Việt Nam có
báo tư nhân không?
Câu trả lời cho tít
bài này là KHÔNG! Các quan chức đã nhiều lần khẳng định tất cả báo chí ở Việt Nam
đều thuộc Nhà nước và Chính phủ không có kế hoạch tư nhân hóa báo chí.
Tuy nhiên sự khẳng định này
nhiều lúc lại đẩy chúng ta vào thế kẹt, không biết nói sao cho ổn.
Thứ nhất, đó là sự lúng túng. Hiện nay có nhiều tờ báo
không biết của ai cho rõ ràng, dứt khoát. Lấy ví dụ tờ VnExpress.net là tờ báo mạng được nhiều người đọc nhất Việt Nam .
Ai cũng biết đây là tờ báo do công ty FPT lập ra vào tháng 2-2001. Bản cáo bạch
của FPT viết: “Tháng 11-2002, VnExpress.net
trở thành tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy phép”. Sau đó
nhiều trang thông tin đi theo tờ báo này đã lần lượt ra đời như Ngoisao.net, Danduong.net, Sohoa.net…
Khổ nỗi FPT là công ty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bất kỳ ai
bỏ ít tiền ra mua cổ phiếu FPT cũng có thể nói tôi đang sở hữu một phần tờ báo VnExpress.net này? Vậy không lẽ đây là
tờ báo tư nhân?
Danh chính ngôn thuận mà nói VnExpress.net tự nhận cơ quan chủ quản
của mình là Bộ Khoa học Công nghệ! Trong cơ cấu tổ chức của Bộ này cũng ghi VnExpress là một trong những đơn vị
thuộc khối sự nghiệp của Bộ. Thế nhưng, báo cáo tài chính năm 2012 của FPT
(trang 19) vẫn ghi nhận tập đoàn có các bộ phận chia theo hai lãnh vực kinh
doanh chính dưới sự quản lý của Công ty Cổ phần FPT, trong đó, phần nội dung số
có liệt kê hệ thống báo điện tử VnExpress,
Ngoisao.net… FPT là một công ty niêm yết, công bố thông tin mù mờ kiểu này
là không được.
Vậy cuối cùng VnExpress là của ai? Xin nói ngay, theo
tôi, nếu VnExpress là tờ báo “cổ phần”
đầu tiên lại càng hay.
Thứ hai, đó là sự nhập nhằng. Những trang thông tin
điện tử như Vietstock.vn, CafeF.vn
đang hoạt động như những tờ báo tài chính chuyên nghiệp thế nhưng lại đang ẩn
mình thành các trang thông tin điện tử tổng hợp chứ không phải là báo. CafeF.vn là của Công ty Cổ phần Truyền
thông Việt Nam, nơi có hàng loạt “cổng thông tin” như Afamily khét tiếng chuyện tình dục, hay Kênh 14, CafeBiz... Vietstock tự nhận có “cơ quan chủ quản” là công
ty cổ phần Tài Việt. Cả hai chủ yếu lấy tin từ các báo khác nhưng thỉnh thoảng
vẫn có tin bài riêng, ký Vietstock hay CafeF đàng hoàng, tức vẫn có “phóng
viên” đi lấy tin, viết bài như một tờ báo. Một số nơi nhiều lúc phải nhờ các tờ
báo khác “hợp thức hóa” tin rồi đăng lên, tức là tin của mình nhưng ở dưới lại
ghi “theo…”, thật trái khoáy.
Loại hình này ngày càng nhiều,
không thể đếm hết, có thể kể đến Gafin.vn (công ty cổ phần tích hợp dữ liệu
NextCom); Vinacorp.vn (Công ty cổ phần Công nghệ Hoàng Minh)… Theo số liệu của
tờ Nghề báo, hiện có đến 1.174 trang
thông tin điện tử tổng hợp, riêng tại TPHCM có 270 trang như thế được cấp phép.
Chính đại diện cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận xét các trang này không phải
là cơ quan báo chí nhưng hoạt động như một cơ quan báo chí.
Phải thừa nhận một số ít các trang
thông tin điện tử là hữu ích nên khuyến khích (CafeF hay Vietstock có
tiềm năng trở thành một Yahoo Finance
hay Google Finance của Việt Nam) nhưng
sự nhập nhằng này có thể đẩy họ vào chỗ hoạt động trái phép vì đã là trang thông
tin điện tử tổng hợp thì không được hoạt động báo chí theo luật hiện hành. Ngược
lại, đa phần các trang thông tin điện tử chỉ làm công việc sao chép, lấy tin
bài của báo chính thống nên đang gây ra biết bao phức tạp, kể cả vấn đề bản
quyền, vấn đề chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải.
Thứ ba, đó là sự xấu hổ. Nếu nói Việt Nam không có
báo chí tư nhân thì câu hỏi đặt ra là “báo chí Nhà nước” sao nhiều tờ cứ chăm
chăm nói chuyện kích dục lộ liễu đến thế. Cứ thử lấy 10 tin đọc nhiều nhất của
các tờ báo vẫn đang được xem là báo Nhà nước, người rộng lượng nhất cũng thấy
xấu hổ vì các tít này (ví dụ tờ Người Đưa
Tin, cơ quan của Hội Luật gia Việt Nam rút các tít sau: Chồng muốn tôi đề nghị tư thế 'yêu'; Sợ mất
trinh nên muốn 'yêu cửa sau'; Thường xuyên ngoại tình, tôi biến mình thành
‘gái’; Ngày càng đẹp hơn và chậm mãn kinh nhờ mùi đàn ông (truy cập lúc 15g
ngày 30-4). Loại báo này ngày càng nhiều, tít ngày càng bạo, hình ảnh ngày càng
thiếu vải… Trang Phunutoday, một chuyên trang của Người Đưa Tin càng bạo liệt
hơn với nhiều tít bài không tiện trích dẫn ở đây.
Người ta có thể đặt câu hỏi vì
sao Hội Luật Gia lại cho ra đời các tờ báo này làm gì, phục vụ gì cho nghề
nghiệp của họ? Vấn đề tôn chỉ mục đích được hiểu như thế nào trong trường hợp
này? Loại hình lá cải này ngày càng nhiều, đang dẫn nhau xuống đáy.
Thứ tư, đó là sự khó giải thích. Nói làm sao khi ra
sạp báo, thấy hàng loạt tờ báo mang măng-sét tiếng nước ngoài như Women’s Health, Her World, Esquire, Elle,
Cosmopolitan, Harper’s Bazaar… Chúng không phải là báo tiếng nước ngoài
được nhập khẩu vào Việt Nam
đâu. Chúng là báo tiếng Việt, có “cơ quan chủ quản” đàng hoàng. Nhưng không lẽ
Nhà nước rảnh đến nỗi đi xuất bản hay mua bản quyền để xuất bản các tờ báo giải
trí này. Gọi chúng là báo chí Nhà nước thì phi lý quá. Chúng tôi không phản bác
loại hình báo giải trí này bởi chúng có những chức năng nhất định đối với một
giới độc giả nào đó nhưng phải gọi chúng là gì cho danh chính ngôn thuận là
điều chúng tôi muốn đặt ra.
Cuối cùng là sự lấn sân. Trước đây các tập đoàn,
tổng công ty nhà nước dù có được ra báo thì cũng chỉ làm những ấn phẩm mang
tính nội bộ mang tính quảng bá là chính. Thế nhưng đã có nơi cho ra đời tờ báo
hoàn chỉnh.
Luật Báo chí hiện nay quy định “Báo
chí… là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức
xã hội…”, không thấy nói doanh nghiệp có quyền ra báo, dù đó là doanh nghiệp
nhà nước.
Thiết nghĩ doanh nghiệp cũng có
thể ra báo nhưng lúc đó phải sửa Luật và phải xem đây là một lãnh vực đầu tư
khác ngành nghề chính, hoạt động tách biệt, chỉ liên hệ với nhau qua đồng vốn
đầu tư. Không thể xem báo của một tập đoàn kinh tế là công cụ tuyên truyền cho tập
đoàn. Bởi lúc đó có thể sẽ nảy sinh những mâu thuẫn như dùng báo để vận động
chính sách, phê bình chính sách, dùng báo để cạnh tranh với đối thủ một cách
bất chính.
Xin khẳng định lại, rằng ngoài
các trang tin lá cải đáng lên án, các nơi chuyên sao chép đáng đóng cửa, các tờ
báo đủ hình thức sở hữu như trên đem lại sự phong phú cho làng báo chứ không
phải là điều đáng chê trách. Vấn đề là tìm cho thể loại này một cái tên chung.
Tư nhân thì chắc chắn chưa được vì nhiều lý do, Nhà nước thì không ổn như đã
nói, vậy tại sao không gọi chúng là báo chí phi chính phủ hay báo chí dân lập
chẳng hạn? Trong ngành giáo dục, hình thức dân lập là một bước đệm để chuyển từ
hình thức công lập sang tư thục. Với lãnh vực báo chí cũng thế, nên gọi chúng
bằng một cái tên miêu tả chính xác tình trạng của chúng để đánh dấu một bước
phát triển của làng báo và để tránh sự nhập nhèm dễ bị lợi dụng lại khó cho
giới quản lý.
Nói báo chí Nhà nước làm mọi
người dễ liên tưởng đến việc lấy ngân sách nhà nước để bao cấp trong khi thực
tế hầu hết báo chí hiện nay không sử dụng ngân sách nhà nước, các loại báo kể
trên càng không hề. Nhưng một tên gọi chính xác sẽ giúp xóa tan suy nghĩ này,
lại giúp các tờ báo chính thống hiện đang nhận kinh phí từ ngân sách nhà nước xác
định rõ lại vai trò của họ. Việc quản lý báo chí sẽ dễ dàng hơn nếu phân loại
báo chí rõ ràng hơn, lúc đó việc đóng cửa các tờ báo vi phạm thuần phong mỹ tục
cũng dễ dàng hơn. Các báo gọi đúng tên cũng sẽ giúp chịu trách nhiệm tốt hơn những
gì được đăng tải; mọi sai sót nếu có sẽ bị kiện ra tòa và lúc đó bên nguyên bên
bị sẽ ở trong tư thế cân bằng và bình đẳng hơn.
Box
Khi báo chí đánh mất vai trò
Những người làm báo lâu năm
thường nói, mỗi khi có sự việc gì xảy ra, trước sau gì cũng có nguồn tin muốn
tiết lộ, chủ yếu do xung đột lợi ích. Đây là đặc điểm mà người làm báo thường
tận dụng để săn tin, nhất là loại tin bài chống tiêu cực, phanh phui các vụ
tham nhũng. Nhưng giờ đây, các nguồn tin trước đây của báo chí dường như không
còn muốn sử dụng báo chí như một kênh để đưa thông tin đến công luận nữa. Có
thể sau các vụ như PMU 18, báo chí đã thận trọng hơn, đã biết kiểm chứng thông
tin trước khi đăng tải. Cũng có thể các nhà báo ngại trước những phiền phức khi
bị điều tra nguồn tin mà ví dụ gần đây nhất là việc Bộ Công an muốn sửa Luật
Báo chí để buộc báo chí tiết lộ nguồn tin. Nhưng rõ nhất là các nguồn tin, bất
kể là ai, với động cơ nào, đã thấy sử dụng các phương tiện khác như mạng xã hội
chẳng hạn sẽ đơn giản hơn cho họ rất nhiều, vừa nhanh chóng vừa an toàn cho
nguồn tin. Thậm chí đã có những trang web ra đời để chuyên lo việc đó. Từ
chuyện nhỏ đến chuyện lớn, đây là một xu hướng không thể phủ nhận.
Chính đặc điểm này làm báo chí
đánh mất vai trò là người đưa tin đến công luận. Các cơ quan Nhà nước lại chưa
thấy được xu hướng này nên vẫn còn suy nghĩ theo kiểu độc quyền thông tin, cung
cấp thông tin nhỏ giọt cho báo chí, thậm chí hạn chế thông tin đưa ra mà không
hiểu rằng thông tin sẽ tìm cách đến với công luận, bỏ qua báo chí. Trên con
đường không chính thống này, tin tức không qua phối kiểm, tin tức sai lệch, tin
tức giả có khả năng lây lan; nhưng chỉ cần một vài tin đúng là đủ để người dân
chọn con đường tiếp cận thông tin không qua báo chí; lúc đó họ sẽ xem báo chí
chỉ còn lại vai trò giải trí mà thôi.
Đứng trước một thực tế như vậy,
báo chí đang tự điều chỉnh bằng nhiều cách để vẫn còn thu hút bạn đọc, nhất là
trong bối cảnh khó khăn về kinh tế. Con đường dễ thấy nhất “lá cải hóa” báo
chí, câu khách bằng các chiêu thức rẻ tiền đã nói ở trên.
Với các tờ báo đứng đắn hơn,
quan điểm về thế nào là tin cũng đang thay đổi, việc xử lý tin thay đổi theo.
Chuyện một ngôi sao ca nhạc mất đồng hồ trở thành tin; chuyện một cặp ngồi tâm
sự bị cướp lột mất quần cũng được xử lý thành tin; chuyện một bà và một ông cá
độ nhau để xem bà có dám cắn chỗ quý của ông cũng thành tin! Có những nhân vật
được báo chí khai thác đến cạn kiệt, đến nỗi cô ta mặc thử áo cũng thành tin.
Những điều tra phóng sự làm nên thanh danh các tờ báo ngày càng thiếu vắng,
quanh đi quẩn lại cũng chỉ còn phóng viên giả danh đi mát-xa hay đi vào động
mại dâm.
Cũng từ đó xuất hiện xu hướng
khai thác tin từ các mạng xã hội, các trang cá nhân, các diễn đàn chuyên biệt.
Thay vì chuyện trên báo được bàn tán sôi nổi trên Facebook, nay ngược lại,
chuyện nóng trên Facebook lại biến thành tin bài đăng báo. Các diễn viên biết
tận dụng xu hướng này để biến báo chí thành công cụ “PR” cho họ một cách lộ
liễu và không mất tiền. Xu hướng “xì-căng-đan” hóa này đang đẩy người đọc xa
rời báo chí bởi loại thông tin đó họ cũng có thể tiếp cận nhiều hơn, đầy đủ hơn
trên các mạng xã hội.
Ghi chú: Cũng nội dung này nhưng được sắp xếp lại cách khác thành
một bài mang tựa đề “Làng báo trước nguy cơ biến dạng” đã đăng trên TBKTSG số tuần này.