Ngoại lệ
(Một số chuyện “nhỏ” về VAMC)
Để công ty Quản lý tài sản của
các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoạt động bình thường, người soạn chính
sách phải tạo cho nó một số ngoại lệ.
Ví dụ Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC có nói, “không
áp dụng quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp” đối với việc phát hành
trái phiếu của VAMC bởi nếu không VAMC vừa mới ra đời, vốn ít làm sao đủ điều
kiện phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ của ngân
hàng. Không có ngoại lệ này VAMC sẽ làm sai luật ngay.
Tuy nhiên Nghị định 53 vẫn quên trao
cho VAMC một số ngoại lệ quan trọng
khác. Ví dụ, quy định hiện hành nói, Thành viên Hội đồng thành viên ở các công
ty nhà nước “Không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính
trị, tổ chức chính trị - xã hội...”. Thế mà Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC
là ông Đặng Thanh Bình, một trong những Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đương
nhiệm. Để thúc đẩy giải quyết nợ xấu có hiệu quả, lãnh đạo VAMC ắt phải là lãnh
đạo NHNN kiêm nhiệm nhưng dù sao việc bổ nhiệm như thế vẫn là trái quy định,
nên liệt kê rõ thành một ngoại lệ
miễn trừ.
Lâu nay việc các cựu lãnh đạo
doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước về hưu vào làm cho các công ty tư nhân là
chuyện bình thường. Nhưng ở hướng ngược lại, lãnh đạo các công ty tư nhân
chuyển sang làm cho doanh nghiệp nhà nước hay cơ quan nhà nước thì hiếm lắm, có
thể xem là ngoại lệ. VAMC dù mang
danh là doanh nghiệp nhưng thật ra là một doanh nghiệp rất đặc biệt, mang tính
cơ quan nhà nước nhiều hơn. Điều đáng nói là NHNN đã bổ nhiệm một số lãnh đạo
các ngân hàng cổ phần sang làm lãnh đạo VAMC, như ông Lê Quang Châu- Giám đốc
Ban Quản lý tín dụng thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển
Việt Nam (BIDV); ông Đoàn Văn Thắng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ
phần Bưu điện – Liên Việt (LienVietPostBank); ông Bùi Tín Nghị, Phó Tổng giám
đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), giữ chức Phó Tổng Giám
đốc VAMC.
Việc bổ nhiệm này đáng hoan
nghênh vì nó mở đường cho việc luân chuyển vị trí, điều hành công ty tư nhân
rồi qua lãnh đạo cơ quan nhà nước, sau đó lại quay về với khu vực tư nhân – là
một quy trình rất bình thường ở các nước.
Nhưng với VAMC, vẫn còn một điều
cấn cái. Trong các quyền của VAMC có một quyền rất lớn, đó là yêu cầu ngân hàng
bán nợ cung cấp thông tin, tài liệu. Liệu các ngân hàng thương mại cổ phần khác
có yên tâm cung cấp thông tin cho người vừa mới đây là đối thủ cạnh tranh của
mình? Đại diện một ngân hàng cổ phần nói, lấy gì bảo đảm sẽ có sự công bằng,
không thiên vị. Không rõ các vị được điều chuyển nói trên có còn quyền lợi gì ở
ngân hàng cũ, kể cả cổ phiếu hay quyền mua cổ phiếu mà lãnh đạo ngân hàng
thường được ưu tiên mua. Có lẽ nên minh bạch chuyện này bằng những cam kết bảo
mật, cam kết không có lợi ích cụ thể tại nơi làm cũ để mọi ngân hàng sẽ tin
tưởng vào sự công tâm của các lãnh đạo VAMC.
Ở hướng ngược lại, giới nhân sự
trẻ mong muốn một cơ hội thử thách khi làm việc cho VAMC, nơi sẽ có môi trường
làm việc sôi động, căng thẳng khi mua vào hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu, sẽ phải
thất vọng quay lưng. Vi VAMC nói rõ trong thông báo tuyển dụng là chỉ tuyển
sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học công lập. Lẽ ra, là một doanh nghiệp
nhà nước, VAMC không nên có sự phân biệt đối xử với sinh viên tốt nghiệp đại
học nước ngoài, đại học tư thục trong nước… Biết đâu đối tác mua lại nợ sau này
là các quỹ đầu tư nước ngoài, lúc đó kinh nghiệm học, làm việc, thực tập ở nước
ngoài lại là những phẩm chất mà VAMC cần tìm ở nhân viên để giúp đàm phán. Với nhưng
tổ chức đặc biệt như VAMC thì bằng cấp đâu quan trọng bằng những cuộc phỏng vấn
trực tiếp, những bài trắc nghiệm kỹ năng và thái độ làm việc, nhất là sự liêm
chính.
Ngoại lệ sau cùng chúng tôi muốn đề cập là chuyện công khai tài
chính của VAMC. Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính đối với VAMC
do Bộ Tài chính soạn thảo thì “công khai tài chính” có nghĩa “VAMC thực hiện
quyết toán tài chính, lập và gửi báo cáo tài chính cho Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam, Bộ Tài chính” và ngay cả với báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán chỉ
gởi cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước mà thôi.
Không biết Bộ Tài chính có tham
khảo Nghị định 53 của Chính phủ chưa mà lại quy định như thế. Bởi Nghị định 53 có
điều 24 nói về việc công khai, minh bạch của VAMC trong đó yêu cầu VAMC phải
công khai báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập hàng năm… Nghị định này còn
nói rõ VAMC công bố các thông tin cần công khai (như báo cáo tài chính, các quy
trình, phương pháp định giá nợ, tài sản, các quy trình, phương pháp bán nợ, tài
sản, việc bán nợ, tài sản…) bằng cách họp báo, đăng tải trên trang tin điện tử
của VAMC, niêm yết công khai tại trụ sở, đăng tải trên các phương tiện thông
tin đại chúng, phát hành rộng rãi dưới dạng ấn phẩm, tài liệu. Thật là cách
hiểu khác nhau một trời một vực hai chữ “công khai”.
Một thông tư có nhiệm vụ làm rõ
thêm một số điểm của Nghị định 53 thế mà lại hạn chế, ràng buộc, giảm bớt sự
minh bạch, công khai đã được minh định trong Nghị định 53 là một ngoại lệ không thể hiểu nổi và dĩ nhiên
là không thể chấp nhận được.