Ghi chép 1
Nghe mấy ông bà nghị sỹ nước ta
“chém gió” thiệt đã lỗ tai. Nào là “Tình hình kinh tế gay go lắm rồi”; nào là
“Tiền mà cứ ngồi trong ngân hàng thì chết”; nào là “Tình hình tài chính thế này
là tôi thấy xấu lắm”; hay những phát biểu đúng đến độ không còn biết bình ra
sao nữa: “Cần tích cực đưa vốn vào nền kinh tế”. Cũng không thiếu những phát
biểu đánh đố người nghe vì mức độ cao siêu của nó: “Lạm phát ‘quá tốt’ do điều
hành dở”.
Kiểu này, chúng ta chỉ cần vào
Facebook nghe bà con “tán chuyện kinh tế” còn cụ thể và hấp dẫn hơn nhiều lần.
Nếu các ông bà đại biểu Quốc hội
mà thật sự muốn giải quyết các vấn đề hóc búa của nền kinh tế, lẽ ra họ phải có
những nghiên cứu sâu để yêu cầu Chính phủ giải trình một số vấn đề cấp bách: Vì
sao cho phéo đảo nợ, nợ xấu thật sự là bao nhiêu, vì sao giải quyết bài toán nợ
xấu chậm chạp thế, áp lực gì từ các nhóm lợi ích làm trì hoãn việc giải quyết
nợ xấu….
Rõ ràng cả xã hội hiện đang
nghiêng về các giải pháp tiền tệ, chỉ nói đến các chính sách tiền tệ trong khi
những chính sách khác không ai đề cập: Ví dụ đã hơn một năm trôi qua từ khi có
những chủ trương từ Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, vậy Chính phủ đã làm
được gì, chưa làm được gì; ba hướng tái cơ cấu gồm doanh nghiệp nhà nước, hệ
thống ngân hàng, và đầu tư công đã triển khai đến đâu. Việc tái cơ cấu doanh
nghiệp nhà nước để tránh vết xe đổ của Vinashin, Vinalines đang diễn ra như thế
nào, số phận các tập đoàn khác ra sao…
Không nói đâu xa, hiện nay dân
tình đang hoang mang trước việc Nhà nước không cho doanh nghiệp nước ngoài mua
trực tiếp gạo, cà phê của nông dân để xuất khẩu nữa. Việc này giúp doanh nghiệp
trong nước cạnh tranh nhưng lại có hại cho nông dân bị ép giá. Vậy quan điểm
của Quốc hội như thế nào? Sao lại cứ ngồi chém gió và than thở chuyện ai cũng
biết.
Thay vì than thở về sự thiếu hụt
của ngân sách, vì sao họ không rà soát lại các khoản chi vô tội vạ, để dùng
quyền giám sát, cắt bỏ. Loại này nhiều lắm, báo chí từng liệt kê chi tiết. Hoặc
các khoản vay dù của doanh nghiệp nhà nước nhưng có bảo lãnh của Bộ Tài chính
tức ngân sách sẽ gánh chịu nếu doanh nghiệp không trả được. Dự án bauxite cũng
có khoản vay 200 triệu đô-la do Citibank dàn xếp, Bộ Tài chính bảo lãnh.
Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế
hiện nay là sự đánh mất niềm tin nên người ta không bỏ tiền ra đầu tư nữa. Họ
co cụm lại hoặc thậm chí bán sản nghiệp cho nước ngoài. Mấy ông bà nghị sĩ đã
không tìm cách xây dựng lại niềm tin thì thôi; nay lại chém gió theo kiểu “Tình
hình tài chính thế này là tôi thấy xấu lắm” trong khi lại không đưa ra kiến
giải gì. Thử hỏi họ đại diện cho dân ở đâu vậy?
* * *
Mọi người chắc còn nhớ câu chuyện
thương tâm về bà mẹ tự vẫn để khỏi là gánh nặng cho chồng con, để cho con có
điều kiện tiếp tục việc học. Có một chi tiết làm tôi phải viết mẩu này, đó là
khi con chị được tuyển vào một trường cao đẳng, chị đã tìm mọi cách viết đơn để
xin vay tiền cho con đi học nhưng Ngân hàng Chính sách từ chối vì chị không có
sổ hộ nghèo.
Nay Nhà nước bỏ ra 30.000 tỷ
đồng cho người “chắc chắn không phải là nghèo” vay để mua nhà. Nói “chắc chắn
không phải là nghèo” bởi để được vay tiền lãi suất thấp, họ phải là người có khả
năng mua nhà chứ đâu phải như bà mẹ nói trên chỉ vì gánh nặng tiền thuốc chừng 140.000
đồng/ngày mà phải tìm đến cái chết.
Mọi so sánh đều khập khiễng bởi
biết đâu vốn mồi cho vay mua nhà sẽ kích thích thị trường địa ốc sôi nổi trở
lại, làm các ngành nghề như xây dựng hồi sinh, chồng của bà mẹ được tiếp tục
làm thợ hồ… và cuối cùng là kinh tế phục hồi, biết đâu được!
Nhưng rõ ràng nhìn từ góc cạnh
chính sách, trong điều kiện ngân sách ngày càng eo hẹp, lấy 30.000 tỷ đồng ở
chỗ này thì phải giảm 30.000 tỷ đồng ở chỗ khác. Như vậy đồng thời với việc
nhiều người được vay tiền mua nhà thì sẽ có các chương trình (có thể là an sinh
xã hội, phát triển nông thôn, thậm chí xóa đói giảm nghèo) bị ảnh hưởng. Nếu ở
nước khác, chắc nông dân sẽ phản đối dữ (họ sẽ lý luận vì sao họ không được vay
ưu đãi như thế để nuôi tôm, nuôi cá, trồng mía đường, chẳng hạn).
Có lẽ cho vay tiền mua nhà vì
một đại diện Chính phủ vừa phát biểu: “Theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát
cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo” –
vậy nên phải hỗ trợ người trung lưu chứ gì nữa. Và còn 30% dành cho doanh
nghiệp nữa!
Bổ sung: 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà là tiền từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước nên nó không tính vào ngân sách. Nhưng chuyện NHNN lấy đâu ra tiền để tái cấp vốn để hỗ trợ lãi suất lại là một đề tài khác, sẽ viết sau.