Monday, July 30, 2018

Mua danh hết mấy vạn?


Mua danh hết mấy vạn?

Danh trên mạng xã hội có uy lực rất lớn. Nếu có dịp theo dõi các vụ ồn ào trên không gian mạng ngay từ đầu sẽ thấy thoạt tiên vụ việc chỉ là một hai ý kiến phê phán nhẹ nhàng nhưng bất chợt một nhân vật có hàng chục ngàn followers (người theo dõi) nhảy vào lớn tiếng hướng câu chuyện theo một chiều nào đó, ngay lập tức các followers này sẽ chia sẻ (share) hay thích (like) và vụ việc nay như đám cháy lan nhanh không cách gì chặn được.

Những nhân vật có uy danh trên mạng, có thể là ca sĩ, diễn viên điện ảnh, cầu thủ bóng đá hay đơn thuần là một người viết khéo, kể chuyện lôi cuốn, thường có tin độc nên được nhiều người theo dõi – tất cả đang là những “thế lực” to lớn trong không gian ảo, có thể gây khốn đốn cho một doanh nghiệp, vùi dập một cá nhân xuống bùn đen hay ngược lại, giúp một sản phẩm bán chạy như tôm tươi, biến một quán café trong góc phố nhỏ thành nơi lui tới của giới trẻ… (xem thêm box về giá cả quảng bá trên mạng xã hội).

Thế nhưng danh này… lại có thể mua được, giá cũng khá bèo. Theo một phóng sự dài trên tờ New York Times, rất nhiều nhân vật nổi tiếng, kể cả giáo sư kinh tế, nhà báo, diễn viên, chính trị gia đã mua một lượng người theo dõi ảo khổng lồ để tạo uy danh giả tạo cho mình. Để nhập vai làm phóng sự điều tra, tờ báo này mua thử 25.000 người theo dõi một tài khoản Twitter tự lập lên với giá 225 đô-la. Mười ngàn người đầu tiên có tài khoản y như thật, tức cũng có tên, hình đại diện, rồi đủ thứ mà một người dùng mạng xã hội có. Đó là các tài khoản bị đánh cắp danh tính, trở nên các “xác ướp” hành động theo lập trình; nếu báo viết một dòng tin gì đó, các tài khoản theo dõi kiểu xác ướp này sẽ lập lại nội dung để chia sẻ thông tin và nhân rộng nó ra.

Chính Facebook thừa nhận với các nhà đầu tư rằng số lượng người dùng giả mạo có thể cao gấp đôi số lượng họ ước tính ban đầu, tức có chừng 60 triệu tài khoản “xác ướp” đang tung hoành trên mạng xã hội này. Còn mạng Twitter, theo New York Times, có chừng 45 triệu tài khoản giả, cũng đang hoạt động ầm ĩ. Một công ty chuyên bán tài khoản giả như thế hiện đang có trong tay chừng 3,5 triệu “xác ướp”, sẵn sàng để bán mình, mà bán đi bán lại nhiều lần cho các khách hàng khác nhau.

Bắt chước New York Times, người viết tò mò tìm hiểu thử coi có thể mua followers ở Việt Nam chăng? Gõ mua followers vào thanh tìm kiếm của Google, ngay lập tức sẽ thấy vô số dịch vụ làm tăng số lượng followers giá rẻ nhảy ra. Nơi thì quảng cáo bán Followers và Likes thật, hứa hẹn “giúp bạn nổi tiếng và thành công trên Facebook”; nơi thì cung cấp bảng giá thật chi tiết, như mua một ngàn like trong một tháng cho tất cả bài viết, giá dưới 500.000 đồng! Thôi, cái này ai quan tâm thì tự tìm hiểu, có lẽ không nên quảng bá cho họ.

Ở nước ngoài, có cả ngàn lý do để mua followers. Theo phóng sự của New York Times, với các nhân vật trong làng giải trí, số lượng người theo dõi quyết định độ thu hút của họ nên dựa vào đó họ mới ký được hợp đồng làm việc và sau đó, dựa vào số lượng người theo dõi thì các hợp đồng “tài trợ” nhãn hàng mới được định giá. Ví dụ, cũng đeo cái kính râm chụp ảnh đưa lên Facebook, nhưng người có 100.000 followers chỉ đòi chủ nhãn hàng trả 2.000 đô-la; còn người có 1 triệu followers có thể đòi giá 20.000 đô-la! Nhiều nhân vật nổi tiếng khác bỏ tiền mua followers vì áp lực công việc, vì bị so sánh với đồng nghiệp và để nâng cao uy thế.

Rất hy vọng ở nước ta, quảng cáo cho dịch vụ bán followers nó tràn lan như thế nhưng chắc ít ai mua. Có lẽ không ai dại gì bỏ tiền mua like cho các bài viết của mình (dù nơi quảng cáo cho giá đủ kiểu like khác nhau: kiểu buồn, kiểu haha, kiểu phẫn nộ, kiểu thả tim, kiểu wow!). Cứ hy vọng thế.

Dù sao, thông tin về followers dỏm này cũng an ủi phần nào cho nhiều người, lâu nay cứ ghen tức sao bạn mình nhiều người theo dõi thế; biết đâu hắn bỏ tiền ra mua cũng như cô bạn kia viết gì ra cũng được like ào ào, chắc cũng vừa ký mua, mức vài trăm like cho rẻ.

Còn nói nghiêm túc, cái thế giới ảo nó vừa có người thật vừa có xác ướp như thế thì không nên đặt cược vào nó mà quảng cáo cho tốn tiền. Ra một sản phẩm rồi cất công nhờ người nổi tiếng giới thiệu vài dòng, tốn bạc triệu với hy vọng một phần nhỏ trong hai triệu người đang theo dõi anh ta ghé mắt, biết đâu, đến cả 1,9 triệu là followers giả, đang sống vật vờ, chờ để like tiếp sản phẩm khác.


Box
Tờ The Economist tổng hợp giá cả phải trả cho người nổi tiếng khi nhờ họ quảng bá sản phẩm trên các mạng xã hội phổ biến, người có lượng theo dõi càng lớn thì tiền thù lao càng cao. Với những ai có từ 3 triệu đến 7 triệu người theo dõi, một đoạn quảng bá trên YouTube sẽ có giá bình quân là 187.500 đô-la; một bài ngắn trên Facebook giá chừng 93.750 đô-la; còn đăng trên Instagram hay Snapchat thì giá là 75.000 đô-la.

AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...