Nhân sự - khó mà dễ
Hai trường hợp bổ nhiệm người đứng đầu ngân hàng trung ương
hai nền kinh tế lớn đã để lại khá nhiều điều phải suy nghĩ. Ở Ấn Độ, tình hình
kinh tế, tài chính khó khăn đến nỗi chính phủ nước này phải mời ông Raghuram
Rajan, 50 tuổi, đang dạy tại đại học Chicago, Mỹ về làm thống đốc Ngân hàng Dự
trữ Ấn Độ. Mấy năm trước GDP Ấn Độ tăng trưởng 8-9% nay chỉ còn 4,5-5%; vốn
ngoại bỏ đi làm cán cân thanh toán thâm hụt nặng nề, đồng rupee từ tháng 5-2013
đến nay mất giá gần 20%... Chưa biết ông Rajan, người làm kinh tế gia trưởng
của IMF, có xoay chuyển được tình thế hay không nhưng ít nhất việc chính phủ Ấn
Độ phải “cầu người hiền, mời người tài” về giúp nước đã được thị trường đáp ứng
tích cực và chính ông Rajan cũng ra mắt với một chương trình rất cụ thể trong
đó có phát huy lợi thế cộng đồng người Ấn ở nước ngoài.
Ở Anh, chính phủ cũng mời ông Mark Carney, trước đó làm
Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada về làm Thống đốc Ngân hàng trung ương
nước mình. Ông Carney từng được xem là người có công giúp nền kinh tế Canada phục hồi
nhanh chóng sau đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, năm nay mới 48
tuổi. Ông là người không phải dân Anh đầu tiên làm thống đốc Ngân hàng trung
ương nước này trong suốt mấy trăm năm qua. Một chi tiết thú vị: mặc dù trong
thỏa thuận hợp đồng, nước Anh sẽ cung cấp tài xế riêng cho ông nhưng Carney từ
chối, để đi làm bằng xe điện ngầm.
Quay lại nước ta, chuyện mời một người nước ngoài hay một
người Việt đang sống ở nước ngoài về làm quan chức cấp cao trong Chính phủ chắc
chưa thể diễn ra. Vấn đề là vì sao như thế, cái gì cản trở quá trình này, phải
làm gì để trong tương lai chuyện tương tự có thể xảy ra ở Việt Nam . Hiện nay
những người Việt được đào tạo bài bản và làm việc thành công ở nước ngoài trong
nhiều lãnh vực là không hiếm. Thử hình dung có ai chủ động suy nghĩ chuyện mời
một số người nổi trội trong số đó về làm từ chức Thứ trưởng các bộ trở lên – ít
nhất là những bộ đòi hỏi những chuyên môn sâu, cả về lãnh vực chuyên ngành lẫn
kỹ năng lãnh đạo, quản lý như Y tế, Giáo dục, Môi trường, Khoa học Công nghệ,
Giao thông Vận tải và thậm chí Ngân hàng Nhà nước!
Có thể vẫn để các bộ trưởng đích thân trèo thang xem xét
hiện trường một vụ tai nạn xây dựng, hay đứng ra lo chuyện việc làm cho cá nhân
một sinh viên, hay vào quan sát cảnh bệnh viện quá tải – vì đó là những hoạt
động chính trị, cũng rất cần thiết và cũng chuyển tải những thông điệp cụ thể
(!). Nhưng để quản lý mọi mặt của ngành, rất cần những con người kỹ trị, lo về
chuyên môn. Có như thế bệnh viện mới một ngày nào đó hết quá tải, công trình
xây dựng hết tai nạn và bất kỳ sinh viên nào tốt nghiệp cũng có việc làm.
Ở các doanh nghiệp tư nhân dù nhỏ hay lớn, dần dà người chủ
sở hữu cũng hiểu ra rằng họ đứng ra làm chủ tịch hội đồng thành viên hay hội
đồng quản trị để vạch hướng đi chính cho doanh nghiệp; còn lại, họ phải đứng
sang một bên, thuê người làm tổng giám đốc điều hành, vừa tận dụng được kỹ năng
quản lý hiện đại, vừa có được sự tỉnh táo của người ngoài cuộc vòng xoáy đồng
tiền. Mô hình này dần đang phổ biến ở nước ta.
Vấn đề còn lại là những người đứng đầu quốc gia phải tự vấn vì
sao Ấn Độ làm được, Anh Quốc làm được và thậm chí Trung Quốc cũng đã làm được
mà Việt Nam mãi mãi vẫn lo chuyện nhân sự như một điều gì đó có những quy luật riêng,
những cân nhắc riêng.