Nước đã đổ ra
rồi
Tâm lý con người thường hành
động trái ngược với suy luận đúng đắn.
Chẳng hạn, lỡ mua một món ăn về
nhà mới phát hiện nó vừa dở vừa đắng nhưng các bà mẹ chúng ta thường vẫn cố
gắng ăn cho bằng hết, với lập luận bỏ đi thì tiếc. Chuyện này xảy ra thường
xuyên trong cuộc sống: bỏ tiền mua vé xem phim, phim vừa nhàm vừa nhảm nhưng vẫn
có người nán lại coi cho hết để khỏi phí tiền mua vé; mua phải một món đồ bàn
ghế trong nhà nhưng không vừa ý, ít ai dám quẳng cho ve chai mà vẫn phải gánh
chịu sự bực mình hàng ngày!
Những tưởng sự phi lý đó chỉ xảy
ra ở các cá nhân, trong cuộc sống bình thường. Thế nhưng hiện tượng tiếc nuối
chi phí đã bỏ ra, rồi để các chi phí không còn cứu vãn được nữa này tác động
lên quyết định tiếp tục thực hiện dự án hay thôi vẫn đang xảy ra với khá nhiều
doanh nghiệp.
Khác với dự án Tân Rai đã đưa
vào vận hành, dự án khai thác bauxite Nhân Cơ ở Đắk Nông vẫn đang thi công dang
dở. Dự án này chịu cảnh chi phí tăng so với dự tính ban đầu đến 40% (lên quá
16.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu là 11.624 tỷ đồng). Đến nay đã thực hiện
việc xây dựng đạt tổng giá trị 6.900 tỷ đồng.
Theo nhiều phân tích từ nhiều
nguồn khác nhau, dự án này nếu đi vào khai thác sẽ từ lỗ đến lỗ. Còn bản thân
chủ đầu tư thì nói dự án sẽ có hiệu quả bởi giá nhôm hiện đang thấp nhưng “chắc
chắn sẽ lên cao và ổn định sau này”! Dù không có hiệu quả kinh tế thì dự án
cũng có hiệu quả kinh tế-xã hội và phải nhìn đến tương lai mấy chục năm về sau.
Hay nói cách khác, chủ đầu tư cũng gián tiếp thừa nhận dự án khó mà có lãi.
Thế nhưng nếu có ai khuyên nên
dừng dự án thì hàng loạt câu hỏi sẽ bật lên: vật liệu, máy móc đã đổ vào đó rất
lớn rồi, tiền đã đổ ra hàng ngàn tỷ đồng, dừng là dừng thế nào?
Tiền đã đổ ra là nước đã đổ đi
rồi, làm sao thu về được nữa. Cái gì đã không thu về được nữa thì tốt nhất là
quên nó đi, đừng đua nó vào những toan tính cân nhắc cho tương lai dự án. Cái
lập luận này, dễ thấy khi nói về món ăn, vé xem phim, cái bàn, cái ghế nhưng sẽ
rất khó hình dung khi liên quan đến một nhà máy khổng lồ, đến những khoản tiền
hàng ngàn tỷ đồng.
Thế nhưng bản chất chúng vẫn
giống nhau – tất cả đều là chi phí đã bỏ ra và đã biến mất – mà giới kinh doanh
gọi là sunk cost. Ngưng bây giờ thì Nhân Cơ chỉ mất 6.900 tỷ đồng. Nếu không
ngưng con số thiệt hại chắc chắn sẽ lên 16.000 tỷ đồng và số lỗ lã hàng chục năm sau đó nữa. Ngưng thì bauxite vẫn còn đó không ngưng thì vừa mất tiền vừa mất tài nguyên.