Vào cuối tháng 4-2013 tôi có nói chuyện khá lâu với ông Đoàn
Nguyên Đức và sau đó có viết bài “Bầu Đức có xoay chuyển nổi HAGL?” đăng trên TBKTSG (số 18-2013, ra ngày 2-5-2013).
Phần cuối bài này tôi có nhấn mạnh hai điểm: 1/Thông tin Global Witness có khả
năng sẽ cho ra mắt báo cáo, cáo buộc HAGL sang Lào và Campuchia để trồng cao su
nhưng còn lấy đất của người dân và phá rừng; 2/Việc cân đối dòng tiền vô ra là
một bài toán lớn cho HAGL cho nên nếu họ thu xếp được với các nhà đầu tư và các
ngân hàng thì triển vọng là có; còn nếu không họ phải bán các dự án để thu tiền
mặt.
Hai tuần sau đó nổ ra chuyện
Global Witness như mọi người đã biết và đầu tuần này bầu Đức phải tuyên bố bán
nhiều dự án. Chuyện bán các dự án thủy điện hay ngành gỗ thì còn dễ hiểu nhưng
với các dự án bất động sản, nghe trình bày cách tách các công ty con ra khỏi
tập đoàn bằng cách lập công ty An Phú ôm dự án xấu để có tiền trả bớt nợ cho
công ty mẹ thiệt là lùng bùng, khó hiểu. Có lẽ mục tiêu của HAGL cũng là bán
tống các dự án bất động sản không sinh lời nhưng bán cách nào đó để khỏi ghi
nhận lỗ, ít nhất trong vài ba năm tới cho xong cái dự án Myanmar rồi mới tính tiếp. Có lẽ
phải đọc kỹ mới hiểu được cách tính toán trong vụ này. Tạm thời giờ đọc lại bài
cũ, trước đây chưa đưa lên mạng.
Tái cơ cấu
nhìn từ một doanh nghiệp
Bầu Đức có xoay
chuyển nổi HAGL?
Hoàng Anh Gia Lai
(HAGL) là một ví dụ không điển hình khi một tập đoàn tư nhân trước đây chủ yếu
chuyên về bất động sản nay muốn thoát ra, đổ tiền đầu tư vào cao su, mía đường,
thủy điện… Nhưng liệu việc xoay chuyển này có thành công không khi dòng tiền
bất động sản vẫn còn mắc nghẽn, dòng tiền của các ngành nghề mới chưa chảy về?
Câu chuyện giữa chúng tôi với
Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL bắt đầu xoay quanh những con số liên quan đến
sức khỏe tài chính của tập đoàn tư nhân này. Nhưng xin để dành phần này đến
giữa bài viết để kể ngay về quyết định “thoát” bất động sản của ông Đức.
Đoàn Nguyên Đức kể, thời điểm
2007, 2008 tiền đổ về ào ạt, “liên tục có mấy máy đếm tiền bị cháy” vì hoạt động
hết công suất. “Tôi thấy thị trường phi lý quá, cứ bỏ ra 1 đồng là thu về 3
đồng. Mọi người vác tiền, chen nhau mua nhà, xếp hàng từ khuya. Cứ phát hành cổ
phiếu là có thặng dư vốn, cứ có dự án là thu được tiền,” ông nói. “Tôi nghĩ -
đã phi lý thì không thể tồn tại lâu dài. Vậy là năm 2007 tôi qua thăm dò cơ hội
làm ăn bên Lào và đến năm 2008 đã bắt đầu trồng cao su ở đây”.
“Lúc đó nếu tôi không chuyển
hướng mà vẫn bỏ tiền vào bất động sản, vào ngân hàng hay các dạng đầu tư tài
chính khác thì nay đã bế tắc rồi,” ông nói. Chính lúc đó là lúc HAGL đưa ra các
đợt bán phá giá làm rúng động giới bất động sản. “Đợt đầu tiên, tôi giảm đến
40%, vừa bán được mà vừa có lãi, những đợt tiếp theo tôi giảm giá để thoát khỏi
các dự án này. Dĩ nhiên các đợt sau thì chỉ nhằm rút vốn chứ không còn lãi nữa,”
bầu Đức nhớ lại. Tiền thu được bắt đầu được rót vào các dự án thủy điện, trồng
cao su và trồng mía.
Riêng ở Myanmar , Đoàn
Nguyên Đức thừa nhận ông gặp may. Ông kể: “Tôi từng qua Myanmar nhập gỗ
từ năm 1997. Năm 2009 tôi trở lại thị trường này thì thấy trước sau gì họ cũng
phải mở cửa bởi họ từng có một quá khứ huy hoàng, một nền tảng tốt. Lúc đó Myanmar
còn nghèo lắm, phòng khách sạn chừng 35 đô-la. Còn nhớ Sài Gòn lúc mới mở cửa,
các mảnh đất ngon đều lần lượt rơi vào tay người nước ngoài hết với giá rất rẻ.
Tôi bèn quyết định mua đất ở ngay trung tâm Yangon ”.
Mảnh đất 74.000 mét vuông mà bầu Đức mua được một cách âm thầm là mảnh đất đầu
tiên Myanmar
bán theo dạng chỉ định, giá chỉ có 740 đô-la/m2. Mua từ đó nhưng đến năm 2012
ông Đức mới thông báo cho cổ đông biết. Nay cũng miếng đất đó, nghe nói giá đã
lên 7.000 đô-la/m2.
“May ở chỗ nhờ tôi vào sớm, lại
được Chính phủ hỗ trợ. Tôi cứ tưởng đến 2015, 2016 Myanamar mới chuyển mình,
mình mua để đó chờ thời. Ai dè tình hình biến chuyển nhanh chóng, giờ giá phòng
đã lên 250-300 đô-la/đêm,” bầu Đức đưa
ra ví dụ. Mảnh đất đó hiện đang được triển khai thành bốn dự án trung tâm
thương mại, khách sạn và căn hộ…
Thế nhưng câu hỏi về sức khỏe
tài chính HAGL vẫn cứ ám ảnh suốt câu chuyện của chúng tôi.
TBKTSG: Khoan nói
chuyện nợ, chỉ riêng chuyện anh thường khoe HAGL luôn có trên 2.500 tỷ đồng
tiền mặt chứng tỏ việc quản lý dòng tiền là có vấn đề chứ đâu phải điều hay?
Bầu Đức: Điều đó đúng.
Nhưng chỉ đúng cho các thị trường bình thường. Ở một thị trường trong thời kỳ
khủng hoảng, thiếu thanh khoản như Việt Nam, tôi phải thủ thế chứ. Duy trì
2.500 tỷ đồng tiền mặt là tốn kém (mất khoản 2% tiền lãi) nhưng đó là cái giá
phải trả để có sự yên tâm.
TBKTSG: Thế nợ của
HAGL là bao nhiêu, 20.500 tỷ đồng hay 16.500 tỷ đồng? (Bởi trong báo cáo tài
chính đã kiểm toán, nợ đến cuối năm 2012 là 20.500 tỷ nhưng ở đâu, trên diễn
đàn đại hội đồng cổ đông, bầu Đức đều dùng con số 16.500 tỷ đồng).
Bầu Đức: 16.500 tỷ
đồng là nợ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng; phần còn lại không hẳn là nợ,
chẳng hạn là tiền người mua (nhà) trả trước.
Sau đó ông còn lý giải nhiều con
số khác để cho thấy nợ sẽ giảm trong thời gian tới như chuyển trái phiếu của
Temasek chuyển đổi thành cổ phần… nhưng chúng tôi nhấn mạnh, đúng là vấn đề
không nằm ở con số, vấn đề là chi phí nuôi nợ như thế nào, dòng tiền tương lai ra
sao?
Thật ra, tốc độ tăng nợ của HAGL
là lớn, năm 2012, nợ tăng đến 32% và cho dù nợ cũ có giảm nhưng gánh nặng chi
phí nuôi nợ hàng năm của HAGL vẫn còn rất cao. Bởi theo chính dự báo của HAGL, chi
phí lãi vay năm 2012 là 495 tỷ đồng thì sang năm 2013 sẽ tăng lên 628 tỷ đồng
và đến năm 2015 vọt lên 1.309 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền từ kinh doanh
cuối năm 2012 chỉ khoảng 940 tỷ đồng nên việc cân đối dòng tiền vô ra là một
bài toán lớn cho HAGL.
TBKTSG: Ngồi trên
đống nợ như thế, anh có lo không?
Bầu Đức: Không, tôi
hoàn toàn yên tâm bởi tôi biết mình vẫn đang kiểm soát tốt dòng tiền.
TBKTSG: Các nhà phát
triển địa ốc khác, xây xong là bán, vì sao ông không làm như thế cho giảm bớt
nặng nợ?
Bầu Đức: Tôi không
bán vì vẫn còn tự tin sẽ xoay chuyển được. Còn nếu gặp khó khăn về tài chính,
tôi vẫn sẵn sàng bán dự án đấy chứ. Ví dụ cái dự án ở Myanmar nay đã có thể bán với giá
gấp 10 lần giá mua nhưng tôi không bán.
Vậy bức tranh tổng thể ở đây là
gì? Sự chuyển biến, rút dần khỏi bất động sản sang các ngành nghề khác của HAGL
là một quyết định đúng nhưng đi kèm đó là chi phí đầu tư rất lớn, kéo dài trong
nhiều năm chưa tạo ra doanh thu.
Năm 2012 đã thể hiện rõ sự khó
khăn đó. Lợi nhuận trước thuế của HAGL năm 2012 chỉ còn 525 tỷ đồng, thấp nhất
trong vòng 5 năm qua. Doanh thu năm 2013
cũng dự báo sẽ giảm 17,6% do doanh thu từ bất động sản giảm mạnh từ 2.829 tỷ
đồng còn 518 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu nhìn chung đang đi theo hướng giảm mạnh
bất động sản, tăng dần các ngành nghề khác (năm 2012 bất động sản chiếm đến 64%
thì sang năm 2013 chỉ còn 14%). Nhưng vấn đề là các ngành nghề khác đã tạo ra
được doanh thu chưa?
Mặc dù trồng cao su phải mất 5,
6 năm mới thu hoạch mủ nhưng nhờ HAGL trồng từ năm 2008 nên nay đã có chừng
7.000 hecta đang cho mủ trong khoảng 43.500 hecta đã trồng. Còn mía thì HAGL
năm rồi trồng được trên 5.500 hecta, cũng ở Lào. Ông Đức tiết lộ một chiêu thức
mà ông nghĩ đang đem lại cho ông lợi thế cạnh tranh. “Đường xuất từ Lào sang
châu Âu không bị vướng quota, thuế lại bằng 0 vì châu Âu đang ưu đãi cho Lào và
Campuchia trong khi đường xuất từ Việt Nam chịu thuế đến 40%. Hiện giá
đường ở Việt Nam chừng 14.000 đồng/kg trong khi tôi đang bán đường với giá
14.500 đồng/kg cho Trung Quốc ở ngay tại nhà máy”. Về thủy điện thì cho đến nay
chỉ có 4 dự án đã hoàn thành, công suất 141 MW trong tổng công suất của các dự
án được cấp phép là 700 MW nên cũng không thể kỳ vọng gì nhiều từ chúng.
“Tiền đổ ra nhiều và liên tục
trong những năm qua như thế tôi sốt ruột lắm chứ nhưng tôi tin chắc dòng tiền
sẽ quay lại,” ông nói. Doanh thu từ cao su năm 2012 chỉ có 1% thì năm 2013 dự
báo sẽ lên 14%, năm 2014 lên 23% và năm 2015 lên 30%; Mía đường năm 2012 chưa
có doanh thu thì năm 2013 sẽ chiếm 18%, tăng lên 25% vào năm sau nữa.
Nói tóm lại, dòng tiền từ các
ngành nghề khác đang tăng dần nhưng dòng tiền này cũng chưa đủ bù vào chi phí
đầu tư (HAGL dự kiến trồng tiếp 7.000 hecta cao su và gần 4.500 hecta mía trong
năm 2013).
Nếu HAGL thu xếp được với các
nhà đầu tư và các ngân hàng như họ từng thu xếp trong những năm qua, triển vọng
của HAGL là có, chẳng hạn, dự án tại Myanmar đến giữa năm 2014 là bắt đầu có
doanh thu khối nhà văn phòng cho thuê. Nếu gặp khó khăn nữa thì HAGL có thể bán
các dự án tốt để thu tiền mặt.
Chưa biết kết quả những năm tới
như thế nào bởi mọi chuyện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn giá cao su
hay giá đường cũng như tình hình ở Myanmar nhưng HAGL là một doanh nghiệp đáng quan
sát và Đoàn Nguyên Đức đúng là một doanh nhân dám nghĩ, dám làm, biết quyết
đoán khi cần để có những xoay chuyển ít ai dám nghĩ đến.
Năm 2011 người viết bài này được
mời làm giám khảo cuộc bình chọn “Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” do Enrst
& Young tổ chức, năm đó Đoàn Nguyên Đức được giải nhất. Nhưng riêng người
viết đã không dành phiếu thứ hạng cao nhất cho ông vì vẫn còn băn khoăn các yếu
tố môi trường do làm thủy điện hay chuyện phá rừng ngày xưa. Ngay cả trồng cây
cao su cũng là một dạng tàn phá rừng.
Chúng tôi biết Đoàn Nguyên Đức sẽ
tranh cãi lại, sẽ đưa ra những lý lẽ cho thấy ông không làm những chuyện đó
(chẳng hạn, ông nói một công ty Nhật đã mua chứng chỉ phát thải CO2
từ một dự án thủy điện của ông để chứng tỏ dự án được kiểm soát nghiêm nhặt về
yếu tố môi trường, rằng Lào chỉ giao rừng nghèo cho HAGL để trồng cao su…)
nhưng câu hỏi vẫn được đặt ra cho ông, để thấy rằng công luận không quan tâm
nhiều đến các con số tài chính. Cái còn đọng lại trong tâm trí mọi người là
doanh nghiệp lấy gì từ xã hội và làm được gì cho xã hội. Đó mới chính là cái
được mất lớn nhất của doanh nhân.
Khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi nhận được thông tin Global
Witness, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Anh, có khả năng sẽ cho ra mắt
một báo cáo trong đó cáo buộc rằng HAGL sang Lào và Campuchia để trồng cao su
nhưng còn lấy đất của người dân và phá rừng, một việc được tổ chức này cho là
có tác động xã hội tiêu cực. Trong khi chưa xác minh được nguồn tin này, chúng
tôi vẫn thấy đây chính là loại rủi ro mà HAGL phải tính đến khi hoạt động trong
những lãnh vực liên quan đến môi trường.