Wednesday, August 1, 2018

Kẻ địch đang ở trong nhà


Kẻ địch đang ở trong nhà

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson, đang đọc diễn văn trước Quốc hội Anh về tình hình tại Syria, vừa mới nhắc đến từ Syria, ông này bị ngắt lời và một giọng đều đều vang lên: “Tôi tìm thấy trên web một số thông tin về Lực lượng Dân chủ Syria”!

Williamson luống cuống thò tay vào túi tắt chiếc điện thoại iPhone – hóa ra giọng nói đó là người thư ký ảo Siri trên iPhone đang lắng nghe mọi âm thanh chung quanh, khi nghe Syria, máy tưởng nhầm là kêu Siri dậy nên tự động kích hoạt. Các nghị sĩ được một phen cười thư giãn còn ông Bộ trưởng phải gắng gượng nói đùa: “Tôi thành thực xin lỗi. Bị chính điện thoại di động của mình truy bài là cũng là chuyện xưa nay hiếm”.

Thế nhưng báo chí Anh lại không cười. Họ cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng mà mang trong túi một thiết bị luôn luôn có một micro để mở như thế là nguy hiểm, nhỡ bọn tin tặc tìm cách chiếm quyền kiểm soát chiếc iPhone của ông này và lắng nghe được mọi cuộc họp thì sao?

Trước đó một gia đình ở Oregon, Mỹ hoảng hồn khi chiếc loa thông minh Echo trong nhà họ bỗng ghi âm cuộc trò chuyện của hai vợ chồng rồi gởi đoạn băng này cho một người bạn có tên trong danh mục điện thoại. Họ chỉ phát hiện ra khi người bạn này gọi điện báo cho họ biết và kể lại nội dung y chang như thể người này có mặt trong phòng ngủ của hai vợ chồng.

Mặc dù Amazon, nơi làm ra chiếc loa thông minh Echo cam kết đây là sự cố hy hữu, hai vợ chồng này thề từ nay sẽ không cắm điện cho chiếc loa này nữa. Cách đó vài tháng, nhiều người dùng báo cho Amazon biết chiếc Echo ở nhà họ bỗng nửa đêm thức giấc và cười thành tiếng một cách đáng sợ.

Hiện nay các trợ lý ảo đã hiện diện khắp nơi; ai dùng điện thoại di động ắt đều biết Siri trên hệ điều hành iOS và Google Now trên Android. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều nhà xài loa thông minh, Amazon thì có Echo, Google có Google Home, còn Apple có HomePod… Mỗi loại máy có một từ kích hoạt, như Echo thì gọi Alexa. Giả thử bạn gọi nhầm kiểu Syria với Siri như trường hợp của ông Bộ trưởng Quốc phòng Anh, máy vẫn tỉnh bơ trò chuyện với bạn như thể được kêu thức dậy một cách bình thường. Từ đó mới có chuyện Burger King, nơi bán bánh mì kẹp thịt, dùng một quảng cáo trên truyền hình để kích hoạt Google Home ở nhiều nhà tình cờ đang nghe quảng cáo. Một quảng cáo trên chiếc TV mà có thể kích hoạt một chiếc máy khác đặt trong phòng khách! Thử tưởng tượng các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra khi chiếc máy này kết nối với hệ thống cửa khóa, camera an ninh hay dùng để tắt mở hệ thống báo động.

Sau các vụ như thế, thiên hạ sáng tác ra các mẩu chuyện cười, có lẽ cách đây vài ba năm không ai hiểu nổi: - OK, Google, hãy hỏi Alexa xem Siri có đang lắng nghe chúng tớ trò chuyện không?/-Cortana chen vào: Nếu bạn không làm gì sai trái thì đâu có gì phải lo.

Ở trên là tình huống máy móc ngẫu nhiên lắng nghe con người; còn ở Trung Quốc thì ngược lại, ngày càng có nhiều nơi dùng máy móc để cố tình theo dõi con người mọi lúc mọi nơi. Điển hình là kế hoạch dùng máy bay không người lái (drone) hình dáng như chim bồ câu để giám sát người dân. Theo tờ South China Morning Post, có ít nhất 30 cơ quan nhà nước tại 5 tỉnh đang sử dụng drone để thí điểm việc giám sát tình hình an ninh trật tự.  

Phổ biến hơn là việc dùng camera để biết trạng thái tinh thần của học sinh nhờ phần mềm thông minh nhân tạo. Danh chính ngôn thuận mà nói, hệ thống camera được cho là để ghi nhận vắng trễ của học sinh rồi xem học sinh đang làm gì trong lớp.

Nhưng phần mềm còn có thể cho biết dựa vào biểu cảm của học sinh là các em đang vui hay buồn, đang sợ hay chán, đang ngạc nhiên hay giận dữ… Nhờ thế nhà trường có thể xếp loại học sinh, biết ngay em nào trong giờ học không tập trung theo dõi để chấn chỉnh, theo lời hiệu phó một ngôi trường. Chi tiết về hệ thống theo dõi trạng thái tinh thần của học sinh, được thí điểm ở Hàng Châu đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc. Có cha mẹ quyên góp tiền bạc để trường con em họ cũng có hệ thống “tối tân” này nhưng cũng có cha mẹ phản đối, cho rằng theo dõi như thế là vi phạm quyền riêng tư của học sinh. Cứ tưởng tượng học sinh ngồi trong lớp miệng cứ cười tươi cho camera thu hình thì chẳng khác hình ảnh các chú ro-bot trong phim viễn tưởng là bao.



AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...