Bất ngờ những con số
Khi đọc tin trên các báo, rằng Việt Nam có trên 5 triệu đơn
vị kinh tế, hành chính, có lẽ ít người có ấn tượng gì. Nhưng nếu đọc kỹ báo cáo
về kết quả chính thức cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp
mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, có thể rút ra những kết luận đáng ngạc nhiên.
Ví dụ, lâu nay, rất nhiều nghiên cứu khi nói về doanh nghiệp
nhà nước đều cho rằng sau một quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu thì số
lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, còn khoảng 1.300 đơn vị.
Tuy nhiên, theo báo cáo, số
lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2012 là 3.308, đang sử dụng 1,66 triệu lao động. Đó là chưa kể hơn
8.000 “cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể,
hiệp hội”. Thế mà nhiều nghiên cứu cứ nói, năm 1990, cả nước có 12.000 doanh
nghiệp nhà nước, đến năm 2000, còn khoảng 6.000 và 2011 chỉ còn hơn 1.300 doanh
nghiệp. Đáng tiếc là báo cáo không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là doanh
nghiệp nhà nước nên khó lý giải sự chênh nhau này. Có thể báo cáo tính riêng các
công ty con hạch toán độc lập của các tập đoàn, tổng công ty… Nhưng dù sao điều
rõ nhất là, trên cùng một báo cáo, con số doanh nghiệp nhà nước không giảm bao
nhiêu so với 5 năm trước đó (năm 2007 có 3.706 doanh nghiệp). Nếu tính luôn hơn
8.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mang tính nhà nước thì quá trình cải cách khối
doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được kết quả bao nhiêu, vẫn còn đó những lỗ đen
hút hết vốn đầu tư nhà nước, tín dụng ưu đãi, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài
sản công cho hoạt động kinh doanh.
Điều thứ ngạc nhiên thứ nhì là quy mô của các đơn vị sự
nghiệp. Nếu như cả nước có 34.803 cơ quan hành chính thì số đơn vị sự nghiệp cao gấp đôi, lên đến 69.735 đơn vị. Nếu loại trừ các cơ sở y tế (13.682) và cơ sở
giáo dục (44.712) thì vẫn còn 11.341 đơn vị sự nghiệp có thể chuyển đổi mô hình
hoạt động để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước. Đó là những đơn vị như thế
nào? Trong văn hóa thể thao, đó có thể là nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc
nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các
viện bảo tàng, thư viện… Trong sự nghiệp kinh tế, đó có thể là chi cục thú y,
chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin,
cảng vụ hàng hải, ban quản lý cảng, ban quản lý bến xe…
Năm 2009, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo “Quy chế thí điểm
chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần” nhưng do chưa có
sự chuẩn bị kỹ, dư luận hiểu nhầm đây là chủ trương cổ phần hóa các trường đại
học nên phản đối và cuối cùng Bộ Tài chính phải rút lui dự thảo này. Lẽ ra cần
phải mạnh dạn cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp
này bởi đa số là loại hình hoạt động có thể chuyển giao cho tư nhân làm mà
không ảnh hưởng gì đến xã hội. Ở những đơn vị sự nghiệp nào còn nhận kinh phí
hoạt động từ ngân sách nhà nước thì khi chuyển đổi, khoản ngân sách sẽ trở
thành các khoản tài trợ mà bên nhận tài
trợ phải chứng minh hiệu quả hoạt động trước khi được giao.
Thật ra, trong nhiều văn bản, Nhà nước cũng đã nhiều lần
nhấn mạnh đến chủ trương khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi
sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập và đi kèm
là nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, tài sản… nhưng kết quả không như chủ trương. Thực
tế số lượng các đơn vị sự nghiệp ngày càng tăng, từ 63.054 đơn vị năm 2007 lên
đến 69.735 đơn vị năm 2012, theo báo cáo (loại trừ mức tăng của ngành y tế và
giáo dục thì con số đơn vị sự nghiệp khác vẫn tăng mạnh từ 8.770 lên 11.341 đơn
vị).
Số lượng các đơn vị thuộc dạng tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội cũng là con số rất lớn, lên đến 33.897 đơn vị, xem như gần bằng các
cơ quan hành chính của cả nước. Điều đáng nói hơn là so với năm 2007, trong khi
các cơ quan hành chính giảm 0,4% thì các tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội
lại tăng 9,3%. Rõ ràng đây là một khu vực có thể cải tổ, theo hướng tinh gọn, sao cho vừa tránh được sự
trùng lắp trong bộ máy hành chính, bộ máy điều hành, vừa là cơ sở để cải cách
tiền lương trên cơ sở giảm biên chế.
Đã đến lúc phải cân nhắc, xem thử ngân sách nhà nước có phải
cán đáng các tổ chức như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ
nhiếp ảnh, Hội Luật gia, Hội Làm vườn… Lúc đó cụm từ “xã hội hóa” mới mang ý
nghĩa thật sự đối với xã hội và nền kinh tế.