Thursday, August 15, 2013

Đi về đâu, chính sách vàng?

Đi về đâu, chính sách vàng?
Tuần trước nhiều báo đặt câu hỏi “Vàng đấu thầu đi đâu?”. Thật ra, câu hỏi đúng phải là “Ngân hàng Nhà nước còn bán vàng đấu thầu được bao lâu nữa?”.
Trước sau gì chính sách bán vàng thông qua các phiên đấu thầu cũng phải chấm dứt, vấn đề là vào thời điểm nào. Sức ép chấm dứt bán vàng vào thị trường đến từ nhiều phía. Không một ngân hàng trung ương nào cứ lấy dự trữ ngoại hối nhập vàng về bán như thế. Chủ trương của NHNN là chống “vàng hóa”, là tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ thì càng bán vàng cho thị trường là càng tiếp tay cho “vàng hóa”, là đưa một khối lượng lớn vàng vào nằm bất động trong khối tài sản của người dân nói chung. Hàng loạt lý do khác cho thấy NHNN không thể duy trì mãi việc bán vàng thông qua đấu thầu, đặc biệt nếu chúng ta tin rằng các ngân hàng thương mại đã tất toán xong trạng thái vàng, tức NHNN đã giúp các ngân hàng kết thúc chuyện huy động và cho vay bằng vàng như tuyên bố.
Bây giờ chúng ta thử hình dung việc gì sẽ xảy ra khi NHNN chấm dứt bán vàng mà vẫn giữ độc quyền nhập khẩu vàng? Một khi nguồn cung trong nước chấm dứt, giả dụ giá vàng thế giới không đổi thì giá vàng trong nước sẽ tăng vọt, chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước sẽ giãn mạnh thêm nữa. Lúc đó những ai nắm giữ vàng sẽ là người nắm giữ thị trường. Do NHNN độc quyền vàng, tức việc mua sẽ không dễ dàng, không người dân nào vội vàng bán số vàng họ đang cất giữ.
Nếu hình dung ra kịch bản như thế, chúng ta đã có thể trả lời ngay câu hỏi các báo đặt ra: “Vàng đấu thầu đi vào kho của những kẻ đầu cơ trường vốn, có tiềm lực tài chính mạnh”. Họ đang chơi một ván bài cân não với NHNN mà kết cục đã có thể đoán trước. Nếu không có chuyện đầu cơ thì sẽ không có chuyện NHNN bán vàng ra bao nhiêu cũng hết trong khi doanh số bán vàng lẻ của các ngân hàng và công ty là không đáng kể. Còn ai đầu cơ thì không ai biết được nhưng rất có thể họ dùng chính số vàng mới mua để thế chấp vay tiền mua vàng tiếp. Chính NHNN cũng đoán được đường đi của vàng đấu thầu nên mới có những biện pháp ngăn chặn đầu cơ như giảm số lượng mua tối đa của các bên dự thầu, buộc báo cáo tình hình kinh doanh mua bán vàng miếng của ngày liền kề trước đó, giao dịch vàng có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo, giảm số phiên đấu thầu vàng trong tuần... Thực tế cho thấy lượng giao dịch vàng miếng toàn quốc chỉ chiếm một phần nhỏ lượng vàng do NHNN bán ra. Mà đã là dân đầu cơ với quy mô như thế thì các thủ thuật lách quy định nằm trong tầm tay của họ.
Vấn đề là NHNN nên làm gì trong bối cảnh như thế?
Ngưng bán vàng đấu thầu có nghĩa là thua giới đầu cơ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ lớn đến mức kỷ lục. Tiếp tục bán thì sức chịu đựng của dự trữ ngoại hối đến đâu, áp lực lên tỷ giá sẽ như thế nào, mục đích chính sách một đằng mà thực hiện một nẻo thì giải thích làm sao cho Quốc hội?
Tính đến đầu tuần này, NHNN đã tổ chức 52 phiên đấu thầu, bán ra 53,9 tấn vàng (hơn 1,4 triệu lượng SJC). Giai đoạn các ngân hàng thương mại chưa tất toán trạng thái vàng của họ thì có thể lý giải NHNN bán vàng là giúp tránh một khủng hoảng thiếu hụt vàng trả cho dân như suýt đã xảy ra vào giữa năm 2012. Nhưng khi giai đoạn này chấm dứt, các ngân hàng đã tất toán xong trạng thái thì mọi việc lại diễn ra như thể đang có cuộc tấn công tiền tệ của giới đầu cơ và NHNN đang “phí đạn” chống đỡ với mục đích không rõ ràng.
Thiết nghĩ cách hay nhất là NHNN chấm dứt đấu thầu vàng theo cách hiện tại, cho phép nhập khẩu vàng nhưng đề xuất đánh thuế chừng 10% lên số vàng nhập khẩu (hay với mức thuế suất tương đương với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay). Với những biện pháp này, dân đầu cơ vàng sẽ chùn tay một khi biết được giá vàng trong nước sẽ liên thông với giá vàng quốc tế, chênh lệch sẽ duy trì ở một mức nhất định (là khoản thuế mà Nhà nước sẽ thu). NHNN cũng nhân đó thoát khỏi vai trò kinh doanh vàng rất “xa lạ” với chức năng của một ngân hàng trung ương.
Ngay cả Ấn Độ, đang đau đầu vì việc nhập vàng làm cán cân thanh toán của nước họ bị thâm hụt nghiêm trọng cũng không áp dụng cách cấm nhập, giành độc quyền bán vàng vào tay mình như NHNN. Họ chỉ đánh thuế và gây khó khăn cho nhà nhập khẩu trong việc mua ngoại tệ.
Giả thử chúng ta đặt mình vào vị trí của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có thể hiểu NHNN muốn chia mục tiêu đối với vàng thành hai loại, ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn, NHNN muốn chấm dứt chuyện ngân hàng huy động vàng, trả lãi cho dân vì nó làm méo mó chính sách tiền tệ, tác động lên tỷ giá; dài hạn, NHNN muốn người dân thôi cất giữ vàng mà chuyển tài sản thành tiền đồng gởi vào ngân hàng, hoặc đầu tư thành vốn làm ăn. Cả hai mục tiêu này xem ra đều đúng nhưng cách tiến hành có vấn đề. Nay đã bán vàng ra, cứ coi như thỏa mãn được mục tiêu ngắn hạn. Vậy dài hạn, cớ sao cứ bán vàng đi ngược lại mục tiêu của mình?
Các tuyên bố của quan chức NHNN về chuyện giá vàng sau “tất toán” đã không đúng với diễn biến thực tế. Thiết nghĩ, thừa nhận thực tế phức tạp hơn dự tính và điều chỉnh chính sách để đối phó với thực tế là chuyện bình thường, không nên cứng nhắc.


AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...