Monday, January 14, 2013

“Đọc báo” – giờ đã khác


Nói thêm: Bài viết ghi lại quan sát của tác giả về các tờ báo mạng (chính thức) hiện nay tại Việt Nam so với báo viết và tác động của sự khác biệt ấy lên người đọc và người viết. Quan sát này không bao gồm các blog hay các loại diễn đàn khác.
Bên dưới có bổ sung hai ý kiến phản bác rất đáng lưu ý.

“Đọc báo” – giờ đã khác, viết báo cũng vậy
Một nhầm tưởng khá phổ biến. Cứ nghĩ đọc báo mạng, người ta chủ động hơn trong chọn lọc thông tin để đọc. Không hề có chuyện đó. Đọc báo trên mạng Internet đồng nghĩa với việc bị đám đông chi phối, sự chọn lựa của cá nhân bị xóa nhòa và, quan trọng hơn cả, người đọc để bản năng chế ngự và điều khiển việc chọn nguồn thông tin đầu vào.
Có lẽ đã đọc báo mạng, ít ai có thời gian mở lần lượt từng trang web của từng tờ báo, chọn và đọc tin bài mình thích. Đa phần sẽ lướt qua và dừng lại ở những điểm dừng rất hợp lý vì được nhiều người chọn. Đó có thể là 10 tin bài đang được đọc nhiều nhất; 10 tin bài được chia sẻ nhiều nhất. Chỉ với một chọn lựa này thôi, chúng ta đã trở thành một cá thể hòa lẫn trong một đám đông vô danh. Và cái click chuột của chúng ta lại giúp các tin bài có liên quan đến tình dục, vụ án, chuyện lạ, chuyện bất thường chiếm ngự không gian mạng.
Người ta thường đọc báo mạng theo giới thiệu của một ai đó. Vào Facebook thấy thiên hạ đang xôn xao vì một bài báo, rất dễ click vào đó để tham gia đám đông tò mò; Mở email thấy ông bạn nồng nhiệt khen ngợi hay hết lời mạt sát một bài khác, không lẽ không mở ra xem thử. Các trang tổng hợp tin tức bằng các phần mềm tự động thường chọn bài theo tần suất được đọc. Thế là tin được nhiều người đọc nhất lại chạy lên đầu, mở ra là thấy liền, biểu sao càng không có thêm nhiều người đọc.
Cứ thế, đọc báo mạng có nghĩa chúng ta chọn con đường “mì ăn liền” dễ chịu, xu hướng cộng đồng đang đọc gì, biết gì, bàn gì, rất dễ nắm bắt, cứ dùng những công cụ kết nối có sẵn mà theo. Và cũng rất dễ yên tâm chúng ta đang “theo dõi thời sự” một cách khoa học và chính xác.
Hệ quả đầu tiên là có sự khác biệt rõ rệt về cảm nhận thế giới bên ngoài giữa người chuyên đọc báo giấy và người chuyên đọc báo mạng.
Người đọc báo mạng thấy cuộc đời sao nhiều éo le, hình như chém giết tràn ngập, lừa đảo là chuyện cơm bữa, băn khoăn lớn nhất của xã hội là chuyện tình dục, quan tâm lớn nhất của mọi người là mọi động thái của các ngôi sao ca nhạc, phim ảnh hay người mẫu. Ảo tưởng này từng thể hiện khi các ngôi sao này cứ tưởng ai cũng là người đọc báo mạng và ai cũng chăm chú theo dõi xì-căng-đan của sao. Người đọc báo mạng cũng sẽ thấy người viết sao giờ quá dễ dãi, dùng từ bừa bãi, viết câu không theo cú pháp; các báo sao theo đuổi những đề tài nhảm nhí và người viết sao dễ dàng bịa chuyện, bất kể hậu quả.
Trong khi đó người đọc báo giấy sẽ có cảm nhận khác, nói chung họ sẽ thấy cuộc đời “bình thường” hơn nhiều so với giới đọc báo mạng. Có lẽ khi còn thời gian để cầm tờ báo giấy lên, người đọc nó ắt cũng có cuộc sống “bình thường” hơn người thường xuyên đi mây về gió trong không gian mạng.
*                      *                      *
Người ta thường nói nồi cơm của báo giấy (tức khách hàng quảng cáo) sẽ dần dần chuyển qua báo mạng hết. Đã có đủ chiêu trò quảng cáo thu hút sự chú ý của người đọc báo mạng, từ quảng cáo nhấp nháy trên trang tin đến quảng cáo nhảy chồm ra, cả hình lẫn tiếng, ở góc màn hình, từ quảng cáo hiển thị đến quảng cáo dựa vào kết quả tìm kiếm. Nhưng thực tế cho thấy quảng cáo trên báo mạng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu quảng cáo với mức tăng trưởng không đáng kể. Theo thống kê của TNS Media, tổng phí quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông tại Việt Nam năm 2011 đạt 16.357 tỷ đồng, trong đó Internet chiếm 4,89%, đạt giá trị chỉ khoảng 800 tỷ đồng. Vì sao như vậy?
Vì nhà quảng cáo bỏ tiền ra khôn ngoan lắm chứ không dễ bị thuyết phục bởi số lượng người vào đọc. Nối kết cái đặc điểm của người đọc báo mạng nói ở phần đầu với chuyện trình ra quảng cáo để thu hút người click chuột, chúng ta thấy xu hướng là người đọc báo mạng bị dẫn dắt để bỏ qua quảng cáo. Người đọc tin bằng feeds (một dạng tự động đẩy tin bài về thiết bị của người dùng) hoàn toàn không thấy quảng cáo; người đọc bài qua giới thiệu chia sẻ trên Facebook, Twitter, blog hay email cũng không dễ gì bị phân tâm bởi quảng cáo, nhất là khi họ vào các mạng xã hội bằng thiết bị cầm tay.       
Một đặc điểm của báo mạng là cạnh tranh nhau thu hút người xem và bởi đám đông vô danh thường đầu hàng bản năng nên đa số người xem sẽ tò mò thích chuyện phòng the, chuyện đâm chém. Đây là cuộc cạnh tranh cùng nhau xuống đáy xem thử ai bạo gan hơn, đến nỗi nhiều loại bài được đọc nhiều nhất trên một số báo mạng nghe không khác gì truyện khiêu dâm là mấy. Cuộc đua xuống đáy này không thu hút được nhà quảng cáo và không sớm thì muộn cũng bị người đọc mệt mỏi chán chường quay lưng. Nhà quảng cáo khôn ngoan lánh xa loại tin bài khiêu khích, giật gân khi tình cảm của người đọc dễ dàng xoay trở bất ngờ.
*                      *                      *
Thế giới báo in, báo mạng đang trải qua nhiều thay đổi, ngày càng ít người chịu đọc báo giấy bởi công cụ để đọc báo mạng ngày càng nhiều, ngày càng dễ tiếp cận và ngày càng rẻ. Người viết báo giấy chỉ còn một cách an ủi: dù sao sự thay đổi chỉ nhắm vào phương tiện chuyển tải thông tin còn bản thân người sản xuất ra và truyền đạt thông tin vẫn cần thiết dù ở thời nào. Vấn đề là tìm cách thích ứng với hoàn cảnh mới trên một phương tiện mới.
Không đúng. Thế hệ người viết báo giấy với những quy tắc như kiểm chứng thông tin, sự chừng mực không đuổi theo sự giật gân câu khách, sự kiềm chế trong lựa chọn đề tài, sự đánh giá thế nào là tin đáng đưa… sẽ bị thải loại trong thế giới báo mạng. Bởi báo mạng với những yêu cầu khác hẳn sẽ tạo ra một thế hệ người viết mới. Các yêu cầu nhanh, gọn, thẳng, được họ đáp ứng. Các giá trị như số người đọc, sự đáp ứng những phản hồi nhanh chóng được tôn trọng. Và thế hệ người viết này sẽ không tiếp nhận thế hệ người viết báo giấy. Bởi phương tiện chuyển tải thông tin thay đổi thì con người trong hệ thống phải thay đổi theo.
Trong lúc đó người đọc báo mạng tham gia vào quá trình tạo ra thông tin. Đó không chỉ là phần nhận xét (comment) cuối tin bài. Đó còn là cái click chọn lựa, đẩy tin này lên trên danh sách được đọc nhiều nhất; là nhận xét đi kèm khi giới thiệu một bài trên Facebook. Bất kể người đọc có nhiều bạn bè hay không, họ đọc, nhận xét và giới thiệu – thế là đủ với thế giới ảo của họ. Sự tương tác giữa hai giới này sẽ đẩy báo mạng đi về đâu – không ai có thể đoán trước được. Chỉ có một điều chắc chắn – đọc báo, giờ đã khác xưa!



Nhận xét của hai người bạn:
+ Anh "hoài cổ" rồi, như Khổng Tử cứ than là "đạo nhà Chu đã suy rồi" ấy. Từ những thông cáo viết tay, cho đến thông cáo in khắc bản, cho đến báo in, rồi báo điện tử, rõ ràng mức độ "dân chủ" càng ngày càng tăng; những kẻ thấp cổ bé miệng nhất theo những tiến bộ của kỹ thuật truyền thông càng ngày càng dễ có thêm tiếng nói. Hiệu ứng lề là việc không tránh khỏi. Từ hồi in khắc bản chẳng đã có dâm thư rồi đấy sao?
Những ai đọc "đàng hoàng" hồi chỉ có báo giấy giờ cũng sẽ đọc đàng hoàng trên internet (dù thỉnh thoảng cũng có liếc qua cái cô ca sĩ hở vòng một vòng ba kia tí xíu :-)). Những người đọc ngôi sao chấm nét hay cái loại tương tự, ngày xưa chắc chắn chỉ đọc báo Công an - Tuổi Trẻ còn chưa ngó tới nói chi đến TBKTSG.
Hệ số chi phí của hiệu ứng lề này bây giờ, tức tổng thời gian mà xã hội bỏ ra cho những thứ vô bổ như "liếc-qua-cái-mông-cô-ca-sĩ" và "nhìn-chằm-chặp-vào-đó" chia cho tổng chi phí truyền thông có lẽ sẽ cao hơn hồi còn báo giấy chút ít, nhưng đó chính là "chi phí của dân chủ". Chi phí để "nói" nhiều hơn, dù vô bổ, sẽ giúp giảm chi phí "làm" và chủ yếu là chi phí để "sửa sai".
Nhưng quả thật, đúng là có một điều ngậm ngùi khi có kỹ thuật in khắc bản, là nỗi ngậm ngùi của những người chép sách.

+ Bài viết dựa trên nhiều giả định hơn là chứng cứ và sự kiện. Chuyện chủ động lọc thông tin hay là bị giới hạn thông tin đã được lọc trước là câu hỏi lớn mà nhiều nghiên cứu vẫn "đánh nhau" đùng đoàng vì không tìm được chứng cứ thuyết phục để hậu thuẫn cho kết luận có phải thế hay là không phải thế. Cả ba mặc định của anh - bị đám đông chi phối, chọn lựa bị xóa nhòa, và bản năng chế ngự - thật ra đều là giả định cả. Đó là chưa kể, theo em, đây là góc nhìn elitist ;-) "Thường đọc... theo giới thiệu của một ai đó" cũng là một giả định.
Cách tiếp cận của bài. Em hiểu ý anh muốn dẫn dắt người đọc đến đâu qua bài này. Nhưng em thấy lựa chọn cách viết này không ổn. Nếu muốn đi theo con đường định chuẩn, muốn làm cho thực trạng thay đổi, thì có thể viết về chuyện báo chí điện tử có thể "hướng dẫn" dòng quan tâm của người đọc về đâu bằng cách sử dụng hệ thống xếp hạng như thế nào. Các thuật toán chọn thứ tự của Google News không đơn thuần là cứ người đọc nhiều là hiện lên trên đầu, có hàng trăm yếu tố khác được bao gồm trong thuật toán đó (uy tín của người viết, của tờ báo, vai trò của thời điểm, địa điểm, tương tác với độc giả, với đồng nghiệp…).
Còn nếu muốn chọn góc nhìn nói về thực trạng để giúp mọi người "tỉnh ngộ", trước hết phải thuyết phục được thực trạng ấy là có thật và đáng lo (có thể nhìn thấy như vậy, nhưng không có một nghiên cứu thật sự thì làm thế nào biết được chính xác? - ít nhất cũng là một nghiên cứu ngắn gọn thôi của người viết cho một số độc giả ngẫu nhiên). Hai là phải thuyết phục được là động cơ đọc báo mạng hiện nay của đa số người đọc là "mì ăn liền" - lại phải nghiên cứu ;-)
Ba là hệ quả - lại cũng phải nghiên cứu, không thì làm thế nào biết được là nhãn quan do đọc báo mạng và nhãn quan do đọc báo giấy nó khác nhau? Mà nếu nó khác nhau thì đó là do số người đọc khác nhau từ đầu hay là vì đọc báo mạng mà bỗng nhiên nó khác đi?




AI - hype and reality

  AI – cường điệu và thực tế Nguyễn Vạn Phú Bạn đôi lúc có cảm giác hơi hơi mặc cảm vì chung quanh đọc đâu cũng thấy bàn về AI (trí tuệ ...