Tương lai các thành phố lớn
Sự thăng trầm của các
nền văn minh thường được đánh dấu bởi sự trỗi dậy và tàn lụi của
các đại đô thị. Khảo sát các nền văn minh từng hưng thịnh trên trái
đất này người ta cũng dựa vào các công trình khảo cổ các đô thị mà
những nền văn minh này từng dựng lên.
Đại dịch Covid-19 đánh dấu một cột mốc suy tàn những
nơi hiện nay đang là thành phố lớn của thế giới và mặc dù xu hướng
này đã bắt đầu từ trước khi xảy ra dịch bệnh, cơn lốc corona virus
đã quét qua các thành phố lớn khắp thế giới, thúc đẩy xu hướng rời bỏ
thành phố đến nhanh hơn cả chục năm. Ngược lại, cũng có thành phố tận dụng
các cơ hội mới để khoác cho mình một diện mạo “hậu Covid” thân thiện với môi
trường hơn.
Xu hướng này khó thấy ở nước ta vì dịch được khống
chế nhưng cũng đã xuất hiện các căn nhà mặt tiền bỏ hoang vài ba
tháng ở nhiều con phố lớn, những khu phố đóng cửa im lìm không người
thuê. Đại dịch buộc mọi người chuyển nhiều hơn qua mua sắm trên mạng,
gọi thức ăn giao tận nhà chứ không còn ra tiệm hay vào các cửa hàng
dọc phố nữa. Khách du lịch vắng bóng cũng làm nhiều cửa tiệm khác
từng nhắm đến loại khách hàng này phải tạm thời đóng cửa. Và một
khi xu hướng đã bắt đầu, ắt mọi người sẽ nhanh chóng nhận ra trả
một khoản tiền rất lớn hàng tháng để đón vài ba vị khách mỗi ngày
là cực kỳ phi lý trong khi họ có thể duy trì một mặt bằng phong phú
hơn, dễ dẫn dụ khách hơn trên các không gian chợ ảo với chi phí rất
thấp, khách vào ra tấp nập. Có thể dự báo sẽ còn nhiều đoạn đường
đầy các biển rao cho thuê nhà dọc các con phố lớn. Những ngọn đèn
màu chớp tắt thu hút khách sẽ chuyển vào hẻm sâu và trực tuyến. Một
diện mạo quen thuộc của thành phố đã đổi khác.
Còn ở các nước xu hướng rời xa các thành phố mạnh
hơn nhiều lần bởi hầu như các nước phương Tây đều có những tháng
ròng áp dụng phương thức làm việc từ nhà. Thoạt tiên đó là một sự
sắp xếp do nhu cầu phòng chống dịch nhưng dần dần rất nhiều công ty mới
nhận ra, để nhân viên làm việc từ nhà có nhiều điểm lợi. Công ty vừa
không tốn tiền duy trì một không gian làm việc tốn kém, từ tiền điện
nước đến bảo vệ, kỹ thuật; nếu lâu dài họ có thể cắt luôn hợp
đồng thuê mặt bằng để tiết kiệm một khoản chi khá lớn. Nhân viên làm
từ nhà vẫn có thể họp hành qua các ứng dụng video; chỉ cần thay
đổi cách đánh giá hiệu quả là vẫn có thể duy trì năng suất, thậm
chí năng suất còn cao hơn trước. Được làm từ nhà ai mà không thích
vì có thể chăm con, làm việc nhà bất kỳ khi nào thu xếp được. Khỏi
thức dậy sớm và về muộn, khỏi tiêu tốn nhiều giờ ngồi trên xe hay tàu
điện là một điều người làm việc văn phòng mơ tưởng từ lâu.
Hiệu ứng của phương thức làm việc từ nhà lên diện
mạo thành phố là một hiệu ứng kiểu domino. Đầu tiên là vắng bóng xe
cộ trên đường phố, hàng quán phục vụ ăn trưa ăn tối mất khách. Các
dịch vụ đi quanh các tòa nhà văn phòng sụt giảm nhu cầu. Những nhân
viên dịch vụ mất việc do mất khách này sẽ phải sớm rời thành phố
để kiếm việc làm nơi khác. Đến nay phương thức làm việc từ nhà tiến
đến một mốc mới, nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc từ bất kỳ
địa phương nào. Chắc chắn khi điều này xảy ra, nhiều người sẽ dọn ngay
ra khỏi các thành phố đắt đỏ để dọn về các khu ngoại ô hay xa hơn
nữa. Như thế, ngoài các cửa tiệm đóng cửa im lìm, chủ nhà treo biển
tìm khách thuê mới như ở nước ta, các thành phố lớn ở nước khác
còn đang chứng kiến các tòa nhà văn phòng dần vắng khách; các hàng
quán quanh đó đóng cửa. Chẳng mấy chốc sự điêu tàn, hoang vắng ở
nhiều khu tại nhiều thành phố sẽ dần hiện rõ.
* * *
Đôi lúc chúng ta có cảm giác các phim khoa học viễn
tưởng nói quá về tương lai các đại đô thị, kiểu như bầu trời ngập
chìm trong một màn sương đục do ô nhiễm không khí, các trung tâm thương
mại bỏ hoang, cầu thang còn đôi ba ánh đèn sáng lóe vài chớp rồi
tắt ngúm. Đường phố hoang vắng, chỉ còn những tên tội phạm mang súng
đi lùng sục con mồi. Thế nhưng với tình cảnh chênh lệch giàu nghèo
ngày càng nghiệt ngã ở nhiều nước, rất có thể các thành phố sẽ
chia làm hai khu; khu nhà giàu cố thủ trong các tòa nhà cao tầng, canh
phòng cẩn mật bằng drone và robot – khu nhà nghèo gồm các đường phố
bỏ hoang nay chỉ còn các căn lều của người vô gia cư. An ninh thành
phố được duy trì bằng một mạng lưới các camera quan sát khắp nơi
cộng với các máy bay không người lái dò xét khắp nơi. Một tình cảnh
như thế đã diễn ra ít nhất ở một số khu vực của một số thành phố
lớn của Mỹ.
Tất cả những chuyện này không phải là chuyện viễn
tưởng. Nhiều thành phố lớn ở Mỹ giờ đã bắt đầu đối diện với một
số vấn đề cấp bách nhưng sẽ định hình các thành phố này trong tương
lai. Thành phố New York bắt đầu lên kế hoạch cắt giảm các phương tiện
giao thông công cộng vì vắng khách, có thể đến 40% lượng xe buýt và
xe điện ngầm vào năm 2022. Các thành phố khác như Washington DC, Boston cũng
tính chuyện tương tự, đóng cửa nhiều trạm xe điện ngầm, trạm xe
buýt, cắt giảm nhân viên… Thiếu phương tiện đi làm, các hãng sẽ phải
buộc chuyển sang làm việc từ xa dù chưa tham gia xu hướng ngay bây giờ.
Ba nơi sử dụng mặt bằng nhiều nhất thành phố New York là JPMorgan
Chase, Barclays và Morgan Stanley đều đã tuyên bố chắc chắn không phải
tất cả nhân viên của họ sẽ trở về làm việc trong các tòa cao ốc ở
Manhattan nữa. Google hủy kế hoạch mua thêm 2 triệu feet vuông diện tích
văn phòng ở các đô thị. Twitter cho phép nhân viên làm việc từ xa vĩnh
viễn.
Nói cho có căn cứ thì các đô thị lớn thu hút người
vào ở và làm việc nhờ hai yếu tố. Yếu tố đầu tiên là các nhân viên
trẻ, làm việc bằng chất xám, là lực lượng lao động chính của thời
kỳ toàn cầu hóa trước đây và công nghệ thông tin hiện nay. Trước đây
họ làm việc ở các văn phòng tập trung tại các đô thị lớn vì tận
dụng nguồn thông tin, cách làm việc nhóm, cùng nhau động não để giải
quyết các bài toán mới. Nay chỉ cần chiếc laptop, đường truyền
Internet tốc độ cao, và các ứng dụng gọi video, họ có thể duy trì
cách làm việc cũ nhưng bản thân họ thì đóng đô ở một góc hẻo lánh
nào đó. Yếu tố thứ nhì là tính chất giải trí cao của đô thị gồm các
cửa hàng, rạp chiếu bóng, quán bar, hộp đêm, tiệm ăn, quán café… Đại
dịch Covid-19 và yêu cầu giãn cách xã hội làm các hoạt động này
biến mất trong một thời gian dài. Dần dần khi các đô thị không còn sức hấp
dẫn như trước mà cư dân lại phải đối diện với các thách thức như sống giãn
cách, co cụm thành từng nhóm, cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp thì các đô thị
dần hoang vắng là một xu hướng khó tránh.
* * *
Tuy nhiên chưa hẳn mọi sự đã an bày cho các thành
phố lớn. Một số thành phố lợi dụng xe cộ vắng bóng đã mở thêm
đường dành riêng cho xe đạp; khơi lại phong trào đi xe đạp ở nhiều
thành phố châu Âu, Canada. Một số nơi khác ngăn đường để cho hàng quán
mở rộng không gian ăn uống bên ngoài, cũng nhằm bảo đảm giãn cách xã
hội. Đại dịch cũng buộc nhiều nơi thiết kế lại không gian làm việc
để tích hợp nhiều dịch vụ vào chung một chỗ. Một khi đại dịch chấm dứt,
cuộc sống quay về như cũ, nếu các thành phố này duy trì được không gian thân
thiện với môi trường hơn như đi lại bằng xe đạp, cấm xe hơi ở nhiều khu vực, dành
khoảng không cho các sinh hoạt chung, biết đâu chúng sẽ trở thành những điểm
thu hút giới trẻ. Đã có những khảo sát cho thấy cư dân hoan nghênh việc cấm hẳn
xe hơi ở nhiều khu phố, biến chúng thành phố đi bộ, chạy xe đạp, xe đẩy. Các hoạt
động thể thao như chạy bộ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật trở lại đường phố
biết đâu sẽ hút hút du khách trở lại một khi dịch bệnh đi qua.
Như thế diện mạo các thành phố lớn chắc chắn sẽ thay đổi,
theo hướng bi quan hay theo hướng lạc quan còn tùy vào cư dân. Sẽ có những
thành phố suy tàn, hoang phế nhưng cũng sẽ có những thành phố xanh, phát triển
theo hướng mới. Có thể người ta sẽ phải bỏ những nỗ lực xây dựng thành phố
thông minh dựa vào công nghệ vì một mình công nghệ không thể cứu lấy số phận một
thành phố bị bỏ hoang. Nay các ưu tiên trong phát triển thành phố phải là giảm ô
nhiễm, cả ô nhiễm không khí lẫn tiếng ồn; có những cơ sở hạ tầng giúp cải thiện
sức khỏe, kể cả sức khỏe tinh thần.
Làm được điều này, chúng ta sẽ có những thành phố chỉ còn lại
xe đạp hay xe chạy bằng điện, vắng bóng hẳn xe chạy bằng xăng dầu. Lúc đó, dù
nhiều công ty cho nhân viên làm ở nhà, vẫn sẽ có những công ty phải duy trì
cách làm việc trực tiếp do phải tiếp xúc với khách hàng và lúc đó do chi phí mặt
bằng giảm mạnh, do yêu cầu giãn cách, họ sẽ tăng thuê mặt bằng, tăng không gian
làm việc. Dòng tiền đầu cơ địa ốc chấm dứt, giá nhà trở về mức bình thường, nằm
trong tầm với của giới trẻ. Cuộc sống ở đô thị sẽ trở về khung cảnh thời trước,
khi mọi người ăn uống trên vỉa hè, ca hát nhảy múa ngoài trời. Đó có thể là một
ước mơ viễn vông nhưng cũng có thể là xu hướng phát triển theo hướng tự nhiên,
bằng không cuộc sống đô thị sẽ sụp đổ.
No comments:
Post a Comment