestic and international findings).
Bộ trưởng Giáo dục Chaturon Chaisaeng nhân đó cam kết đẩy mạnh nỗ lực cải cách
nền giáo dục. Cũng là chuyện lạ.