Sunday, July 15, 2018

Chiến tranh thương mại khi nào kết thúc?


Chiến tranh thương mại khi nào kết thúc?

Nguyễn Vạn Phú

Quan sát những diễn biến được gọi là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước, đặc biệt là đợt thuế đánh lên hàng hóa của nhau mới tuần trước giữa Mỹ và Trung Quốc, người ta có thể rút ra hai kết luận sơ khởi. Mỹ là nước khơi mào cuộc chiến và Mỹ cũng sẽ là nước hoặc chủ động hoặc bị đẩy vào thế phải kết thúc. Vấn đề là khi nào?

Trước hết chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm tìm lại công bằng cho thương mại giữa Mỹ với các nước - theo cách ông ta hiểu. Điều đó có nghĩa nước nào muốn bán hàng cho Mỹ phải mua hàng của Mỹ cho tương đương; bán nhiều hơn mua (tức Mỹ chịu thâm hụt mậu dịch) là không xong. Để giải quyết sự “bất công” Trump chủ trương áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nước muốn trừng phạt để họ vừa bán hàng không được và dân Mỹ quay sang mua hàng rẻ hơn của doanh nghiệp Mỹ. Chính vì thế Trump từng tuyên bố, chiến tranh thương mại dễ thắng lắm!

Cách hiểu thương mại quốc tế hiện đại như thế có nhiều lỗ hổng mà chúng ta sẽ bàn sau, nhưng trước mắt đã khiến Trump rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm ngoái rồi năm này bắt đầu đánh thuế trừng phạt lên nhiều mặt hàng, không phải công bố một lần rồi thôi mà hết mặt hàng này đến mặt hàng khác, hết nước này đến nước khác trong khi để mở khả năng thương lượng để tự các nước hạn chế lượng hàng bán vào Mỹ. Đầu tiên là thuế mang tính trừng phạt đánh lên máy giặt và tấm pin mặt trời. Sau đó là thuế nhôm, thép và đến cuối tuần trước sắc thuế 25% đánh lên lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ đô-la nhập khẩu từ Trung Quốc, như tivi màn hình phẳng, linh kiện máy bay và dụng cụ y tế bắt đầu có hiệu lực.

Hiện nay là giai đoạn Tổng thống Trump khuếch trương những thắng lợi ban đầu trên truyền thông như nhờ thuế nhập khẩu máy giặt tăng lên 20% mà hãng Whirlpool của Mỹ bán được hàng, tuyển thêm công nhân, giá cổ phiếu tăng. Tuy nhiên tin tốt lành kiểu đó không nhiều trong khi Trump ngày càng gặp phải sự trả đũa của các đối tác ngoại thương, sự chống đối của giới kinh tế gia trong nước và sự thua thiệt của các doanh nghiệp Mỹ bị tác động xấu bởi các đợt thuế.

Điểm yếu nhất trong chính sách dùng thuế để tạo lợi thế trong ngoại thương, theo nhà kinh tế Paul Krugman viết trên tờ New York Times, nằm ở chỗ, khác với thập niên 1960 khi hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa đã hoàn chỉnh như xe hơi, hàng hóa giao thương ngày nay chủ yếu là hàng trung gian, được dùng làm đầu vào để sản xuất hàng nội địa. Cho nên Mỹ càng đánh thuế lên hàng nhập khẩu thì càng gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ trong khi nền kinh tế hưởng lợi không được bao nhiêu. Krugman đưa ra ví dụ: đánh thuế lên linh kiện ô tô nhập khẩu thì doanh nghiệp sản xuất linh kiện Mỹ sẽ bán được nhiều hàng hơn nên có thể thuê mướn thêm công nhân. Nhưng do giá linh kiện nói chung tăng nên sẽ gây khó khăn cho những nơi sử dụng linh kiện để làm ra hàng của chính họ nên sẽ phải tinh giảm hoạt động, sa thải công nhân.

Đợt thuế đầu năm 2018 đánh lên máy giặt là hàng hóa tiêu dùng nên giá máy giặt tăng, máy giặt Whirlpool của Mỹ bán chạy nhưng đáng tiếc cho đến nay 95% thuế mà Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng trung gian hay máy móc, trang thiết bị nên nếu Mỹ gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc một thì lại tạo ra những bài toán đau đầu cho doanh nghiệp Mỹ đến bội lần. Ngược lại phía Trung Quốc rất khôn; không những tập trung đánh thuế vào hàng tiêu dùng, nếu có áp thuế lên linh kiện hay nông sản thì chủ yếu là hàng xuất khẩu của các tiểu bang đang ủng hộ Trump.

Hay lấy một ví dụ khác, thuế đánh lên thép và nhôm nhập khẩu được một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ dự báo sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất hai mặt hàng này ở Mỹ mở rộng sản xuất, thuê mướn thêm 25.000 công nhân trong vòng ba năm tới. Nhưng cũng chính tổ chức này dự báo cứ thêm một công việc trong ngành nhôm thép thì sẽ có 16 công việc trong các ngành sản xuất có sử dụng nhôm thép bị mất đi, tính ra Mỹ sẽ mất 400.000 chỗ làm do thuế nhôm thép.

Một trường hợp điển hình là hãng sản xuất mô tô nổi tiếng Harley-Davidson. Biểu tượng của nền sản xuất Mỹ buộc phải tuyên bố sẽ chuyển một số dây chuyền sản xuất ra khỏi Mỹ để tránh mức thuế trừng phạt mà EU áp lên mô tô nhập khẩu của hãng này để trả đũa các sắc thuế của Trump. Họ tính toán rất cụ thể: thuế nhập khẩu xe tăng từ 6% lên 31% thì giá thành xe sẽ tăng chừng 2.200 đô-la mỗi chiếc. Nếu không tăng giá bán thì mỗi năm hãng sẽ lỗ chừng 100 triệu đô-la; chi bằng chuyển qua làm xe ở Thái Lan, chẳng hạn.

Cách hiểu đơn giản hóa ngoại thương hiện đại của Trump cũng chưa tính đến những đặc điểm liên lập của các chuỗi sản xuất quốc tế. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu của đại học Syracuse trong lãnh vực máy tính và sản phẩm điện tử, các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc cung cấp đến 87% hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế của Trump trong khi các doanh nghiệp thuần túy Trung Quốc chỉ chiếm 13% sản phẩm. Hay một khảo sát khác của Fed chi nhánh San Francisco cho biết  cứ một đô-la chi ra để mua hàng “làm tại Trung Quốc” thì cũng có đến 55 cents chi ra cho các ngành dịch vụ liên quan cung ứng ngay tại Mỹ.

Cứ tưởng dưới áp lực của công luận và giới kinh doanh, Mỹ sẽ nhanh chóng thay đổi chính sách để chấm dứt cuộc chiến thương mại mà phần thắng không chắc chắn, phần thua thì đã rõ. Nhưng nên nhớ, thuế gây ồn ào là thế nhưng tổng cộng các mặt hàng bị ảnh hưởng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cán cân ngoại thương của Mỹ cũng như của các nước liên quan. Cộng hết các mức thuế trả đũa mà Trung Quốc và các nước khác dọa sẽ áp lên hàng Mỹ, lượng hàng bị tác động đến nay chừng 75 tỷ đô-la, một con số rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào năm ngoái là 1.550 tỷ đô-la.

Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang xuống mức thấp nhất, các doanh nghiệp đang tuyển dụng, Trump đang tự hào nước Mỹ hiện vĩ đại hơn bao giờ hết nên không có lý do gì để Trump xuống thang trong thương mại.

Chỉ có điều, cuộc chiến tranh thương mại, do các phân tích nói trên, sẽ không mở rộng quy mô thêm nữa để thế giới bước vào giai đoạn “không có chiến tranh thương mại cũng không có ngoại thương trong hòa bình”.


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...