Ôm đồm
Nguyễn Vạn Phú
Mặc dù Bộ Công Thương đã yêu cầu Vụ Thị trường trong nước và
Vụ Pháp chế thuộc Bộ dừng xây dựng dự thảo nghị định về phát triển và quản lý
ngành phân phối nhưng câu chuyện cơ quan quản lý nhà nước đặt ra những quy định
can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế vẫn là câu
chuyện đáng suy ngẫm.
Đâu là vai trò quản lý của nhà nước, quản lý đến đâu là vừa
phải, đến đâu là mang tiếng can thiệp và quan trọng nhất, vì sao có suy nghĩ cơ
quan quản lý nhà nước phải can thiệp mới được?
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chợ,
đã có Nghị định 02/2003 mà sau đó được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 114/2009.
Tinh thần toát lên từ Nghị định 02/2003 là cung cấp bộ khung giúp công tác quản
lý chợ sao cho tốt nhất chứ không hề quy định người bán trong chợ phải làm gì,
bán đến mấy giờ, khuyến mãi ra sao. Nghị định 114/2009 cũng tiếp nối tinh thần
đó nên, ví dụ khi phân loại chợ, bổ sung nhiều loại chợ mà nghị định cũ chưa có
thì cũng chỉ nhằm giúp công tác quản lý chợ.
Đến cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công
Thương rà soát, đánh giá việc thực hiện hai nghị định nói trên, trên cơ sở đó đề
xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành một nghị định mới.
Không
hiểu vì sao Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương khi được giao nhiệm vụ
này lại soạn thảo một dự thảo nghị định “không giống ai”, đặt ra nhiều quy định
mang tính ràng buộc với doanh nghiệp một cách không cần thiết.
Những quy định phi
lý được báo chí nhắc tới nhiều nhất có thể kể: Siêu thị, trung tâm thương mại
phải mở tất cả ngày trong tuần kể cả ngày lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ; mỗi
năm chỉ được tổ chức 3 đợt giảm giá, mỗi đợt phải diễn ra tối thiểu 30 ngày, phải
có ít nhất 70% hàng hóa được bày bán nằm trong chương trình giảm giá.
Thiết nghĩ một nghị định tạo hành lang pháp lý cho ngành
phân phối cũng có thể đặt ra những điều cấm nhưng mục đích của các điều cấm
đoán này phải rõ ràng, để bảo vệ cho ai, tránh nguy cơ gì. Ví dụ có thể cấm
siêu thị bán rượu hay thuốc lá chẳng hạn nếu chúng ta chọn lựa cách hạn chế kênh
phân phối các mặt hàng có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Ai muốn mua rượu
phải vào tiệm chuyên bán rượu được cấp giấy phép riêng.
Khá nhiều nước ở châu Âu cấm siêu thị mở cửa vào ngày chủ nhật
(chứ không làm ngược đời như dự thảo nghị định là bắt mở cửa suốt tuần) là bởi họ
muốn bảo vệ người lao động, có quyền nghỉ ngơi ngày cuối tuần. Tuy nhiên quy định
khắc khe này cũng dần bị bãi bỏ ở nhiều nước.
Cũng có thể phân loại siêu thị, trung tâm thương mại với các
đặc điểm được quy định rõ ràng về diện tích, các tiện ích và đi kèm là sự cấm
đoán đặt tên gây nhầm lẫn ở người tiêu dùng. Một khu mua bán nhỏ xíu mà đặt tên
Hypermarket để lừa người mua sắm là không ổn. Để bảo vệ người tiêu dùng, cũng
có thể có những quy định về ghi hạn sử dụng; để bảo vệ nhà sản xuất trong nước
khỏi bị chủ siêu thị o ép, có thể đặt ra quy định về đối xử với hàng hóa của
chính siêu thị đặt làm và dán thương hiệu của mình…
Thế nhưng tinh thần
toát ra của một dự thảo vẫn phải là nhắm đến chính cơ quan quản lý, ràng buộc họ
lại vào những phạm vi nào để doanh nghiệp hình dung được họ sẽ phải ứng xử như
thế nào với nơi sẽ quản lý họ. Không được đặt ra các hình thức can thiệp kiểu
như chỉ được giảm giá tối đa 3 lần trong năm và hạn chế tối đa các quy định
ràng buộc trừ phi có mục đích bảo vệ cho người tiêu dùng một cách rõ ràng.
Vì dự
thảo có kèm cụm từ “phát triển” bên cạnh “quản lý ngành phân phối”, ban soạn thảo
phải làm sao giải quyết các vấn đề đang nảy sinh như mâu thuẫn giữa nhà sản xuất
nhỏ và chủ siêu thị, người nước ngoài đang dần làm chủ các kênh phân phối lớn, mâu
thuẫn giữa các cửa hàng tiện lợi với các tiệm tạp hóa truyền thống… Các vấn đề
lớn không lo, lại đi lo giờ mở cửa siêu thị và trung tâm thương mại nên Bộ Công
Thương yêu cầu dừng dự thảo là điều tất yếu.