Cứ tưởng tượng bạn là thí sinh kỳ thi THPT vừa rồi, dù quá dư
điểm để được xét tốt nghiệp nhưng vẫn còn thiếu nửa điểm để vào được trường đại
học mơ ước của bạn.
Cảm giác bạn sẽ như thế nào khi biết có hàng trăm thí sinh
như bạn được nâng điểm, không chỉ nửa điểm mà từ 1 đến 8,75 điểm mỗi bài thi. Phẫn
nộ vì sự thiếu công bằng? Hoang mang vì không biết còn bao nhiêu bạn khác được
nâng điểm? Thắc mắc làm sao trường đại học nơi bạn dự tuyển bảo đảm các thí
sinh trúng tuyển đã không gian lận điểm?
Đến khi mọi việc lắng xuống, cảm giác phẫn nộ, hoang mang được
thay thế bởi sự cay đắng, rằng người lớn đường như tìm cách đổ lỗi cho nhau;
không ai chú ý đến người trực tiếp bị ảnh hưởng từ xì-căng-đan sửa điểm này để
có người chịu trách nhiệm, đứng ra xin lỗi học sinh, phụ huynh và xã hội.
Hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT là đăng ký để được
thẩm định một cách công bằng năng lực của các em. Vụ việc sửa khống điểm thi đã
tác động lên tất cả; chắc chắn những em được điểm cao một cách bình thường vì học
giỏi nay cũng cảm thấy ê chề vì có khả năng bị nghi ngờ, sao điểm cao thế!
Những
em thiếu điểm vào đại học luôn tự hỏi không biết có ai do được sửa điểm mà
giành mất chỗ của mình. Những em ở các địa phương bị công luận đang nghi vấn kết
quả sẽ bực tức vì bị rơi vào tình thế oan ức.
Thầy cô ở 63 tỉnh thành, chắc chắn đại đa số đã tham gia kỳ
thi một cách nghiêm túc như bao năm nay, bỗng tất cả được lệnh rà soát lại như
thể họ bị nghi ngờ gian lận thi cử.
Phụ huynh sớm tối tất bật lo cho con trong
một kỳ thi vất vả ắt càng bức xúc hơn hết khi có nơi nhờ vả để không cần mệt nhọc
gì vẫn được nâng dư điểm vào đại học hàng đầu. Tất cả cần một lời xin lỗi từ
đáy lòng của người đứng đầu ngành giáo dục.
Trong thiết kế một quy trình hay một công trình cụ thể, trách
nhiệm của người phụ trách là rà soát để quy trình luôn hoàn thiện, công trình được
triển khai đúng mục đích và hiệu năng. Cách phát biểu chung chung như kiểu nhà
vệ sinh bệnh viện bẩn, giám đốc chịu trách nhiệm; để xảy ra phá rừng thì chủ tịch
huyện chịu trách nhiệm… là chưa thấy trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy trình
để tạo điều kiện cho mọi cấp trong hệ thống thực thi chức trách của mình.
Tương
tự như vậy, quy trình thi THPT rõ ràng có lỗ hổng, đã bị lợi dụng để nâng khống
điểm – trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục là nhanh chóng phát hiện ra lỗ hổng
để từ đó mới có địa chỉ cụ thể mà rà soát.
Với các trường đại học, khi đã tin tưởng giao phó cho Bộ
Giáo dục tổ chức kỳ thi mà kết quả được dùng để xét tuyển đại học, họ phải được
bàn giao một kết quả chính xác, tin tưởng được. Với tình hình như hiện nay, họ
cũng cần được xin lỗi vì kết quả bị nghi ngờ, sản phẩm đầu vào có thể không có
chất lượng như ghi trên giấy chứng nhận.
Hiện nay trách nhiệm của Bộ Giáo dục, ngoài những giải pháp
nhằm giải quyết việc nâng điểm khống, còn phải phục hồi lại niềm tin cho học
sinh, phụ huynh, các trường đại học khi tuyển sinh.
Để mất niềm tin chỉ cần một
hai cán bộ giáo dục hư hỏng nhưng để xây dựng lại niềm tin cần cả nỗ lực của xã
hội.
Nhưng xã hội chưa thể bắt tay vào công cuộc phục hồi niềm tin khi chưa thấy
một lộ trình kèm theo sự cam kết của Bộ Giáo dục, sửa đổi quy trình thi THPT
như thế nào, cải cách việc xét tuyển như thế nào, gán lại giá trị đúng đắn cho
kỳ thi THPT ra sao…