Wednesday, August 29, 2018

Nhìn nơi khác khi tìm cách thu


Nhìn nơi khác khi tìm cách thu

Dai dẳng một địa chỉ nhiều nơi cứ chăm chăm nhắm đến mỗi khi nghĩ cách thu tiền, nhất là tiền thuế: tài khoản ngân hàng. Khi đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đưa vào dự thảo nội dung luật sẽ giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn các ngân hàng thương mại trước khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân trong nước cho các bên cung cấp dịch vụ nước ngoài phải khấu trừ số thuế mà bên cung cấp dịch vụ nước ngoài phải nộp vào ngân sách.

Hiện nay những doanh nghiệp chạy chiến dịch quảng cáo trên Facebook, Google, YouTube đều phải tự khấu trừ thuế nhà thầu (gồm 5% thuế thu nhập doanh nghiệp và 5% thuế giá trị gia tăng) trước khi chi trả cho Facebook hay Google. Động lực ở đâu để họ khấu trừ? Đó là bởi nếu làm đúng quy định, khoản chi này sẽ được xem là chi phí hợp lệ và được trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hiện đang nhờ các trang mạng như Booking.com, Agoda, Expedia… bán phòng giùm cũng phải nộp thuế nhà thầu thay cho các nơi này.

Nay theo tinh thần của dự thảo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp trong nước được miễn trách nhiệm khấu trừ này mà chuyển sang cho các ngân hàng thương mại nơi có tài khoản thanh toán của các dịch vụ liên quan!

Thật không hiểu nổi vì sao Bộ Tài chính lại muốn làm phức tạp hóa một vấn đề tưởng đâu đã rõ. Trước hết tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp hay cá nhân là một nơi bất khả xâm phạm; không ai ngoài chủ tài khoản được quyền yêu cầu ngân hàng thương mại nhón tay lấy bất kỳ khoản tiền nào trong tài khoản được, trừ phi đó là lệnh của tòa án, thi hành một phán quyết nào đó. Trên cơ sở nào cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng thương mại khấu trừ thuế từ tài khoản? Ngay cả tòa án trước tiên cũng thường ra lệnh phong tỏa tài khoản, tức đóng băng tài khoản chứ không phải đụng chạm, xử lý các khoản tiền cụ thể trong tài khoản.

Ngược lại, thuế nhà thầu mà doanh nghiệp hiện đang nộp thay cho các nơi cung cấp dịch vụ nước ngoài là theo đúng thông lệ quốc tế, tên gọi loại thuế này (withholding tax) cũng cho thấy bản chất “giữ tiền lại giùm cho nhà nước”. Nếu cần sửa đổi, bổ sung là sửa đổi bổ sung các quy định để doanh nghiệp dễ dàng hợp thức hóa khoản chi trả này chứ không phải chuyển trách nhiệm khấu trừ cho nơi khác.

Tương tự như thế Bộ Giao thông, trong dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ cũng đề xuất chủ ô tô phải có tài khoản ngân hàng để dễ trích tiền xử phạt vi phạm giao thông, nhất là các khoản phạt nguội. Giả thử chủ ô tô có tài khoản ngân hàng và bị phạt vượt đèn đỏ, liệu ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản có mạnh dạn chuyển khoản tiền phạt cho kho bạc nhà nước khi chưa có lệnh của chủ tài khoản?

Trong khi đó không thiếu gì cách để buộc chủ ô tô phải nộp phạt đầy đủ trước khi được sử dụng xe, như nhờ bên đăng kiểm làm một chốt chặn, xe chưa nộp phạt chưa được đăng kiểm hay mở rộng ra, xe chưa nộp phạt chưa được nộp phí sử dụng đường bộ. Để xử lý nghiêm những ai chây lười có thể áp dụng mức phạt cao cho những khoản phạt nộp trễ hạn, mục đích làm sao cho người chủ xe phải nhanh chóng đi nộp phạt hơn là nghĩ đến con đường trừ thẳng từ tài khoản ngân hàng.

Thu thuế hay thu tiền nộp phạt là mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và tổ chức hay cá nhân. Tài khoản ngân hàng là mối quan hệ giữa tổ chức hay cá nhân với ngân hàng thương mại. Hai mối quan hệ này tách biệt nhau, không thể nối chúng lại với nhau bằng mệnh lệnh hành chính.



Cryptocurrency

  Phép thử tiền crypto   Không biết hãng Finder khảo sát ở đâu, với ai mà kết luận đến 41% dân Việt Nam có sở hữu tiền mã hóa (cryptocur...