Từ đất mà ra
Trường hợp 1: Doanh nghiệp A. viết một dự án rất thống thiết, xin
địa phương cấp đất để xây nhà máy, hứa hẹn đem lại nhiều công ăn việc làm cho địa
phương. Sau khi được cấp đất, doanh nghiệp này bèn xin chuyển đổi mục đích sử
dụng đất, dùng phần lớn diện tích để “phân lô bán nền”. Người dân trước đó bị
giải tỏa nhường đất để xây nhà máy nay khiếu kiện liên miên vì không chịu nổi
sự bất công mất đất cho người khác làm giàu.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp B. được cấp một mảnh đất với tổng giá trị
80 tỷ đồng. Ngay sau đó một thời gian doanh nghiệp này sang nhượng mảnh đất này
cho một doanh nghiệp khác, có dây mơ rễ má với nhau, với giá được kê khống lên
thành gần 600 tỷ đồng. Mảnh đất được dùng để thế chấp, vay tiền ở ngân hàng đến
300 tỷ đồng. Dù đất đóng băng, hai doanh nghiệp này vẫn đã hưởng những khoản
lời khổng lồ còn ngân hàng ôm một cục nợ xấu.
Trường hợp 3: Công ty địa ốc C. lập dự án bất động sản, chi phí ban
đầu bỏ ra chừng 100 tỷ đồng nhưng nhờ cơn sốt đất đai mấy năm trước định giá dự
án đến 500 tỷ đồng. Bản thân dự án được thế chấp để vay vốn ngân hàng được đâu
300 tỷ đồng. Công ty này thu hồi ngay 100 tỷ đồng chi phí ban đầu, bỏ túi thêm
100 tỷ đồng tiền xem là lãi, còn 100 tỷ đồng đang xây dựng dở dang. Nay thị
trường suy sụp, công ty bỏ mặc dự án cho ngân hàng; ngân hàng không thu hồi
được nợ, cũng không dám xem nó là xấu vì như thế phải trích lập dự phòng rủi ro
nhiều. Họ cứ tìm cách đảo nợ, nuôi dự án chờ bất động sản được cứu.
…
Đây chỉ là một vài ví dụ minh
họa cho muôn vàn bi hài kịch mà nền kinh tế và người dân đang gánh chịu, tất cả
cũng vì đất mà ra. Mặc dù những trường hợp này được công khai trên báo chí
trong thời gian gần đây, thiết tưởng nó là loại chuyện ai cũng biết từ lâu. Vì
sao không ai can thiệp?
Với địa phương, tiền sử dụng đất thu từ những dự án trên địa bàn là
nguồn thu ngân sách béo bở, dễ kiếm, dễ thu, chiếm một tỷ trọng lớn trong ngân
sách, không ai dại gì bỏ qua. Có dự án, có ký giấy tờ tức là có xin-cho, một
mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng được khích lệ phát triển ở khắp mọi nơi.
Với ngân hàng, những năm chạy đua tăng trưởng tín dụng, nhất là
những năm kích cầu bù lãi suất, họ không dại gì không cho vay nhất là khi cứ
tưởng nắm chắc thế chấp là đất đai đang lên giá từng ngày là nắm đằng chuôi. Không
loại trừ tín dụng ngân hàng còn đổ vào các công ty địa ốc sân sau của một số cổ
đông lớn bất kể thiệt hại trong tương lai cho ngân hàng. Cuộc đua này làm nảy
sinh tình trạng sở hữu chéo giờ vẫn còn là mớ bòng bong.
Với doanh nghiệp, một khi mức lợi nhuận từ hoạt động truyền thống
không bao nhiêu, lại nóng ruột vì đồng nghiệp lao vào địa ốc đang thắng lớn, rất
dễ bị cám dỗ đổ vốn vào địa ốc. Đây là một canh bạc đang làm nhiều doanh nghiệp
thua trắng khi đồng tiền lãi ít ỏi của hoạt động chính phải gánh chi phí tài
chính nặng nề từ những dự án địa ốc dang dở.
Chừng đó thực tế cũng đủ để mọi
người phải thức tỉnh để ít nhất lần sửa Luật Đất đai sắp tới phải cân nhắc
những điều khoản nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đất để thao túng nhiều hoạt
động kinh tế.
Trước tiên, không ít thì nhiều, cố
tình hay ngẫu nhiên, chính những bên tham gia, gồm doanh nghiệp, ngân hàng và
chính quyền địa phương đã thay nhau đẩy giá đất lên cao, tạo ra bong bóng bất
động sản. Cứ tưởng giá cao giúp thu được nhiều thuế, tăng lợi nhuận nhưng thật
ra rốt cuộc giá cao gây thiệt hại cho tất cả. Chi phí làm ăn ở Việt Nam
ngày càng lớn một phần do giá đất tăng vọt trong nhiều năm trước, không nhà đầu
tư nghiêm túc nào chịu nổi.
Chuyện đó cũng chưa quan trọng
bằng số phận của những người dân có đất bị thu hồi, đang chịu phần thiệt thòi nhiều
nhất, đang cầm đơn đi khiếu kiện khắp nơi. Đây là nơi chất chứa mọi sự bất công
của một thị trường méo mó, nhân danh phát triển để hưởng lợi trên lưng người
dân. Áp lực xã hội, sự đổ vỡ về văn hóa, niềm tin đang là vấn đề gay gắt nhưng
thường bị bỏ qua.
Phải sửa luật sao cho việc thu
hồi đất của người dân là chuyện “vạn bất đắc dĩ” và không được dùng hai chữ
“thu hồi”. Nếu có trưng mua đất của dân thì phải thương lượng với họ một cách
sòng phẳng, quyền lợi của người có đất bị trưng mua phải được bảo vệ một cách
chặt chẽ. Luật Đất đai 2003 quy định bốn trường hợp cụ thể Nhà nước “thu hồi”
đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế gồm: “Đầu tư xây dựng khu công
nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định
của Chính phủ” nhưng thực tế chính quyền địa phương nhiều lúc cứ mạnh tay thu
hồi đất của dân chỉ để trao cho một doanh nghiệp nào đó. Hạn chế quyền thu hồi
đất của chính quyền cơ sở để luật pháp khỏi bị lợi dụng là một bước khởi đầu
cần thiết.
Cao hơn hết, nếu đất có chủ thật
sự, tức người dân được trao quyền sở hữu mảnh đất họ đang sử dụng lâu dài và
hợp pháp, phần lớn các câu chuyện lợi dụng đất nói trên đã không thể xảy ra. Ngược
lại, lúc người dân được làm chủ thật sự mảnh đất của họ, đất sẽ sản sinh sự
giàu có cho xã hội tương tự câu chuyện khoán 10 năm xưa. Chúng ta đã không thừa
nhận “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” cho nền kinh tế thì tại
sao không áp dụng tinh thần này cho người nông dân vì đất chính là tư liệu sản
xuất chủ yếu của họ. Hiến pháp đang được sửa đổi, bổ sung. Tại sao không nhân
cơ hội này sửa điều 57 để không nói đất đai “là tài sản công thuộc sở hữu toàn
dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” nữa mà thừa nhận nhiều hình thức sở hữu
đất đai, gồm cả sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước.