Công nghệ và điều tra hình sự
Cô X. là một y tá chừng 30 tuổi, đang lái xe về nhà sau ca tối
thì có kẻ chận xe dùng dao uy hiếp cô, bắt qua một chiếc xe bán tải, cưỡng hiếp
cô trong khi tên đồng phạm vẫn lái tiếp. Câu chuyện mới nghe qua cũng như nhiều
vụ phụ nữ đi làm về khuy bị bọn xấu tấn công, hãm hiếp rồi vất bỏ bên vệ đường.
Thế nhưng trong các chi tiết nạn nhân là một y tá chừng 30 tuổi khai với cảnh
sát, có một chi tiết nổi lên. Trong ánh đèn mờ khi xe chạy qua sân bay General
Mitchell, cô thoáng thấy màn hình một chiếc điện thoại di động hiệu Samsung
Galaxy đang chạy ứng dụng tìm đường Google Maps!
Viên cảnh sát hình sự Eric Draeger của đồn cảnh sát Milwaukee
chuyên về các vụ án có dính líu đến công nghệ cao. Lời khai của cô X. về loại
xe bọn xấu dùng, miêu tả nhân dạng của kẻ cưỡng hiếp cô không giúp gì bao nhiêu.
Nhưng Draeger từng có kinh nghiệm phá án bằng cách rà soát dữ liệu của các trạm
phát sóng để từ đó xác định các điện thoại di động hiện diện gần hiện trường khi
xảy ra vụ án. Nay với lời khai của cô X., rất có thể anh sẽ tìm đúng ngay chiếc
điện thoại anh cần tìm nếu tập trung vào một nguồn cung cấp vị trí người dùng với
độ chính xác cao: Google Maps.
Lúc đó Draeger không biết Google có chịu hợp tác không nhưng
vẫn thuyết phục sếp anh cứ thử xem sao. Đầu tiên anh cần một trát đòi dữ liệu sau
khi ghi nhận lời khai chi tiết của cô X., cùng cô đi lại lộ trình bọn xấu chở
cô, ghi nhận chính xác từng địa điểm. Trong khi đó, đồng nghiệp của anh vẫn tiến
hành điều tra theo các phương cách cũ: phát hành hình vẽ phác thảo bọn xấu dựa
vào lời khai, rà soát các camera an ninh ở khu vực lân cận, tìm dấu vân tay bọn
xấu có thể để lại ở chiếc xe của nạn nhân… Họ tập trung vào vụ án này vì có dấu
hiệu cho thấy bọn xấu sẽ lại ra tay. Đó là bởi trước vụ bắt cóc cô X. mấy giờ,
một cô gái 18 tuổi trình báo bị hai kẻ xấu đi theo một quãng đường dài, chúng
nhiều lần cố tình hất xe cô lên vệ đường, có lần có một kẻ cầm gậy bóng chày tiến
đến xe cô nhưng cô kịp nhấn ga thoát thân.
Samsung Galaxy là điện thoại di động chạy hệ điều hành
Android, người dùng muốn sử dụng phải đăng nhập tài khoản Google; điện thoại lại
đủ các ứng dụng cài sẵn như Google Maps có chức năng xác định vị trí người dùng
bằng cả Wifi, GPS và Bluetooth. Vụ án cô X. xảy ra vào tháng 6 năm 2017 và trước
đó Google chỉ mới nhận yêu cầu cung cấp dữ liệu theo cách này lần đầu tiên vào
năm 2016. Với trát do tòa án ký, Draeger gởi email cho Google nhưng thực lòng
không tin tưởng Google chịu hợp tác, thậm chí sẽ trả lời sớm.
Hai mươi phút sau điện thoại của Draeger đổ chuông; một nhân
viên bộ phận pháp lý Google gọi. “Tôi không biết có rà soát dữ liệu theo yêu cầu
của ông hay không nhưng chúng tôi muốn hỗ trợ vì đây là ác mộng cho mọi người” –
cô nhân viên nói với Draeger. Sau đó nhân viên Google giúp Draeger cập nhật
trát tòa để mở rộng phạm vi tìm kiếm ra ngoài khu vực sân bay bởi lúc đó tại
sân bay có hàng trăm điện thoại sử dụng ứng dụng Google Maps để tìm xem ở các địa
điểm bổ sung có điện thoại nào có những đặc điểm như mô tả. Bốn ngày sau, đại
diện Google gọi điện cho Draeger và thông báo, chỉ có 1 số điện thoại duy nhất
đáp ứng các điều kiện đặt ra trong yêu cầu tìm kiếm.
Draeger nhớ lại: “Bỗng nhiên lá thư này xuất hiện trong hộp
thư của tôi, mở thư đọc xong, tôi cứ nhìn sững sờ vào màn hình. Cái tay tội phạm
mình tìm 5 ngày nay không chút manh mối, nay tên tuổi và số điện thoại của hắn
có ngay sờ sờ đó”. Cảnh sát bắt ngay 2 tên tội phạm ngay sau đó.
* * *
Câu chuyện trên do
NBCNews kể lại, hé lộ cho thấy tầm ảnh hưởng lớn lao của các ứng dụng chúng ta
dùng hàng ngày mà không hề hay biết. Nhìn từ phía các cơ quan công lực như cảnh
sát hình sự, dữ liệu người dùng mà các công ty công nghệ như Google thu thập từng
giây từng phút là kho tàng chưa được khai thác đúng mức. Từ năm 2016 đến nay các
yêu cầu cung cấp dữ liệu như kiểu vụ án nói trên tăng vọt. Năm ngoái Google tiết
lộ yêu cầu từ phía cảnh sát đã tăng hơn 1.500% từ năm 2017 sang 2018 và tăng
500% từ năm 2018 sang 2019.
Vì khối lượng yêu cầu tăng nhanh như thế nên hiện nay Google
cần vài ba tháng mới đáp ứng một yêu cầu dữ liệu. Phía điều tra hình sự cũng giảm
dần việc dựa dẫm vào công nghệ này vì quá mất thời gian, chỉ xem nó như biện
pháp cuối cùng khi các phương pháp điều tra cũ đi vào ngõ cụt. Cả Google lẫn cơ
quan công lực đều nói quá trình yêu cầu và cung cấp dữ liệu xác định vị trí là
hợp pháp vì người dùng cho phép Google ghi nhận vị trí của họ. Yêu cầu bảo vệ sự
riêng tư của người dùng là ưu tiên hàng đầu nên khi cung cấp dữ liệu các thiết
bị gần hiện trường, Google đều để nặc danh và chỉ sau khi xác định kẻ tình
nghi, tên tuổi và chi tiết khác mới được tiết lộ.
Tuy nhiên, việc sử dụng trát tòa yêu cầu công ty công nghệ
cung cấp thông tin người dùng một cách vô tội vạ như thế là vi phạm quyền riêng
tư của nhiều người, do tình cờ đã đến gần hiện trường một vụ án nào đó đúng thời
điểm gây án. Có vụ án, cảnh sát đưa một người vô tội vào diện tình nghi chỉ vì ông
này đạp xe ngang qua ngôi nhà bị trộm đúng lúc bọn trộm đột nhập. Nhiều người lập
luận công nghệ này có thể dễ dàng bị lạm dụng để theo dõi những ai đi phá thai,
đi dự lễ ở một nhà thờ, tham gia vào các cuộc tuần hành… Vào thời điểm nước Mỹ
bị chia rẽ nặng nề như bây giờ, công nghệ ghi nhận vị trí người dùng càng dễ bị
phản đối hay nhận được sự đồng tình, cần áp dụng nhiều hơn, tùy vào quan điểm
hay vụ việc. Chẳng hạn, sẽ có nhiều người muốn dùng dữ liệu vị trí người dùng để
phát hiện xem ai từng đột nhập tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Hiện nay quan điểm về việc sử dụng trát đòi dữ liệu người
dùng cũng rất khác biệt. Nếu chỉ nghe kể về các vụ án tàn khốc được phá án nhờ
dữ liệu người dùng, sẽ rất dễ đồng tình với việc ứng dụng công nghệ này vào
công tác điều tra hình sự. Nhưng để phát hiện 1 kẻ tội phạm, sẽ có 10 người vô
tội bị kéo vào vòng phiền phức, có khả năng bị oan chỉ vì công nghệ không phân
biệt được gian-ngay. Nhiều quan tòa từ chối ký trát do cảnh sát yêu cầu.
Với Google, họ có sẵn những lời tuyên bố để phát cho báo chí
mỗi khi có ai yêu cầu họ bình luận. Một trong những lời tuyên bố như thế viết:
“Chúng tôi làm hết sức mình để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng dịch vụ của
chúng tôi trong khi hỗ trợ hoạt động rất quan trọng của giới thi hành công vụ.
Chúng tôi đã phát triển một quy trình cụ thể cho các yêu cầu hỗ trợ như thế, được
thiết kế để tôn trọng nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi trong khi hạn chế quy mô dữ
liệu được tiết lộ”. Dù sao những lời nói rập khuôn này cũng cho thấy quy mô thu
thập dữ liệu người dùng của các công ty công nghệ như Google.
No comments:
Post a Comment