Monday, September 16, 2013

Hai cột trụ

Hai cột trụ
Giáo dục và y tế là hai cột trụ của xã hội. Khả năng tiếp cận bình đẳng hai lãnh vực này đem lại cho người dân nghèo những lợi ích còn to lớn hơn chuyện xóa đói, giảm nghèo hay rộng ra là mạng lưới an sinh xã hội cho họ.
Thế nhưng, hiện đang có xu hướng phân biệt đối xử trong giáo dục và y tế, làm méo mó chính sách phát triển bình đẳng và lấn chiếm nguồn lực của người nghèo.
Trong giáo dục, đó là việc thành lập các trường công lập chất lượng cao. Khi Hà Nội cho phép thành lập các trường chất lượng cao trong hệ thống các trường công lập, áp dụng học phí đến 3,4 triệu đồng/tháng cho mỗi học sinh, đã có nhiều tiếng nói phản đối, tập trung vào chuyện mất bình đẳng giữa gia đình có điều kiện cho con em học loại trường này và gia đình nghèo không đủ điều kiện.
Nhưng có lẽ cần phải phản đối mạnh hơn nữa ở khía cạnh, cơ sở vật chất trường công là của toàn dân, được nhà nước đầu tư xây dựng nên từ tiền đóng thuế của tất cả người dân. Nay tự dưng chuyển một số trường thành loại hình “trường sang” chỉ dành cho con nhà giàu thì chắc chắn đã làm sai mọi luật lệ hiện hành. Khi một doanh nghiệp giáo dục trúng thầu triển khai chương trình dạy chương trình Cambridge ở một số trường tại TPHCM và Hà Nội, họ đã lợi dụng cơ sở vật chất chung để dạy cho một số em học sinh, thu lãi trên tài sản không phải của họ. Nay nếu có người lấy luôn cơ sở vật chất của nguyên cả trường thì sự méo mó lên đến dường nào.
Trong giáo dục, chủ nghĩa tinh hoa (elitism) đã bị phê phán từ lâu. Nhưng dù sao ở các nước sự đào tạo mang tính phân biệt như thế chỉ gói gọn trong hệ thống tư thục, chứ ai dám sử dụng hệ thống công lập để thí nghiệm.
Có người lập luận, giả thử một tỉnh bỏ tiền ra xây dựng một trường chất lượng cao, đầu tư tốt, tuyển giáo viên giỏi, trả lương cao, tuyển học sinh giỏi để đào tạo người giỏi cho xã hội thì sao? Liệu như thế có phân biệt đối xử hay không vì cũng là cơ sở công, cũng là tiền từ ngân sách công?
Sự khác biệt ở đây chính là khả năng tiếp cận. Loại hình trường công lập chất lượng cao có vé vào cổng là tiền học cao chót vót; loại hình trường đào tạo học sinh giỏi có vé vào cổng là năng lực học tập của học sinh – hai bên khác nhau một trời một vực. Và ngay chính loại hình trường chuyên, lớp chọn cũng đâu phải đã nhận được sự đồng tình của xã hội khi mục tiêu đào tạo bị méo mó khi chỉ nhắm đến thành tích.
Mô hình trường công lập chất lượng cao còn cho thấy sự thất bại của hệ thống giáo dục đại trà hiện nay, từ lương cho giáo viên không đủ sống (nên mới có hy vọng trường chất lượng cao thu tiền học cao, sẽ thu hút giáo viên giỏi nhờ trả lương cao) đến cơ sở vật chất. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào mô hình này để giải quyết sự yếu kém đó thì hóa ra hệ thống tư thục phải bùng nở và thành công từ lâu? Vấn đề còn là chương trình dạy, sách giáo khoa, triết lý giáo dục, tầm nhìn trong đào tạo… toàn những chuyện không liên quan nhiều đến tiền bạc.
*                      *                      *
Ở cột trụ thứ nhì, ngành y tế đang mang tai tiếng về phong trào “xã hội hóa” khi bệnh viện công tìm cách kinh doanh với tư nhân bằng các trang thiết bị tự mua sắm, tự tính tiền cao cho bệnh nhân. Thật khó tưởng tượng cảnh bệnh nhân bị buộc chịu nhiều xét nghiệm chỉ vì người ta muốn có khách hàng cho cái phần “xã hội hóa” này.
Chuyện này đã có nhiều bài báo điều tra công phu, chi tiết. Ở đây chỉ xin nhắc một ý nhìn từ góc độ kinh tế. Việc bệnh viện công “kinh doanh” bằng máy móc tư có thể diễn ra mà bệnh nhân (khách hàng) không phản đối được là nhờ tận dụng lợi thế thông tin bất đối xứng khi bệnh nhân luôn ở vị thế thua thiệt, vị thế độc quyền, lợi dụng thương hiệu của bệnh viện công, sự cấu kết mặc định để hầu như bệnh viện nào cũng áp dụng cơ chế này nên người bệnh không có sự chọn lựa nào khác… Toàn là những đặc điểm mà rơi vào tay một doanh nghiệp bình thường ở bất kỳ ngành nghề nào khác thì họ đã làm giàu nhanh chóng và thực tế thị trường sẽ đào thải cũng nhanh chóng không kém bởi không ai có thể chấp nhận những đặc quyền như thế.
Ở đây, cũng sẽ có người lập luận nếu không có hình thức “xã hội hóa” y tế như thế thì làm sao bệnh viện đầu tư trang thiết bị máy móc đắt tiền, làm sao trả lương đủ sống cho cán bộ nhân viên, người bệnh làm sao hưởng được những tiến bộ trong y học hiện đại?
Một lần nữa, thực tế này cho thấy sự thất bại của ngành y tế, dù hiểu rất rõ thực trạng “xã hội hóa” vẫn phải nhắm mắt làm ngơ bởi những thực tế nêu ở lập luận trên. Nếu lãnh đạo bệnh viện và tư nhân làm được thì lẽ ra đầu tư nhà nước cũng làm được, vừa đem lại những lợi ích liệt kê, vừa hạn chế những đặc điểm dễ tạo ra sự lạm dụng về mặt kinh tế. Nhưng để làm được thì phải có một chiến lược, một đề án lớn, một cái nhìn tổng thể và một nhiệt tình để thuyết phục rất nhiều người phản đối.

Để kết luận, giả thử chúng ta tiến hành cổ phần hóa các trường công và các bệnh viện công – một chuyện không xảy ra nhưng cứ giả định để hình dung được vấn đề dễ hơn. Điều gì sẽ xảy ra? Giá trị lớn nhất vẫn sẽ là đất, nhà cửa trên đất và con người, thương hiệu, uy tín sẵn có. Tức là khi tính toán hiệu quả, người làm dự án sẽ phải tính đến các giá trị này mà nếu chia trả đầy đủ, rất khó lòng đạt được hiệu quả tài chính mong muốn. Nay, dùng chiêu thức “trường công chất lượng cao” hay áp dụng mô hình “xã hội hóa” tại bệnh viện công, những người thực hiện không cần đưa các giá trị lớn lao đó vào tính toán của mình nên họ sẽ hưởng “siêu lợi nhuận” chứ không còn là lợi nhuận đơn thuần. 

Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...